Cả làng trồng hoa cúc

Thứ ba - 23/01/2018 18:09
Tận dụng những vùng cát lớn bỏ hoang trong làng, hơn 300 hộ dân khối phố 5, phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn) rủ nhau trồng hoa cúc. Nhờ mô hình này, người dân có điều kiện phát triển kinh tế và tạo ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp tại địa phương.
Nông dân khối phố 5, phường Điện Trung Nam trao đổi kinh nghiệm trồng hoa cúc. Ảnh: NHƯ TRANG

Nông dân khối phố 5, phường Điện Trung Nam trao đổi kinh nghiệm trồng hoa cúc. Ảnh: NHƯ TRANG

1. Trước đây, nông dân khối phố 5 lo lắng vì đất rộng mà không trồng được gì, bởi các loại hoa màu không thích nghi với đất cát. Năm 2000, trong một dịp tham quan và học hỏi kinh nghiệm sản xuất tại TP.Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Ri ở Đội 9 nhận thấy hoa cúc có thể sinh tồn trên đất cát trắng, phù hợp với thời tiết các mùa trong năm. Từ đó, ông Ri tìm hiểu kỹ thuật, mua giống cúc Đà Lạt về trồng thử nghiệm trên diện tích 200m2. Sau hơn ba tháng cần mẫn chăm sóc, cúc hé nụ, nở hoa vàng tươi trông rất đẹp. Lúc này, ông Ri tiếp tục khai hoang 15 sào đất cát để nhập giống hoa cúc vàng hòe về trồng. Nhìn nhận hiệu quả mang lại từ việc phát triển mô hình trồng hoa cúc, ông Ri động viên anh em của mình là Huỳnh Tấn Kỳ, Huỳnh Tấn Mãi cùng khai hoang đất, nhập giống hoa cúc về trồng quy mô lớn. Không chỉ thế, con rể của ông Ri là anh Đặng Thái ở khối phố Quảng Lăng 2 cũng lặn lội vào thuê đất cát trồng hoa. Ông Ri nói: “Trước kia, tôi và anh em, con cháu đều đi làm thuê làm mướn cho người ta rất cực khổ. Từ khi phát hiện ra hoa cúc có thể trồng trên đất cát trắng tại làng, tôi quyết định chọn hướng đi này và đã thành công!”.

Người dân trong làng thấy gia đình ông Ri ăn nên làm ra từ giống hoa cúc, mọi người đến học hỏi kỹ thuật trồng hoa. Không ngần ngại, ông Ri chia sẻ kinh nghiệm và còn chỉ nơi cung cấp giống hoa đạt chuẩn cho mọi người. Được biết, hoa cúc ngắn ngày có vòng đời khoảng 2 - 3 tháng. Hoa cúc sinh trưởng nhờ phân chuồng, phân được bón trong 4 kỳ kể từ khi cấy giống hoa xuống đất cho đến lúc chớm nụ thu hoạch hoa. Theo kinh nghiệm của người dân, muốn hoa cúc sinh trưởng tốt, đòi hỏi đất phải sạch, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm và đặc biệt phải có kỹ thuật bấm tỉa cành khéo léo, như thế khóm cúc mới to và đẹp. Ông Lê Đức Cường ở Đội 8 cho biết: “Hồi mới trồng, tôi chỉ biết chăm lo bón phân, tưới nước chứ không biết cách bấm tỉa cành. Phải mất một thời gian lâu tôi mới học hỏi được kỹ thuật này. Trồng cúc giỏi hay không cũng do yếu tố bấm tỉa quyết định!”. Ngoài loài cúc ngắn ngày, nông dân còn đầu tư trồng cúc pha lê chưng tết, loại cúc kiểng này có thời gian sinh trưởng 5 - 6 tháng và quá trình chăm sóc hết sức kỹ lưỡng. Trồng thời gian dài và bỏ nhiều công sức, cũng đồng nghĩa với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng người nông dân thu về sau mỗi dịp bán hoa tết.

2. Sau hơn 20 năm kể từ ngày mang giống hoa cúc về trồng trên đất cát trắng, cuộc sống người dân khối phố 5 phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn) đổi thay, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Bà Trương Thị Thúy thuộc diện hộ nghèo của địa phương, một mình bà mưu sinh đủ nghề để nuôi con nhỏ nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Thấy bà con trong làng ai nấy đều trồng hoa cúc, bà Thúy tập tành trồng thử nghiệm. Ban đầu, bà chỉ trồng với diện tích nhỏ, khi đã thành thạo tay nghề, bà Thúy đầu tư thêm nhiều giống hoa cúc khác như cúc pha lê, bách nhật, thạch bích… trên diện rộng với hơn 20 sào. Nói về hiệu quả kinh tế của việc trồng hoa cúc, bà Thúy cho biết: “Từ khi tận dụng đất cát trồng hoa cúc, mỗi tháng tôi thu về gần 20 triệu đồng. Nhờ thế mà tôi có điều kiện xây nhà, nuôi con học đến đại học, bây giờ nó ra trường làm công an, tôi tự hào lắm!”.

So với nông dân sống ở các làng khác quanh năm trồng hoa màu, nông dân ở khối phố 5 đa số đều đổi đời nhờ việc trồng hoa cúc. Mỗi buổi chiều, các vườn hoa cúc lại chộn rộn tiếng xe của thương lái tìm đến mua hoa với giá 400.000 đồng/bành 50 cây. Ngày mồng một và ngày rằm âm lịch, số hoa bán ra gấp 3 lần ngày thường, giá cả cũng tăng cao hơn. Dạo quanh các vườn hoa cúc, chúng tôi dừng lại ở vườn của ông Huỳnh Tấn Hải. Ông Hải chia sẻ: “Năm nay, ngoài số cúc ngắn ngày, tôi trồng thêm 2.000 chậu hoa cúc kiểng bán tết. Hiện đã có một số thương lái đến tận vườn đặt cọc, tầm giáp tết sẽ có xe tải vào chở ra TP.Đà Nẵng bán!”. Cùng với ông Hải, trong dịp này, bà con nông dân trồng hoa cúc trong làng cũng đang chăm bẵm hàng ngàn chậu cúc kiểng pha lê nhằm cung ứng cho thị trường. Đây là khoảng thời gian quan trọng, hội tụ hết các khâu tỉa cành, nhặt búp hoa và phòng trừ bệnh úa phiến lá, đòi hỏi nông dân phải cần mẫn, khéo léo thì hoa cúc mới đạt chất lượng tốt. Ông Lê Đình Bê - Chủ tịch Hội Nông dân phường Điện Nam Trung cho biết: “Việc trồng hoa cúc trên cát trắng đã tạo hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương. Tiếp nối thành công từ việc trồng hoa cúc ở khối phố 5, chúng tôi đã mở lớp dạy kỹ thuật trồng hoa cúc cho nông dân các khối phố khác. Tương lai đến, hoa cúc vàng tươi sẽ phủ kín vùng cát này, chắc chắn đời sống của người nông dân sẽ phát triển hơn!”.

NHƯ TRANG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 95384

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1755051

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 14862654