Mô hình "chân biển, chân bờ"

Thứ tư - 21/12/2016 20:15
Hội Nông dân xã Bình Minh (Thăng Bình) đang triển khai những mô hình kinh tế mới với tên gọi "chân biển, chân bờ" nhằm giúp người dân vùng biển có thêm nguồn sinh kế, ổn định cuộc sống.
Mô hình "chân biển, chân bờ"

Mô hình "chân biển, chân bờ"

Ông Hoàng Anh Dũng có thâm niên gần 50 năm đi biển. Giờ đây tuổi đã lớn, không còn sức tiếp tục theo nghề, được Hội Nông dân xã cho vay vốn, ông chuyển sang đầu tư trồng nấm sò. Mỗi ngày thu hoạch 10 - 20kg nấm, có lúc lên đến 40 - 50kg, mang về lợi nhuận trung bình 200 - 300 nghìn đồng/ngày. “Thị trường giờ chuộng loại nấm sò này, hơn cả nấm rơm. Tôi đi  bán ở nhiều chỗ như TP.Hội An hay thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên). Ngày thường giá 30 nghìn đồng/kg; riêng rằm, mùng một là 50 - 60 nghìn đồng/kg. Nhiều chỗ muốn  ký hợp đồng cung cấp nấm số lượng lớn mà mình không dám vì không đủ hàng” - ông Dũng phấn khởi nói. Người nông dân này còn cho biết, dự định sẽ mở rộng đến các hộ khác tham gia trồng nấm, thành lập tổ hợp tác để đẩy mạnh nghề trồng nấm tại địa phương.
Mô hình trồng nấm sò mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân. Ảnh: K.T
Mô hình trồng nấm sò mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân. Ảnh: K.T

Cũng như gia đình ông Dũng, đầu năm 2015, được sự tư vấn của Hội Nông dân xã Bình Minh, gia đình ông Trần Viết Hùng đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi bò. Tận dụng hơn 2 sào đất bỏ hoang để trồng cỏ, từ 4 con bò ban đầu, giờ ông đã sở hữu đàn bò hơn chục con. “Đi biển giờ cũng bấp bênh lắm, sợ gió bão, phong ba. Vậy nên mình phải chuyển đổi, riêng nhà tôi giờ chăn nuôi bò thì thu lợi hơn gấp 2, gấp 3 lần so với đi biển trước đây” - ông Hùng chia sẻ.

Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp như trên thuộc chương trình “chân biển, chân bờ” được Hội Nông dân xã Bình Minh triển khai từ năm 2015. Mục tiêu nhằm giúp cho người dân vùng biển có thêm sinh kế, thêm nguồn thu nhập. Ông Mai Văn Triều - Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Minh cho biết: “Nghề đi biển chỉ kéo dài khoảng thời gian nhất định, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Đôi khi ngư dân phải nằm bờ dài ngày vì thời tiết, không có việc làm, đời sống nhiều người bấp bênh. Chính vì thế chúng tôi suy nghĩ chuyển đổi ngành nghề, vừa có thể làm kinh tế ở bờ, vừa có thể đi biển”.

Tuy chỉ mới được triển khai thực hiện hơn một năm nay, nhưng chương trình đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Các hộ tham gia ban đầu như ông Dũng, ông Hùng đang thành công với mô hình kinh tế mới của mình. Và từ kết quả này, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con. Giờ đây, đông đảo người dân ở Bình Minh đã quan tâm đến việc phát triển thêm kinh tế nông nghiệp thay vì thuần về ngư nghiệp như trước đây. Không có lợi thế nhiều về trồng trọt do đất đai bạc màu, cằn cỗi, xã Bình Minh xác định lấy chăn nuôi làm trọng tâm trong việc phát triển nông nghiệp ở địa phương. Tính đến hết năm 2015, toàn xã có tổng đàn gia súc ước khoảng 1.100 con bao gồm cả heo, bò, dê và đàn gia cầm khoảng 1.800 con, chủ yếu là gà, vịt. Đây là những con số rất nhỏ so với các địa phương khác, nhưng đã cho thấy bước chuyển biến mới trong việc phát triển chăn nuôi ở xã biển Bình Minh.

Để tạo nền tảng cho việc phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả, thời gian qua, Hội Nông dân xã Bình Minh đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân. Sắp đến, những chương trình như thế sẽ tiếp tục được triển khai. Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế tiềm năng khác cũng đang được ấp ủ thực hiện trong thời gian tới. Hiện tại, chính quyền địa phương đã cho phép quy hoạch 5ha đất chuyên canh rau sạch. Và Hội Nông dân xã đang trong giai đoạn xây dựng đề án để thực hiện mô hình trồng trọt này, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Nhiều hướng đi đã được mở, tuy nhiên người dân vùng biển vốn không có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển nông nghiệp. Chính vì thế, để chương trình này có thể phát huy hiệu quả đường dài thì cần phải có sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa từ các ngành chức năng. “Hiện tại người dân đang có nhu cầu rất lớn về nguồn vốn và cây con giống. Nếu được nhà nước hỗ trợ thêm, kinh tế nông nghiệp địa phương sẽ có hướng đi ổn định hơn” - ông Triều cho biết thêm. Hiện tại, cơ cấu kinh tế của Bình Minh là 6% nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi; 30% thương mại, dịch vụ; 64% khai thác hải sản. Mục tiêu của Hội Nông dân trong nhiệm kỳ 5 năm tới là nâng tỷ lệ nông nghiệp lên ít nhất 10 - 15%.

Với hướng đi này, nếu nghề biển gặp biến động bất lợi của thị trường, hay phải nằm bờ dài ngày vì thời tiết thì người dân vùng biển Bình Minh vẫn có nguồn thu nhập ổn định từ trồng trọt, chăn nuôi. Rõ ràng việc chủ động chuyển đổi ngành nghề phù hợp không chỉ giúp đời sống của người dân được cải thiện mà còn tạo nền tảng kinh tế vững chắc để họ có thể vươn khơi bám biển. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị cho ngành nông, lâm, ngư nghiệp của địa phương. 

Tác giả bài viết: Kim Thoa

Nguồn tin: QNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 37

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 34


Hôm nayHôm nay : 21800

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2126463

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12980088