Nông dân làm giàu

Thứ sáu - 27/04/2018 11:31
“Làm nông tuy cực nhưng dám nghĩ dám làm và có sự đầu tư hợp lý thì sẽ mau chóng thu được thành quả”. Đó là chia sẻ của ông Phùng Văn Thưởng (trú thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) - người đang thành công với trang trại chăn nuôi và phong trào liên kết sản xuất...
Ông Thưởng (bìa trái) thu hoạch ao cá nước ngọt.

Ông Thưởng (bìa trái) thu hoạch ao cá nước ngọt.

Hiệu quả cao từ chăn nuôi

Ông Thưởng cũng như nhiều nông dân khác tại xã Bình Trung, từng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên những cánh đồng nay được mai mất. Nhưng với tinh thần cầu tiến, quyết chí làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông chuyển sang làm kinh tế theo hướng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Năm 2005, trên diện tích 2,6ha đất lúa của gia đình, ông đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và ao nuôi cá với kinh phí lên đến chục tỷ đồng. “Ban đầu lên kế hoạch, gia đình ai cũng ngăn cản, nhưng tôi quyết tâm làm đến cùng. Bao nhiêu tiền của gia đình cũng đầu tư hết, thậm chí còn vay hết chỗ này đến chỗ khác để xây dựng trang trại” - ông Thưởng nói.

Nhờ chủ động mày mò học hỏi cộng thêm kinh nghiệm sẵn có, chỉ vài năm hoạt động, trang trại của ông đã đem lại những hiệu quả tích cực. Không dừng lại ở đó, năm 2008, ông tiếp tục thuê lại 3,4ha đất dự án công trình nông nghiệp bỏ hoang tại địa phương để mở trang trại thứ hai với quy mô tương tự. Bên cạnh đó, ông còn liên tục đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại trong chăn nuôi để giảm thiểu thời gian chăm sóc.

Đến thời điểm hiện tại, hai trang trại của ông Thưởng đang nuôi tổng cộng gần 70 con bò, 170 con dê, 700 con heo,180 con heo rừng, 5.000 con ngan Pháp và hơn 1.000 con vịt nuôi đẻ lấy giống. Các sản phẩm từ trang trại ông đều đảm bảo chất lượng và được thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng rất ưa chuộng. Đặc biệt, gần 20.000m2 ao nuôi cá nước ngọt của ông Thưởng đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt nhất. Mỗi năm nuôi một lứa, trừ tiền chi phí, mỗi lứa trung bình ông lãi gần 500 triệu đồng.

Hiện trang trại của ông tạo điều kiện cho 5 lao động địa phương có công việc làm ổn định. Ông Hồ Thanh Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung cho biết: “Trên địa bàn xã, ít ai như ông Phùng Văn Thưởng; ông ấy mạnh dạn đầu tư làm kinh tế nông nghiệp từ hướng đi mới. Bằng cách làm hiệu quả, trang trại của ông luôn duy trì sự ổn định và gặt hái được những thành công rất đáng khích lệ”.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất

Khi đã bắt đầu thành công với trang trại của mình, ông Thưởng quay lại tìm cách giúp những người nông dân địa phương, để cùng nhau vươn lên làm giàu. Sau nhiều lần cố gắng, ông đã ký kết hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng Việt Nam nhằm hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm lúa cho nông dân 8 xã của Thăng Bình.

Với những thành quả và đóng góp cho ngành nông nghiệp tỉnh, ông Phùng Văn Thưởng được UBND tỉnh khen tặng danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Ngoài ra ông còn là tấm gương điển hình cho phong trào xây dựng mô hình nông nghiệp kiểu mới.

Ông Thưởng cho biết, cứ tháng 10 hàng năm, ông đến các xã để vận động bà con đăng ký lượng giống lúa vụ đông xuân. Sau khi tổng hợp lại, ông gửi số liệu ra Hà Nội cho công ty xét duyệt và đưa giống về cho bà con gieo trồng. Trong quá trình canh tác, nếu bà con gặp khó khăn, ông sẽ phối hợp với cán bộ nông dân các địa phương trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật và ứng phó với những trường hợp sâu bệnh. Đến cuối vụ, ông thuê máy gặt đập liên hợp để hỗ trợ bà con gặt lúa và thu mua ngay tại ruộng. Năm 2017, ông đã liên kết sản xuất cho hàng trăm hộ với tổng diện tích canh tác hơn 500ha và lượng giống lên đến 2.000 tấn. “Liên kết sản xuất sẽ giúp bà con nông dân mình bớt nỗi lo về đầu vào, đầu ra. Tôi làm các dự án này không thu lời bao nhiêu, chủ yếu giúp đỡ nông dân, chung tay nhau làm nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới” - ông Thưởng nói.

Chính việc thành công với dự án kể trên nên năm 2015, ông là một trong những nông dân được chọn tham gia Chương trình 135 của tỉnh để cung cấp giống cây trồng, vật nuôi cho các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Thăng Bình... Theo đó, đối với giống cây trồng, ông tiếp tục thương thảo với Công ty CP Giống cây trồng Việt Nam để ký kết hợp đồng và mở rộng vùng liên kết sản xuất. Còn với giống vật nuôi, ông đầu tư máy ấp trứng công suất lớn để phân phối 20.000 vịt giống và gần 10 tấn thức ăn gia cầm mỗi tháng. Ngoài ra, ông trực tiếp ra các tỉnh phía Bắc để chọn các giống gà, heo, bò để hỗ trợ nông dân đúng theo yêu cầu của chương trình. “Giống vật nuôi cấp ra đều đã được tôi nuôi thử nghiệm và trải qua quá trình kiểm dịch nghiêm ngặt, nên tính hiệu quả kinh tế luôn đảm bảo. Người dân thì yên tâm chăm sóc theo đúng yêu cầu kỹ thuật, thị trường đã có các doanh nghiệp liên kết đảm nhiệm” - ông Thưởng chia sẻ.

Tác giả bài viết: HỒ QUÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 73331

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1540199

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12393824