Vườn cây tiền tỷ của cựu chiến binh

Thứ năm - 05/01/2017 00:46
Với phương pháp ép cây “đẻ” quả trái vụ, ông Trần Văn Chung, một cựu chiến binh ở thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) đang sở hữu vườn cây ăn quả cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Cựu chiến binh Trần Văn Chung bên cây bưởi da xanh. Ảnh: HỒNG BẰNG

Cựu chiến binh Trần Văn Chung bên cây bưởi da xanh. Ảnh: HỒNG BẰNG

Vườn Nam Bộ trên đất Quảng

Từ thị trấn Núi Thành vượt gần 40km, chúng tôi tìm đến trang trại cây ăn quả của ông Chung. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi trước mắt là một khuôn viên bạt ngàn cây ăn quả, giống như vườn Nam Bộ. Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, ông Chung cho biết từ khi xuất ngũ trở về, ông làm việc tại địa phương, tiền lương được hưởng theo chế độ trợ cấp nên không đủ ăn. Năm 1992 ông bàn với vợ rồi quyết định bán căn nhà dưới đồng bằng để lên khu vực núi Nà Đình (nay là trang trại) mua 8.000m2 đất để lập nghiệp. Những ngày đầu khởi nghiệp, ông chủ yếu trồng keo. Còn bao nhiêu diện tích, hàng ngày vợ chồng ông ra sức khai hoang, cải tạo đất để trồng cây sắn, mía kiếm thêm thu nhập.

Năm 2003, một dịp vào Nam để thăm đồng đội, chứng kiến bạn mình sở hữu một vườn cây ăn trái cho lợi nhuận cao, ông nảy sinh ý định đem những giống cây này về quê trồng. “Ý tưởng của tôi là vậy nhưng để đưa được những giống cây ấy về quê trồng lại là một quá trình, vì sợ chúng không hợp với khí hậu, mặt khác nguồn vốn ít ỏi nên không đủ kinh phí để mua cây giống” - ông Chung trải lòng. Để có kinh nghiệm với cây ăn quả Nam Bộ, ông xin ở lại nhà bạn để học hỏi cách trồng và chăm sóc. Khi trở về, hành trang ông mang theo là chút kinh nghiệm và gần 3.000 cây xoài ghép tứ quý Thái Lan. Khi đưa cây giống về trồng, nhiều người dân không tin rằng loại cây này có thể sống được ở đây. Bỏ ngoài tai những hoài nghi, hàng ngày ông vẫn cặm cụi chăm sóc vườn cây trái của mình. Sau hơn 4 năm miệt mài, những cây xoài bắt đầu cho thu hoạch trong niềm hạnh phúc của hai vợ chồng. Bình quân mỗi cây xoài ông thu hơn 30kg, với giá bán 20 - 25 nghìn đồng/kg, mỗi vụ ông thu cả hàng trăm triệu đồng. Có chút vốn, trong khi diện tích đất còn đang bỏ không, ông tiếp tục nhập thêm giống bưởi da xanh, chanh, quýt Thái, cam, chôm chôm... về trồng. Sau hơn 10 năm gắn bó với giống cây Nam Bộ, đến nay trang trại của ông có tổng diện tích gần 15.000m2 tương đối bằng phẳng. Trong đó có 8.000m2 trồng xoài (với hơn 4.000 cây), 1.000m2 bưởi da xanh (300 cây), 1.000m2 chanh (hơn 100 gốc) và 2.000m2 trồng khoảng 200 trăm gốc quýt Thái, cam, chôm chôm đan xen nhau. Ngoài ra còn có một phần diện tích dùng để trồng keo. Riêng cây ăn quả, mỗi năm đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Còn cây keo, sau chu kỳ 5 - 7 năm cho doanh thu hơn 5 tỷ đồng.

Ép cây “đẻ” quả trái vụ

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, từng gốc cây trái giống Nam Bộ trải dài theo triền dốc, ông Chung cho biết để có được những thành công như hôm nay là một quá trình dài với nhiều khó khăn và thử thách. “Ngày trước khi đặt chân lên đây là một vùng đất hoang vu, sỏi đá. Cuộc sống tuy cô độc nhưng mình lại tìm được niềm vui riêng. Giờ trang trại của tôi có nhiều người ngỏ ý muốn sở hữu với giá 10 tỷ đồng nhưng tôi không bán” - ông Chung tâm sự. Cũng theo ông Chung, trang trại của gia đình trồng chủ lực là cây xoài, các loại cây còn lại chỉ là phụ. Hơn 4.000 gốc xoài ra hoa từ tháng 3 âm lịch và cho thu hoạch vào tháng 7. Tất cả sản lượng thu đều được ông đưa vào chợ đầu mối Thủ Đức TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ. “Việc đưa trái cây ở Quảng Nam vào Nam tiêu thụ nói ra thì sẽ không ai tin, có người cho rằng đó là một chuyện nghịch lý, nhưng chuyện lạ như thế lại có thật. Khi trái cây của gia đình tôi xuất ra thị trường thì cả nước sẽ không ai có. Các sản phẩm được làm trái vụ nên giá bán rất cao, hầu như năm nào cũng cháy hàng” - ông Chung nói.

Ông Chung chia sẻ thêm, cây trái ở miền Trung thường ra hoa vào tháng Giêng nhưng vườn xoài của ông thì mãi đến tháng 3 mới ra hoa. Sau khi thu hoạch xong, ông tiến hành bấm cành như cây cà phê, rồi cho cây ngủ đông qua hết tháng Giêng. Khi cây xoài ra lộc thì đổ thuốc vào gốc để xử lý lá độc thân. Khi ra đọt thì phun thuốc kích bông, đến tháng 3 âm lịch cây xoài sẽ cho hoa, đến tháng 7 có thể thu hoạch trái vụ. “Cách làm này đã ép được cây xoài ra hoa đúng ý mình. Ngoài cây xoài tôi đã áp dụng thành công đối với cây bưởi xanh, cây chanh, cam... để chúng ra quả như ý muốn. Có thể nói mình đang ép cây đẻ quả trái vụ” - ông Chung cười hiền nói.

Mỗi năm ông Chung xuất vào thị trường miền Nam gần 100 tấn xoài. Trong khi đó vụ xoài Nam Bộ thường vào đầu tháng 6 đã kết thúc, còn vườn cây của ông thì tháng 7 mới cho thu hoạch. Như vậy đúng lúc này ở miền Nam không có xoài để bán thì ông lại chở vào tiêu thụ. Với kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với miệt vườn Nam Bộ, ông Chung cho hay, muốn giống cây này phát triển tốt thì cần có những phương pháp cụ thể, hầu hết loại cây này phải được bón phân vi sinh, phân chuồng để cây hấp thụ dinh dưỡng giúp phát triển nhanh. Ngoài ra phải thường xuyên nhổ cỏ, phát quang bụi rậm để ngăn ngừa các mầm bệnh. “Cây ăn quả của tôi đang bị bệnh ruồi vàng chích quả rất nhiều, khiến xoài, bưởi da xanh, chanh... bị rụng vô kể, một năm có thể gây thất thoát 20 - 30 tấn. Tôi đang tìm biện pháp cũng như theo dõi để khắc phục hiện tượng này. Sắp tới tôi nghiên cứu để đưa cây bơ bút ở Đắk Lắk về địa phương trồng, bởi loại cây này cho kinh tế rất cao” - ông Chung nói thêm.

Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay ông Trần Văn Chung đã sở hữu vườn cây trái Nam Bộ cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó ông còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Tác giả bài viết: Hồng Bằng

Nguồn tin: QNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 95736

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1510817

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12364442