Giúp nhau mùa gieo cấy

Thứ năm - 18/01/2018 00:51
Không chỉ duy trì được tập tục r’ving/tr’coom (quay vòng, đổi công) trong đời sống sản xuất, đồng bào vùng cao còn tạo nên nếp sống văn hóa cộng đồng từ việc giúp nhau trong vụ mùa gieo cấy, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
ột nhóm phụ nữ vùng cao giúp nhau gieo cấy lúa vụ đông xuân trước Tết Nguyên đán. Ảnh: Đ.N

ột nhóm phụ nữ vùng cao giúp nhau gieo cấy lúa vụ đông xuân trước Tết Nguyên đán. Ảnh: Đ.N

“Ruộng chung” của làng

Nắng đã lên một ngày cuối năm. Sau tiếng kẻng, dưới mái gươl làng Tà Vàng (xã A Tiêng, Tây Giang), rất đông người dân tập trung chuẩn bị cho buổi gieo cấy lúa chung, giúp một hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nhất làng. Đó là hộ ông Bh’ling Eng, 50 tuổi, vừa bị tai biến cách đây không lâu. Trưởng thôn Tà Vàng - ông Alăng Nheeng cho hay, vợ chồng ông Eng có 3 người con, hai người con đầu đều lấy chồng xa, còn đứa con gái út đang học ở TP.Tam Kỳ nên không giúp gì được cho cha mẹ. Chia sẻ với hoàn cảnh của ông Eng, dân làng Tà Vàng đã cùng nhau góp công gieo cấy, kịp vụ mùa đông xuân. “Mà gia đình nào cũng thế thôi, hễ gặp khó khăn gì, cũng đều được dân làng giúp. Từ gieo cấy, dựng nhà cửa, cho đến góp gạo ăn, củi đốt. Nếp sống của người vùng cao là vậy, sống chung làng, hòa thuận như anh em một nhà” - ông Nheeng chia sẻ.

Khu ruộng lúa nước nơi dân làng Tà Vàng giúp hỗ trợ gia đình ông Eng gieo cấy lúa thuộc đất sản xuất Ta Lăn, cách làng chỉ chừng hơn một cây số. Nơi này được xem như ruộng lúa chung của làng, rộng hơn 2ha, đủ đầy hệ thống kênh mương thủy lợi theo mô hình lúa nước SRI. Theo đó, đất ruộng được chia đều theo từng hộ, họ góp sức, đổi công để làm chung, từ công việc cày bừa, gieo hạt, cho đến lúc thu hoạch, mang thóc lúa về nhà. Nhiều ngày qua, dù thời tiết mưa gió, nhưng trên cánh đồng lúa chung ấy, người dân ở Tà Vàng vẫn đều đặn giúp nhau gieo cấy, đảm bảo cho vụ mùa đông xuân hoàn thành trước dịp Tết Nguyên đán. Ngoài hộ ông Eng, trước đó người làng cũng đã hỗ trợ giúp gia đình ông Hôih Chrâl hoàn tất công việc trồng lúa nước, do hai vợ chồng ông liên tục ốm đau, hoạn nạn.

Ông Blúp Ấm Lòng - Phó Chủ tịch UBND xã A Tiêng cho biết, không chỉ riêng Tà Vàng, hầu hết khu dân cư khác của địa phương như Ahu, R’bhượp, Achir… cũng đều triển khai công việc đồng áng, giúp nhau gieo cấy lúa theo tập tục r’ving/tr’coom. Tập tục này được duy trì rất lâu đời, xuất phát từ tinh thần đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống của đông bào vùng cao. “Ở mỗi làng, ngoài việc đổi công trong lao động sản xuất, đồng bào còn huy động lực lượng hỗ trợ giúp ngày công đối với các trường hợp khó khăn, nhất là những người già neo đơn, các gia đình chính sách, người tàn tật. Tinh thần cộng đồng đó luôn được phát huy, tạo điều kiện tiếp sức các hộ khó khăn, hoạn nạn có cơ hội vươn lên trong phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống lâu dài” - ông Blúp Ấm Lòng cho biết thêm.

Lan tỏa văn hóa cộng đồng

Ở vùng cao, mỗi năm, đồng bào đều thực hiện 2 vụ mùa lúa nước lẫn lúa rẫy. Dù vụ mùa nào, tinh thần cộng đồng luôn được duy trì như một nếp sống văn hóa, có sức lan tỏa. Theo ông Bh’riu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng, trong văn hóa cộng đồng của đồng bào vùng cao, góc nhìn rõ nhất thường được quy ước từ điểm chung tại mỗi làng. Bởi ở đó, không chỉ hội tụ đủ các yếu tố về cộng đồng dân cư, mà còn có vai trò như một công năng của xã hội. Từ làng, mối thân giao, gắn kết sẽ dần được mở rộng trong cuộc sống cộng đồng vùng cao. “Với người Cơ Tu, tục r’ving/tr’coom luôn diễn ra trong mọi hoạt động đời sống thường ngày của đồng bào. Như một dịp để giúp nhau, vừa tiết kiệm được thời gian lao động, vừa tạo được sự gắn kết, thể hiện tinh thần cộng đồng làng. Ngoài ra, ở nhiều vùng, đồng bào giữa các làng bản này với làng bản khác cũng thường xuyên đổi công, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, xây dựng nhà cửa, cưới hỏi, xem đó như một nếp sống văn hóa lâu đời” - ông Quân nói.

Mới đây, trong chuyến trở về với vùng cao Đông Giang, chúng tôi cũng tình cờ bắt gặp một nhóm người phụ nữ ở thôn Đh’rôồng (xã Ta Lu) đang miệt mài gieo cấy lúa ngay cạnh quốc lộ 14G. Công việc diễn ra rất nhanh, chỉ chừng hơn mười phút, một đám ruộng đầu tiên đã được gieo hoàn tất, rồi tiếp tục di chuyển sang đám khác. Chị Pơloong Thị Manh cho hay, sau thời gian mưa kéo dài, tranh thủ những ngày trời nắng, chị em phụ nữ trong làng cùng nhau xuống đồng giúp đổi công để kịp vụ đông xuân. Hơn 20 người, họ phân chia theo từng công việc cụ thể nên thời gian giúp nhau cũng dần được rút ngắn. “Từ việc giúp nhau cày bừa, gieo mạ chung, mà tình cảm chị em phụ nữ ngày càng trở nên thân thiết. Năm nào chúng tôi cũng đều giúp nhau, khi thì làm ruộng, khi thì làm rẫy, trồng keo, trồng chuối để phát triển kinh tế gia đình. Cứ quay vòng, từ công việc này đến công việc khác” - chị Manh bộc bạch. Cũng như người Cơ Tu, cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn như Ve, Tà Riềng, Bh’noong… cũng đều duy trì các tập tục đổi công, quay vòng trong đời sống lao động sản xuất, giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa cộng đồng dân cư miền núi.

Cuối năm, đi dọc theo các tuyến đường lên các bản làng vùng cao, nơi nào cũng thấy từng tốp người cùng nhau gieo cấy chung trên những cánh đồng lúa nước. Nụ cười tươi trên từng gương mặt, họ gấp rút công việc, để chờ đón một mùa xuân nữa, lại về.

ĐĂNG NGUYÊN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 95736

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1516240

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12369865