Hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất

Chủ nhật - 28/06/2020 22:21
Những năm gần đây, nhờ nỗ lực dồn điền đổi thửa, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu nên một số địa phương đã hình thành được nhiều mô hình canh tác giống lúa, các loại cây trồng cạn chủ lực với quy mô vừa và lớn. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã liên kết với nông dân tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị.
Bình quân hằng năm, Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất ít nhất 1.500ha giống lúa hàng hóa theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Ảnh: VĂN SỰ

Bình quân hằng năm, Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất ít nhất 1.500ha giống lúa hàng hóa theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Ảnh: VĂN SỰ

Chuyên canh cây trồng cạn theo chuỗi

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) cho hay, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ việc sản xuất “Dầu phụng Đất Quảng” (đã được xếp hạng OCOP 3 sao năm 2018), những năm qua đơn vị liên kết với nông dân địa phương canh tác giống đậu phụng sẻ theo chuỗi giá trị sản phẩm sạch. HTX chọn 10ha đất trên bãi biền thuộc thôn Phú Đông để quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh đậu phụng tập trung; các đơn vị liên quan đầu tư kinh phí kéo hệ thống điện ra khu bãi biền để thủy lợi hóa toàn bộ diện tích vừa nêu.

Từ năm 2017 đến nay vụ đông xuân nào HTX Nông nghiệp Điện Quang cũng liên kết với 42 hộ dân ở thôn Phú Đông sản xuất 10ha đậu phụng sạch. Những hộ dân tham gia mô hình được ngành nông nghiệp Điện Bàn hỗ trợ một số khâu trọng yếu.

Riêng đông xuân 2019 – 2020, từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh phân bổ theo cơ chế “Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản”, UBND thị xã Điện Bàn đã chi 600 triệu đồng hỗ trợ người dân 100% tiền mua hạt giống đậu phụng với định mức 9kg/sào và 30% tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

“Với 10ha đất sản xuất, mỗi vụ 42 hộ dân của thôn Phú Đông thu hoạch được khoảng 24 – 26 tấn đậu phụng khô và bán cho HTX với mức giá 27 nghìn đồng/kg, cao hơn thị trường 1 nghìn đồng/kg” - ông Thành nói.

Mô hình liên kết sản xuất ớt theo chuỗi giá trị giúp người dân xã Duy Châu (Duy Xuyên) có nguồn thu nhập cao và yên tâm về khâu tiêu thụ. Ảnh: VĂN SỰ
Mô hình liên kết sản xuất ớt theo chuỗi giá trị giúp người dân xã Duy Châu (Duy Xuyên) có nguồn thu nhập cao và yên tâm về khâu tiêu thụ. Ảnh: VĂN SỰ

Trong khi đó, ông Nguyễn Phê - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) cho biết, thời gian qua chính quyền xã Duy Châu đã quy hoạch xây dựng những vùng chuyên canh ớt theo phương thức sản xuất hàng hóa trên địa bàn 4 thôn Lệ Bắc, Bàn Nam, Thanh Châu, Tân Thọ với quy mô 32ha. Để chủ động nước tưới cho số diện tích ớt vừa nêu, xã đã chi 350 triệu đồng kéo hệ thống điện ra các xứ đồng và hỗ trợ nông dân đóng giếng ngay trên ruộng.

Theo ông Phê, từ năm 2017 đến nay, vụ đông xuân nào HTX Nông nghiệp Lệ Bắc cũng liên kết với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng tổ chức cho 250 hộ dân ở 4 thôn nêu trên sản xuất 32ha ớt xuất khẩu. Ngoài việc được hướng dẫn kỹ thuật, những hộ dân tham gia mô hình còn được các đơn vị liên quan hỗ trợ tiền mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... với định mức khoảng 600 nghìn đồng/sào/vụ theo cơ chế “Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản” của UBND tỉnh.

“Với số diện tích canh tác đó, mỗi vụ nông dân Duy Châu thu hái được 1.250 – 1.300 tấn ớt quả tươi. Toàn bộ sản lượng được công ty thu mua với mức giá sàn thấp nhất là 4 nghìn đồng/kg. Nếu giá ớt tươi trên thị trường cao hơn giá sàn, doanh nghiệp này đã cam kết thu mua theo hợp đồng ký kết từ đầu vụ sản xuất thì công ty sẽ thu mua theo đúng giá thị trường” - ông Phê nói.

Ngoài 2 mô hình trên, những năm gần đây chính quyền các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Phú Ninh... cũng tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu để hình thành nhiều vùng chuyên canh các loại cây trồng cạn chủ lực khác theo phương thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo thống kê, thông qua những HTX, hằng năm các doanh nghiệp liên kết với nông dân trên địa bàn Quảng Nam canh tác khoảng 700ha đậu xanh, dưa leo, ớt, bắp. Nhờ doanh nghiệp hỗ trợ các khâu đầu vào như hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... và bao tiêu đầu ra sản phẩm nên người dân yên tâm sản xuất.     

Đẩy mạnh liên kết sản xuất giống lúa

Thực hiện Quyết định số 41/QĐ-UBND (ngày 4.12.2014) về “Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản”, thời gian qua UBND tỉnh đã phân bổ cho các địa phương gần 4,3 tỷ đồng để hỗ trợ các HTX triển khai 35 phương án liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi.

Cách đây không lâu, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 291/QĐ-UBND (ngày 22.1.2020) về việc triển khai Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND (ngày 17.12.2019) của HĐND tỉnh về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam” (thay thế Quyết định số 41). Đến nay, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Sở NN&PTNT đã đề xuất Sở Tài chính, Kế hoạch & đầu tư xem xét hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố hơn 59,2 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển 23,4 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 35,8 tỷ đồng) để triển khai thực hiện cơ chế này trong năm 2020.

Ông Ngô Chí Cường – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1 cho hay, đông xuân 2019 – 2020 đơn vị liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn 3 thôn Trung Vĩnh, Dưỡng Xuân, Xuân Phú sản xuất 70ha giống lúa thuần theo hướng hàng hóa tập trung trên các cánh đồng mẫu. Thực hiện cơ chế “Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản” của tỉnh, ngành nông nghiệp Quế Sơn cùng chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân tham gia mô hình 100% chi phí mua hạt giống (định mức 3,5kg/sào) và 30% chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... “Qua đánh giá tại nhiều vùng cho thấy, vụ này sản xuất 1ha giống lúa thuần, nhà nông có thu nhập tăng thêm khoảng 20 - 24 triệu đồng so với làm thóc thịt” - ông Cường nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc HTX Duy Sơn (Duy Xuyên) cho biết, 5 năm trở lại đây, đơn vị liên kết với các công ty tổ chức cho nông dân sản xuất 35 - 40ha giống lúa mỗi vụ trên những cánh đồng mẫu ở các thôn Trà Kiệu Tây, Trà Châu... Ngoài việc phân bổ kinh phí để tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân, thời gian qua UBND huyện Duy Xuyên cũng quan tâm tiếp sức cho HTX trong quá trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

“Từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh cấp, đầu năm 2019 các đơn vị liên quan của huyện hỗ trợ cho HTX Duy Sơn 150 triệu đồng để có điều kiện mua sắm máy sấy lúa công suất lớn với tổng trị giá 185 triệu đồng. Có máy sấy, hơn 1 năm qua HTX và nông dân không còn lo lúa giống bị hư hại trong quá trình thu hoạch gặp thời tiết mưa gió” - ông Tấn nói.

Ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhờ nỗ lực dồn điền đổi thửa, tập trung tích tụ ruộng đất, xây dựng bài bản hạ tầng thiết yếu nên thời gian qua nhiều địa phương đã hình thành hàng loạt mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết nên bình quân hằng năm chính quyền cơ sở và các HTX nông nghiệp đứng ra làm khâu trung gian để các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất không dưới 4.000ha hạt giống lúa thuần và lúa lai. Thực tế cho thấy, mô hình liên kết sản xuất lúa giống mang lại cho nhà nông mức thu nhập tăng thêm từ 20 - 40% so với canh tác lúa thương phẩm.

Tác giả bài viết: NGUYỄN SỰ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 60

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 59


Hôm nayHôm nay : 11940

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2138266

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12991891