Tạo cơ hội cho nông dân phát triển kinh tế từ du lịch sinh thái, cộng đồng

Thứ ba - 20/11/2018 22:02
So với nông dân ở một số địa phương trong tỉnh, nông dân Hội An đã sớm đón bắt cơ hội phát triển kinh tế từ du lịch sinh thái cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền thành phố cũng đã có nhiều chủ trương, biện pháp để xâu chuỗi mối quan hệ mật thiết giữa du lịch với sản xuất nông nghiệp, tạo ra những giá trị riêng có cho điểm đến Hội An
Nông dân Hội an làm du lịch

Nông dân Hội an làm du lịch

Nông dân đón bắt cơ hội từ du lịch…
Mấy năm về trước, cũng như nhiều hộ nông dân ở xã Cẩm Thanh, gia đình anh Nguyễn Tuấn Liên ở thôn Vạn Lăng chỉ sử dụng ao đầm để nuôi tôm nước ngọt. Khi được mùa thì kinh tế tạm ổn, khi mất mùa thì lỗ cả vốn đầu tư. Dù bản thân đã có việc làm tương đối ổn định từ nghề cắt tóc nhưng khi nghĩ đến những người thân và nhiều lao động địa phương vẫn nhọc nhằn lam lũ, bấp bênh từ đồng ruộng và nghề biển, anh Nguyễn Tuấn Liên đã mạnh dạn bàn với gia đình chuyển toàn bộ diện tích ao nuôi tôm thành nơi làm du lịch. Anh đã cải tạo lại cảnh quan, dựng các nhà chòi trên ao, tìm hiểu, lắp đặt dụng cụ vui chơi trên ao hồ và sắm thêm ghe thuyền để đưa đón khách. Khởi đầu còn mới lạ nhưng sự táo bạo, mạo hiểm của gia đình Tuấn Liên đã dần cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, nhất là khi du khách biết và tìm về khu du lịch sinh thái này ngày càng nhiều. Từ đó, khu du lịch sinh thái Tuấn Liên không chỉ tạo được việc làm và tăng thu nhập cho cả gia đình mà hàng trăm lao động địa phương đã có việc làm từ dịch vụ bơi thúng chai, đưa đón khách tham quan rừng dừa, mở ra hướng mới trong việc hình thành sinh kế cho cộng đồng. Không chỉ tạo không gian dã ngoại sinh thái gắn liền với làng quê sông nước, anh Nguyễn Tuấn Liên còn thành công với việc dạy nấu ăn cho du khách và dẫn tour khách tham quan các làng rau hữu cơ, rau an toàn tại thành phố. Cũng nhờ vậy, nghề trồng rau ở nhiều làng nghề được mọi người biết đến nhiều hơn, giá trị kinh tế cũng theo đó mà tăng hơn so với rau ở nhiều miền quê trong tỉnh.
Cũng tương tự như cách làm trên, anh Trần Văn Khoa ở khối Phước Hải, phường Cửa Đại cũng chọn cách đi lên từ du lịch sinh thái cộng đồng. Từng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, sau vài năm làm cho một khách sạn tại thành phố, anh đã quyết định ra làm ăn riêng với chút ít kinh nghiệm và nguồn lực khởi nghiệp ban đầu chỉ vài ba chiếc thúng chai. Trần Văn Khoa đã từng bước kết nối với du khách, đặt tên cho tour là Hoian Eco –tour, đưa khách đi tham quan cảnh quan làng quê, với nhiều chương trình như Một ngày làm nông dân, cỡi trâu, đánh bắt cá, cày ruộng, gặt lúa, trồng rau, tưới rau, nấu ăn và trải nghiệm đời sống ngư dân như vãi chài, kéo lưới, tham quan rừng dừa, trồng dừa nước, vớt rác trên sông. Những hoạt động có ý nghĩa bảo vệ môi trường và liên quan đến đời sống cộng đồng này đã dần thu hút du khách đến với tour du lịch sông nước, cảnh quan, sản xuất nông nghiệp, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch cho thành phố Hội An. Trần Văn Khoa chia sẻ: “Tại Hội An tôi nghĩ rằng kinh tế nông nghiệp nông thôn đóng vai trò rất lớn đối với ngành du lịch. Dù rằng diện tích đất nông nghiệp của Hội An không nhiều như các huyện thị khác nhưng nông dân địa phương luôn nhạy bén, biết chọn lọc để sản xuất những mặt hàng phù hợp. Bà con làm rau, trồng hoa cây cảnh, trồng bắp và đánh bắt thủy hải sản sông nước đều có thể phục vụ du lịch với giá trị kinh tế cao. Giá trị các mặt hàng nông sản của Hội An không chỉ dừng lại ở việc đạt giá thành cao nhờ phục vụ du lịch mà đã mang lại thương hiệu cho vùng đất này. Du khách rất thích thú khi trải nghiệm tìm hiểu đời sống sản xuất sinh hoạt gắn liền với cảnh quan vùng nông thôn yên bình của Hội An. Vì vậy, các gia đình đều có cơ hội để phát triển kinh tế từ mảnh đất, đám ruộng của mình”.
Cùng với Nguyễn Tuấn Liên và Trần Văn Khoa, trong những năm gần đây, đông đảo các hộ nông dân Hội An đã bắt đầu chuyển hướng làm du lịch dịch vụ từ tiềm năng của địa phương và lợi thế của gia đình. Từ xã đảo đến vùng nông thôn và ngay cả ở các phường nội thị, nhiều hộ đã tận dụng cảnh quan vườn cây ao cá, đất đai thoáng rộng để mở các dịch vụ lưu trú homestay hoặc các nhà hàng, kết hợp dạy nấu ăn cho du khách từ những sản phẩm cây nhà lá vườn của gia đình và bà con trong thôn xóm làm ra. Ngay tại làng rau Trà Quế, một số hộ đã thành công với mô hình tổ chức cho du khách tham quan lưu trú và thưởng thức rau xanh, ẩm thực truyền thống. Ở các làng trồng rau khác như An Mỹ (Cẩm Châu), Thanh Đông (Cẩm Thanh), mỗi ngày cũng đón tiếp hàng trăm lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu. Nguồn lợi kinh tế từ rau sạch của các làng nghề cung cấp ra thị trường, đặc biệt là các cơ sở, nhà hàng trên địa bàn thành phố cũng được nâng dần. Người nông dân thấy được giá trị kinh tế nên yên tâm bám ruộng sản xuất, vừa góp phần giữ được cơ cấu lao động hợp lý cho nông nghiệp nông thôn, vừa tạo được sản phẩm du lịch ven đô cho thành phố. Ông Phạm Mèo, một người dân tham gia mô hình trồng rau hữu cơ ở thôn Thanh Đông nói: “3 năm nay chúng tôi thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ. Thật ra đây là phương thức sản xuất rau sạch từ mấy chục năm trước, khi mà các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa xuất hiện tràn lan như bây giờ. Chúng tôi làm rau hữu cơ, tạo nguồn phân hữu cơ nhờ ứng dụng kỹ thuật ủ phân vi sinh, vì vậy, rau quả đảm bảo các tiêu chuẩn bắt buộc của mô hình trồng rau hữu cơ. Đáng mừng là lượng rau hữu cơ của bà con sản xuất đều tiêu thụ nhanh, mạnh trên thị trường, nhiều lúc không đủ theo đơn đặt hàng của các cơ sở du lịch dịch vụ. Đương nhiên giá thành rau hữu cơ cao hơn các loại rau sản xuất theo quy trình thông thường. Nhờ vậy thu nhập của bà con đạt khá hơn và các cơ sở kinh doanh ẩm thực tin dùng, tiêu thụ nhiều hơn”.
Hỗ trợ nông dân làm kinh tế từ du lịch nông nghiệp…
Nhận thức rõ tiềm năng lợi thế và nhu cầu tất yếu trong việc  mở rộng không gian du lịch ra vùng ven, giảm áp lực cho phố cổ, đa dạng sản phẩm du lịch địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền thành phố Hội An đã chủ trương thực hiện tốt đề án xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa du lịch. Trong đó việc tạo cơ chế thuận lợi, hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế từ du lịch nông nghiệp luôn chú trọng. Ngoài việc định hướng giữ gìn không gian xanh tại các làng quê trước “làn sóng” đô thị hóa, thành phố đã đầu tư nâng cấp hệ thống điện, đường giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, vận chuyển của nông dân tại các làng nghề, các cánh đồng.
           
Các địa phương, các ban ngành đoàn thể cũng đã phối hợp xây dựng các mô hình phát triển kinh tế từ nông nghiệp sinh thái, cộng đồng, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Chỉ nói riêng Hội Nông dân thành phố, các cấp hội đã phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân lập hồ sơ vay vốn tín chấp từ các Ngân hàng, vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn dự án của Tỉnh hội để phát triển sản xuất, kinh doanh; tính đến cuối năm 2017 tổng dư nợ trong nông dân hơn 38 tỷ đồng, với hơn 2.670 hộ vay. Trong đó nhiều nhất là vốn ngân hàng CSXH dư nợ hơn 35 tỷ đồng với 2.045 hộ vay. Cùng với đó, Hội đã phối hợp tổ chức gần 100 lớp tập huấn chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực cho cán bộ, hội viên nông dân, vận động thành lập 38 Tổ dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi như bán vật tư, phân bón, giống cây trồng trả chậm... Ngoài ra từ phong trào thi đua xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, 5 năm nay, toàn thành phố đã huy động được hơn 2 tỷ đồng, trong đó ngân sách của các cấp chính quyền thành phố hỗ trợ hơn 600 triệu đồng, đã giải quyết cho hơn 575 lượt hộ vay phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch từ nông nghiệp. Ông Nguyễn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hội An cho biết: “nhờ làm tốt công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, đến nay, tỷ lệ hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn thành phố Hội An tăng đáng kể. Tính đến cuối năm ngoái, Hội An có đến 20.117 lượt hộ đạt danh hiệu hộ NDSXKDG các cấp”.
Hiện nay, Hội An đang tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng thành phố sinh thái văn hóa du lịch, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể các cấp, trong đó có tổ chức Hội Nông dân đang phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch sinh thái cộng đồng. Ngoài việc hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh, chăm bón, phòng, trừ dịch bệnh, các đơn vị đang triển khai mô hình trồng rau hữu cơ mở rộng ra các địa phương như Cẩm Kim, Cẩm Châu, hướng dẫn quy trình và kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh; chuyển giao một số cây trồng mới trên lĩnh vực hoa, cây cảnh, phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết và nhu cầu trang trí cảnh quan du lịch dịch vụ quanh năm, vận động nông dân giữ gìn, phát triển các cây trồng truyền thống có thương hiệu hàng hóa và giá trị du lịch như bắp nếp, ngô đồng, trà lá rừng Cù Lao Chàm, giữ gìn cảnh quan sinh thái làng quê làng nghề Cẩm Kim, Tân Hiệp, Cẩm Thanh, Cẩm Hà… Từ hướng này, cấp ủy chính quyền và các ban ngành đoàn thể của thành phố sẽ đạt được lợi ích kép, vừa giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình, vừa giữ gìn cảnh quan làng quê, sinh thái, đồng ruộng, mở rộng không gian du lịch bên ngoài khu phố cổ và tạo thêm sản phẩm du lịch mới lạ mà bình dị, quen thuộc cho du khách khi đến với Hội An.
 

Tác giả bài viết: HND THÀNH PHỐ HỘI AN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 52883

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1519751

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12373376