Vào mùa kiệu tết

Thứ hai - 12/12/2016 08:15
Diện tích trồng kiệu phục vụ tết ở các xã vùng đông Thăng Bình được mở rộng so với trước đây, kéo theo đó giá kiệu giống tăng cao, chỉ riêng tiền mua giống cũng đã lên tới 2,5 triệu đồng/sào.
Hơn nửa tháng nay, gia đình anh Nguyễn Lợi ở thôn Bình Trúc 2 (xã Bình Sa, Thăng Bình) tập trung vào trồng kiệu. Nhà anh có 7 sào đất nằm rải rác ở các động cát trong thôn, trong đó 4 sào dành để trồng kiệu, do thời tiết khá thuận lợi và đặc biệt là 3 năm trở lại đây kiệu luôn được mùa, được giá; tết năm ngoái, có lúc giá kiệu lên tới 40 nghìn đồng/kg. “Dân xứ cát quê tôi mấy đời trồng kiệu rồi, được mất gì cũng cứ nhìn vô đám kiệu mà tính chuyện tết nhứt” - anh Lợi nói. Cũng như bà con nông dân Bình Sa, thời điểm này nông dân các xã Bình Phục, Bình Triều, Bình Đào, Bình Giang cũng tập trung vào việc trồng cây kiệu. Hiện tại, hầu hết diện tích đất nà, trũng thấp, lứa kiệu đầu mùa đã được trồng xong, nay đã có 5 - 7 lá. Tranh thủ trời có mưa, bà con đưa phân chuồng, xác đậu, lá hoai ra ruộng để vô chân, bón thúc.
Vợ chồng anh Trần Tư (thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục) đang chăm sóc kiệu trà đầu của gia đình. Ảnh: B.A
Vợ chồng anh Trần Tư (thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục) đang chăm sóc kiệu trà đầu của gia đình. Ảnh: B.A

Anh Trần Tư ở thôn Bình Hiệp (xã Bình Phục) cho biết kiệu là cây ưa ẩm, thích hợp với đất cát pha nhiều mùn. Nếu được bón thúc đúng kỳ, cây sẽ sinh trưởng tốt, đẻ nhiều nhánh, củ to, nên khi trời có mưa là ai cũng lo vô phân... Trong khi đó, ở những khu vực nổng cao, thiếu nước, việc xuống giống kiệu đang được thực hiện khẩn trương. Theo ông Phan Ngọc Bốn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục, do mấy năm gần đây kiệu được mùa, được giá nên năm nay, một phần lớn trong tổng số 200ha diện tích đất màu của xã đã được bà con nông dân dùng để trồng kiệu, tập trung nhiều nhất ở các thôn Ngọc Sơn Tây, Tất Viên, Bình Hiệp. Ông Bốn nói thêm: “Kiệu chính là “cây ăn tết” của nhân dân xã. Đến lúc này chưa thể thống kê được tổng diện tích cây kiệu của vụ này là bao nhiêu vì việc xuống giống vẫn đang tiếp tục, nhưng theo thông tin sơ bộ chắc chắn tăng hơn so với năm trước”.

Không riêng gì xã trồng kiệu chủ lực là Bình Phục, diện tích trồng kiệu ở hầu hết xã vùng đông Thăng Bình năm nay cũng tăng mạnh. Theo nhận định của nhiều người, đây cũng chính là lý do làm cho giá kiệu giống tăng cao, hiện dao động ở mức 50 - 55 nghìn đồng/kg. Để trồng một sào kiệu, không kể phân bón và công làm đất, chỉ riêng tiền mua giống cũng đã lên tới 2,5 triệu đồng. Đối với những người chỉ trồng 1 - 2 sào hoặc có chuẩn bị giống từ trước thì không quá lo lắng, còn với những người trồng 8 - 9 sào, lại không trữ sẵn giống thì việc bỏ ra cùng lúc 20 - 25 triệu đồng để mua giống là không đơn giản.

Tuy nhiên, lợi thế là nhiều đại lý ở đây sẵn sàng cho người dân nợ tiền mua giống với điều kiện đến mùa thu hoạch ưu tiên bán hàng cho họ theo giá thị trường. Ông Nguyễn Mẫn ở thôn Ngọc Sơn Tây (Bình Phục) cho biết, nếu được mùa, cây kiệu sẽ cho năng suất khoảng 500kg/sào thì sẽ lãi lớn. Nếu không may mất mùa (thường thì chưa bao giờ xuống dưới 250kg/sào) và nếu giá cả vẫn ổn định ở mức 18 - 20 nghìn đồng/kg như trước đây thì người trồng kiệu cũng không đến mức lỗ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục Phan Ngọc Bốn, trong cơ cấu cây màu vụ đông của xã, cây kiệu vẫn là cây chủ lực. Mới đây một doanh nghiệp đã đến tìm hiểu và đặt vấn đề xây dựng một nhà máy chế biến nông sản ở đây, trong đó ưu tiên việc đầu tư, hỗ trợ canh tác và bao tiêu trọn gói sản phẩm củ kiệu của người dân.

Tác giả bài viết: Bảo Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 35

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 31


Hôm nayHôm nay : 9495

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2135821

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12989446