Chính sách bảo hiểm theo Nghị định 17: Khó cho ngư dân

Thứ năm - 03/05/2018 21:23
Nghị định 17 thay thế Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã sửa đổi một số nội dung, trong đó có chính sách bảo hiểm cho tàu cá khiến ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp khó.
Một tàu cá bị tai nạn trên biển. Ảnh: V.N

Một tàu cá bị tai nạn trên biển. Ảnh: V.N

Gặp khó

Theo Nghị định 67, khi mua bảo hiểm cho tàu cá có công suất từ 400CV trở lên, ngư dân sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 90% chi phí mua bảo hiểm cho tàu cá; công suất từ 90CV đến dưới 400CV sẽ được hỗ trợ 70% chi phí. Nếu không may gặp rủi ro, chủ tàu sẽ được bồi thường giá trị của thân tàu lẫn ngư lưới cụ và trang thiết bị phục vụ khai thác hải sản. Còn theo Nghị định 17, các chủ tàu có công suất từ 90CV trở lên chỉ được hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm tàu cá. Tuy nhiên, chính sách mới chỉ áp dụng cho thân tàu mà không bao gồm các trang thiết bị, ngư lưới cụ đánh bắt hải sản.

Ngư dân Nguyễn Thanh Vương (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cho rằng, ngư dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi mua bảo hiểm tàu cá trong thời gian đến. “Mua bảo hiểm cho tàu công suất lớn trong thời gian 1 năm phải mất gần 100 triệu đồng. Trước đây, chúng tôi chỉ cần có 10 triệu là đủ vì được hỗ trợ 90% chi phí, nay phải huy động vốn gấp 5 lần là quá khó” - anh Vương nói. Còn việc bảo hiểm chỉ áp dụng cho thân tàu, ngư dân Phạm Văn Tư (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) cho rằng vàng lưới rê có giá trị đến 3 tỷ đồng mà không áp dụng bảo hiểm thì rất nguy, nếu không may bị tàu Trung Quốc cắt đứt, phá hoại thì làm sao có thể vay mượn số tiền quá lớn để đầu tư trở lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang thiết bị đánh bắt hải sản trên các tàu cá công suất lớn rất đa dạng, gồm máy định vị, máy dò cá ngang, máy dò cá đứng, máy định dạng, thiết bị liên lạc tầm xa, tầm trung, tầm ngắn... có giá trị rất lớn. Không bảo hiểm cho các loại trang thiết bị này khiến chủ tàu lo lắng. Nhiều ngư dân cho rằng đây là sự đánh đố vì tàu cá gặp nạn để được bảo hiểm thì các trang thiết bị có giá trị tương đương với thân tàu đã hư hỏng hết rồi, ngành bảo hiểm không bồi thường thì rất bất công. Trong khi đó, theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, nhiều chính sách trong đó có nội dung bảo hiểm theo Nghị định 17 đã được giản lược so với Nghị định 67 nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị bán bảo hiểm, ngân hàng... nhưng vô hình trung lại gây khó cho ngư dân.

Chờ hướng dẫn

Theo Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam, đến thời điểm này hồ sơ bồi thường bảo hiểm cho tàu cá QNa-91739 của ngư dân Lương Tấn Xị đã hoàn tất, gồm 6,7 tỷ đồng bảo hiểm thân tàu và 400 triệu đồng cho bảo hiểm ngư lưới cụ, tổng cộng là 7,1 tỷ đồng. Còn tàu cá QNa-91515 của ngư dân Trần Văn Độ (thôn Tân Lập, xã Tam Hải, Núi Thành) chưa hoàn tất hồ sơ vì lực lượng công an đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cháy tàu, chưa có kết luận. “Chúng tôi sẽ trao tiền bảo hiểm tàu cá QNa-91739 đến gia đình ngư dân Lương Tấn Xị trong nay mai, còn tàu cá QNa-91515 phải chờ kết luận cháy tàu của cơ quan điều tra rồi mới có thể quy trách nhiệm bảo hiểm hay không” - ông Huỳnh Bá Thanh nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, chính sách bảo hiểm cho tàu cá theo Nghị định 17 đã được Chính phủ thông qua nên tỉnh không thể góp ý, sửa đổi để tạo thuận lợi hơn cho ngư dân. Trong phạm vi của địa phương, chỉ có thể giúp ngư dân bằng cách tuyên truyền, phổ biến chính sách cho hiệu quả. Ngành thủy sản của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lực lượng chức năng tập huấn, giúp ngư dân đảm bảo các điều kiện tối ưu nhất khi sản xuất trên các vùng biển xa, hạn chế tai nạn, rủi ro.

Ông Phạm Đình Dũng - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho rằng, bảo hiểm cho tàu cá là hết sức cần kíp trong điều kiện sản xuất trên các vùng biển xa. Ngư dân bắt buộc phải mua bảo hiểm vì hầu hết tàu cá đều được đóng mới từ nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, nếu không được bồi thường khi tàu cá bị rủi ro thì ngư dân không thể trả được nợ của ngân hàng. “Lấy ví dụ cụ thể từ trường hợp tàu cá QNa-91739 được ngư dân Lương Tấn Xị (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, Núi Thành) đóng mới từ nguồn vốn vay của Agribank chi nhánh huyện Núi Thành bị nạn hồi cuối năm 2017. Nếu không có bảo hiểm thì làm sao gia đình nạn nhân có thể hoàn trả vốn vay của ngân hàng được” - ông Phạm Đình Dũng nói.

Ông Huỳnh Bá Thanh - Phó Giám đốc Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam - đơn vị triển khai bán bảo hiểm theo Nghị định 67 cho biết, trong năm 2017, toàn tỉnh có tất cả 376 chủ tàu sản xuất xa bờ mua bảo hiểm thân tàu với tổng giá trị xấp xỉ 18 tỷ đồng. Tất cả hồ sơ mua bảo hiểm đã hết hiệu lực vào ngày 1.1.2018. Sau thời gian này, các chủ tàu tiếp tục mua bảo hiểm thì sẽ được bồi thường khi không may tàu gặp nạn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là các bộ, ngành của trung ương chưa có thông tư hướng dẫn sẽ thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 17 như thế nào. “Nếu được chỉ định bán bảo hiểm theo Nghị định 17 thì chúng tôi sẽ triển khai chặt chẽ, thực hiện nghĩa vụ bồi thường xác đáng. Chưa có hướng dẫn nên chúng tôi phải chờ” - ông Huỳnh Bá Thanh nói.

VIỆT NGUYỄN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 95736

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1510180

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12363805