Chủ động sản xuất vụ hè thu

Thứ năm - 03/05/2018 21:09
Bên cạnh việc thiết lập khung thời vụ và cơ cấu giống, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị những phương án đối phó với tình trạng khô hạn, nhiễm mặn nhằm đảm bảo vụ hè thu 2018 mang lại kết quả khả quan…
Nhiều địa phương đang khẩn trương bê tông hóa hệ thống kênh mương nhằm chủ động phục vụ sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ

Nhiều địa phương đang khẩn trương bê tông hóa hệ thống kênh mương nhằm chủ động phục vụ sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ

Đảm bảo lịch thời vụ

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài việc gieo trồng hàng chục nghìn héc ta rau đậu các loại, vụ hè thu 2018 nông dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh sẽ triển khai sản xuất 42.000ha lúa và 8.200ha bắp. Mục tiêu đặt ra là vụ này toàn tỉnh đạt 216.100 tấn lúa và 40.350 tấn bắp. Để đạt mục tiêu trên và chủ động trong khâu chỉ đạo, điều hành, triển khai sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã xác lập cụ thể lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa cho việc canh tác. Hiện nay, những đơn vị liên quan của Sở NN&PTNT cùng chính quyền các địa phương tập trung cấp phát tờ rơi hướng dẫn sản xuất về cơ sở, nhất là đội ngũ khuyến nông viên và nông dân. Ông Lê Muộn đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ nông dân duy trì, mở rộng việc thực hiện chương trình IPM theo quy mô thôn, mô hình canh tác lúa theo phương thức “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” và gieo sạ với mật độ thưa, bón phân cân đối. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ sự phát sinh và gây hại của các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ, đặc biệt là những loại sâu bệnh nguy hiểm như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá nhỏ… để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng trừ.

Ông Lê Muộn cho biết, theo dự báo, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh trong tháng 5 và 6 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, trong tháng 7 và 8 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (nhiệt độ cao nhất 35 - 38 độ C). Các đợt nắng nóng tập trung vào thời kỳ đầu tháng 5 và từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 9 dương lịch, mỗi tháng có khoảng 2 đợt nắng nóng và có cường độ ngày càng gay gắt hơn, nhất là trong tháng 7 - 8. Do vậy, tình trạng khô hạn, nhiễm mặn có khả năng diễn biến phức tạp và ảnh hưởng ở vùng hạ lưu các sông, độ mặn ảnh hưởng mạnh dần vào các tháng 6 - 7. Sở NN&PTNT yêu cầu các ngành, địa phương cần phối hợp theo dõi chặt chẽ để có giải pháp hạn chế tối đa những tác động bất lợi của thời tiết...

Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống, vụ lúa hè thu 2018 sẽ được bố trí gieo sạ từ ngày 20.5 đến 5.6 để lúa trổ từ ngày 25.7 đến 10.8 và thu hoạch xong trước ngày 5.9, chậm nhất là ngày 10.9, nhằm lách tránh những yếu tố bất lợi của thời tiết vào thời điểm cuối vụ. Ngay sau khi gặt lúa đông xuân, tranh thủ đất còn đủ ẩm, nhà nông cần nhanh chóng tiến hành vệ sinh đồng ruộng và cày lật đất để phơi ải nhằm cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Đặc biệt, chính quyền các cấp cùng ngành chuyên môn phải tích cực quán triệt, phổ biến rộng rãi lịch thời vụ, cơ cấu giống để nông dân nắm bắt và thực hiện một cách nghiêm túc. Quan điểm chỉ đạo nhất quán trong vụ lúa này là phần lớn diện tích sử dụng các loại giống trung và ngắn ngày có chất lượng cao, tiết kiệm triệt để nguồn nước tưới, tổ chức sản xuất nhanh gọn và thu hoạch khẩn trương nhằm tránh bị thất thu do mưa lũ gây ra. Cần lưu ý thêm, trước vụ sản xuất, các cơ quan có trách nhiệm phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giống và các loại vật tư nông nghiệp khác để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán hàng giả hoặc hàng kém phẩm chất.

Chủ động đối phó

Tại huyện Đại Lộc, vụ hè thu 2018 nông dân sẽ triển khai gieo sạ 4.300ha lúa theo kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp vận động nhà nông thu hoạch lúa đông xuân đến đâu thì khẩn trương cày phơi ải, vệ sinh đồng ruộng, rắc vôi bột nhằm làm hoai mục gốc rạ, tàn dư thực vật, khử chua phèn và cắt đứt cầu nối sâu bệnh. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện, nhất là nguồn giống lúa, các loại vật tư nông nghiệp thiết yếu để chủ động phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là trước những diễn biến ngày càng khắc nghiệt của thời tiết, thời gian tới nguy cơ khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng. “Nếu nắng nóng kéo dài, trong vụ hè thu 2018 rất nhiều khả năng toàn huyện Đại Lộc sẽ có ít nhất 500ha lúa bị thiếu nước tưới. Trong đó, phần lớn diện tích tập trung ở các xã Đại Hồng, Đại Quang, Đại Đồng, Đại Hiệp. Theo phương án đã được thiết lập, nếu tình huống xấu xảy ra, huyện sẽ chi không dưới 4 tỷ đồng để phục vụ công tác chống hạn cho số diện tích lúa nằm trong diện báo động này” - ông Quang thông tin.
Còn tại Hiệp Đức, toàn huyện có 1.353ha đất lúa, tuy nhiên vụ hè thu tới chỉ đưa vào gieo sạ 1.068ha lúa, còn lại 285ha không thể sản xuất vì thiếu nước tưới. Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, nhằm giúp nhà nông có nguồn thu nhập, ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền cơ sở đang tích cực vận động và hỗ trợ một số khâu để các hộ dân có điều kiện chuyển đổi 285ha đất lúa không chủ động nước tưới sang canh tác những loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt. “Nếu vụ hè thu xảy ra khô hạn, sẽ có ít nhất 175ha ở các xã Thăng Phước, Quế Thọ, Quế Lưu, Hiệp Hòa, Hiệp Thuận bị thiếu trầm trọng nguồn nước tưới. Để chủ động, huyện cũng đã dự phòng nguồn kinh phí khoảng 1,1 tỷ đồng để chi thực hiện biện pháp đối phó, trong đó chủ yếu là nạo vét sông, suối và lắp đặt hệ thống máy bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước ngọt giải hạn cho cây lúa” - ông Viên chia sẻ.

NGUYỄN SỰ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 95736

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1501961

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12355586