Nỗ lực ngăn chặn bệnh lở mồm long móng

Thứ sáu - 24/11/2017 01:02
Những ngày qua, bệnh lở mồm long móng bùng phát mạnh trên đàn gia súc ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên). Chính quyền và ngành chức năng địa phương đang triển khai các giải pháp nhằm sớm dập tắt mầm bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Lực lượng thú y xã Duy Trinh tập trung tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc.Ảnh: HOÀI NHI

Lực lượng thú y xã Duy Trinh tập trung tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc.Ảnh: HOÀI NHI

Lây lan nhanh

Ngày 5.11, ổ dịch đầu tiên bùng phát trên đàn trâu của hộ ông Trần Kiên ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh) với các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, sùi nước bọt, nổi mụn nước trên khóe miệng và lở loét ở vùng móng chân. Mặc dù vậy, ông Kiên vẫn không trình báo bộ phận thú y xã mà tự ý điều trị cho 3 con trâu của mình theo phương cách truyền thống, chủ yếu là giã nhỏ lá khế rồi trộn với nước chanh để rửa vết thương trên cơ thể đàn trâu bị mắc bệnh một cách thường xuyên. Sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng thú y xã Duy Trinh đến gia đình ông Kiên kiểm tra tình hình và hướng dẫn điều trị bệnh cụ thể. Tuy nhiên, bệnh lở mồm long móng vẫn tiếp tục lây lan sang các khu vực xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Ánh – cán bộ thú y xã Duy Trinh cho biết, tính đến trưa hôm qua 23.11, địa phương ghi nhận tổng cộng 94 con trâu, bò bị nhiễm dịch, tập trung ở 2 thôn Đông Yên và Chiêm Sơn, trong đó khoảng 30% được điều trị khỏi và đang tiếp tục giám sát chặt chẽ. Ông Ánh nói: “Công tác phòng chống dịch lở mồm long móng đang gặp không ít khó khăn bởi trời mưa liên tục và dự báo sẽ xuất hiện thêm một đợt lũ nữa. Ngoài ra, một số hộ dân có biểu hiện thiếu hợp tác và cho rằng dịch bệnh này không nguy hiểm nên chỉ cần chữa trị bằng cách xác khế chua, chanh, rắc vôi khử trùng... là khỏi, nên có phần chủ quan khiến mầm bệnh lan rộng. Điều đáng chú ý là một số con gia súc dù đã tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng nhưng vẫn bị mắc bệnh”. Được biết, xã Duy Trinh hiện có tổng cộng 1.640 con bò và 110 con trâu, trong đó gần 50% tổng đàn gia súc được tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Chăn nuôi & thú y huyện Duy Xuyên cho hay, nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh là vì thời tiết diễn biến bất thường, rét lạnh kèm theo mưa lớn kéo dài và nhất là môi trường bị ô nhiễm nặng sau cơn lũ lớn hồi đầu tháng 11. Mặt khác, chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến công tác tiêm vắc xin phòng bệnh. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho mầm bệnh bùng phát và lây lan nhanh...

Nỗ lực dập dịch

Để ngăn chặn dịch lở mồm long móng lây lan ra diện rộng, Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh vừa chi viện thêm cho huyện Duy Xuyên 2.000 liều vắc xin lở mồm long móng và 500 lít hóa chất Iodine phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, các điểm chợ, khu giết mổ gia súc, gia cầm, vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch trên địa bàn.

Có mặt tại xã Duy Trinh, chúng tôi nhận thấy công tác phòng chống dịch bệnh hết sức khẩn trương. Lực lượng cán bộ kỹ thuật của Trạm Chăn nuôi & thú y huyện Duy Xuyên cùng đội ngũ thú y cơ sở gồm 8 thành viên, chia thành 3 tổ khẩn trương đến từng hộ chăn nuôi gia súc tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng. Đồng thời đẩy mạnh khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác phòng chống loại bệnh này. Theo ông Nguyễn Văn Ánh - cán bộ thú y xã Duy Trinh, ngoài việc cấp phát tờ rơi tuyên truyền, treo băng rôn trên các trục đường chính, những ngày qua chính quyền địa phương đã huy động 2 máy bơm động cơ và sử dụng hơn 60 lít hóa chất Iodine phun tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi và một số nơi có nguy cơ cao bùng phát dịch. Trong khi đó, vừa trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Chăn nuôi & thú y huyện Duy Xuyên vừa cho biết, đơn vị huy động tối đa lực lượng xuống vùng xảy ra dịch theo dõi sát diễn biến tình hình, hướng dẫn nhân dân các biện pháp cấp bách nhằm kìm hãm sự phát tán của mầm bệnh và hỗ trợ công tác tiêm vắc xin. Được biết, hiện nay toàn huyện Duy Xuyên có hơn 16.000 con bò, 34.000 con heo, riêng đàn bò thì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đợt 2 năm 2017 mới chỉ đạt 44%.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh vừa tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn xã Duy Trinh và có cuộc làm việc với lãnh đạo địa phương này. Tại đây, ông Nam yêu cầu UBND xã cùng các ngành liên quan chủ động phối hợp với Trạm Chăn nuôi & thú y huyện Duy Xuyên triển khai các phương án bao vây, dập dịch và phòng chống dịch bệnh như khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng môi trường, thông báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp phòng chống, vận động nhân dân ký cam kết phòng chống dịch. Ngoài ra, nhất thiết phải cách ly những gia súc mắc bệnh để chăm sóc điều trị và nhốt gia súc tại chuồng. Đặc biệt, khẩn trương tiêm vắc xin cho số gia súc trong diện tiêm phòng bắt buộc mà chưa được tiêm phòng đợt 2 năm 2017 nhằm không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch đến tận hộ chăn nuôi và phát hiện, xử lý triệt để những ổ bệnh mới phát sinh...

 

Tác giả bài viết: HOÀI NHI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 62904

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1606077

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 14713680