Tam nông và những “nút thắt” cần tháo gỡ

Thứ ba - 10/04/2018 03:53
(Cổng ĐT HND)- Với hơn 1000 câu hỏi của nông dân được gửi đến Thủ tướng Chính phủ trong cuộc đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”, Trung ương Hội đã chia thành 4 nhóm vấn đề: Thị trường nông sản; chính sách vốn và đất nông nghiệp; công nghệ và quản lý vật tư nông nghiệp; lao động nông thôn và nông thôn mới. Các câu hỏi trên được Thủ tướng Chính phủ và các thành viên chính phủ trả lời cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm mô hình sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu hộ anh Tăng Xuân Trường, Gia Lộc, Hải Dương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm mô hình sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu hộ anh Tăng Xuân Trường, Gia Lộc, Hải Dương

Thị trường tiêu thụ- Đau đáu nỗi niềm nông dân 

Tại phiên đối thoại, ông Tăng Xuân Trường , huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương - một trong những nông dân xây dựng vùng trồng rau, củ, quả an toàn và có Nhà máy tiêu thụ, bảo quản lạnh từ 300-350 tấn, nay ông muốn mở rộng Nhà máy, Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ cho ông không?.


Ông Trường cũng đặt câu hỏi: “Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng 1.500 Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là hướng đi rất đúng. Song xin hỏi Thủ tướng, việc liên kết, rồi thành lập HTX chúng ta đã hô hào nhiều rồi và đến bao giờ mới thay đổi được?”.


Trực tiếp trả lời câu hỏi của anh Trường, Thủ tướng cho biết, hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thủ tướng hi vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. 


Thủ tướng cho biết cần có 6 nhà trong liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp, gồm: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà phân phối.

Lần đầu tiên, Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam

Hiện nay, Nhà nước rất chú trọng đầu tư các nhà máy lớn để chế biến, bảo quản nông sản. Đã có 8 nhà máy lớn được phê duyệt xây dựng.


Trả lời câu hỏi của bà Lê Thị Dịu, Móng Cái, Quảng Ninh: “Thị trường đầu ra là nỗi lo lớn của nhà nông. Nông dân hiện thiếu thông tin định hướng và thông tin thị trường, Thủ tướng và Chính phủ có chính sách gì để các cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản ra thị trường thế giới?”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần  Tuấn Anh cho biết, hiện nay Bộ Công thương đang tích cực tìm kiếm thông tin và thị trường để tiêu thụ nông sản chủ đạo của Việt Nam ra các nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng rau, củ, quả theo mùa vụ hiện tiêu thụ chưa tốt do sản phẩm ít, theo mùa vụ. Thời gian tới, Bộ sẽ quan tâm hơn để hỗ trợ tiêu thụ nông sản sản xuất theo mùa vụ.

Cần lời giải cho bài toán vốn, đất đai

Tại buổi đối thoại, nông dân, doanh nghiệp cho biết, một trong những yếu tố khó khăn nhất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam là vốn. Nhiều hộ gia đình muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh phải vay vốn ngân hàng, thậm chí có lúc phải vay tín dụng đen với lãi xuất rất cao. Người nông dân kỳ vọng Thủ tướng, Chính phủ sớm đưa ra những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn. 


Ông Võ Quang Huy, hộ chuyên sản xuất và chăn nuôi ở Long Anh đặt câu hỏi, “Bao giờ ông và các hộ nông dân mới được tiếp cận nguồn vốn 1.000.000 tỉ đồng?”. Ông Tô Huy Thành, chuyên nuôi lợn hữu cơ ở Bắc Giang cho biết, ông rất khó tiếp cận vốn ưu đãi của Nhà nước, ông phải vay lãi xuất cao , thậm chí còn phải vay tín dụng đen.


Ông đặt câu hỏi “Chính phủ có chính sách gì giảm lãi xuất cho nông dân không và làm thế nào ngăn chặn tình trạng tín dụng đen ở nông thôn?”. Cùng tâm tư trên là các ông Nguyễn Đăng Cường, Bắc Ninh, ông Lương Minh Đồng, Quảng Nam.
30 đại biểu về dự đối thoại được Thủ tướng tặng quà lưu niệm


Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, không phải các ngân hàng không đủ vốn cho người nông dân, thậm chí hệ thống ngân hàng có chi nhánh rải khắp các tỉnh, thành, xuống tận thôn bản. Tính thanh khoản đang rất dồi dào, nếu thiếu vốn Ngân hàng Nhà nước lập tức bơm vốn.


Theo ông Tú, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nông dân khó tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng là tính minh bạch của thông tin chưa đảm bảo. Trên thực tế, rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay. 


Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế. Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 


Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, trong năm 2017, Bộ Tài chính đã phối hợp với Quỹ hỗ trợ nông dân để cấp  kinh phí. Năm 2018, Bộ Tài Chính đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ để bổ sung kinh phí cho Quỹ và đề nghị các địa phương bố trí vốn cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Vật tư nông nghiệp giả- Nông dân mất tiền oan

Giải đáp câu hỏi của ông Nguyễn Văn Thế, Hưng Yên về nỗi lo của người nông dân trước nỗi lo vấn nạn phân bón giả, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, để tăng cường quản lý chặt chẽ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm trong việc kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.


Thời gian qua, các Bộ, ngành đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón; xác định những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty gốm Chu Đậu

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ NNPTNT đã được Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý về phân bón thay vì cả Bộ Công Thương như trước đây nên việc quản lý sẽ chặt chẽ hơn theo một đầu mối với chủ trương chuyển dần từ sản xuất phân bón vô cơ sang hữu cơ.


Bộ trưởng cũng mong muốn, nông dân biết, phát hiện và phản ánh tới các cơ quan chức năng những cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng để các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét và xử lý nhằm giảm tình trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng tràn lan như hiện nay.


Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Văn Lập, Nam Định về việc, Chính phủ có giải pháp gì trong cung cấp giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng và Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nông dân như thế nào về vấn đề trên. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vấn đề quản lý cây, con giống hiện nay đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chỉ có một vài loại giống hiện đang yếu như cây ăn quả, cây hoa và rau.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh mở rộng thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, khoa học tại Việt Nam áp dụng cơ chế mới phối hợp với doanh nghiệp, nông dân, cơ sở sản xuất nhằm đưa nhanh nghiên cứu vào đời sống. 

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn 

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh, cần phải nâng cao đời sống cả vật chất và tinh thần cho nông dân. Xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với ổn định, giữ gìn bản sắc dân tộc, dân trí cao.


Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sâu sát, phù hợp hơn. 
Thủ tướng thăm gia đình thương binh Trần Quốc Hanh ở Hải Dương


Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và địa phương tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay; giảm lãi xuất cho vay từ 0,5 đến 1%. Các cơ quan có liên quan như Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ nét, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp và mở rộng thiết lập quan hệ đối tác với nông dân. 


Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước.


Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho 30 nông dân tiêu biểu dự buổi đối thoại và Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng tặng quà cho 20 nông dân Hải Dương có hoàn cảnh khó khăn.


Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến làng gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách, thăm Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc bảo tồn, phát triển, quảng bá giá trị gốm Chu Đậu. Đồng thời,  thăm một mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình và thăm, tặng quà cho một gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Ngọc Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 321


Hôm nayHôm nay : 81650

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1441144

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 14548747