Nâng cao giá trị sản xuât nông nghiệp

Thứ hai - 26/12/2016 18:34
Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Phú Ninh triển khai nhiều cơ chế để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Từ thực tế xây dựng các mô hình thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ thực hiện các cơ chế hỗ trợ, người dân Phú Ninh đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.A

Nhờ thực hiện các cơ chế hỗ trợ, người dân Phú Ninh đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.A

Từ sản xuất lúa hàng hóa…

Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết: “Phương châm sản xuất nông nghiệp không chỉ đơn thuần là năng suất và sản lượng mà còn lấy giá trị kinh tế làm thước đo, sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường, gắn nông nghiệp với chế biến. Thời gian qua, huyện Phú Ninh đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị sản xuất, lấy hiệu quả kinh tế là mục tiêu hàng đầu”.

Xác định cây trồng chủ lực vẫn là cây lúa với tổng diện tích sản xuất hàng năm là 6.643ha, năng suất đạt gần 45 ngàn tấn. Để tăng năng suất cho cây lúa, huyện đã triển khai nhiều mô hình điểm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất lúa hàng hóa, cánh đồng liên kết canh tác, cánh đồng mẫu, cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao. Hiện toàn huyện Phú Ninh đã xây dựng cánh đồng sản xuất giống lúa hàng hóa với 870ha. Hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 4.500 tấn lúa hàng hóa các loại, tăng hiệu quả sản xuất lên hơn 25% so với sản xuất lúa thịt và nâng cao trình độ thâm canh cho bà con nông dân. Cùng với đó, các địa phương đã triển khai thực hiện diện tích các mô hình, cánh đồng thu nhập cao, luân canh cây trồng phù hợp theo quy hoạch như: dưa hấu vụ đông xuân - lúa vụ hè thu; đậu phụng vụ đông xuân - dưa vụ xuân hè - bắp vụ thu đông… Đến nay, toàn huyện đã triển khai thực hiện 165 cánh đồng thu nhập cao với 1.113ha, cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm.

Tại xã Tam Thành, địa phương đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu, tích cực chuyển đổi cây trồng khác trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, xã cũng hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp liên kết với các công ty giống, ngành khoa học trong việc xây dựng các mô hình khảo nghiệm giống các giống lúa mới có năng suất, có khả năng kháng sâu bệnh, năng suất ổn định, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đưa vào sản xuất đại trà. Ông Lê Văn Chương - Chủ tịch UBND xã Tam Thành cho hay: “Đến thời điểm này, Ban Nông nghiệp xã đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017 cho bà con nông dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lịch thời vụ, cơ cấu giống, hướng dẫn bà con nông dân canh tác ở các cánh đồng thu nhập cao, kỹ thuật thâm canh phòng trừ sâu bệnh. Vụ mùa tới, 100% diện tích lúa sẽ được gieo sạ bằng giống kỹ thuật và áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”...

…đến cơ chế hỗ trợ nông dân

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Phú Ninh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hàng hóa. Đó là Quyết định số 08/QĐ-UB của UBND tỉnh về hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định 12/QĐ-UB của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, huyện Phú Ninh đã triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế  của tỉnh về hỗ trợ khuyến khích cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, năm 2016, toàn huyện đã có 37 hộ được đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để mua 37 máy, trong đó có 18 máy cày 4 bánh, 19 máy gặt đập liên hợp, nâng tổng số máy được hỗ trợ trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2011 - 2016 lên 183 máy, góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch hơn 78%. Có thể nói, những chính sách thông thoáng và cởi mở trên là đòn bẩy và cũng là cơ hội để người dân thay đổi nếp nghĩ. Từ đó tạo đột phá trong sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng quy mô mang tính hàng hóa và tập trung. Từ đó, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao.

Tại xã Tam Dân, trong giai đoạn 2011 - 2016, nông dân địa phương được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để thực hiện các chương trình như hỗ trợ sản xuất cánh đồng lúa giống, cánh đồng mẫu, chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích cánh đồng thu nhập cao, hỗ trợ xây dựng vườn điểm, hỗ trợ cho các hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm… Ông Lê Thành Nhơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Dân cho biết: “Nhờ những chính sách hỗ trợ đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã có bước phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng toàn ngành hằng năm luôn đạt tỷ lệ cao. Tổng giá trị toàn ngành đạt hơn 100 tỷ đồng/năm, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp chuyển dịch đúng hướng, diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm hơn 367ha, năng suất bình quân đạt hơn 4.800 tấn, một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã được hình thành rõ nét: vùng sản xuất lúa giống gần 100ha; cánh đồng mẫu 429ha; cánh đồng thu nhập cao 124ha…”. Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, ông Nguyễn Phi Thạnh cho biết thêm: “Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT phối hợp với các phòng ban ngành chức năng, các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết cũng như lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng lĩnh vực đối tượng đầu tư trong quá trình sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức cũng như thu hút sự đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia của nhân dân, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn”.

Tác giả bài viết: Thục Anh - Thái Công

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 69965

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1536833

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12390458