Đại Lộc kiến nghị hỗ trợ cải tạo đất và thiệt hại rau màu

Ngày 21.12, đoàn công tác do lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dẫn đầu có chuyến khảo sát thực tế tại vùng thiệt hại về hoa màu và vùng mất trắng đất sản xuất của các xã Đại An, Đại Cường (Đại Lộc). Tại đây, các địa phương đã kiến nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ phương án hỗ trợ cải tạo, khắc phục đất sản xuất, bên cạnh phương án hỗ trợ về giống cây trồng hoặc tiền mặt đến nông dân.

Ngày 21.12, đoàn công tác do lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dẫn đầu có chuyến khảo sát thực tế tại vùng thiệt hại về hoa màu và vùng mất trắng đất sản xuất của các xã Đại An, Đại Cường (Đại Lộc). Tại đây, các địa phương đã kiến nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ phương án hỗ trợ cải tạo, khắc phục đất sản xuất, bên cạnh phương án hỗ trợ về giống cây trồng hoặc tiền mặt đến nông dân.

Một số ít diện tích cây đậu có choái tại Bàu Tròn còn sống sót sau lũ cũng tiếp tục héo rũ. Ảnh: Bích Liên
Một số ít diện tích cây đậu có choái tại Bàu Tròn còn sống sót sau lũ cũng tiếp tục héo rũ. Ảnh: BÍCH LIÊN

Tại vùng chuyên canh rau Bàu Tròn, xã Đại An, báo cáo với đoàn, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin, trải qua hai đợt lũ, toàn bộ 50ha đất sản xuất rau, củ quả các loại của vùng chuyên canh Bàu Tròn, “vựa rau” tết của Đại Lộc và TP.Đà Nẵng đã bị mất trắng. Trong đó có một phần diện tích vừa xuống giống và cả diện tích sắp tới kỳ thu hoạch, khiến nông dân thiệt hại nặng nề. “Thời điểm tết đã cận kề, vùng chuyên canh rau củ quả này không kịp khôi phục để cung ứng nông sản cho tết, đây là tổn thất lớn của vùng sản xuất xã Đại An nói riêng và Đại Lộc nói chung. Thiết nghĩ, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan, Chính phủ cần có hướng hỗ trợ về tiền mặt để người dân có thể chủ động tìm giống tái sản xuất sao cho phù hợp với đặc trưng vùng, lịch thời vụ, chứ không nên hỗ trợ giống cây trồng, vì e rằng giống trung ương đưa về sẽ không phù hợp với tập quán sản xuất cũng như hiện trạng đất đai sau lũ ở vùng này. Đặc biệt, cần tăng mức hỗ trợ cho nhà nông, bởi lẽ mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha là quá thấp so với những mất mát quá lớn của nông dân” - ông Mẫn nói.

Cũng theo ông Mẫn, qua hai đợt lũ, không chỉ hư hại về hoa màu, nông dân ở các vùng sản xuất rau màu của Đại Lộc còn đối diện với tình trạng biến động về đất đai, nhiều vùng không thể tái sản xuất, phải cải tạo đất bởi tình trạng xói lở, bồi lấp diễn biến nặng. Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Hồng… là những địa phương có biến động nặng. Theo thống kê, toàn huyện có tới 500 héc ta đất bị bồi lấp lẫn xói lở nặng, để tái sản xuất, cần phải có phương án hỗ trợ giúp người dân cải tạo đất, khôi phục sản xuất, bên cạnh hỗ trợ tiền hay giống như dự kiến.

Vùng sản xuất cây rau màu của Đại Lộc bị bồi lấp và xói lở nặng sau lũ. Ảnh: Bích Liên
Vùng sản xuất cây rau màu của Đại Lộc bị bồi lấp và xói lở nặng sau lũ. Ảnh: BÍCH LIÊN

Tại xã Đại Cường, địa phương thiệt hại hơn 70ha diện tích cây rau màu thì riêng cánh đồng các thôn 8, 9, 10 có 20ha hiện đã bị bồi lấp, xói lở nặng, nông dân vùng này không thể tiến hành sản xuất trở lại vụ đông xuân. Hay như các cánh đồng thôn Hà Vy của xã Đại Hồng; cánh đồng các thôn Mỹ Thuận, Đại Phú (xã Đại Nghĩa)… tình trạng trên càng nghiêm trọng khiến nông dân điêu đứng.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường khảo sát tại cánh đồng xã Đại Cường. Ảnh: Bích Liên
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường khảo sát tại cánh đồng xã Đại Cường. Ảnh: BÍCH LIÊN

Sau khảo sát, ghi nhận thiệt hại ở vùng “rốn lũ”, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường chia sẻ, nhiệm vụ nặng nề lúc này là phải hỗ trợ nông dân trong việc cải tạo đất sản xuất bởi thiệt hại này lớn hơn nhiều so với tình trạng mất mát, hư hại về rau màu như đã đề cập. Các phương án hỗ trợ đều không tính đến phương án hỗ trợ khắc phục cải tạo đất sản xuất mà chỉ tính đến hỗ trợ giống cây trồng hay tiền hỗ trợ nông dân bị thiệt hại về cây trồng là chính. Hay như phương án hỗ trợ gạo cứu đói cũng chẳng ăn thua lúc này, bởi nông dân cần phương tiện, tư liệu để sản xuất, để thoát nghèo. “Đề nghị địa phương thống kê thiệt hại về rau màu là bao nhiêu, diện tích đất bị xói lở và bồi lấp là bao nhiêu, cũng như phương án khắc phục cụ thể để qua đó, chúng tôi có đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành liên quan và Chính phủ tìm hướng hỗ trợ, khắc phục. Bởi với hiện trạng này nếu nhận được tiền hay giống thì nông dân cũng chẳng thể sản xuất được nữa” - ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Bích Liên

Nguồn tin: Báo Quảng Nam