Kết nối doanh nghiệp với nông dân

Hội Nông dân thị xã Điện Bàn đã có nhiều nỗ lực kết nối với doanh nghiệp nhằm giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
Nông dân trồng đậu phụng ở Điện Quang (Điện Bàn) được bao tiêu sản phẩm để sản xuất dầu phụng “Xứ Quảng”. Ảnh: Q.T
Kết nối

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đã và đang tổ chức nhiều đợt “giải cứu” nông sản trong thời gian gần đây, việc tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết. Hội Nông dân thị xã Điện Bàn đã tạo điều kiện cho các hội nông dân cơ sở kết nối với doanh nghiệp để bao tiêu nông sản của nông dân. Ông Nguyễn Tam Chương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn cho biết: “Hiện nay, hầu hết cánh đồng chuyên canh trên địa bàn thị xã đã có hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất lúa giống, lúa thơm chất lượng cao, cơ bản giải quyết đầu ra cho nông dân”. Được biết, diện tích canh tác theo dạng này mỗi năm ở Điện Bàn có trên dưới 1.000ha.

Ở các cấp hội nông dân cơ sở, “sợi dây” kết nối giữa hội với doanh nghiệp cũng đã tạo ra nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây. Ở vùng Gò Nổi, Hội Nông dân xã Điện Quang hỗ trợ nông dân ký hợp đồng với HTX Nông nghiệp Điện Quang để bao tiêu sản phẩm đậu phụng nhằm chế biến dầu phụng “Xứ Quảng” nâng cao chất lượng thương hiệu dầu phụng Quảng Nam. Còn xã Điện Trung, Hội Nông dân xã cũng đã ký hợp đồng với doanh nghiệp giúp nông dân bao tiêu sản phẩm đậu xanh và chuẩn bị mở rộng diện tích bao tiêu trong vụ hè thu tới. Ngoài ra, các đơn vị khác như Điện Hồng, Điện Thắng Nam, Điện Ngọc… các mặt hàng nông sản như lúa thương phẩm, nấm rơm, nấm sò, rau sạch… cũng đã được doanh nghiệp thực hiện hợp đồng bao tiêu.

Hướng đến chuyên nghiệp

Thay đổi tập quán sản xuất, tiêu thụ nhỏ lẻ của người dân là điều bắt buộc để tăng giá trị cho nông sản cũng như thu nhập của người dân. Điều này có lợi cho doanh nghiệp khi có được nguồn nông sản ổn định, chất lượng tốt nên khá nhiều doanh nghiệp sẵn sàng liên kết nếu được đảm bảo hợp đồng cụ thể. Ông Hồ Đắc Sáu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Trung chia sẻ, hiện số doanh nghiệp muốn bao tiêu nông sản cho nông dân địa phương không thiếu, tuy nhiên họ e ngại nông dân không giữ đúng cam kết hợp đồng, bởi trước đây đã từng có trường hợp nông dân tự ý phá vỡ hợp đồng trồng ớt. 

Ông Sáu cũng cho biết thêm, ở vụ hè thu sắp tới, một doanh nghiệp đã đồng ý mở rộng diện tích bao tiêu cây đậu xanh, đậu cô ve, đậu đũa lên 10ha; họ đầu tư giống, kỹ thuật… nhưng người dân phải cam kết thực hiện đúng các quy trình để đảm bảo chất lượng, sản lượng nông sản.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, những hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân được tổ chức ký kết chặt chẽ hơn. Như ở xã Điện Thắng Nam, các sản phẩm lúa thương phẩm Xi23, nấm rơm, nấm sò của nông dân hiện đã được ký kết bao tiêu, trong đó quy định rõ trách nhiệm của nông dân không được tự ý cung ứng cho các cá nhân và tổ chức khác. Ông Nguyễn Ánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thắng Nam cho biết, hiện 6 hộ trồng nấm trên địa bàn xã được hướng dẫn để làm hồ sơ thành lập tổ hợp tác nhằm đưa sản xuất vào quy củ hơn. Điện Bàn đã có 3.000ha dồn điền đổi thửa, trong số này có 1.000ha sản xuất tập trung. Theo ông Nguyễn Tam Chương, đơn vị đang tiếp tục vận động người dân nâng diện tích sản xuất tập trung và chuyên canh, vì có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới quy củ và đem lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân.

QUỐC TUẤN