Cựu chiến binh vượt khó làm kinh tế giỏi

Trở về từ chiến trường với hai bàn tay trắng, cựu chiến binh (CCB) Phùng Tấn Trưng (khối phố Tân Khai, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) vượt khó vươn lên làm giàu với mô hình nuôi gà trang trại. Không chỉ thế, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
CCB Phùng Tấn Trưng với trang trại gà hơn 8.000 con

1. Sinh ra và lớn lên ở vùng cát Điện Dương, tháng 10.1976, ông Trưng lên đường nhập ngũ và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Đến cuối năm 1980, ông trở về quê hương nhưng lại mắc phải căn bệnh viêm đa khớp khiến ông mất khả năng lao động.

Phải mất 2 năm sau, ông mới bình phục và lao động kiếm kế sinh nhai, lo toan cuộc sống gia đình. Nhắc đến đây, ông Trưng bồi hồi kể lại: “Lúc từ chiến trường trở về và điều trị xong bệnh, nhiều người động viên tôi nên học tiếp. Ngờ đâu biến cố ập đến, cha tôi vừa ra tù thì qua đời do vết thương quá nặng, mẹ tôi chưa ăn được cái tết hòa bình cũng theo gót cha tôi. Mọi trách nhiệm đè lên vai, buộc tôi phải đi làm nuôi em, nuôi ông bà nội già yếu…”.

Không cho phép bản thân gục ngã, trên vùng đất khó quê hương, ông Trưng tìm mọi cách để cứu mình, cứu cả gia đình. Việc làm đầu tiên, ông bắt tay vào cày ruộng, làm lúa cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Tiếp đó, ông học cách nấu rượu, lấy hèm nuôi heo kiếm tiền đóng học phí cho các em, mua thuốc lo cho ông bà nội lúc ốm đau.

Sau này, khi có vợ con, gánh nặng trên vai ông Trưng càng khiến ông thêm nhọc nhằn. Hẳn vì lẽ đó, ông quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Từ những đồng tiền nhỏ lẻ gom được sau thời gian dài nấu rượu nuôi heo, ông Trưng vay mượn thêm để mở trang trại chăn nuôi gà.

Kinh nghiệm còn non, hơn nữa đầu ra lúc ấy không nhiều, dịch cúm gia cầm hoành hành khiến ông Trưng bao phen trắng tay. Tưởng chừng kiệt quệ và không đứng lên được, thế nhưng người CCB dày dạn này vẫn theo đuổi đến cùng. Ông nói: “Bôn ba ngoài chiến trường với khói lửa bom đạn, mình còn sống. Chẳng lẽ thất bại vài keo này đã vội bỏ cuộc sao được? Nghĩ đến đó tôi lại có thêm động lực đi tiếp!”.

Vậy là, ông Trưng đi hết trại gà này đến trại gà khác ở nhiều địa chỉ khác nhau. Cầm giấy bút theo, ông ghi lại chi tiết về cách chọn giống gà phù hợp, cách cho ăn uống hiệu quả, tìm hiểu những loại vắc xin tốt cho quá trình phát triển của lứa gà… Tiếp đó, ông thực hành các bài học bằng cách đưa vài giống gà về nuôi thử nghiệm tại vườn nhà, và cuối cùng cũng đạt kết quả mong đợi.

2. Giống gà màu lai vườn trở thành “chìa khóa” mang đến sự thành công cho ông Trưng trong việc chăn nuôi gà từ năm 2000 đến nay. Vì không muốn để việc chăn nuôi ảnh hưởng đến bà con làng xóm, ông Trưng thuê mảnh đất trống cách xa khu dân cư để xây dựng trang trại gà hiện đại có đầy đủ máng nước tự động, hệ thống phun sương làm giảm nhiệt.

Trang trại có diện tích 640mđủ nuôi hơn 8.000 con gà, tự bao giờ đã trở thành ngôi nhà thứ hai của ông. Cứ sáng, trưa hay tối, ông Trưng đều túc trực trang trại, cần mẫn làm việc hết sức mình để mang lại kết quả tốt. Ông cho biết: “Một lứa gà kể từ lúc nhập về nuôi cho đến lúc xuất bán đi kéo dài 65 ngày. Trong khoảng thời gian đó, tôi chăm sóc, cho gà ăn uống đều đặn, vệ sinh phân chuồng đúng bữa. Đến ngày đến tháng lại kêu người đến tiêm vắc xin. Khâu nào ra khâu nấy, miễn sao đúng quy trình!”.

Những năm trước kia, mọi việc đều một tay ông Trưng đảm nhiệm. Nhưng nay, tuổi cao sức yếu, ông phải thuê thêm người làm, và với ông, đây cũng là cách tạo cơ hội làm việc cho những người nông dân nghèo ở địa phương. Nhờ trang trại gà, mỗi lứa ông Trưng lấy công làm lời, kiếm gần 100 triệu đồng. Bao nhiêu năm nay ông có điều kiện chăm lo gia đình, nuôi ba người con ăn học thành tài.

Hơn nữa, ông còn là chỗ dựa vững chắc cho người vợ là bà Nguyễn Thị Tùng. Nhắc đến chồng mình, bà Tùng chia sẻ trong niềm tự hào: “Hồi trước tôi từng có thời gian bị tù đày, nên bây giờ thể trạng yếu lắm, đau ốm thường xuyên. Nhờ ổng gánh vác, tôi và các con mới có cuộc sống sung túc không thua kém gì ai. Chỉ mong ổng có sức khỏe để theo đuổi đam mê phát triển thêm quy mô trang trại”.

Dù bận bịu với việc làm kinh tế, ông Trưng vẫn hoàn thành tốt trọng trách Chi hội trưởng Chi hội CCB khối phố Tân Khai. Ông lập nên nguồn quỹ “Xóa đói giảm nghèo” bằng cách kêu gọi hội viên đóng góp hằng tháng. Theo đó mỗi tháng sẽ có 2 suất trị giá 2,4 triệu đồng cho hội viên gặp khó khăn, hoặc đang có nhu cầu đầu tư làm kinh tế.

Ngoài ra, ông Trưng còn nảy ra ý tưởng tạo “Quỹ lưu động” nhằm thăm nom, giúp đỡ người nghèo, người mắc bệnh ung thư hoặc gặp nạn. Nhận xét về CCB Phùng Tấn Trưng, ông Lê Tấn Kính - Chủ tịch Hội CCB phường Điện Dương nói: “Không chỉ năng nổ trong công tác hội, CCB Phùng Tấn Trưng còn làm kinh tế giỏi với mô hình trang trại của mình. Ông là tấm gương sáng cho nhiều CCB khác tại địa phương học hỏi và làm theo”.

NHƯ TRANG

Nguồn tin: QNO