Điển hình trong phong trào kinh tế hợp tác

Hợp tác xã Nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Duy Phú (gọi tắt là HTX Duy Phú) ở huyện Duy Xuyên luôn năng động trong việc đổi mới phương thức sản xuất, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Qua đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhiều lao động có việc làm thường xuyên tại cơ sở sản xuất đá sa thạch của HTX Duy Phú

Hướng đi đúng

So với nhiều đơn vị khác trên địa bàn tỉnh, HTX Duy Phú được xếp vào nhóm “sinh sau đẻ muộn”. Ông Phạm Ngọc Huynh - Phó Giám đốc HTX cho biết, cách đây 16 năm đơn vị được thành lập nhưng mới chỉ là một tổ hợp tác, chủ yếu làm dịch vụ cung ứng phân bón, vôi bột, vận chuyển vật liệu xây dựng, đảm nhận thi công hạ tầng thủy lợi, sản xuất đá sa thạch… Tuy nhiên, sau 9 năm đi vào hoạt động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của đơn vị không như mong đợi. Theo ông Huynh, ngoài chuyện thiếu năng lực về vốn, việc thực hiện dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp không có lãi, thậm chí là thua lỗ. Bù lại, một số loại hình sản xuất - kinh doanh khác cho lợi nhuận cao. Trong giai đoạn 2001-2009, bình quân hàng năm doanh thu đạt gần 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận 250 triệu đồng, chủ yếu là từ sản xuất đá sa thạch.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày 17.3.2009 đơn vị chuyển đổi từ mô hình kinh tế tổ hợp tác thành HTX. Đến năm 2011, HTX Duy Phú quyết định dừng tất cả loại hình dịch vụ liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Lý do là một số đại lý tư nhân từng bước hình thành và phát triển khá mạnh. Bỏ các dịch vụ nông nghiệp, HTX theo đuổi ngành nghề chính là sản xuất, chế biến, cung ứng đá sa thạch. Bởi thời điểm này, mặt hàng đá sa thạch rất được thị trường ưa chuộng và nguồn nguyên liệu tại địa phương rất dồi dào. Ông Phạm Ngọc Huynh chia sẻ: “Bắt đầu từ đó, HTX Duy Phú có sự thay đổi lớn về chất, năng lực quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từng bước được nâng cao. Những quyết sách, chiến lược trong sản xuất - kinh doanh được xây dựng bài bản, thể hiện sự linh hoạt, năng động. Nhờ vậy, doanh thu tăng mạnh theo từng năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân trong vùng. Có thể khẳng định, đây thực sự là hướng đi đúng đắn”.

Hiệu quả cao

Góp sức xây dựng nông thôn mới
HTX Duy Phú không những góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, mà còn đóng góp 300 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nhà sinh hoạt văn hóa thôn, trường học, nhà bia liệt sĩ và đặc biệt là hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo. Ngoài xã Duy Phú, đơn vị còn tích cực hỗ trợ xây dựng một số công trình an sinh xã hội tại các xã Duy Thu, Duy Hòa, Duy Tân.

Những ngày cuối năm 2017, cơ sở đá sa thạch của HTX Duy Phú càng trở nên sôi động hơn với không khí làm việc hết sức khẩn trương để kịp hoàn thành những sản phẩm theo đơn đặt hàng đã ký kết. Mỗi người thợ làm việc gấp hai, gấp ba lần so với các thời điểm khác trong năm. Trong khi đó, từng chuyến xe tấp nập ra vào chở hàng đi cung cấp cho các đầu mối. Ông Nguyễn Đức Thời - người dân ở thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú) cho biết, hồi trước ông đi làm thợ hồ rồi phụ xe buýt song thu nhập rất bấp bênh. Cách đây vài năm, ông xin vào làm việc ở cơ sở đá sa thạch Mỹ Sơn, trung bình mỗi ngày được trả công 200 nghìn đồng, khoản tiền đó đủ trang trải cuộc sống nhưng điều quan trọng nhất là ở gần nhà. Ngoài ông Thời, cơ sở sản xuất đá của HTX Duy Phú cũng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 40 lao động, chủ yếu là người dân tại thôn Mỹ Sơn với mức lương bình quân hàng tháng 6 - 7 triệu đồng/người.

Ông Huỳnh Văn Nguyện - Giám đốc HTX Duy Phú cho hay, năm 2009 được hỗ trợ 200 triệu đồng từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đơn vị tiến hành dạy nghề chế tác đá cho người dân địa phương và mua sắm 16 máy cắt đá. Đồng thời tập trung làm tốt công tác tiếp thị và đa dạng hóa sản phẩm nên HTX Duy Phú nhận được nhiều đơn đặt hàng, doanh thu không ngừng tăng lên. Theo ông Nguyện, từ tiền lãi của mỗi năm cộng với việc Liên minh HTX Việt Nam cho vay ưu đãi 2 tỷ đồng, đơn vị đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất. HTX đã mở 2 cửa hàng bán lẻ truyền thống tại tỉnh Gia Lai và TP.Đà Nẵng cùng một số điểm khác ở Quảng Nam nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm đá sa thạch Mỹ Sơn. Ông Nguyện nói: “Theo dự tính, năm 2017, đơn vị sản xuất được 3.000m2 đá với đủ kích thước, màu sắc, phục vụ chủ yếu cho các hạng mục công trình tại những khu du lịch, khu di tích, khách sạn, biệt thự sang trọng ở trong và ngoài nước. Tổng doanh thu ước đạt khoảng 6 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, mức lợi nhuận chắc chắn đạt hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, chúng tôi đã trả cho Liên minh HTX Việt Nam 1,76 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi và dự kiến sang năm 2018 sẽ thanh toán dứt điểm khoản vay còn lại”.

Theo ông Phạm Ngọc Huynh, những năm qua ngoài việc liên tục đổi mới công nghệ để cho ra đời những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đơn vị còn chú trọng cải thiện điều kiện làm việc của người lao động như chống nóng, chống bụi, trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường ở các khu vực sản xuất, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động. Đặc biệt, đơn vị luôn quan tâm đến chế độ tiền lương, tiền thưởng và thực hiện các chế độ khác đối với thành viên như đóng đầy đủ loại hình bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên và trang bị đồ bảo hộ lao động. Những gia đình nghèo khó, ốm đau, hiếu hỷ luôn được HTX kịp thời động viên, hỗ trợ chi phí… nên tạo được sự gắn bó lâu dài giữa người lao động với đơn vị. “Thời gian đến, HTX Duy Phú tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhạy bén, năng động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và nỗ lực tạo niềm tin cho khách hàng. Cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa đối với đại lý, sử dụng hiệu quả công cụ marketing, tích cực tìm kiếm đối tác để ngày càng có thêm nhiều đơn đặt hàng” - ông Huynh nói.

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH