Hướng mở từ một mô hình

Từ hiệu quả của một đề tài khoa học, mô hình nuôi cá ngựa đã và đang dần được nhân rộng, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản ở các xã ven biển của huyện Núi Thành, tiến tới hình thành sản phẩm thương hiệu địa phương trong tương lai.
Từ hiệu quả của một đề tài khoa học, mô hình nuôi cá ngựa đã và đang dần được nhân rộng, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản ở các xã ven biển của huyện Núi Thành, tiến tới hình thành sản phẩm thương hiệu địa p

Cung ứng cá ngựa giống

Ông Nguyễn Đức Xuyên ở thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, chủ cơ sở nuôi cá ngựa đầu tiên ở huyện Núi Thành cho hay, các lứa cá đều sinh sản tốt, mang về lợi nhuận khá cao. Dù là mô hình nuôi cá ngựa đầu tiên ở địa phương, còn nhiều bỡ ngỡ về kỹ thuật chăm sóc, song đàn cá ngựa sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sinh sản cao, mang về lợi nhuận khá ổn định là minh chứng cho hiệu quả từ mô hình thử nghiệm nuôi loại cá đặc biệt này. Theo ông Xuyên, từ  khi chuyển qua nuôi cá ngựa, việc chăm sóc đỡ vất vả hơn nhiều so với nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm post, mà hiệu quả kinh tế không hề kém. “Ban đầu, tôi khá dè dặt khi nhận nuôi thử nghiệm loại cá này. Tuy nhiên, về sau, nhận thấy lợi nhuận ổn định, việc chăm sóc cũng không quá vất vả, rủi ro lại thấp hơn nhiều so với nuôi tôm nên tôi rất yên tâm. Hiện tại đã có 3 gia đình ở xã Tam Hải, Tam Hòa đến học hỏi quy trình nuôi, lấy giống để nhân rộng ươm nuôi cá ngựa tại nhà” - ông Xuyên cho hay.

Hướng tới sản phẩm cá ngựa thương hiệu Núi Thành

Theo thạc sĩ Lê Văn Hiệp, với thành công từ mô hình nuôi cá ngựa, địa phương có thể nhân rộng, phát triển quy mô nuôi để biến cá ngựa thành sản phẩm thương hiệu của Núi Thành. Hiện tại, trong quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương, con cá ngựa là một trong những hướng đi được chú trọng, kết hợp với du lịch biển để có thể hình thành một số địa chỉ nuôi với số lượng lớn ở các xã Tam Hải, Tam Tiến, Tam Thanh, cung ứng sản phẩm cá ngựa như một “đặc sản” địa phương. “Cá ngựa ở Núi Thành có kích thước lớn hơn nhiều so với cá ngựa ở một số địa phương khác. Đồng thời người dân có thể sản xuất cá ngựa đen lẫn cá ngựa vàng bằng kỹ thuật trong khi nuôi, do đó nếu được phát triển mạnh, đây hoàn toàn có thể là một loại hàng hóa độc đáo của địa phương trong tương lai” - thạc sĩ Lê Văn Hiệp nói.

Mô hình nuôi cá ngựa được chính thức triển khai ở Núi Thành vào tháng 8.2014, từ đề tài nghiên cứu khoa học của thạc sĩ Lê Văn Hiệp (chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành). Sau hơn hai năm thử nghiệm, tỷ lệ sống của đàn cá ngựa trong bể nuôi khá cao (71 - 75%). Với khoảng 10.000 cá ngựa giống xuất bán ra qua hai đợt, người dân thu lãi xấp xỉ 50 triệu đồng. Hiện nay, đầu ra của cá ngựa giống rất ổn định, chủ yếu cung ứng cho Nha Trang và các tỉnh phía Nam, nơi nghề nuôi cá ngựa cũng đang phát triển mạnh. Khi đề tài nghiên cứu kết thúc, ông Xuyên vẫn tiếp tục phát triển thêm đàn cá ngựa, trở thành nơi cung ứng giống cho nhiều tỉnh thành. Năm 2016, một số địa phương ven biển như huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), huyện Sông Cầu (Phú Yên) tìm đến Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành để nhờ liên hệ, đề nghị cung ứng giống cá ngựa sinh sản lâu dài cho một số địa chỉ ươm nuôi. “Trong khi nhiều nơi đã thử nuôi cá ngựa giống nhưng chưa thành công thì ở Tam Hải, cá ngựa nuôi trong bể lẫn nuôi ngoài lồng bè đều có tỷ lệ sống cao, chứng tỏ sự thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, khí hậu. Bước đầu, địa phương đã có thể sản xuất giống cung ứng ngược lại cho các đầu mối ở Nha Trang, trong khi nhu cầu thực tế còn cao hơn rất nhiều. Hiện tại Phòng NN&PTNT huyện tích cực hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, tìm nguồn để giúp người dân phát triển mô hình này” - thạc sĩ Lê Văn Hiệp cho hay.

Nhân rộng mô hình

Gắn bó với con cá ngựa từ những ngày đầu tiên đưa về Tam Hải, thạc sĩ Lê Văn Hiệp khẳng định, cá ngựa hoàn toàn có thể là hướng mở cho nuôi trồng thủy sản không chỉ ở các xã ven biển Núi Thành, mà còn trên địa bàn toàn tỉnh. Qua khảo sát khoa học của thạc sĩ Lê Văn Hiệp trên đàn cá ngựa nuôi suốt hơn 2 năm qua, dù là nuôi trong môi trường bể xi măng hay thả ngoài lồng bè tự nhiên, cá ngựa vẫn sinh trưởng, phát triển với tỷ lệ sống khá cao. “Nguồn nước ở biển Quảng Nam có độ mặn hoàn toàn phù hợp với loài cá ngựa. Chưa kể, thức ăn của loài này chủ yếu là loài tôm ruốc, khá dồi dào, giá thành rẻ, có thể trữ đông để chủ động cho nuôi trồng. Trong năm, chỉ có mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12, khi độ mặn trong nước biển giảm mạnh, tỷ lệ sinh sản của cá ngựa nuôi lồng bè mới sụt giảm. Còn lại, người dân hoàn toàn có thể chăm sóc cá ngựa trong bể xi măng hoặc trong lồng bè, với kỹ thuật đơn giản và ít tốn công hơn nhiều so với nuôi tôm thẻ, tôm post” - thạc sĩ Lê Văn Hiệp nhấn mạnh.

Không chỉ nuôi cá ngựa sinh sản để cung ứng giống, hộ ông Nguyễn Đức Xuyên và một số hộ khác trong khu vực đã bắt đầu kết hợp nuôi cá ngựa thương phẩm. Thời gian nuôi cá ngựa thương phẩm cũng tương đương thời gian nuôi sinh sản, việc chăm sóc ít tốn công, thức ăn rẻ, sau 6 tháng đã có thể cho thu hoạch với kích thước đạt 10 - 12cm/con, giá thấp nhất là 70.000 đồng/con. Nếu xuất bán cho các thị trường phía Nam, giá có thể lên đến 100 - 110 ngàn đồng/con. Ngoài ra, không bị khai thác cạn kiệt như ở các tỉnh miền Nam, nguồn cá ngựa giống trong tự nhiên ở Núi Thành còn khá dồi dào, chưa kể chất lượng vượt trội hơn hẳn. Thạc sĩ Lê Văn Hiệp cho biết: “Cá ngựa giống ở biển Núi Thành có thể đạt kích thước 22cm, gấp rưỡi so với kích cỡ trung bình ở Nha Trang, đồng thời mỗi cặp cá sinh sản có thể đẻ 500 - 1.400 cá con. Việc nhân rộng nuôi cá ngựa đang có tín hiệu tích cực, do đã có nhiều người dân ở trong vùng quan tâm, tìm hiểu và bắt đầu thử nghiệm nuôi loài cá này. Duy chỉ có việc xuất khẩu cá giống lẫn cá thương phẩm là còn gặp khó do phải có chứng nhận CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp - PV). Khi quy mô nuôi cá ngựa phát triển nhất định, chúng tôi sẽ đề xuất để giải quyết vấn đề này”.

Tác giả bài viết: THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

Nguồn tin: QNO