Khai phá đất hoang làm kinh tế

(QNO) - Tận dụng phần đất bỏ hoang tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thanh (73 tuổi, thôn 4, xã Bình Giang, Thăng Bình) khai phá để kết hợp trồng sen và nuôi cá. Mô hình này nhiều năm qua mang lại hiệu quả kinh tế, được chính quyền đánh giá cao.
Anh Nguyễn Văn Linh - con trai ông Thanh thu hoạch hạt sen. Ảnh: HỒ QUÂN
Ông Thanh cho biết, trước khi khai phá, khu vực này vốn là đất của nhà nước chia cho dân để canh tác. Tuy nhiên, do tính chất đất ruộng ở đây có lớp bùn quá dày, trồng lúa không hiệu quả nên người dân bỏ hoang nhiều năm liền. Thấy vậy, năm 2006, ông mạnh dạn xin phép chính quyền địa phương để sử dụng phần đất trên nhằm mục đích nuôi trồng thủy sản.

“Khi chính quyền cấp quyền sở hữu đất, gia đình tôi thuê nhân công dọn cỏ, hút bùn, làm bờ mấy tháng trời, tốn hơn 100 triệu đồng. Sau đó, khoảng năm 2007, tôi nuôi cá chép lồng, nhưng không đem lại hiệu quả mà thậm chí còn thua lỗ nặng. Nhận thấy đất bùn ở đây phù hợp với mô hình trồng sen và nuôi cá đồng nên tôi đi khắp nơi chọn sen giống, cá giống về thử nghiệm” - ông Thanh nói.

Bắt đầu trồng từ năm 2011, chỉ sau 2 năm ruộng sen của ông Thanh đã phát triển nhanh chóng. Hiện ruộng sen hơn 6.000m2 thu hoạch được 6 vụ. Cứ đầu hạ là sen bắt đầu ra hoa và cho thu hoạch đến cuối mùa. Riêng năm nay, ruộng sen rất được mùa, bông trổ nhiều và chắc hạt. Ba ngày thu hoạch một lần, mỗi lần được hơn 30 ký hạt sen. Hạt sen nhà ông được người dân khắp nơi ưa chuộng, giá 1 ký hạt có thể lên đến 50 nghìn đồng.

Bên cạnh đó, đầu tháng Giêng hàng năm, ông Thanh mua các giống cá đồng thả ở ruộng sen, chờ đến mùa sen tàn thì thu hoạch. Mỗi lứa cá giúp gia đình ông thu nhập hơn 30 triệu đồng. Cộng nguồn thu từ sen, kinh tế gia đình ông Thanh rất ổn định.

Nhận thấy tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm sút, ông Thanh chuyển giao ruộng sen lại cho con trai là anh Nguyễn Văn Linh (29 tuổi) chăm sóc. Sau nhiều năm bôn ba, anh Linh về quê tiếp quản công việc của người cha với mong muốn mở rộng mô hình này để tăng hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Sen và cá nhà tôi được nuôi trồng trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên nên rất được thị trường tin dùng. Đặc biệt khi thu hoạch hạt sen, thông qua quảng bá trên các trang mạng, rất nhiều người đặt mua nhưng không đủ lượng sen để cung ứng. Thời gian tới, tôi dự định xin phép chính quyền địa phương khai phá các phần đất hoang xung quanh để mở rộng ruộng sen” - anh Linh chia sẻ.

Ông Võ Văn Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết: “Trồng sen kết hợp nuôi cá của gia đình ông Thanh là một mô hình hay, biết chủ động tận dụng các điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, sen không tốn công chăm sóc mà giá trị kinh tế lại rất cao”.

HỒ QUÂN