Lon ton theo con heo

Ông bà xưa có câu “giàu nuôi chó, khó nuôi heo”. Chuyện khó ở đây là sự nghèo khó, nhà nông phải nuôi heo mới dành dụm được ít tiền sắm sửa, lo cho con tấm áo manh quần. Bây giờ cái khó là nuôi heo thế nào cho thịt sạch và bán được giá...
Với mô hình chăn nuôi heo khép kín, mỗi năm anh Võ Ngọc Sơn (Đại Lộc) thu lãi 6 tỷ đồng.

Cách đây phần tư thế kỷ, tôi từ Quảng ra Huế học, mỗi khi về thăm nhà là lon ton xuống coi... chuồng heo có tiếng ụt ịt không. Nếu heo nái đẻ được dăm bảy con thì mừng vì sẽ có ít tiền mang ra lo ăn học. Còn nếu heo... kế hoạch hóa “chỉ sinh một đến hai con”, thì thôi rồi, buồn thiu!

Kể chuyện khó thế để nhắc rằng, con heo là bạn của nhà nông bao đời, nó hiện lên hình ảnh cần mẫn, chắt chiu tằn tiện. Nhưng câu chuyện nuôi heo không hoàn toàn ở các nhà khó. Nếu ai đầu tư làm như câu ca “Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn. Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm”, thì có thể giàu chớ khó gì. Và, cũng không sai mấy khi ta áp dụng kinh nghiệm dân gian, rằng “Giàu nuôi heo nái, lãi nuôi gà con”, bởi vì “Heo bột thì thịt ăn ngon. Heo nái thì đẻ heo con cũng lời”.

Muốn có heo sạch, đầu tiên phải phòng ngừa dịch bệnh cho heo. Còn nhớ, cách đây hơn mười năm, báo chí đưa tin Nhật Bản sẽ nhập thịt heo Việt Nam, với điều kiện đáp ứng đủ 29 tiêu chuẩn kèm theo. Nhưng rồi, tin mừng đó trở thành tin buồn vì ngành chăn nuôi heo Việt Nam không đáp ứng nổi, do dịch bệnh liên tiếp xảy ra và đặc biệt là thịt heo không sạch do dùng nhiều thuốc tăng trọng, kháng sinh... Nhìn nhận lại điều này, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, tỉnh có tổng đàn heo thuộc hàng lớn nhất cả nước, cho biết rất khó để nghĩ đến chuyện xuất khẩu thịt heo sang những nước như Nhật Bản nếu chưa có vùng an toàn dịch bệnh. Bẵng đi nhiều năm, cho đến  tháng 8.2014, Bộ NN&PTNT có đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm giai đoạn 2014-2018”. Theo đó, các tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn (như Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh) phải xây dựng cho được vùng an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy thông tin kết quả thực hiện đề án này ra sao.Bây giờ cái khó của chuyện nuôi heo là làm sao đáp ứng được nhu cầu thị trường. Không kể việc nuôi heo lẻ tẻ, bán lẻ ăn chơi mà nuôi heo để xuất khẩu hoặc cung cấp cho thị trường lớn. Yêu cầu trước hết, đó là làm thế nào để có thịt heo sạch?

Không được đưa vào đề án của bộ, nhưng mấy năm qua, Quảng Nam cũng đã có chủ trương chuyển nuôi heo theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích nuôi tập trung với hình thức gia trại, trang trại và áp dụng công nghệ mới đảm bảo an toàn dịch bệnh. Có thể kể điển hình như ở Đại Lộc đến nay đã quy hoạch khoảng 16 trang trại chăn nuôi gia cầm, heo thịt và trang trại lâm nghiệp, 118 gia trại các loại; trong đó có khu trang trại chăn nuôi heo thịt tại xã Đại Hiệp với quy mô gần 5ha, nhằm phát triển chăn nuôi hiệu quả, an toàn. Nổi lên ở Đại Lộc là trang trại chăn nuôi của Võ Ngọc Sơn (SN1978). Chủ trang trại này ban đầu gầy cơ sở ở Duy Tân (Duy Xuyên), rồi phát triển lên Đại Tân (Đại Lộc), duy trì sản xuất heo giống với quy mô 600 con nái có nguồn gốc từ Đài Loan. Bình quân mỗi tháng trang trại bên xã Duy Tân có 100 - 150 con heo nái sinh sản và cho ra đời khoảng 1.200 con heo con, bán ra thị trường 300 con, còn lại 900 con thì chuyển sang trang trại ở xã Đại Tân nuôi thịt. Với việc sản xuất giống heo con và nuôi heo thịt, hàng năm Võ Ngọc Sơn thu về khoảng 50 tỷ đồng, lãi ròng 6 tỷ đồng.

Điển hình đáng nói thêm là việc liên kết chăn nuôi heo giữa doanh nghiệp và nông dân, áp dụng theo công nghệ mới (nuôi an toàn, khép kín, có máy lạnh...). Như Công ty TNHH Thái Việt Swine Line triển khai liên kết với 10 trang trại tại các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước, Thăng Bình. Theo đó, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi để cung ứng, đầu tư con giống, kỹ thuật, còn nông dân đầu tư chuồng trại và bỏ công chăm sóc cho đàn heo; lợi nhuận được chia theo thỏa thuận. Đặc biệt, theo mô hình này, công ty cử cán bộ thú y đến các trang trại hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng chống dịch bệnh; sản phẩm heo thịt được công ty xuất trực tiếp tới các lò giết mổ tại Đà Nẵng và các thành phố khác.

Giá cả và đầu ra cho sản phẩm thịt heo còn bấp bênh là nỗi lo lắng của người chăn nuôi. Lại phải “vái ông chuồng” để  người  nuôi heo không còn gặp khó vì chuyện như “Ba bà đi bán heo con. Bán đi chẳng được lon ton chạy về. Ba bà đi bán heo sề. Bán đi chẳng được chạy về lon ton”...

Dù đạt được một số thành công nhưng chăn nuôi heo ở Quảng Nam còn hạn chế nhiều mặt. Trong khoảng 130 trang trại chăn nuôi với nhiều đối tượng, chỉ mới có hơn 50 nghìn con heo, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng đàn heo toàn tỉnh (ước tính tổng đàn heo của tỉnh gần 500 nghìn con). Số lượng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán nhiều, và còn hạn chế trong áp dụng phương thức nuôi an toàn, nên khó kiểm soát dịch bệnh là điều dễ thấy. Mặt khác, việc phát triển nuôi heo theo hướng trang trại lớn còn bị vướng mắc trong khâu quy hoạch đất đai, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, thị trường và đầu ra cho sản phẩm,… Cái khó này có nguy cơ cản trở việc hiện thực hóa chủ trương xây dựng chuỗi sản phẩm thịt heo an toàn để cung cấp cho thị trường và xuất khẩu.

Nhân nói về đầu ra sản phẩm, cần nhắc chuyện giá heo bất ổn định vì phụ thuộc lớn thị trường Trung Quốc. Cuối năm rồi giá giảm mạnh nên Bộ NN&PTNT đã phải gửi công văn đến các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát lại quy hoạch chăn nuôi heo gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Một trong những yêu cầu đó là các địa phương khi mở rộng quy mô đàn heo phải căn cứ vào tín hiệu thị trường, khuyến khích người chăn nuôi thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro; cần đa dạng hình thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi công nghiệp mà cần chú ý phát triển chăn nuôi bán công nghiệp gắn với truyền thống, chăn nuôi hữu cơ

Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐIỆN NAM

Nguồn tin: QNO