Thoát nghèo từ nấm rơm

Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Văn Tiến ở thôn Phước Thượng (xã Quế Thuận, Quế Sơn) mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng nấm rơm của ông Nguyễn Văn Tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: M.L
Chúng tôi ghé thăm trang trại nấm của ông Nguyễn Văn Tiến - người có 10 năm theo đuổi nghề trồng nấm rơm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tiến cho biết, năm 1992, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông làm đủ nghề từ thợ hồ, đục đá trên núi đến sửa xe đạp nhưng thu nhập rất thấp và gia đình ông lọt vào danh sách hộ nghèo của xã Quế Thuận. Đầu năm 2007, trong một lần vào thăm gia đình người bạn ở huyện Núi Thành, được tham quan mô hình trồng nấm rơm, ông Tiến nhận thấy nghề đó đòi hỏi vốn đầu tư ít, phù hợp với điều kiện ở địa phương nên nhờ bạn hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật sản xuất. Về nhà, ông nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai xây dựng mô hình này.

Lúc đầu, ông Tiến trồng thử nghiệm nấm rơm trên diện tích 500m2 đất vườn. Nhờ thực hiện bài bản quy trình kỹ thuật nên nấm phát triển tốt, cho năng suất cao, hình dáng đẹp, được thị trường ưa chuộng. Nhờ thế, năm đầu tiên trồng nấm rơm mang lại cho ông lãi ròng không dưới 30 triệu đồng. Thấy nguồn thu nhập khá, năm 2012 ông Tiến mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại lên 2.000m2. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Tiến sản xuất gần 5 tấn rơm khô, tạo ra 50 tạ nấm thương phẩm cung cấp sỉ cho những bạn hàng ở Đà Nẵng, Tam Kỳ và một số địa phương lân cận. Theo lời ông Tiến, với sản lượng nấm rơm tươi bán cho tư thương với mức giá sàn 70 nghìn đồng/kg, hằng năm ông thu về tổng cộng 350 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, còn lại lãi ròng 100 - 120 triệu đồng/năm. Ông Tiến chia sẻ: “Để trồng nấm phát huy hiệu quả, tôi sử dụng nguồn rơm nguyên liệu sạch, không nhiễm các loại nấm mốc ký sinh và đặc biệt chú ý kỹ đến meo giống vì đây là yếu tố quyết định sự thành công. Khi đưa vào nhà trồng, phải chủ động phòng trừ các loại dịch hại, nhất là bọ gậy. Nếu không quan tâm khâu này, năng suất và chất lượng nấm sẽ đạt thấp”.

Nhờ trồng nấm rơm, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiến đã thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, con cái học hành đến nơi đến chốn. Bản thân ông Tiến nhiều năm liền được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi và được cấp trên tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách, Hồ Chí Minh”.

Tác giả bài viết: MAI LINH