Chuyện “thức thời” của nông dân ở phố.

Thời gian qua, nông dân Hội An luôn “thức thời” trong việc đón bắt cơ hội phát triển sản xuất, sáng tạo những cách làm mới để có thể tận dụng lợi thế của địa phương và gia đình để làm kinh tế, mang lại thu nhập cao.
Nông dân Hội An làm đường giao thông nông thôn (Lê Hiền).
Nông dân làm hạ tầng…
Trước đây, nhiều đường làng ngõ xóm, hẽm kiệt, đường ra đồng sản xuất ở các xã phường vùng ven của Hội An còn là đường đất, nhỏ hẹp, trơn trượt. Người dân muốn đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản gặp rất nhiều khó khăn.
Mấy năm trở lại đây, cùng với sự phát triển chung của cả nước, thành phố Hội An đã từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Song vì nhu cầu kinh phí quá lớn nên có nhiều công trình, thành phố đã chủ trương vận động nhân dân tham gia theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Thấy được tính thiết thực của phong trào này, bà con nông dân ở các xã phường đã hưởng ứng tích cực. Các hộ đã tự giác tháo dỡ tường rào, chặt bỏ cây cối, hiến hơn 15.000 m2 đất mở đường giao thông nông thôn, kiệt hẽm đô thị; chỉnh trang chuồng trại chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thuận trong việc di chuyển các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; đóng góp hàng tỷ đồng, hàng ngàn ngày công để xây dựng thiết chế văn hoá, tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, cầu cống, đảm bảo phục vụ việc đi lại và sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, Hội Nông dân các xã Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Tân Hiệp tích cực phối hợp vận động nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2020 thành phố đạt chuẩn chương trình nông thôn mới.
Ông Phạm Mèo, ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh là một trong số rất nhiều nông dân hưởng ứng tích cực chủ trương xây dựng nông thôn mới, trực tiếp làm đường giao thông nội đồng, phục vụ sản xuất. Ông nói: “Khi xây dựng nông thôn mới, tôi thấy hội viên, bà con nông dân sẵn sàng hiến hết đất đai để mở đường trong thôn xóm, làm đường bê tông ra nội đồng hoặc kênh mương. Các cổng ngõ khi mà nhìn khó coi thì bà con cũng sửa để cho ra nề nếp nông thôn mới. Họ làm như vậy là để làm cho tốt, có hạ tầng tốt thì thuận lợi, mở mang ra, du khách mới tới. Mà có du khách tới thì dịch vụ sẽ có nhiều hơn, đời sống tốt hơn.”
Gần đây, khi Hội Nông dân thành phố phát động sâu rộng phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phương án Nhà nước và nhân dân cùng làm lại càng được triển khai hiệu quả. Ở nhiều phường đô thị như Cẩm Châu, Tân An, Thanh Hà, Sơn Phong, đất đai, nhà ở có giá trị kinh tế lớn nhưng ở nhiều hẻm kiệt, các hộ nông dân cũng hưởng ứng việc mở đường, bê tông, kéo điện chiếu sáng, xây dựng cộng đồng. Tại khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu, nông dân Nguyễn Văn Dư cho biết: Bản thân gia đình có suy nghĩ bây giờ chúng ta không kề vai gánh vác việc này thì con đường này đến thế hệ sau này của con cháu mình mãi mãi cũng vậy thôi, mà đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức rất là lớn. Tôi nghĩ cái này rất là thiết thực vì vậy cái nào tôi có thể hiến được thì tôi cũng sẵn lòng thôi”.
Làm du lịch bằng nông nghiệp…
Từ khi đường giao thông được mở mang tới từng thôn cùng ngõ hẽm, nông dân Hội An đã tận dụng cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp gắn liền với du lịch dịch vụ. Theo hình thức du lịch cộng đồng, giờ đây tại Hội An đã dần hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp, với sự tham gia trực tiếp của người dân. Đơn cử như mô hình du lịch ở làng rau An Mỹ, phường Cẩm Châu, du lịch cộng đồng từ việc khai thác tiềm năng cảnh quan sông nước làng quê ở xã Cẩm Kim, Cẩm Thanh. Riêng tại xã Cẩm Thanh, hiện nay, bà con nông dân đã trở thành những chủ thể làm du lịch, với các nghề như bơi thúng chai, trình diễn nghề chằm lá dừa, làm các sản phẩm từ tranh tre, dừa nước, tham gia trình diễn nghề trồng rau hữu cơ hoặc tham gia các tour du lịch vãi chài lưới trên sông, trình nghề trồng lúa nước. Du lịch cộng đồng phát triển đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương có cơ hội phát triển hình thức lưu trú homsetay, mở các gói dịch vụ spa, phục vụ nhu cầu ăn uống, đi lại của du khách. Rộng hơn một chút đến với xã đảo Tân Hiệp, nông dân ở địa phương này đã nhanh nhạy chuyển đổi sinh kế bằng chính nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên biển. Bà con vừa tranh thủ làm nghề khai thác đánh bắt ven bờ, vừa phục vụ nhu cầu vận chuyển khách câu hải sản trên biển, kết hợp thêm các hoạt động tìm hiểu khám phá đời sống của cư dân xã đảo. Ở làng nghề tên tuổi như làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, rau an toàn do bà con sản xuất được cung cấp ra thị trường với giá trị cao, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân. Cũng nhờ thương hiệu rau Trà Quế, tại vùng quê này giờ đây đã phát triển thêm nhiều hình thức kinh doanh dịch vụ gắn liền với nghề nông của bà con, với các tour du lịch một ngày làm nông dân, lưu trú sinh thái, dạy nấu ăn kết hợp với các dịch vụ ăn uống đặc sản ẩm thực làng quê… Nhờ bắt kịp xu hướng phát triển nên thu nhập của người nông dân trồng rau tại làng Trà Quế cơ bản ổn định, giải quyết được việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động, nhất là những lao động lớn tuổi. Chị Nguyễn Thị Sen, một nông dân ở Trà Quế cho biết: Từ khi điện, đường bê tông hóa của nông thôn mới đã mở hết ở làng quê chị thì người dân mới bắt những giàn phun sương như thế này để mà tưới rau, rất đỡ công lao động. Thực tế mình siêng một tí thì có thể một ngày một người làm ra bình quân 200 nghìn, chị thấy người dân Trà Quế của chị đời sống rất là khấm khá”.
Tăng số nông dân sản xuất kinh doanh giỏi…
Theo Hội Nông dân thành phố Hội An, 5 năm trở lại đây, phong trào nông dân thi đua SXKDG, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào sâu rộng được đông đảo nông dân ở Hội An hưởng ứng thực hiện. Trong 5 năm qua đã có gần 35 ngàn lượt hộ nông dân đăng ký và đã có hơn 20 ngàn lượt hộ đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp. Trên lĩnh vực nông nghiệp, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan và các xã, phường hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh, phòng, trừ sâu bệnh, kết hợp các mô hình mới như trồng rau hữu cơ; quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa; sản xuất nông nghiệp bằng phân hữu cơ vi sinh; chuyển giao một số cây trồng mới trong nghề trồng hoa, cây cảnh. Trên lĩnh vực ngư nghiệp, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ và bám biển dài ngày, đánh bắt đạt sản lượng. Nghề nuôi trồng thủy sản với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen canh cá dìa; nuôi cua thương phẩm trong ao đất bằng phương pháp SX giống nhân tạo cũng đã đem lại kết quả cao. Ngoài phát triển nông nghiệp thuần túy, nông dân Hội An cũng đã có nhiều sáng tạo trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, tạo nhiều sản phẩm thương hiệu như: mộc Kim Bồng,  gốm Thanh Hà, tre, dừa nước Cẩm Thanh, đèn lồng Hội An… Tất cả đều được cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng, khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho một bộ phận nông dân.
Có thể nói, bằng sự “thức thời” của mình, những nông dân chính hiệu của Hội An ngày nào giờ đã bắt kịp xu thế phát triển kinh tế du lịch dịch vụ từ chính nghề nghiệp của mình và tiềm năng lợi thế của địa phương. 

Tác giả bài viết: Lê Hiền

Nguồn tin: Hội Nông dân Hội An