Khẩn cấp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP), sáng 28.5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị trực tuyến với 18 điểm cầu trên toàn tỉnh để chỉ đạo khẩn cấp các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch lan rộng.
UBND tỉnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển heo trên địa bàn nhằm ngăn ngừa sự lây lan của DTHCP. Ảnh: CTV
 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, ổ bệnh DTHCP đầu tiên được phát hiện tại 1 hộ dân (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) vào ngày 14.5. Đến nay, bệnh DTHCP được phát hiện tại 68 hộ dân ở 8 xã, phường thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố (Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình và TP.Tam Kỳ), với tổng số heo mắc bệnh, chết tiêu hủy theo quy định là 228 con, trọng lượng 12.716kg. Hiện ngành chức năng tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm của heo nghi mắc bệnh tại một số địa phương như Điện Bàn, Nam Trà My đi xét nghiệm.Dịch diễn biến phức tạp

Khó kiểm soát cơ sở giết mổ động vật tập trung

Theo dự thảo báo cáo tại hội nghị trực tuyến phòng chống DTHCP, toàn tỉnh hiện có 31 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung và điểm giết mổ theo phương án sắp xếp của UBND cấp huyện có quản lý (được cấp mã số dấu kiểm soát giết mổ) và có nhân viên thú y làm kiểm soát giết mổ. Trong đó chỉ có một số CSGM động vật tập trung do tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được các cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc Sở NN&PTNT thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để giết mổ heo; còn lại các CSGM do cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các điểm giết mổ được phép để lại hầu như chưa được cơ quan phân công nhiệm vụ thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để giết mổ heo. Đây là một trong những khó khăn lớn của tỉnh trong việc kiểm soát giết mổ heo khỏe mạnh, heo không mang mầm bệnh DTHCP trong vùng dịch để tiêu thụ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Đặc biệt, tình hình kiểm soát dịch bệnh càng phức tạp hơn khi mới đây (sáng 27.5), lần đầu tiên ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ một xe tải chở heo bị nhiễm bệnh DTHCP được vận chuyển từ phía Bắc vào.

Theo đó, xe tải mang BKS 76C-060.68 được xác định vận chuyển 150 con heo thịt từ tỉnh Bắc Ninh vào cơ sở giết mổ tại xã Sơn Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tuy nhiên tại thời điểm bắt giữ, trên xe tải chỉ còn 39 con heo (3 con đã chết), số heo trước đó theo tài xế khai báo là đã tiêu thụ tại các điểm giết mổ trái phép trên địa bàn huyện Thăng Bình.

Khi Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh lấy 3 mẫu bệnh phẩm đem đi xét nghiệm thì kết quả là 3/3 mẫu dương tính với vi rút bệnh DTHCP. Hiện, cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số heo và tiến hành làm rõ nguồn gốc chủ số heo để xử lý nghiêm theo quy định.

Qua tìm hiểu các ổ dịch bệnh, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hầu hết ổ dịch xảy ra ở hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư; bệnh xuất hiện ở các khu tập trung đông người (công nhân của các công trường đang xây dựng), dọc theo đường 129 và đường biển giáp TP.Đà Nẵng; đường lây của vi rút DTHCP rất phức tạp, chủ yếu là do người dân sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn chưa qua nấu chín để nuôi heo… Ông Tấn nhận định, trong thời gian đến nguy cơ bệnh DTHCP lây lan ra diện rộng rất cao, diễn biến phức tạp.

Chống dịch từ cơ sở

Để ngăn ngừa bệnh DTHCP lây lan trên diện rộng, tại hội nghị trực tuyến, các địa phương, ngành chức năng của tỉnh trao đổi nhiều vấn đề liên quan trong công tác phòng chống dịch. Đại diện Chi cục Thú y vùng 4 (Đà Nẵng) khuyến cáo các địa phương cấp xã cần thành lập ngay các tổ phản ứng nhanh với nhân lực và phương tiện đảm bảo nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Trong đó lưu ý bố trí lực lượng được tập huấn các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong các việc tiêu hủy heo bệnh, phun thuốc khử trùng, tuyên truyền, kiểm kê… Đặc biệt, các địa phương cần khảo sát, bố trí quỹ  sẵn sàng để kịp thời tiêu hủy heo bệnh khi phát hiện.

Ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh có khoảng 97,5 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn về dịch bệnh, nguy cơ phát sinh DTHCP trên rộng dễ xảy ra. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh cần phải được các địa phương, nhất là cấp cơ sở quan tâm, triển khai nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về phòng, chống dịch. Theo đó, các xã phải củng cố ban chỉ đạo và tiến hành thành lập các tổ tác chiến nhanh theo tinh thần “phát hiện sớm, xử lý ngay”; tuyên truyền đến nhân dân, nhất là về chính sách hỗ trợ việc tiêu hủy heo bệnh để người dân không dấu dịch… Sở NN&PTNT sẽ đề nghị tỉnh và Bộ NN&PTNT cấp khoảng 40 nghìn lít hóa chất tiêu độc khử trùng để cấp cho các địa phương.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh tinh thần “chống dịch phải như chống giặc, phòng chống thiên tai” để nhắc nhở cán bộ các cấp, các địa phương, nhất là cán bộ cơ sở nghiêm túc phòng chống DTHCP đang diễn biến phức tạp. Ông Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT ban hành ngay văn bản hướng dẫn chi tiết về phòng chống DTHCP; chỉ đạo rà soát, kiểm đếm tổng số đàn heo, tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng trên diện rộng… Thành viên ban chỉ đạo nêu cao vai trò, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu lơ là trong phòng chống dịch. Đặc biệt, UBND cấp xã cần tính toán, bố trí sẵn quỹ đất để kịp thời tiêu hủy heo bệnh khi phát hiện ổ dịch.

Trước sự việc phát hiện heo bị nhiễm DTHCP được vận chuyển, tiêu thụ trong tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn việc vận chuyển heo qua địa bàn, trong lưu ý 2 chốt kiểm dịch động vật phía Nam, phía Bắc trên tuyến quốc lộ 1 phối hợp tốt trong khâu kiểm soát phương tiện, số lượng heo vận chuyển vào, ra địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu thụ heo trái phép trong quá trình vận chuyển.

Tác giả bài viết: ANH ĐÔNG