Lắng nghe nông dân

Hôm qua 23.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu; Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Thị Minh Tâm chủ trì hội nghị đối thoại trực tiếp với cán bộ, hội viên nông dân các cấp. Tham dự có lãnh đạo một số ngành, đơn vị liên quan.
Nhiều cán bộ, hội viên nông dân nêu ý kiến liên quan đến nông nghiệp - nông thôn. Ảnh: VĂN SỰ
Mở đầu cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị này với mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đóng góp, phản ánh của cán bộ, hội viên nông dân đối với những vấn đề bức xúc ở cơ sở. Đồng thời tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của các cấp HND cũng như trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của nông dân; những thách thức trong phát triển nông nghiệp - nông thôn và đời sống người nông dân. Từ đó, tiếp tục có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, từng bước tháo gỡ những trở lực từ thực tiễn...

Nhiều vấn đề bức xúc

Ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch HND huyện Tiên Phước cho hay, những năm qua nông dân địa phương đầu tư phát triển mạnh mô hình kinh tế vườn, trong đó chủ yếu trồng các loại cây ăn quả. Hầu hết mô hình trồng cây ăn quả ở Tiên Phước đều cho năng suất cao, tuy nhiên việc phát triển mô hình này vẫn còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch bài bản. Thời gian qua có nhiều người đưa các loại giống cây ăn quả từ nơi khác đến Tiên Phước bán, sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, trong khi ngành chức năng không quản lý, giám sát.

“Tôi kiến nghị tỉnh thời gian tới quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp về địa phương hợp tác với nông dân trồng, chế biến, tiêu thụ các loại cây ăn quả theo phương thức sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế” – ông Tứ nói.

Ông Phạm Ngọc Thành (xã Đại Quang, Đại Lộc) cho rằng, hiện nay nguồn vốn phát triển sản xuất nông nghiệp là khó khăn lớn đối với hầu hết nông dân, nhất là những hộ cá thể, tổ hợp tác muốn đầu tư xây dựng mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi với số lượng lớn.

Ông Thành chia sẻ: “Trước đây, có 3 - 4 triệu đồng là mua được một con bò về nuôi, còn bây giờ giá trị một con bò tăng lên 20 – 30 triệu đồng. Nông dân thường không có tài sản giá trị lớn thế chấp vay nhiều tiền về đầu tư sản xuất. Trong khi đó, ngân hàng chính sách xã hội chỉ cho mỗi hộ vay không quá 50 triệu đồng nên khó phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp với quy mô vừa và lớn”.

Trong khi đó, ông Phan Văn Huệ (Quế Long, Quế Sơn) nêu ý kiến: “Quỹ hỗ trợ nông dân nhằm giúp nông dân có nguồn vốn phát triển sản xuất nhưng mức lãi suất thu cao hơn ngân hàng chính sách xã hội là không ổn, gây khó khăn cho nông dân”.   

Ông Đoàn Toàn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) phản ánh, thời gian qua tình trạng khai thác cát sỏi diễn ra khá phức tạp trên sông Thu Bồn thuộc địa phận giữa Duy Xuyên – Điện Bàn. Ông Toàn cho biết, do thu nhập từ sản xuất lúa quá thấp nên gần đây tình trạng nông dân suy giảm thâm canh hoặc bỏ hoang đất lúa xảy ra phổ biến. Thế nhưng, việc tập trung, tích tụ ruộng đất lại khó thực hiện vì ruộng lúa bỏ hoang nằm rải rác, thủ tục chuyển nhượng quá nhiêu khê.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bình (Bình Hải, Thăng Bình) nói: “Một số dự án của Tập đoàn BRG được tỉnh cấp phép đầu tư đã nhiều năm nay nhưng cứ “treo” mãi, không triển khai thực hiện. Dự án “treo” khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng lớn, nhất là việc xây dựng nhà cửa và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản”.

Giải đáp từ ngành chức năng

Đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cho biết, trước tình trạng 5 dự án của Tập đoàn BRG “treo” quá lâu, UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị làm việc cụ thể với chủ đầu tư và đã đi đến thống nhất ngừng thực hiện, hiện nay đang tham mưu UBND tỉnh thu hồi quyết định thống nhất chủ trương đầu tư.

Bà Lê Thị Minh Tâm – Chủ tịch HND tỉnh thừa nhận, mức thu phí (không phải lãi suất) khi nông dân vay vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng chính sách xã hội là một bất cập đã được nhìn thấy. Tuy nhiên, vấn đề này phải chờ năm 2021 Bộ Tài Chính tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định thì mới khắc phục được.

Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, lâu nay chưa có chế tài về xử lý tình trạng bán giống cây ăn quả không rõ nguồn gốc. Để nông dân không “vớ” phải những giống cây ăn quả không đảm bảo chất lượng, trước mắt ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương sẽ tích cực tập huấn, hướng dẫn người dân cách lựa chọn sản phẩm; hỗ trợ tìm kiếm, lựa chọn những đơn vị cung cấp cây giống có uy tín.

“Hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng và đẩy mạnh việc tập trung, tích tụ ruộng đất là vấn đề hết sức bức thiết nhưng rất khó gỡ những vướng mắc vì liên quan đến các quy định của Luật Đất đai. Dự kiến, năm 2021 sẽ sửa đổi luật này. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương xây dựng đề án về cơ chế, chính sách hỗ trợ tập trung, tích tụ ruộng đất với những hướng hỗ trợ cụ thể, phù hợp hơn” – ông Tích nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay, sắp tới tỉnh sẽ sửa cơ chế 331 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn với những chính sách hỗ trợ thông thoáng, mạnh mẽ hơn nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp hợp tác với nông dân sản xuất các mặt hàng nông – lâm – thủy sản theo chuỗi giá trị để tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị kinh tế. Trong đó, quan tâm lĩnh vực chế biến thủy sản, dăm gỗ, các loại trái cây...                

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu, sau hội nghị đối thoại này, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở ban ngành và UBND cấp huyện, theo chức năng nhiệm vụ được giao, khẩn trương giải quyết những nội dung cán bộ, hội viên nông dân nêu ra theo hướng ưu tiên vấn đề gì tháo gỡ được thì phải làm ngay. Trong đó, chú trọng nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ nông dân về khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm nông sản, cung cấp thông tin, dự báo thị trường, xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, chuỗi liên kết để có đầu ra ổn định...

Tác giả bài viết: VĂN SỰ

Nguồn tin: QNO