Tập trung mọi nỗ lực giúp dân khôi phục sản xuất

Ngày 29.12, tại TP.Tam Kỳ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và đồng chí Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì hội nghị khôi phục sản xuất sau mưa lũ ở các địa phương thuộc khu vực miền Trung. Tham dự có lãnh đạo UBND và ngành nông nghiệp 11 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Quang cảnh hội nghị diễn ra tại TP.Tam Kỳ vào hôm 29.12. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Thiệt hại nặng nề

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trong những đợt mưa lũ lớn vừa qua, ngành nông nghiệp các địa phương thuộc khu vực miền Trung bị thiệt hại hết sức nặng nề, khiến cả trăm nghìn hộ dân lâm vào cảnh khó khăn. Ông Doanh nói: “Theo số liệu thống kê mới nhất, tại 11 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận có hơn 53.913ha lúa, 28.470ha rau màu, 8.883ha cây hằng năm, gần 1,9 triệu chậu hoa cảnh và 4.079ha cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả bị ngập úng, dập nát dẫn đến mất trắng hoàn toàn. Ngoài ra, còn có 59 tàu thuyền bị chìm, ít nhất 2.700ha tôm, cá nuôi ven sông và trong lồng bè chưa kịp thu hoạch bị cuốn trôi. Đặc biệt, hàng loạt diện tích đất canh tác, hệ thống thủy lợi, đê kè… bị bồi lấp, sạt lở nghiêm trọng”. Riêng tại Quảng Nam, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngoài các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh bị hư hỏng nặng thì mưa lũ cũng đã làm mất trắng 823ha lúa, 3.749ha hoa màu các loại.  

Trong những đợt mưa lũ vừa rồi, Quảng Nam có 4.572ha lúa và hoa màu bị mất trắng.
Trong những đợt mưa lũ vừa rồi, Quảng Nam có 4.572ha lúa và hoa màu bị mất trắng. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Theo tìm hiểu, trước những khó khăn rất lớn do thiên tai gây ra, chính quyền các địa phương ở khu vực miền Trung đã đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ khẩn cấp gần 5.000 tấn hạt giống lúa, bắp, đậu phụng, rau các loại để cấp phát cho những hộ dân bị thiệt hại nặng sớm khôi phục sản xuất. Đồng thời, nhanh chóng chi viện 210 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng, dịch tả heo và 100 nghìn lít hóa chất Benkocid, Han-Iodine, Vetvaco-Iodine để khẩn trương tiêm phòng cho đàn vật nuôi, phun tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát những loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm…

Khôi phục sản xuất bằng cách nào?

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và lãnh đạo một số đơn vị liên quan trực thuộc bộ yêu cầu chính quyền cùng ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung phải tập trung tối đa cho việc hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ nhằm sớm ổn định cuộc sống.      

Những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh nỗ lực khắc phục tình trạng mặt ruộng bị cát đá bồi lấp, bèo phủ kín.
Những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh nỗ lực khắc phục tình trạng mặt ruộng bị cát đá bồi lấp, bèo phủ kín. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đối với những diện tích lúa đông xuân 2016-2017 đã gieo sạ trên các chân đất cao (xuống giống từ 25.11 đến 5.12, hiện tại ruộng lúa đang ở cuối giai đoạn đẻ nhánh) thì cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và đội ngũ khuyến nông viên cơ sở cần hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp sau: rửa bùn bộ lá (nếu không có mưa xóa bùn) và hạn chế ngộ độc hữu cơ bằng chế phẩm Hợp Trí Super-humic với trọng lượng 1-2kg hạt/ha. Kiểm tra và phòng trừ ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, khô vằn gây hại. Giảm lượng phân đạm khoảng 10% vì đã được bổ sung từ phù sa. Còn với những diện tích lúa chưa gieo sạ thì nhanh chóng khắc phục tình trạng sa bồi, thủy phá, bèo phủ và tiến hành xuống giống xong trước ngày 31.12.2016 đối với cơ cấu 3 vụ/năm và trước ngày 10.1.2017 đối với cơ cấu 2 vụ/năm để thu hoạch trước 30.4.2017. Riêng với những diện tích nước rút quá chậm (sau 10.1.2017), có thể gieo mạ cấy để rút ngắn thời gian sinh trưởng và lúa trổ bông sớm.

Ông Sơn nói thêm: “Để đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ, bà con nông dân ở khu vực miền Trung cần sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày đối với cơ cấu 3 vụ/năm gồm TBR36, ANS1, ANNS2 và giống trung ngày đối với cơ cấu 2 vụ/năm gồm SH2, ĐV108, VĐ8, OM6976, AN26-1… Nhà nông cần lưu ý là, phải cày sâu, làm đất kỹ và bón lót vôi bột, lân để hạn chế ngộ độc hữu cơ. Cạnh đó, phun phòng trừ ốc bươu vàng gây hại sau khi sạ xong. Đặc biệt, nên giảm lượng phân đạm khoảng 10-20% trong giai đoạn lúa đẻ nhánh và làm đòng”.

Dù rất khó khăn nhưng nhà nông vẫn cố xoay xở để mua giống và phân bón về sản xuất cho kịp thời vụ. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Dù rất khó khăn nhưng nhà nông vẫn cố xoay xở để mua giống và phân bón về sản xuất cho kịp thời vụ. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Đối với các loại rau màu và hoa, ngành chuyên môn cũng đưa ra hàng loạt giải pháp khắc phục. Theo đó, với những diện tích bị ảnh hưởng ít, có thể phục hồi thì cần hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc để phục hồi bộ rễ và hạn chế các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ… bằng những biện pháp sau: vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây bị héo, bị gãy; nếu có điều kiện thì thêm đất bột vào gốc để cây ra rễ mới; riêng các loại bí để nguyên hiện trạng, hạn chế tác động vào gốc rễ của cây. Pha phân lân loãng (khoảng 300 gam Supe lân/10 lít nước) và có thể pha thêm các chế phẩm sinh học rồi tưới vào gốc nhằm giúp cây nhanh phục hồi, kích thích ra rễ. Do bộ rễ cây còn yếu nên cần cung cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Tưới gốc hoặc phun một số chế phẩm để phòng bệnh lở cổ rễ và hạn chế bệnh héo xanh như Benlats C, Vicarber, Steptomicin, Kasumil, Ketomium… Vun xới khi cây đã phục hồi và đất đã khô ráo kết hợp tưới phân loãng (khoảng 300 gam Supe lân + 300 gam Urê/10 lít nước), nồng độ phân tăng dần theo sự phục hồi của cây.

Đối với những diện tích rau màu bị thiệt hại hoàn toàn, chuẩn bị xuống giống lại thì phải khẩn trương khắc phục tình trạng sa bồi, thủy phá và sau các đợt mưa nên nhanh chóng tiến hành làm đất, gieo trồng càng sớm càng tốt nhằm có sản phẩm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và rằm tháng Giêng. Nông dân cần lưu ý, nếu sản xuất rau ăn lá và rau gia vị thì nên chọn cải xanh, cải ngọt, xà lách, ngò, húng, quế... vì những loại này sau khi trồng khoảng 30 ngày là tiến hành thu hoạch. Hoặc có thể sử dụng nhóm giống rau ăn quả ngắn ngày (sau khi trồng khoảng 45 ngày là thu hoạch) như dưa leo, khổ qua, đậu cô ve... Về hạt giống, nông dân nên tiến hành ngâm trong nước ấm “2 sôi + 3 lạnh”, thời gian ngâm tùy thuộc vào từng loại hạt (trung bình có thể ngâm 4-6 tiếng) để hạn chế mầm bệnh do ẩm độ cao trong thời gian bảo quản. Trước khi gieo trồng, phải bừa kỹ, bón lót vôi bột, lân và phun chế phẩm vi sinh diệt nấm bệnh trong đất. Trong thời gian chờ kết thúc mưa, làm đất và xử lý đất, tiến hành gieo ươm cây con trong khay, bầu hoặc ở những nơi cao ráo nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây rau ngoài đồng ruộng.

Về giải pháp khôi phục sản xuất đối với cây công nghiệp và cây ăn quả, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân khẩn trương đào mương thoát nước; xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân nhằm phục hồi vườn cây. Dựng lại cây bị đổ ngã, cắt tỉa các lá bị gãy, cắt bỏ lá già, lá héo, vệ sinh đồng ruộng; khi đất đã se mặt bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới. Khi rễ chưa hồi phục, có thể cung cấp các dưỡng chất qua lá để tăng cường khả năng hồi phục của cây. Khi cây vừa phục hồi, không nên xử lý cho cây ra hoa do bộ rễ còn yếu, khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng chưa đủ để nuôi hoa, quả. Bón bổ sung các chế phẩm kích thích ra rễ và chế phẩm Tricoderma, phun hoặc tưới thuốc phòng và trị bệnh ở vùng rễ để hạn chế nấm bệnh tấn công, đặc biệt là bệnh chết nhanh trên hồ tiêu, bệnh xì mủ - loét miệng trên cao su, bệnh thối rễ trên cam, quýt, sầu riêng. Khi bộ rễ đã phục hồi (có rễ trắng xuất hiện) sử dụng phân lân, phân NPK và bổ sung các dinh dưỡng trung - vi lượng sẽ giúp cây sớm hồi phục hơn.

Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động quan trắc môi trường và phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường & bệnh thủy sản miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tiếp tục theo dõi diễn biến môi trường các vùng nuôi để ban hành văn bản khuyến cáo phù hợp, kịp thời cho người nuôi. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thú y và các ngành liên quan thực hiện đồng bộ những biện pháp phòng trừ dịch bệnh thủy sản theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng con giống; kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng con giống cung cấp cho nuôi thương phẩm, hạn chế tình trạng người nuôi sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Đặc biệt, tập trung hướng dẫn người dân xử lý tiêu độc khử trùng các kênh mương, ao nuôi có thủy sản chết. Khẩn trương vệ sinh, tu sửa ao, đầm, lồng bè và chủ động chuẩn bị giống, các loại vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng khi điều kiện môi trường thuận lợi. Đối với nuôi cá lồng bè, phải sử dụng chất khử trùng treo trong lồng bè để tiêu độc môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Sử dụng vôi bột đựng trong bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè…

 

Tác giả bài viết: Nhã Phương

Nguồn tin: QNO