Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Hội An: Ưu tiên sản phẩm chất lượng

Chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) đang và sẽ được Hội An thực hiện nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa trên cơ sở nâng cấp chất lượng các sản phẩm hiện có.
Các mặt hàng nông sản uy tín, chất lượng, sản xuất hữu cơ sẽ có chỗ đứng trong các gian hàng OCOP. Ảnh: L.H
Nâng cấp chất lượng sản phẩm đã có

Theo kế hoạch chương trình OCOP, Hội An sẽ tập trung vào các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, sử dụng nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ, đặc biệt là các ngành nghề có lợi thế, sản phẩm tại các làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ du lịch. Trong giai đoạn đầu, Hội An sẽ thực hiện theo định hướng nâng cấp chất lượng mặt hàng hiện có, chia theo 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm – nội thất – trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Chủ thể tham gia chương trình này trực tiếp là các hộ sản xuất, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Năm 2018 này, Hội An xác định sẽ phát triển trước nhóm thực phẩm với 3 sản phẩm là bánh đậu xanh, nước mắm Tư Tài và rau hữu cơ Thanh Đông. Đây là những sản phẩm uy tín, có tiếng ở Hội An, được người tiêu dùng địa phương tin tưởng sử dụng nhưng lâu nay chủ yếu vẫn tiêu thụ tại chỗ hoặc mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng thông qua con đường du lịch.

Đơn cử như bánh đậu xanh Hội An, một loại bánh có cách làm truyền thống, khác biệt với các loại bánh đậu xanh được làm theo máy móc của nhiều cơ sở trên cả nước. Lâu nay loại bánh này đã trở thành đặc sản của vùng đất Hội An, theo chân du khách làm quà cho bạn bè, người thân sau mỗi chuyến đi. Hiện tại, ở Hội An có nhiều gia đình vẫn giữ nguyên phương thức sản xuất bánh đậu xanh truyền thống, với những bí quyết riêng được truyền từ đời này qua đời khác, nổi tiếng như bánh đậu xanh của bà Nguyễn Thị Bông, bánh đậu xanh bà Trinh… Năm nay, mặt hàng này được đưa vào chương trình OCOP của thành phố, mở đầu cho chuỗi các sản phẩm thực phẩm tại Hội An.

Cùng với 3 sản phẩm đã có, mở đầu cho chương trình OCOP nói trên, từ nay đến năm 2020, theo lộ trình từng năm, Hội An sẽ phát triển hơn 30 sản phẩm khác trong số 6 nhóm sản phẩm đã phân loại. Có thể kể đến những mặt hàng đặc trưng như sợi cao lầu, tương ớt, rau ăn lá Trà Quế, mộc điêu khắc, phù điêu gỗ, gốm mỹ nghệ, tò he, yến Cù Lao Chàm, mứt biển Cù Lao Chàm, lá rừng Cù Lao, các sản phẩm vải, may mặc… Ngoài các mặt hàng đã có thương hiệu truyền thống, địa phương cũng phát triển các sản phẩm mới như tranh đèn giấy dừa, thảo dược, tinh dầu được chiết xuất từ thảo dược sẵn có. Đặc biệt là địa phương sẽ đưa các sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn vào chương trình OCOP như dịch vụ thuyền thúng Cẩm Thanh, xe thồ tự quản xã Tân Hiệp, dịch vụ ẩm thực chợ quê…

Để sản phẩm ra thị trường

Lâu nay tại từng xã phường ở Hội An vốn đã có nhiều sản phẩm đặc trưng, nhưng vẫn chưa khẳng định được vị thế sâu rộng trên thị trường. Các cơ sở sản xuất hầu như chỉ dựa vào kinh nghiệm, chưa qua tập huấn, đào tạo, sản phẩm chưa đăng ký sở hữu trí tuệ. Những mặt hàng này vẫn được xem như “cây nhà lá vườn”, rất cần xây dựng câu chuyện cho sản phẩm, cung ứng ra thị trường tiêu thụ một cách bền vững. Vì vậy, sau khi xác lập các sản phẩm cụ thể tham gia chương trình OCOP, thành phố sẽ vận động các chủ cơ sở đăng ký và phát triển sản phẩm. Sau bước này, địa phương sẽ tư vấn và hỗ trợ phát triển sản xuất, thiết kế bao bì, catalogue, nhãn mác cho một số sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm; hỗ trợ dây chuyền sản xuất đối với một số sản phẩm như tinh dầu thảo dược hoặc máy nghiền lá rừng Cù Lao Chàm thành trà thảo mộc, đóng túi gói nhỏ tiện dụng, vừa đảm bảo chất lượng, vừa tránh khai thác quá mức ở vùng nguyên liệu. Cùng với đó, các ngành chức năng sẽ hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế và in tem OCOP cho từng sản phẩm, tập huấn kỹ năng bán hàng, quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề, lãi suất vay và có cơ chế phát triển tổ chức kinh tế…

Một điều quan trọng là để khuyến khích sự sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể sản xuất trong quá trình thực hiện chương trình OCOP, Hội An sẽ có kế hoạch tổ chức cuộc thi sản phẩm OCOP cấp thành phố theo vòng tuần hoàn hàng năm để công nhận sản phẩm đạt chất lượng. Sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn mới được trưng bày và tiêu thụ trong hệ thống các điểm bán hàng OCOP của thành phố. Khi đó dòng khách lựa chọn sản phẩm này đủ lòng tin và được đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm Trưởng ban Chỉ đạo chương trình mỗi xã một sản phẩm của Hội An nói: “Thứ nhất là chúng ta làm trên cơ sở sản phẩm đã có. Thứ 2 cơ bản thị trường đã tốt, mình sẽ làm cho nó tốt hơn. Vì làm khởi động nên không đặt nặng về số lượng mà đã chọn sản phẩm thì phải đi đến cùng. Sau này sản phẩm đó tốt, cơ sở đó tốt, quy mô phát triển được thì sẽ tạo ra tính đối chứng với các sản phẩm khác và tự động thị trường lựa chọn. Ví dụ bây giờ thành lập được cửa hàng OCOP, bán những sản phẩm đặc trưng của Hội An có chất lượng, có thương hiệu và thành phố sẽ hỗ trợ từ truyền thông, quảng bá thì khách sẽ đến. Và với những mặt hàng chưa chất lượng, tự động người sản xuất phải suy nghĩ và tìm cách cải thiện”.

Như vậy, Hội An đang triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng ưu tiên sản phẩm chất lượng đặt lên hàng đầu. Theo lộ trình từng năm, địa phương sẽ chọn lọc các sản phẩm đặc trưng, phù hợp với thế mạnh riêng của mỗi xã, phường để phát triển hệ thống sản phẩm hàng hóa trong gian hàng OCOP, góp phần đa dạng hoạt động thương mại và tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, chất lượng.

LÊ HIỀN