Trọn tình nước non

Có hơn 20% dân số là người có công (NCC), Quảng Nam luôn nỗ lực vượt bậc trong công tác đền ơn đáp nghĩa, nhằm tri ân sự hy sinh của thế hệ cha anh cho độc lập dân tộc.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Niềm vui của mẹ

Tháng 3 về, Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Dần (thôn 4, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước) cũng như bao người mẹ VNAH khác trên xứ Quảng này, lại khắc khoải nỗi nhớ con. Ngày quê hương giải phóng, niềm vui lại đi đôi với mất mát, đau thương khi các anh nằm lại nơi đất lành. Mẹ Dần giờ đã 93 tuổi nhưng vẫn rất tinh anh, mắt sáng, tai còn nghe rõ. Mẹ vui vẻ kể về bữa cơm đoàn viên vừa được Huyện đoàn Tiên Phước tổ chức: “Hôm đó bầy trẻ đến đông lắm, vào bếp nấu nướng rồi ăn bữa cơm ấm cùng mẹ. Mẹ già rồi, chân tay yếu, không đi đâu xa được. Các con tới tận nhà thăm mẹ như vậy quý lắm. Bao nhiêu năm nay mẹ đã được phụng dưỡng, được chăm sóc chu đáo”.

Từ khi Pháp lệnh Ưu đãi NCC sửa đổi đi vào cuộc sống, có thêm rất nhiều người mẹ của tỉnh được phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH. Được công nhận là vinh dự của những người mẹ cũng như sự ghi nhận của xã hội về cống hiến cho độc lập dân tộc. Trong căn nhà của mình, mẹ Nguyễn Thị Cúc (SN 1936, thôn 1, xã Tiên Thọ, Tiên Phước) dành một nơi trang trọng nhất để treo Bằng công nhận Danh hiệu Bà mẹ VNAH được trao từ năm 2014. “Dù mới được công nhận sau này, nhưng đó là niềm vui lớn của mẹ. Sau đó, mẹ còn được các cơ quan Mặt trận đoàn thể của huyện nhận phụng dưỡng. Lễ, tết, các cháu thanh niên, học sinh đều tới thăm mẹ. Cuộc sống cũng ý nghĩa hơn rất nhiều” - mẹ Cúc chia sẻ.Cách đây 10 năm, căn nhà tình nghĩa của mẹ Dần được hỗ trợ xây dựng kiên cố, nay đang được tiếp tục hỗ trợ từ Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ để sửa chữa lại. Mẹ bảo, chính sự quan tâm ấy đã góp phần chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống, thay các con của mẹ phụng dưỡng sớm chiều.

Đoàn viên thanh niên đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cúc, thôn 1, xã Tiên Thọ, Tiên Phước.Ảnh: D.L
Đoàn viên thanh niên đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cúc, thôn 1, xã Tiên Thọ, Tiên Phước.Ảnh: D.L

Xã hội đền ơn

Việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang cũng là nhiệm vụ đặc biệt. Dù công việc này hết sức khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của toàn quân, toàn dân, hơn 80 nghìn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, xã và gia đình. Các nghĩa trang liệt sĩ và mộ chí liệt sĩ hằng năm đều được tu bổ. Các nhà bia, công trình tưởng niệm anh hùng liệt sĩ lần lượt được xây dựng, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa, Quảng Nam đã huy động hàng trăm tỷ đồng, đầu tư nâng cấp hơn 100 nghìn lượt mộ liệt sĩ, hơn 35 nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng hơn 70 tượng đài, nhà bia ghi tên liệt sĩ và nhiều hạng mục công trình ghi công. Sự hy sinh, mất mát của các gia đình liệt sĩ, NCC nhằm đóng góp cho công cuộc giải phóng quê hương không gì có thể đo đếm được. Vì vậy, công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ là sự tri ân mà là trách nhiệm của các thế hệ khi sống dưới bầu trời hòa bình hôm nay.

Từ những ngày đầu tái lập, dù là tỉnh nghèo, nhưng Quảng Nam luôn cố gắng chăm lo vẹn toàn cho NCC. Toàn tỉnh có 15.545 mẹ VNAH (961 mẹ còn sống), hơn 65 nghìn liệt sĩ, hơn 30 nghìn thương bệnh binh, hơn 45 nghìn NCC giúp đỡ cách mạng và hàng chục nghìn NCC khác. Vì vậy việc chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa luôn dành được sự quan tâm lớn của xã hội. Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết sau ngày tái lập tỉnh đến nay, công tác xác nhận và thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCC là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời. NCC hàng năm đều được đưa đi điều dưỡng thường xuyên và luân phiên, điều dưỡng tại gia nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Điều đặc biệt là phong trào đền ơn đáp nghĩa đã được xã hội hóa sâu rộng. Các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, đỡ đầu con thương binh, phụng dưỡng Mẹ VNAH còn sống, đỡ đầu con thương bệnh binh, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng nhà tình nghĩa... được xây dựng và nhân rộng trong xã hội. Từ các phong trào “Áo lụa tặng bà”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Người dâu hiếu thảo”... đã có hàng trăm hội viên, đoàn viên của Hội LHPN, Đoàn thanh niên nhận làm dâu hiền rể thảo của bố mẹ liệt sĩ… “Để nâng cao đời sống cho NCC, Quảng Nam xác định điều trước tiên phải đảm bảo được sự an cư. Vì thế toàn tỉnh tập trung nguồn lực hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho NCC. Từ năm 2002, tỉnh đã dùng ngân sách, vận động hỗ trợ nhà ở cho NCC, thì mãi đến năm 2013 Trung ương mới có chính sách này. Hơn 40 nghìn NCC trong toàn tỉnh đã được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở, giúp họ có được chỗ ở an toàn, chắc chắn. Từ sự hỗ trợ mọi mặt về nhà ở, đất ở, vốn vay ưu đãi, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa… NCC yên tâm tăng gia sản xuất, cải thiện điều kiện cuộc sống, nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần” - ông Sáu nói

Tác giả bài viết: LÊ DIỄM

Nguồn tin: QNO