Xây dựng khu tái định cư Khe Chữ

Hàng trăm hộ dân ở huyện Nam Trà My đang phải chịu cảnh sống trong những túp lều tạm bợ cách xa ngôi làng cũ. Chính quyền địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng, xây dựng khu tái định cư mới cho dân.
 
Sạt lở núi tại thôn 2 xã Trà Vân đã vùi lấp nhiều ngôi nhà của bà con nơi đây. Ảnh: N.D
Sạt lở núi tại thôn 2 xã Trà Vân đã vùi lấp nhiều ngôi nhà của bà con nơi đây. Ảnh: N.D

Ưu tiên hàng đầu

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu lúc này của huyện là nhanh chóng san lấp mặt bằng để giúp người dân dựng nhà ở sớm ổn định cuộc sống. “Đợt mua lũ vừa qua đã làm sạt lở ở nhiều nơi khiến hàng trăm hộ dân phải di dời khỏi làng cũ. Những nơi đó vẫn còn có nguy cơ sạt lở. tập trung đông nhất là 144 hộ dân ở thôn 2 và thôn 3 xã Trà Vân đang phải chịu cảnh dựng lều ở tạm. Huyện đã có phương án cụ thể để di dời những hộ dân này về Khe Chữ, cách đó chừng 3 - 4km để lập làng. Đến nay đã hoàn thành việc tạo mặt bằng để người dân dựng nhà” - ông Bửu nói. Sau vụ lở núi ngày 6.11 vùi lấp 4 ngôi nhà khiến 5 người bị tử vong tại thôn 2, xã Trà Vân, hàng trăm hộ dân nơi đây bị đặt trong tình trạng báo động do hiện tượng sạt lở núi luôn thường trực. Chính quyền địa phương  ngay lập tức có phương án cụ thể để di dân. Khe Chữ là nơi được chọn để làm khu tái định cư mới. “Đây được đánh giá là nơi hợp lý bởi địa hình an toàn và quan trọng nhất là gần nương rẫy của người dân hơn so với nơi ở cũ” - ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết.

Theo phương án sắp xếp dân cư của huyện Nam Trà My, có 121 hộ dân với 431 nhân khẩu của thôn 2 và 23 hộ dân với 118 nhân khẩu của thôn 3 (xã Trà Vân) được di dời đến đây để tạo thành một khu dân cư tập trung. Đây là 2 nơi cách xa trung tâm xã (các hộ thôn 2 cách 12km; thôn 3 cách 20km) nên việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế. Hiện đã có đường công vụ tới làng nhưng chưa có đường bê tông nông thôn. Do các hộ dân sống phân tán, rải rác nên chưa đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nội bộ trong nóc. Hệ thống nước sạch chưa có nên chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. “Chính vì vậy, nhân cơ hội này chúng tôi di chuyển những hộ dân này đến nơi ở mới để đầu tư các hạng mục như: điện, đường, nước sạch... giúp họ ổn định và có cuộc sống tốt hơn. Cốt yếu là phải xây dựng làm sao để khắc phục được những khó khăn về địa lý, phát huy thế mạnh của vùng đất giúp bà con có được sinh kế, cải thiện cuộc sống” - ông Bửu cho biết.

Sớm có nhà, ổn định  đời sống

Theo thông tin mới nhất, 144 hộ dân ở thôn 2 và thôn 3 xã Trà Vân đã bắt đầu vào dựng nhà tại làng Khe Chữ (121 hộ dân thôn 2 và 23 hộ dân ở làng Tắc Buôn của thôn 3). Mỗi hộ được cấp 200 - 500m2 với các hạng mục tường rào, cổng ngõ và nhà vệ sinh đầy đủ. “Trước mắt, mỗi hộ về đây dựng nhà sẽ được UBND huyện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ 54,5 triệu đồng/hộ để dựng nhà. Trong thời gian tiếp theo, huyện tiếp tục tính toán để họ có thể sớm ổn định cuộc sống” - ông Bửu nói thêm. Được biết, vừa qua đoàn công tác của Quân khu 5 do Đại tá Tống Phú - Phó Tham mưu trưởng quân khu, dẫn đầu đã về Nam Trà My tiến hành khảo sát việc di dời người dân tại nơi đây. Đoàn công tác của Quân khu 5 đã thống nhất với lãnh đạo huyện Nam Trà My các nội dung liên quan, theo đó Quân khu 5 sẽ điều động lực lượng giúp dân tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển, lắp dựng tại nơi ở mới; làm cầu treo qua suối; kéo ống nước sinh hoạt; san đắp nền nhà; giúp dân khắc phục sạt lở bồi đắp ruộng đồng... Trước mắt, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng 2 khu dân cư này, bởi ở đây chỉ mới có đường công vụ, việc đi lại, sinh hoạt của bà con hết sức khó khăn. Trong khu dân cư học sinh trong độ tuổi 3 - 15 tuổi chiếm số đông đang theo học tại các bậc học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở; hiện tại các em đang học tại điểm trường trung tâm xã.

Theo dự tính của UBND huyện Nam Trà My, để kéo điện lưới quốc gia về khu dân cư mới với chiều dài đường dây trung thế khoảng 15km, đầu tư  1 trạm biến áp 1 pha 22kV, công suất 50kVA các trụ hạ thế điện, cần phải có nguồn kinh phí không nhỏ. “Với những khó khăn đó, chúng tôi đã làm công tác tư tưởng để người dân là chủ thể trong việc xây dựng khu dân cư để tự lựa chọn cho mình những phương án cụ thể, phù hợp với phong tục tập quán của bà con”- ông Bửu cho hay. Theo đó, người dân thực hiện chọn khu chăn nuôi tập trung, tham gia làm hàng rào bảo vệ, trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Chăn nuôi phải có chuồng trại đảm bảo. Tổ chức khai hoang, phục hóa đất sản xuất tùy theo số lao động thực tế của từng hộ và quỹ đất thực tế của mỗi khu. Tham gia xây dựng đường giao thông nội bộ khu dân cư, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân tham gia công lao động, vận chuyển cát, sỏi). Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, người dân phải chủ động nỗ lực sản xuất, trong đó tập trung vào các loại cây bản địa hiện nay đang có giá trị kinh tế cao và bền vững như sâm Ngọc Linh, quế, chuối, các loại cây dược liệu… Mỗi hộ tự làm nhà vệ sinh tự hoại để đảm bảo môi trường tại khu dân cư.

NGUYỄN DƯƠNG