Tên / Số / ký hiệu : Văn phòng Tỉnh ủyTổng hợp nội dung trả lời các ý kiến kiến nghị của CB, HVND các cấp năm 2020
Về việc / trích yếu

Tổng hợp nội dung trả lời các ý kiến kiến nghị của cán bộ, hội viên hội nông dân các cấp năm 2020

Ngày ban hành 30/11/2020
Loại văn bản Báo cáo
Đơn vị / phòng ban
Lĩnh vực
Người ký duyệt
Cơ quan / đơn vị ban hành Tỉnh ủy Quảng Nam
Tải về máy Đã xem : 304 | Đã tải: 7
Nội dung chi tiết
TỈNH ỦY QUẢNG NAM
         VĂN PHÒNG
        *
  ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
TỔNG HỢP
nội dung trả lời các ý kiến kiến nghị
của cán bộ, hội viên hội nông dân các cấp năm 2020
-----
 
I. Câu hỏi đặt trước phục vụ Hội nghị đối thoại
1. Về lĩnh vực đất đai
Câu hỏi số 1. Để thực hiện các dự án của tỉnh, diện tích đất nông nghiệp thu hồi khá lớn, nguyện vọng của nông dân là được mua lại đất ở không qua đấu giá để họ có đất và có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp. Đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm xem xét, giải quyết.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 118 và Điều 119 của Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND, ngày 21/5/2018 của UBND tỉnh về việc tổ chức, thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất nên tỉnh không thể thực hiện việc cho nông dân mua lại đất ở không qua đấu giá mà phải thực hiện đúng theo các quy định trên.
Câu hỏi số 2. Một số xã, phường của thị xã Điện Bàn đa phần hộ dân không có sổ đăng ký bản đồ 299, từ đó, khi chuyển đổi mục đích đất, tách thửa phải nộp thuế 100%. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND xem xét để quyền lợi của Nhân dân được công bằng.
Trả lời:
Nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có Công văn số 3286/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 08/8/2019 gửi UBND tỉnh về việc công nhận đất ở cho các trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Câu hỏi số 3. Hiện nay, các hộ gia đình có con khi lập gia đình ra ở riêng có nhu cầu đất để xây dựng nhà ở thì bắt buộc diện tích đất vườn được tách thửa phải trên 300m2 mới được tách thửa (theo Quyết định số 08/QĐ-UBND, ngày 22/8/2018 của UBND tỉnh), làm hạn chế nhu cầu sử dụng đất của người dân. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân.
 
Trả lời:
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND, ngày 01/6/2015 Quy định hạn mức giao, hạn mức công nhận quyền sử dụng các loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Quyết định số 08/QĐ-UBND, ngày 22/8/2018 Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân, thời gian đến, Sở TN&MT sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế và đúng theo quy định hiện hành.
Câu hỏi số 4. Trên địa bàn xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, hộ dân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và có hồ sơ 299 trước đây do cán bộ HTX kê khai diện tích nhỏ hơn với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận ghi là đất thổ cư thì có phải toàn bộ diện tích đất đó là đất ở hay không, hay căn cứ diện tích ghi trên hồ sơ 299 để xác định lại đất ở cho Nhân dân. Đối với trường hợp ở trước ngày 18/12/1980 theo quy định của luật thì được xác định không quá 05 lần so với hạn mức tại địa phương. Vậy, những trường hợp đó sao không được xác định đất ở cho Nhân dân. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân.
Trả lời:
Nội dung này, Bộ TN&MT đã có Công văn số 3286/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 08/8/2019 gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc công nhận đất ở cho các trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Câu hỏi số 5. Trên địa bàn xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, đa số hộ nông dân sinh sống từ năm 1975 đến nay trên vườn của mình, đã được cấp sổ đỏ, một số hộ thì được công nhận đất ở theo hiện trạng, còn một số hộ do giấy tờ, số liệu, sổ lưu bản đồ 299 của xã, huyện bị mất nên hiện tại chỉ được công nhận từ 200 đến 300 m2 đất ở là không hợp lý. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành xem xét giải quyết các trường hợp này cho phù hợp.
Trả lời:
Nội dung này, Bộ TN&MT đã có Công văn số 3286/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 08/8/2019 gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc công nhận đất ở cho các trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Câu hỏi số 6. Làng kinh tế thanh niên Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My do Tổng đội TNXP tỉnh quản lý, hiện nay còn hơn 13ha đất sử dụng không hiệu quả nhưng nông dân thì thiếu đất sản xuất. Đề nghị tỉnh xem xét giao cho nông dân tại tổ K25, thôn 2, xã Trà Tân quản lý, sản xuất.
Trả lời:
Vấn đề này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bắc Trà My kiểm tra thực tế việc sử dụng đất, có báo cáo cụ thể (thông qua Sở TN&MT) để tham mưu UBND tỉnh có hướng chỉ đạo, giải quyết.
2. Về công tác quy hoạch
Câu hỏi số 7. Tại xã Bình Hải, dự án BRG đã được UBND tỉnh Quyết định công bố Quy hoạch ở một số thôn với tỷ lệ 1/500 từ năm 2017 đến nay nhưng chưa được thực hiện. Vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan cần sớm có thông báo thời gian thực hiện và thực hiện ở đâu? Bao nhiêu diện tích, còn lại để cho Nhân dân được biết và có kế hoạch xây dựng để phát triển kinh tế.
Trả lời:
Với nội dung nêu trên, Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai đã có Báo cáo số 99/BC-KTM, ngày 18/6/2020 nêu rõ các nội dung vướng mắc liên quan đến 05 dự án của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn BRG. Cụ thể như sau:
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai đã tổ chức làm việc và có các văn bản số 613/KTM-QLĐT, ngày 09/7/2019; số 943/KTM-QLĐT, ngày 26/9/2019 đề nghị các công ty thực hiện. Trước đây, nhà đầu tư đề xuất đầu tư 02 sân golf 18 lỗ (sân golf 36 lỗ) theo phạm vi dự án Khu vui chơi thể thao, giải trí, du lịch Bình Hải (diện tích 133,94ha); không thống nhất gộp dự án theo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà đề xuất tiếp tục thực hiện theo từng quyết định chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh cấp.
Mặt khác, ngày 24/10/2019, UBND tỉnh đã làm việc với Bộ TN&MT liên quan đến công tác thu hồi đất “các dự án du lịch, dịch vụ” thuộc khu chức năng của khu kinh tế. Theo ý kiến của Bộ TN&MT tại Công văn số 6418/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 03/12/2019, để triển khai áp dụng thu hồi đất theo Điều 62 Luật Đất đai thì UBND tỉnh chỉ đạo lập dự án phát triển hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy, ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về gộp các dự án trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư được áp dụng thu hồi đất theo Điều 62 Luật Đất đai là đúng với quan điểm của Bộ TN&MT.
Ngày 15/5/2020, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý đã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng làm việc với đại diện nhà đầu tư. Sau khi nghe Ban Quản lý giải thích chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các nhà đầu tư đề xuất nội dung như sau:
- Tiếp tục thực hiện 05 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
- Thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo hình thức thỏa thuận theo Điều 73 Luật Đất đai. Đồng thời, điều chỉnh tiến độ thực hiện đầu tư dự án cho phù hợp với tình hình thực tế (dự kiến triển khai đầu tư xây dựng từ quý I/2022).
- Đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư cam kết chưa thực hiện bất cứ hoạt động huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, ngày 28/5/2020, các nhà đầu tư có văn bản gửi Ban Quản lý khẳng định rõ như nội dung thống nhất đề xuất nêu trên.
Hiện nay, nhà đầu tư phối hợp với Trung tâm Phát triển hạ tầng và Trung tâm bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc Ban đang tiến hành lập các thủ tục thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân trong phạm vi ranh giới dự án; đồng thời, Ban Quản lý Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh xem xét và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Ngày 02/7/2020, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 246/TB-UBND giao Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai tham mưu văn bản báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết (vì 05 dự án này đã có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 324-TB/TU, ngày 28/5/2018, Thông báo số 326-TB/TU, ngày 31/5/2018).
Như vậy, hiện nay nhà đầu tư đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để tiến hành lập các thủ tục thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) với các hộ dân trong phạm vi ranh giới dự án; thời gian triển khai thực hiện các dự án dự kiến vào quý I/2022.
Câu hỏi số 8. Việc quy hoạch treo và chậm triển khai tại một số dự án nhỏ lẻ, dự án bị cắt xén tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nói chung, thành phố Tam Kỳ nói riêng... Hậu quả của việc quy hoạch treo, các dự án chậm triển khai... làm thiệt hại và ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống người dân trong thời gian dài, vậy ai là người chịu trách nhiệm đền bù?
Trả lời:
Về quy hoạch, với mục tiêu quản lý phát triển, các địa phương khẩn trương nhằm hoàn thành các loại hình quy hoạch trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung cho quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung các thị trấn tại các huyện và quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu tại các thị xã, thành phố.
Đối với các dự án đầu tư phát triển đô thị, hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 được lập làm cơ sở triển khai thực hiện. Trên thực tế, đúng như phản ảnh, một số dự án triển khai còn chậm, thậm chí chưa được triển khai do một số nguyên nhân như: Vướng thủ tục, vướng giải phóng mặt bằng, một số dự án đầu tư công thiếu nguồn vốn để triển khai thực hiện…
Riêng đối với thành phố Tam Kỳ, theo Báo cáo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam vào ngày 11/02/2020, UBND thành phố đã tổ chức rà soát 145 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, trong đó cần tập trung điều chỉnh, bổ sung và đã hủy bỏ 69 đồ án.
Theo đó, liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, theo quy định tại Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị, UBND các cấp tổ chức rà soát các quy hoạch; trường hợp không còn phù hợp, tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội hoặc lợi ích cộng đồng dân cư; thực hiện việc điều chỉnh kịp thời.
Câu hỏi số 9. Tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn có tình trạng dự án treo, dự án kéo dài từ 3 năm trở lên, dự án khai thác đất ở (đất nền) manh mún, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng lại xây dựng không đúng mục đích như xây dựng nhà máy chế biến đá, gỗ, nuôi chim yến, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước ngầm... Đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm có hướng chỉ đạo giải quyết, khắc phục kịp thời.
Trả lời:
Về quy hoạch, việc quản lý tổng thể tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn theo hồ sơ Quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được phê duyệt tại Quyết định số 124/1999/QĐ- TTg, ngày 18/5/1999 của Thủ tướng Chính phủ và hồ sơ quy hoạch chung đô thị Điện Bàn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 518/QĐ- UBND, ngày 07/02/2013.
Để cụ thể hoá quy hoạch chung, UBND tỉnh đã phê duyệt các quy hoạch 1/2000 sử dụng đất các giai đoạn: Giai đoạn I (năm 2003), giai đoạn II (năm 2004) và giai đoạn III (năm 2006) Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (loại hình quy hoạch phân khu) nhằm làm cơ sở để lập, phê duyệt các quy hoạch chi tiết 1/500 và triển khai dự án đầu tư xây dựng.
Năm 2019, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức rà soát các quy hoạch phân khu nêu trên, xác định các dự án đã và đang được triển khai tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đang có vướng mắc trong việc đấu nối với hệ thống hạ tầng khung, đặc biệt là vấn đề thoát nước mặt và thoát nước bẩn; đa số các dự án nhỏ lẻ thiếu sự liên kết do vướng các khu dân cư hiện trạng xen kẽ.
Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ khớp nối, bổ sung và điều chỉnh; ban hành Quy định quản lý Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) các giai đoạn  I, II, III tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn tại Quyết định số 1253/QĐ-UBND, ngày 26/4/2019, đảm bảo yêu cầu quản lý khớp nối giữa các quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án, chỉnh trang khu vực dân cư hiện hữu và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Câu hỏi số 10. Việc quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai kéo dài nhiều năm không triển khai, gây khó khăn cho nông dân thực hiện các quyền sử dụng đất. Đề nghị lãnh đạo tỉnh có hướng xử lý.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 49, Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung 2018 quy định: “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.
Câu hỏi số 11. Các hạng mục xây dựng tại dự án Âu thuyền An Hòa, tỉnh đã có chủ trương nhưng tổ chức thi công chậm, ảnh hưởng rất lớn đến việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân khi đến mùa mưa bão. Đề nghị lãnh đạo tỉnh có hướng xử lý kịp thời.
Trả lời:
1. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa nằm trong tổng Cụm cảng và Khu neo đậu cho tàu cá khu vực phía Nam của tỉnh; là nơi neo đậu tránh trú cho tàu cá trong mùa mưa bão và là neo đậu, nghỉ ngơi cho tàu cá sau khi làm hàng tại cảng cá Tam Quang trong mùa đánh bắt hải sản; đồng thời, cũng là khu vực kết nối giữa cảng cá Tam Quang (tại thôn An Hải Đông) và Khu hậu cần nghề cá xã Tam Quang (tại thôn Xuân Trung). Do vậy, việc sớm triển khai thi công công trình là cần thiết để đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân tại địa phương.
2. Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng số 1624/QĐ-UBND, ngày 31/5/2019 của UBND tỉnh thì công trình được xác định là công trình giao thông cấp IV và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư tại Công văn số 1622/SNN&PTNT-QLXDCT, ngày 05/10/2018 và tham gia thẩm định thiết kế cơ sở hạng mục: Trồng cây chắn sóng, chắn gió (hạng mục công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc dự án). Được biết, đến thời điểm hiện tại thì chủ đầu tư đang trình hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải thẩm định. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải sớm hoàn thiện hồ sơ để triển khai thực hiện.
Câu hỏi số 12. Công tác quy hoạch dự án trên địa bàn xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành nhiều, diện tích của dự án rộng như: Dự án Nông lâm Thadi Trường Hải (451 ha), dự án Tam Anh 1 (Kính nổi Chu Lai), dự án An An Hòa (438,5 ha). Nhưng tiến độ của các dự án triển khai quá chậm, công tác đền bù nhảy cóc (dự án Nông lâm Thadi Trường Hải) dự án Tam Anh 1 (Kính nổi Chu Lai) nông dân không sản xuất được, gây khó khăn, bị động trong việc sửa chữa, xây mới nhà cửa, phát triển trang trại sản xuất, chăn nuôi… Đề nghị tỉnh có hướng giải quyết để giúp Nhân dân an tâm hơn.
Trả lời:
 - Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Thaco Chu Lai 451ha (Dự án Khu công nghiệp phục vụ nông - lâm nghiệp Tam Anh Nam đã được UBND tỉnh thu hồi đất, giao đất là 11,41ha/451ha đối với diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng) và dự án Khu công nghiệp Tam Anh 1 (Kính nổi Chu Lai đã được UBND tỉnh thu hồi đất, giao đất là 38,21ha/167,05ha đối với diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng), đã hoàn thành công tác đo đạc, trình phê duyệt bản đồ để làm cơ sở cho việc kiểm kê, lập phương án bồi thường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, bất cập nên tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án còn chậm như: Tranh chấp quyền sử dụng đất, việc xác định nguồn gốc đất, hồ sơ đất 5%, các hộ chưa thống nhất với đơn giá bồi thường, hỗ trợ, việc giải quyết các trường hợp xây dựng trái phép… do vậy, tiến độ triển khai thực hiện có chậm hơn so với Kế hoạch. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai thực hiện.
- Dự án An An Hòa đang trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Khu công nghiệp An An Hòa để làm cơ sở triển khai thực hiện.  
Câu hỏi số 13. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên có chính sách quy hoạch vùng trồng cây ăn trái nhằm giải quyết công việc tại chỗ cho hội viên Hội Nông dân, tránh tình trạng nông dân bỏ đất như một số nơi hiện nay và có kế hoạch nhân rộng các mô hình này để nông dân học tập làm kinh tế.
Trả lời:
 - Theo Quyết định quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung một số cây ăn quả trên phạm vi toàn quốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2013, tỉnh Quảng Nam không nằm trong vùng quy hoạch vùng trồng cây ăn quả. Do vậy, để tận dụng và phát huy lợi thế từng vùng, miền, địa phương trong phát triển nông nghiệp… thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành một số cơ chế chính sách như:
+ Quyết định số 2905/QĐ-UBND, ngày 24/9/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án phát triển sản xuất nông, lâm sản góp phần giảm nghèo khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020.
+  Quyết định số 2265/QĐ-UBND, ngày 23/6/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND, ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.
- Về chính sách quy hoạch vùng trồng cây ăn trái của tỉnh: Hiện nay, công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở định hướng của tỉnh về phát triển kinh tế cho các vùng, miền…, các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể, các mô hình đã được đánh giá, khả năng thích nghi của từng loại cây ăn quả, gần đây nhất Công ty THADI (Trường Hải) đã và đang xây dựng dự án công, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chế biến các loại cây ăn quả, đang phối hợp với các địa phương khảo sát và chọn lựa vùng sản xuất để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của nhà máy; đồng thời, xác định vùng sản xuất tập trung ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ có sự liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu đảm bảo. Tỉnh cũng đã có định hướng cơ cấu lại ngành, dự kiến cây ăn quả (chuối, dứa, xoài keo,…): Phát triển vùng nguyên liệu tập trung ở các huyện miền núi và trung du nơi thuận tiện giao thông, vùng chuyển đổi trên vùng trồng rừng sản xuất; đất lúa, màu ở vùng đồng bằng. Quy mô diện tích khoảng 30.000ha (xoài keo 10.000ha, chuối 10.000ha, dứa 3.000ha,…) phục vụ chủ yếu cho các doanh nghiệp, nhà máy chế biến trong tỉnh. Tiếp tục có cơ chế và giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để nông dân tiếp cận và phát triển sản xuất các vùng nguyên liệu trong thời gian đến.
Câu hỏi số 14. Dự án Khu dân cư Bàu Ốc, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An đã được quy hoạch, kiểm kê từ năm 2013 đến nay nhưng chưa triển khai thực hiện làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm.  
Trả lời:
Về quy hoạch, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu dân cư Bàu Ốc (Bàu Ốc Hạ), xã Cẩm Hà, thành phố Hội An do UBND thành phố Hội An lập, trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4892/QĐ-UBND, ngày 07/11/2003 và phê duyệt điều chỉnh tổng thể tại Quyết định số 3737/QĐ-UBND, ngày 23/10/2017.
Dự án khu dân cư Bàu Ốc, xã Cẩm Hà là danh mục dự án trong Kế hoạch phát triển nhà ở được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-UBND, ngày 16/01/2020; việc triển khai thực hiện Dự án theo quy định pháp luật nhà ở và pháp luật đấu thầu, Quyết định số 2077/QĐ-UBND, ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh ban hành quy định hướng dẫn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, UBND thành phố Hội An đề xuất UBND tỉnh xin chủ trương thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư làm cơ sở triển khai thực hiện Dự án.
Về quản lý quy hoạch, đồ án quy hoạch chi tiết nêu trên đã đến định kỳ rà soát, theo đó, UBND thành phố Hội An có trách nhiệm rà soát, đánh giá tình hình quá trình thực hiện theo quy hoạch; trường hợp không còn phù hợp, tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội hoặc lợi ích cộng đồng dân cư; thực hiện việc điều chỉnh kịp thời.
Câu hỏi số 15. Về quy hoạch quỹ đất cho cây trồng, quản lý quy hoạch, thay đổi cây trồng trên đất đã quy hoạch như thế nào? Đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trả lời:
- Về quy hoạch quỹ đất cho cây trồng, quản lý quy hoạch thay đổi cây trồng: Theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP, ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Hàng năm, UBND cấp huyện căn cứ đề nghị của UBND cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện để lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện gửi về Sở NN&PTNT để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Do vậy, thời gian tới nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp, có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm đề nghị địa phương căn cứ Nghị định số 94/2019/NĐ-CP, ngày 13/12/2019 của Chính phủ để hướng dẫn nông dân lập kế hoạch chuyển đổi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp: Thời gian qua, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế như: Nghị quyết số 179/2015/NQ-HĐND, ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh, Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND, ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 của Chính phủ; Quyết định số 331/QĐ-UBND, ngày 30/01/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND, ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh;  Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 4129/QĐ-UBND, ngày 18/12/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định nội dung, mức chi hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020…
Câu hỏi số 16. Việc chủ trương tích tụ ruộng đất là rất phù hợp với kinh tế thị trường hiện nay. Làm sao tích tụ được quỹ đất tập trung để các tổ chức, cá nhân có điều kiện phát triển đầu tư chăn nuôi tập trung hoặc thực hiện dự án sản xuất kinh doanh, đất dự án có được giao đất sạch hay không?
Trả lời:
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhu cầu phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng phương án sử dụng đất trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt mới có cơ sở triển khai thực hiện, đồng thời, lồng ghép vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
3. Về khai thác tài nguyên khoáng sản
Câu hỏi số 17. Tại xã Điện Phong và phường Điện Ngọc hoạt động khai thác tài nguyên cát và khoáng sản khác diễn ra trái phép, nhiều thời điểm hoạt động khai thác trái phép lại diễn ra công khai, “cảnh tượng” khai thác trái phép như “đại công trường” gây bức xúc trong Nhân dân, làm ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng bờ sông, mất đất sản xuất nông nghiệp của nông dân. Đề nghị các cấp lãnh đạo của tỉnh quan tâm giải quyết kịp thời.
Trả lời:
Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3938/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch sắp xếp hệ thống bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Sau khi điều chỉnh, sắp xếp, trên địa bàn thị xã Điện Bàn chỉ còn tồn tại 04 vị trí quy hoạch bến, bãi tập kết cát, sỏi, trong đó, có 02 vị trí tại xã Điện Phong và phường Điện Ngọc. Theo báo cáo của Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn, trên địa bàn thị xã có 02 vị trí bến bãi đủ điều kiện hoạt động là bến bà Lê Thị Tiện (tại xã Điện Phước) và bến ông Trần Quang Hy (phường Điện Ngọc). Các vị trí còn lại đã được cơ quan chức năng thực hiện đóng barie (rào chắn) với khu vực tiếp giáp mặt nước và thường xuyên kiểm tra, giám sát, qua đó, đã ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép hoặc vận chuyển cát, sỏi lòng sông không đúng quy định theo đường thủy nội địa về tập kết tại các khu vực này.
Ngoài ra, UBND thị xã Điện Bàn đã thành lập Trạm kiểm soát liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn thị xã Điện Bàn, trạm đặt tại địa bàn xung yếu là Ngã Ba Vòm thuộc sông Thu Bồn đoạn chảy qua xã Điện Phong và bố trí phương tiện ghe có gắn động cơ, trọng tải khoảng 40 tấn, có thiết kế mái che mưa nắng, đảm bảo cho sinh hoạt từ 7 - 10 người thực hiện chốt chặn liên tục 24/24 nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép trên tuyến sông Thu Bồn, đoạn qua thị xã Điện Bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trạm kiểm soát liên ngành đã phát hiện, xử lý 11 trường hợp khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 165.000.000 đồng. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông, cửa biển.
Câu hỏi số 18. Việc Công ty Cổ phần kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam khai thác cát làm đứt mạch nước ngầm gây thiệt hại hoa màu, làm ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Khoáng sản chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Nhân dân; đồng thời, hoàn thổ đúng theo ký kết để tạo điều kiện cho Nhân dân sản xuất, ổn định đời sống.
Trả lời:
Công ty Cổ phần kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam đã lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết và Dự án cải tạo phục hồi môi trường Dự án khai thác mỏ cát trắng Hương An tại huyện Thăng Bình và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 516/QĐ-UBND, ngày 06/02/2013. Trong quá trình hoạt động, Công ty không thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Trên cơ sở đó, năm 2019, Sở TN&MT đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu UBND tỉnh xử lý với số tiền 02 tỷ đồng (Quyết định số 3045/QĐ-UBND, ngày 24/9/2019).
Hiện nay, Công ty đã lập lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án (trong đó, có nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo thực tế và tính toán số tiền phải ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường) trình Bộ TN&MT thẩm định. Tháng 5/2020, Bộ TN&MT đã tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế và họp Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án. Công ty đang chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định và sẽ thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường cũng như cải tạo phục hồi môi trường theo đúng hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ TN&MT phê duyệt.
Câu hỏi số 19. Trên địa bàn xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành việc khai thác tận thu đất dự án khu công nghiệp Tam Mỹ Tây, Khu trung tâm hành chính xã, Mỏ đất Đại Sơn... để phục vụ xây dựng đường cao tốc và các công trình xây dựng khác trên địa bàn huyện. Trong thời gian khai thác, lượng xe vận chuyển đông làm hư hỏng đường ĐT617 và gây ách tắc giao thông đi lại trên địa bàn, ô nhiễm môi trường (mùa nắng thì bụi, mùa mưa lầy lội, thời lượng khai thác gây tiếng ồn…) làm ảnh hưởng đến các trường học và cơ quan làm việc; Dự án Cụm công nghiệp xã Tam Mỹ Tây đã triển khai kéo dài 3-4 năm nhưng chưa hoàn thành dự án, vào mùa mưa các năm qua đất sang lấp từ cụm công nghiệp theo dòng chảy bồi lấp đất sản xuất lúa đồng Tót với diện tích trên 4 ha, Nhân dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay chưa giải quyết. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm giải quyết.
Trả lời:
1. Về việc khai thác đất tại các dự án Khu Trung tâm hành chính xã Tam Mỹ Tây, mỏ đất Đại Sơn,... để phục vụ xây dựng đường cao tốc và các công trình xây dựng khác trên địa bàn huyện. Trong thời gian khai thác, lượng xe vận chuyển đông làm hư hỏng đường ĐT617 và gây ách tắc giao thông đi lại trên địa bàn, ô nhiễm môi trường (mùa nắng thì bụi, mùa mưa lầy lội, thời lượng khai thác gây tiếng ồn,...) làm ảnh hưởng đến các trường học và cơ quan làm việc. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Núi Thành khẩn trương kiểm tra, xử lý theo phản ánh nêu trên. Trường hợp vượt thẩm quyền thì kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan của tỉnh tiếp tục kiểm tra, xử lý.
2. Đối với Dự án Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây có tổng diện tích 20,125 ha đã được quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành theo Quyết định số 2950/QĐ-UBND, ngày 30/9/2014 của UBND tỉnh. Trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Núi Thành, Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp huyện Núi Thành và Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng, kết quả kiểm tra đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành liên quan, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1208/QĐ-UBND, ngày 01/4/2016 về việc cho phép Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng được khai thác đất san lấp, xây dựng công trình dự thừa với diện tích 10,14/20,125ha tổng diện tích đã được quy hoạch Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây, trữ lượng khai thác 1.425.825m3, công suất khai thác: 350.000m3/năm, mức sâu khai thác +25,5 (theo cos quy hoạch Cụm công nghiệp); thời hạn khai thác khoáng sản: 04 năm 01 tháng (làm tròn), kể từ ngày ký quyết định đến ngày 01/5/2020.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng đã không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan theo giấy phép đã được cấp, vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 58 Luật Khoáng sản năm 2010 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1248/UBND-KTTH, ngày 25/3/2016. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi Giấy phép khai thác tại Quyết định số 3555/QĐ-UBND, ngày 27/11/2018.
UBND tỉnh đã đề nghị UBND huyện Núi Thành, Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp huyện Núi Thành: Thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp theo đúng các quy định hiện hành; kiểm tra, xử lý các vướng mắc phát sinh sau khi thu hồi giấy phép của Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 3555/QĐ-UBND, ngày 27/11/2018. Tuy nhiên, đến nay, UBND huyện Núi Thành chưa có báo cáo kết quả kiểm tra xử lý về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Câu hỏi số 20. Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về việc khai thác tài nguyên khoáng sản còn lỏng lẻo, qua thực tế có một số bến bãi do một vài cá nhân tổ chức công khai, thường xuyên khai thác trữ lượng cát quy mô lớn, với công nghệ cơ giới hiện đại gần như khai thác mỏ của nhà nước, của tổ chức nhưng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp gần như làm ngơ, chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn, như các bến bãi cát: Kiểm lâm xã Duy Hòa; xã Duy Châu; bến Giá Ngự xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên; xã Điện Phong; xã Điện Trung; xã Điện Quang thị xã Điện Bàn. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm.
Trả lời:
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan tăng cường các biện pháp quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, trong đó, có Công văn số 1736/UBND-KTN, ngày 02/4/2019 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các cấp, các ngành trong việc quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh. Tại Công văn này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và các địa phương liên quan, tập trung thực hiện các biện pháp nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cát, sỏi lòng sông.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các lực lượng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và một số địa phương đã tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán cát, sỏi trái phép, trong đó, UBND thị xã Điện Bàn đã thành lập Trạm kiểm soát liên ngành đặt tại Ngã Ba Vòm sông Thu Bồn, xã Điện Phong tiếp tục thực hiện công tác chốt chặn 24/24, UBND huyện Duy Xuyên thành lập Tổ công tác liên ngành thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trái phép. Ngoài ra, định kỳ 6 tháng, các sở, ngành và địa phương đã thực hiện việc báo cáo tình hình triển khai thực hiện Công văn số 1736/UBND-KTN, ngày 02/4/2019 về UBND tỉnh để kịp thời theo dõi, chỉ đạo.
Theo Báo cáo của Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn, đối với các bến, bãi tập kết, kinh doanh mua bán cát, sỏi không có phép đã bị đình chỉ hoạt động. Trong thời gian qua, có một số bến, bãi tái hoạt động trở lại, gây bức xúc cho dư luận, UBND thị xã Điện Bàn đã cương quyết đình chỉ hoạt động, đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đến nay, các chủ bến bãi tái hoạt động đã chấp hành đóng cửa, ngừng hoạt động theo quy định.
Theo Báo cáo của Phòng TN&MT huyện Duy Xuyên, đối với các bến bãi chưa đảm bảo các thủ tục theo quy định, Tổ công tác liên ngành huyện đã tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động, các chủ bến đã chấp hành nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật; UBND huyện đã phân công  Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Chi cục thuế, Chi cục Quản lý thị trường, Công an huyện theo dõi, phối hợp chặt chẽ nên đã ngăn chặn không có xảy ra tình trạng hút cát trái phép; UBND huyện duy trì thường xuyên tổ chốt chặn giám sát hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông trên sông Thu Bồn.
4. Về vốn vay
Câu hỏi số 21. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành hỗ trợ tăng cường nguồn vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ nông dân vay vốn và tăng cường vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) lên trên 50 triệu (hiện nay tối đa là 50 triệu) để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Trả lời:
* Tăng cường nguồn vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp
Ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách tín dụng phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực này. Thực hiện các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 07/9/2018 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất.
Trong thời gian qua, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn theo đúng hướng là tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung. Là 01 trong 05 lĩnh vực ưu tiên được hệ thống ngân hàng trên địa bàn đầu tư tín dụng với lãi suất ưu đãi, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn cao hơn so với cùng kỳ những năm trước. Đến cuối tháng 5/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 21.838 tỷ đồng, chiếm 29,34% tổng dư nợ, tăng 4,95% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng tổng dư nợ trên địa bàn (3,69%).
Về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông thoáng và đơn giản hơn cho vay thông thường, lãi suất cho vay ưu đãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, khách hàng vay vốn cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của ngân hàng thương mại: Dự án khả thi và khả năng trả nợ vay.
* Tăng cường vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) lên trên 50 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất (hiện nay là 50 triệu đồng)
Thời gian qua, NHCSXH đã tích cực bám sát, chủ động phối hợp để điều chỉnh một số cơ chế chính sách tín dụng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là điều chỉnh nâng mức cho vay và thời hạn cho vay một số chương trình tín dụng để hoạt động tín dụng chính sách đi vào cuộc sống ngày càng hiệu quả hơn. Theo đó, từ ngày 08/11/2019, Chương trình cho vay giải quyết việc làm được thực hiện theo Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và văn bản số 8055/NHCS-TDSV của NHCSXH, nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu lên 100 triệu đồng/người lao động.
Nguồn vốn cho vay của NHCSXH phụ thuộc vào nguồn vốn ủy thác từ ngân sách Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, ngân sách Trung ương phân bổ cho NHCSXH hàng năm có hạn trong khi nhu cầu vốn của người dân rất lớn. Do đó, NHCSXH phải cân đối nguồn để đảm bảo phần lớn người dân có cơ hội tiếp cận được nguồn tín dụng này.
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, việc cân đối để đảm bảo nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi tại NHCSXH là nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội. Rất mong cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn chia sẻ khó khăn chung của tỉnh và giúp giải thích, tuyên truyền để việc thực hiện chương trình cho vay các đối tượng chính sách khác ngày càng tốt hơn.
Câu hỏi số 22. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 đã gây thiệt hại cho người nông dân các trang trại, gia trại nên không có khả năng trả nợ cho các ngân hàng và hiện nay, người nông dân muốn tái đàn nhưng không có vốn. Đề nghị UBND tỉnh có chính sách khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất cho người chăn nuôi và hỗ trợ về con giống, nguồn vốn để người nông dân có điều kiện tái đàn và từng bước khôi phục phát triển lại ngành chăn nuôi nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) tại địa phương.
Trả lời:
Xác định vai trò nòng cốt của nông nghiệp trong phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ và NHNN như: Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; đồng thời, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN, ngày 22/7/2015; Thông tư số 25/2018/TT-NHNN, ngày 24/10/2018 hướng dẫn thực hiện. Theo đó, các hộ dân sản xuất nông nghiệp (trong đó, có hộ chăn nuôi lợn) thuộc đối tượng vay vốn được hưởng chính sách hỗ trợ xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ) và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, xem xét miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ,...
Trước ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất…; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh khoanh nợ sau khi UBND tỉnh công bố dịch.
 Hiện dư nợ cho vay ngành chăn nuôi tại địa bàn đạt 50,79 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng vẫn đang tiếp tục theo dõi, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi theo quy định.
Theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, thủ tục hỗ trợ được thực hiện ngay khi UBND tỉnh công bố dịch trên diện rộng. Tuy nhiên, thực tế tại Quảng Nam, UBND tỉnh chưa thực hiện công bố dịch trên diện rộng nên hệ thống ngân hàng không thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ trên theo quy định.
Câu hỏi số 23. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan xem xét cân đối nguồn vốn để tạo điều kiện cho hội viên nông dân không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay để phát triển kinh tế.
Trả lời:
Tại NHCSXH, hiện đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách đối với nhiều đối tượng như nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, thương nhân vùng khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa,… Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động đã được nâng mức cho vay nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của người dân theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 11/8/2019. Theo đó, hội viên Hội Nông dân không thuộc đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo có thể tiếp cận chương trình tín dụng này để phát triển sản xuất.
Ngoài ra, Hội viên Hội Nông dân không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để phát triển sản xuất.
5. Về cơ sở hạ tầng
Câu hỏi số 24. Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn thị xã Điện Bàn đang rất khó khăn về nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu chăn nuôi (điện, đường giao thông …). Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có cơ chế hỗ trợ để giải quyết vấn đề này.
Trả lời:
- Đối với các khu chăn nuôi tập trung chuẩn bị triển khai đầu tư: Hiện nay, UBND tỉnh đang có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các dự án chăn nuôi tập trung (bò, lợn, dê) được quy định tại Quyết định số 331/QĐ-UBND, ngày 30/01/2019. Trong đó, có nội dung hỗ trợ trong và ngoài hàng rào dự án. Do đó, trong quá trình đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, đề nghị UBND thị xã Điện Bàn làm việc và giới thiệu cơ chế của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
- Đối với các khu chăn nuôi tập trung đã đầu tư trước đây nhưng chưa hoàn chỉnh về hạ tầng: Đề nghị UBND thị xã Điện Bàn xem xét tính cấp thiết và nhu cầu của địa phương, làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để đăng ký vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh để xem xét đầu tư.
6. Về thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh
Câu hỏi số 25. Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 2/7/2018 của UBND tỉnh về “Tăng cường quản lý đất đai, xây dựng tại vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam” quy định tạm dừng việc phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất… Trong thời gian qua trên địa bàn xã Tam Hòa, huyện Núi Thành và một số xã, phường của thành phố Tam Kỳ, người dân chấp hành tốt quy định trên. Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn cho Nhân dân trong việc làm các thủ tục liên quan về đất đai. Trong thời gian đến, đề nghị UBND tỉnh cần nghiên cứu thay đổi một số chi tiết quy định hay ban hành quy định mới nhằm giúp người dân thuận lợi hơn.
Trả lời:
Hiện nay, Sở TN&MT đã phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành có liên quan để tham mưu thay thế Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 02/7/2018 và đã có Tờ trình số 434/TTr-STNMT, ngày 29/6/2020 trình UBND tỉnh để ký ban hành về việc tăng cường quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn vùng Đông tỉnh Quảng Nam.
Câu hỏi số 26. Hiện nay, chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa không còn hỗ trợ cho nông dân. Đề nghị UBND tỉnh nên tiếp tục có cơ chế hỗ trợ cho nông dân dồn điền, đổi thửa đồng ruộng nhằm tạo bộ mặt cho nông thôn mới hiện nay.
Trả lời:
Việc thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa được triển khai từ năm 2004, đến nay, với nhiều chính sách, cơ chế và đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa (chủ yếu trên đất lúa) được gần 18.500 ha, nhiều địa phương cơ bản đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa trên đất lúa.
Theo Thông báo số 298/TB-UBND, ngày 17/8/2018 của UBND tỉnh kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại Hội nghị tổng kết công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp theo các cơ chế, chính sách của UBND tỉnh và nhiệm vụ, giải pháp dồn điền, đổi thửa thời gian đến; trong đó, “yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố: Đối với diện tích chưa dồn điền, đổi thửa, chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND cấp xã tiến hành kiểm tra, rà soát diện tích còn lại đối với đất lúa có nhu cầu và khả năng dồn điền, đổi thửa được (trừ ruộng bậc thang và những nơi đất đai không thể dồn điền, đổi thửa được), để tiếp tục triển khai thực hiện”; chú ý thực hiện dồn điền, đổi thửa trên đất màu, đất cây trồng cạn, nhất là những diện tích đất màu nằm ở các khu vực bãi bồi ven sông; chỉ đạo UBND cấp xã lập Phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả tiến độ thời gian thực hiện chuyển đổi) gửi Phòng TN&MT thẩm tra trình UBND cấp huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện (theo Điều 78, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai). Trong thời gian đến, ngành Nông nghiệp phối hợp với ngành Tài nguyên nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh về cơ chế, chính sách tích tụ đất đai để thu hút doanh nghiệp vào liên kết với HTX và nông dân sản xuất nông sản hàng hóa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Câu hỏi số 27. Quyết định số 291/QĐ-UBND, ngày 22/01/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các hạng mục hỗ trợ đòi hỏi phải có quy mô quá lớn như: Nuôi bò phải từ 200 con; trồng cây ăn quả phải từ 5 ha, trong khi đó, chủ trương tích tụ ruộng đất chưa được thực hiện đồng bộ. Đề nghị Tỉnh cần nghiên cứu lại điều kiện, cơ chế hỗ trợ.
Trả lời:
Quy mô các ngành hàng, sản phẩm khuyến khích và ưu tiên được hỗ trợ theo Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh, được quy định tại Quyết định số 291/QĐ-UBND, ngày 22/01/2020 của UBND tỉnh, trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến thống nhất của các địa phương. Bên cạnh đó, tổng hợp nhu cầu kinh phí năm 2020 để thực hiện cơ chế này, trong 60 dự án có 02 dự án chăn nuôi bò, 05 dự án trồng cây ăn quả được đề xuất hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu nội dung nào chưa phù hợp với tình hình thực tế thì UBND cấp huyện có văn bản gửi về UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung.
Câu hỏi số 28. Theo Quyết định số 909/QĐ-UBND, ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh, kinh phí chỉnh trang, dồn điền, đổi thửa 01 ha chỉ được hỗ trợ 3.000.000 đồng, còn thấp so với chi phí đ thực hiện việc chỉnh trang, dồn điền, đổi thửa. Do vậy, đề nghị Tỉnh ủy có hướng chỉ đạo UBND tỉnh có cơ chế thêm.
Trả lời:
Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND, ngày 05/8/2011 và Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND, ngày 17/12/ 2015 của UBND tỉnh quy định về cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa” đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh quy định mức hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng là 2.000.000 đồng/ha và đã hết hiệu lực thi hành cuối năm 2017. Còn Quyết định số 909/QĐ-UBND, ngày 04/02/2016 của UBND thị xã Điện Bàn ban hành Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 2577/QĐ-UBND, ngày 20/8/2013 của UBND tỉnh, không phải Quyết định của UBND tỉnh.
Câu hỏi số 29. Thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất nông nghiệp: Người nông dân chúng tôi chưa hiểu rõ và tiếp cận nguồn vốn, muốn vay nguồn vốn vay thì cơ quan nào hướng dẫn làm thủ tục và vay nguồn vốn tại ngân hàng nào? Các căn cứ để hỗ trợ lãi suất vay theo quy định? Cơ quan nào thực hiện việc hỗ trợ?
 
Trả lời:
Về vay vốn theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg: Hiện tại, các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn đều triển khai cho vay theo quy định. Khách hàng tại các huyện liên hệ chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục vay vốn.
Đây là chương trình cho vay được Nhà nước cấp bù lãi suất, người dân được hưởng mức lãi suất ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg. Phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại (lãi suất cho vay hiện tại của ngân hàng) và lãi suất cho vay (theo Quyết định 68) Nhà nước sẽ cấp bù cho ngân hàng. Do đó, để người dân hiểu và tiếp cận với các nguồn vay nêu trên, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể liên quan tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết và thực hiện.
Câu hỏi số 30. Hằng năm, nông dân có nhu cầu mua sắm máy móc thiết bị được quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg thì địa phương đăng ký với cơ quan nào? Thời gian đăng ký? Quyết định trên đến năm nào thì không còn áp dụng?
Trả lời:
- Nông dân có nhu cầu mua sắm máy móc, thiết bị được quy định tại Quyết định số 68 không phải đăng ký với cơ quan nào. Tuy nhiên, máy móc, thiết bị mua sắm phải nằm trong Danh mục chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách, hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BNNPTNT, ngày 20/3/2014 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 68. Nông dân tại các huyện, thị xã, thành phố liên hệ chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT huyện để được hướng dẫn cụ thể.
- Quyết định số 68 đến năm nào thì không còn áp dụng: Ngày 10/3/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 357/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW, ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ “giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì, xây dựng Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV năm 2020”. Như vậy, đến khi nào Nghị quyết trên được ban hành thay thế Quyết định số 68 thì thời gian đó Quyết định số 68 sẽ hết hiệu lực thi hành.
Câu hỏi số 31. Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND, ngày 12/4/2016 của UBND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 được hỗ trợ bò đực giống. Đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ trâu đực giống cho địa phương.
Trả lời:
Nội dung hỗ trợ của Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND, ngày 07/12/2017 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND), gồm: (i) hỗ trợ mua bình chứa nitơ, cung ứng vật tư phối giống nhân tạo gia súc; (ii) hỗ trợ mua trâu, bò đực giống; (iii) hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi; (iv) hỗ trợ đào tạo kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc; (v) hỗ trợ dịch vụ thú y trọn gói.
Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND có chính sách hỗ trợ trâu đực giống cho các hộ/nhóm hộ chăn nuôi có ít nhất 30 con trâu cái để phối giống dịch vụ, ở các xã thuộc các huyện đồng bằng và các huyện miền núi thấp (Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn).
Tuy nhiên, kiến nghị nêu trên của cán bộ, hội viên nông dân ở địa phương nào trên địa bàn tỉnh và đề nghị hỗ trợ với số lượng là bao nhiêu chưa rõ nên không có cơ sở để giải thích thêm.
Câu hỏi số 32. Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy sản và dch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, làm cho ngư dân phấn khởi, tiếp động lực để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, việc nhắn tin xác nhận vị trí phương tiện gặp khó khăn, do tin nhắn gửi đi không biết tổng đài nhận được hay không, do đó, để đảm bảo tin nhắn nhận được, ngư dân phải dừng khai thác tập trung vào tin nhắn, làm cho tin nhắn gửi đi nhiều, dẫn đến nghẽn mạng, hư hỏng thiết bị. Đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn cho ngư dân để biết, thực hiện và an tâm khai thác hải sản.
Trả lời:
Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã phối hợp với Công ty cổ phần thiết bị hàng hải Mecom, thành phố Hồ Chí Minh tiến hành xây dựng, vận hành thử nghiệm Trạm bờ Hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh vào tháng 10/2011 và đi vào hoạt động ổn định từ tháng 11/2011 đến nay. Hằng năm, Trạm bờ được các kỹ thuật viên của Công ty Mecom thực hiện bảo dưỡng, duy tu và mở rộng lên thành 03 kênh liên lạc tiếp nhận tin nhắn từ tàu cá để đảm bảo hoạt động liên tục quanh năm. Đầu năm 2017, Trạm được nâng cấp, kết nối vào mạng chung của Tổng cục Thủy sản. Toàn bộ chương trình quản lý, cơ sở dữ liệu tin nhắn trên toàn hệ thống do Mecom xây dựng, nâng cấp, cập nhật quản lý. Người sử dụng, vận hành không có khả năng can thiệp, sửa đổi chương trình, dữ liệu tin nhắn lưu trữ. Trạm bờ hoạt động theo cơ chế hoàn toàn tự động: Tự động thu nhận, lưu trữ dữ liệu, có nguồn ắc quy dự phòng, tự động cấp điện khi điện lưới ngừng cấp điện, đảm bảo bộ phận thu nhận tin nhắn là máy VX-1700 và bộ phận lưu trữ dữ liệu tin nhắn hoạt động liên tục 24/24.
Sau khi lắp đặt, vận hành ổn định, Chi cục Thủy sản đã thông báo, hướng dẫn tàu cá tỉnh có tham gia hoạt động tại các vùng biển xa thực hiện lắp đặt máy thông tin liên lạc VX-1700 để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ với Trạm bờ, hướng dẫn tần số làm việc, mã số nhận dạng (số ID) của Trạm bờ để các tàu cá có thể nhắn tin báo cáo vị trí tàu cá về Trạm bờ. Đến nay, có khoảng 620 tàu cá lắp đặt máy VX-1700 và thường xuyên nhắn tin về Trạm bờ.
Hiện nay, cũng như tỉnh Quảng Nam, tất cả Trạm bờ các địa phương trong toàn quốc cũng đã hoàn thành việc nâng cấp, kết nối vào mạng chung của Tổng cục Thủy sản. Tàu cá Quảng Nam có thể nhắn tin, liên lạc về Trạm bờ Quảng Nam hoặc Trạm bờ các tỉnh, thành khác. Khi tàu cá Quảng Nam nhắn tin vào Trạm bờ các tỉnh khác, thông tin sẽ được gửi về Trạm bờ Tổng cục Thủy sản, Trạm bờ Tổng cục Thủy sản thực hiện lưu trữ, nhận dạng số ID của tàu cá, gửi thông tin về Trạm bờ Quảng Nam. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với tàu cá tỉnh khác nhắn tin vào Trạm bờ Quảng Nam.
Ngoài ra, mặc dù quy định về thời gian chuyến biển là không dưới 15 ngày, nhưng điều kiện về tin nhắn là chỉ cần tối thiểu có 07 ngày trong chuyến biển có tin nhắn là tàu cá đủ điều kiện được hỗ trợ. Vì vậy, với tình hình chung về việc tin nhắn của tỉnh và trên toàn quốc như vậy, nếu đảm bảo tình trạng kỹ thuật, máy nhắn tin VX-1700 thì tàu cá có thể dễ dàng thực hiện yêu cầu về tin nhắn báo cáo vị trí tàu tại vùng biển quy định để được hỗ trợ.
Câu hỏi số 33. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn rất nhiều ngôi nhà dột nát, mục do lâu năm (Nhà làm theo chương trình 134, 167 từ nhiều năm trước), cần phải làm mới. Tuy nhiên, từ khi có chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ, nông dân không có điều kiện khai thác gỗ trong khi điều kiện kinh tế khó khăn không có khả năng để làm nhà. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương cấp phép khai thác đối với các hộ thuộc diện hỗ trợ làm nhà theo Nghị quyết có sự giám sát khai thác của các cơ quan chức năng.
Trả lời:
Ngày 12/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 08/8/2017 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rõ “Dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước”. Do vậy, việc đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương cấp phép khai thác đối với các hộ thuộc diện hỗ trợ làm nhà là không đúng quy định hiện hành. Liên quan đến nội dung này, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với Thủ tướng Chính phủ ngày 23/3/2019, UBND tỉnh cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cơ chế hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi cao của tỉnh; tại khoản 9, Mục III, Thông báo số 141/TB-VPCP, ngày 12/4/2019 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam: “Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan hướng dẫn tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ có tính khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật”.
Thời gian qua, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân miền núi. Đầu tư kết cấu hạ tầng; ưu tiên bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển sản xuất gắn với quy hoạch, xây dựng nông thôn mới. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND, ngày 19/4/2017; Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND, ngày 28/9/2018 về sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 1, Điều 2, Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND, ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3166/QĐ-UBND, ngày 22/10/2018 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND, ngày 28/9/2018, trong đó có mức hỗ trợ cho người dân làm nhà khi sắp xếp, ổn định dân cư, cụ thể như sau:
- Hỗ trợ di chuyển nhà: 20 triệu đồng/hộ.
- Hỗ trợ san lấp nền nhà: 30 triệu đồng/nền nhà/hộ.
- Hỗ trợ đối với hộ di dời chỉnh trang tại chỗ do có chia sẻ đất ở cho các hộ mới chuyển đến với mức 20 triệu đồng/hộ (Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND, ngày 28/9/2018).
Ngoài ra, để giải quyết nhu cầu gỗ làm nhà cho các hộ dân ở các huyện trung du, miền núi cần phải có nguồn cung thay thế, trong đó, trồng cây phân tán, rừng trồng gỗ lớn là một trong những giải pháp đơn giản, hiệu quả, người dân có thể tự thực hiện. Do đó, UBND tỉnh đã giao cho ngành NN&PTNT xây dựng Đề án “Cơ chế hỗ trợ trồng cây lấy gỗ làm nhà cho người dân các huyện trung du, miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2020 - 2025” với mục tiêu từng bước góp phần đáp ứng nhu cầu gỗ làm nhà của người dân; đồng thời, góp phần hạn chế việc khai thác gỗ rừng tự nhiên của người dân địa phương sống gần rừng và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 08/8/2017 của Chính phủ. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã dự thảo xong nội dung Đề án, đang triển khai bước lấy ý kiến của các ngành, địa phương để hoàn chỉnh Đề án trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh thông qua làm cơ sở thực hiện.
7. Về hỗ trợ hợp tác xã (HTX) phát triển
Câu hỏi số 34. Đối với hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ để HTX hoạt động đảm bảo tiêu chí 13 về xây dựng nông thôn mới; đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế vừa hỗ trợ cho các thành viên nâng cao thu nhập.
Trả lời:
Những năm qua, để khuyến khích, thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển, nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ phát triển HTXNN (ở Trung ương, tỉnh) được ban hành, cụ thể như:
- Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển Hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020. Từ năm 2018 - 2020, đã hỗ trợ cho 69 HTXNN đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí 57,1 tỷ đồng; năm 2018, hỗ trợ 555 triệu đồng cho công tác tăng cường nguồn nhân lực đối với HTX (mức hỗ trợ 111 triệu đồng/01HTXNN/1 địa phương: hỗ trợ mỗi HTXNN 01 lao động theo mức lương tối thiểu vùng, thời hạn hỗ trợ tối đa không quá 36 tháng).
- Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND, ngày 24/12/2014 của UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 124/2014/NQ-HĐND, ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh, một số kết quả cụ thể:
+ Chính sách thu hút người có trình độ đại học về làm việc tại HTXNN: Đến hết năm 2019, đã thu hút 19 người về làm việc tại HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.827 triệu đồng.
+ Chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ quản lý chủ chốt làm việc lâu năm trong HTX khi nghỉ việc: Tổng kinh phí đã hỗ trợ là 1.242 triệu đồng cho 74 người.
+ Chính sách tín dụng: Ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất sau đầu tư phần chênh lệch giữa lãi suất thực tế cho vay của ngân hàng thương mại với mức lãi suất cho vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Đến nay, đã hỗ trợ cho 05 HTX với số tiền là 194 triệu đồng.
+ Chính sách hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp: Các HTX đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước thì được hỗ trợ lại để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Đến nay, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ lại cho 61 HTX đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền 2.610 triệu đồng.
+ Chính sách hỗ trợ thành lập mới: Hỗ trợ kinh phí cho 95 tổ hợp tác với số tiền 475 triệu đồng; 124 HTX với tổng số tiền 1.810 triệu đồng.
+ Chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng: Từ năm 2016 - 2019, tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho 54 HTX với số tiền 10.723 triệu đồng.
Cuối năm 2020, Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND hết hiệu lực, UBND đã giao nhiệm vụ cho Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh và các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo cơ chế hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Sở KH&ĐT đang tiến hành xây dựng Đề án, đã lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành có liên quan và các địa phương.
- Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2020 phê duyệt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 291/QĐ-UBND, ngày 22/01/2020 về việc triển khai Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh: Năm 2020, Sở NN&PTNT có Tờ trình số 100/TTr-SNN&PTNT, ngày 20/4/2020 đề xuất nhu cầu của các địa phương gửi Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, báo cáo UBND tỉnh (trong số 50/59 dự án của HTX làm chủ trì liên kết), với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 30 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có Quyết định phân bổ vốn.
- Quyết định số 1599/QĐ-UBND, ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Chương trình OCOP). Trong 02 năm 2018 và 2019, đã có 48 HTX tham gia Chương trình OCOP với 54 sản phẩm đạt hạng 3 sao - 4 sao.
Câu hỏi số 35. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành hỗ trợ cho các HTX về đất để xây dựng trụ sở làm việc; kết nối các mối liên hệ để liên kết sản xuất.
Trả lời:
Để hỗ trợ cho các HTX có đất để xây dựng trụ sở làm việc, ngày 20/12/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao kinh tế tập thể tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; trong đó, có nội dung chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo giải quyết dứt điểm vấn đề cho thuê đất, cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hợp tác xã; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND, ngày 24/12/2014 về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 124/2014/NQ-HĐND, ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh và Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 24/4/2015 về đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi HTX và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể. HTX nào có nhu cầu đất để xây dựng trụ sở làm việc cần có Tờ trình và Phương án sử dụng đất gửi UBND cấp xã để xem xét giải quyết theo quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương.
Câu hỏi số 36: Thực tiễn hiện nay, việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao, nguồn lực và cơ chế hỗ trợ kinh tế tập thể còn bất cập, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX còn hạn hẹp. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Trả lời:
Để khuyến khích liên kết sản xuất giữa HTX với HTX, doanh nghiệp, nông dân; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2020 phê duyệt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 291/QĐ-UBND, ngày 22/01/2020 về việc triển khai Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh. Sở NN&PTNT đã tổng hợp đề xuất nhu cầu kinh phí năm 2020 của các địa phương gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo UBND tỉnh. Đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT/Kinh tế và các phòng, ban, hội đoàn thể có liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp xây dựng dự án/kế hoạch liên kết để hưởng cơ chế hỗ trợ từ nhà nước.
Về tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX còn hạn hẹp: Nội dung này không thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, đề nghị chuyển cho Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Nam và Quỹ hỗ trợ HTX (Liên minh HTX tỉnh) trả lời.
Câu hỏi số 37. Các HTX ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, chất lượng cây giống, con giống chưa cao, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh còn yếu; phát triển vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo quy hoạch, còn lúng túng trong định hướng, đầu tư phát triển kinh doanh. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho HTX phát triển bền vững.
Trả lời:
Vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành 02 Công văn chỉ đạo: Công văn số 2259/UBND-KTN, ngày 23/4/2020 về việc tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân và tăng cường các mối liên kết, hợp tác tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm và thủy sản; Công văn số 2651/UBND-KTN, ngày 15/5/2020 về việc triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Trong hai văn bản này, nội dung chỉ đạo các sở, ngành, hội, đoàn thể, các cơ quan liên quan và UBND cấp huyện triển khai, thực hiện đầy đủ các nội dung trên.
Câu hỏi số 38. Hiện nay, giá thuê đất 5% cho Nhân dân tăng cao và không còn đất trống để cho HTX và các tổ hợp thuê đất để phát triển sản xuất. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành giải quyết kịp thời.
Trả lời:
Theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 132, Luật đất đai năm 2013 thì đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích được quy định như sau:
“2. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào các mục đích sau đây:
a) Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác theo quy định của UBND cấp tỉnh;
b) Bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng quy định tại Điểm a Khoản này;
c) Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
3. Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại Khoản 2 điều này thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm…”.
Như vậy, giá thuê đất công ích như nói trên, phải thông qua đấu giá. Xã nào quy định giá thuê cao, không thông qua đấu giá thì đề nghị chỉ đạo ngành TN-MT kiểm tra và hướng dẫn đúng theo luật quy định. Còn việc hết đất công ích để cho thuê thì đối tượng có nhu cầu phải chờ những diện tích hết thời hạn cho thuê (05 năm) của người thuê đất trước trả lại hoặc tham gia đấu giá việc thuê lại đất.
Câu hỏi số 39. Các HTX đã hình thành và đang phát triển nhưng thiếu trụ sở làm việc, thiếu đất sản xuất tập trung. Vậy quy trình, thủ tục cho thuê đất lâu dài để làm trụ sở làm việc và xây dựng mô hình sản xuất tập trung, hiện nay, tỉnh có cơ chế gì giúp HTX trong lĩnh vực này?
Trả lời:
Tại Điểm 2, Khoản 5, Điều 1, Nghị định số 107/2017/NĐ-CP, ngày 15/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều  của Luật HTX quy định:
“2. Chính sách cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
a) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước được quy định tại điểm g, Khoản 1, Khoản 9, Điều 19 và điểm a, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thuê đất, thuê mặt nước và Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP, ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
b) Khuyến khích thành viên, hợp tác xã thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước để làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
c) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TN&MT tiến hành rà soát nhu cầu, thực hiện đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản trên đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại địa phương theo quy định của pháp luật đất đai”.
Và tại Khoản 11, Điều 2 Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND, ngày 24/12/2014 về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 124/2014/NQ-HĐND, ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh quy định:
“Tiếp tục thực hiện việc giao đất không thu tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hợp tác xã nông nghiệp có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ thành viên sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Các hợp tác xã phi nông nghiệp (không thuộc diện miễn tiền thuê đất) được thuê đất dài hạn theo quy định ưu đãi của Nhà nước”.
Tuy nhiên, hiện nay, quy hoạch sử dụng đất ở các xã đã được phê duyệt, quỹ đất dành cho HTX ở nhiều nơi không còn nên rất khó khăn cho việc bố trí đất giao, cho HTX thuê để làm trụ sở, vùng sản xuất tập trung. HTX có nhu cầu giao đất, thuê đất cần có Tờ trình và Phương án sử dụng đất gửi UBND cấp xã để xem xét giải quyết.
Quy trình, thủ tục cho thuê đất lâu dài, HTX liên hệ Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện để được hướng dẫn cụ thể.
Câu hỏi số 40. Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn thực hiện ở các nội dung, như: Liên kết cung ứng đầu vào, liên kết chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và liên kết trong tiêu thụ sản phẩmTrong thực tế, việc liên kết gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu ra cho sản phm trong khi chi phí đầu vào quá cao. Vai trò của HTX rất lớn nhưng HTX không thể thu mua nông sản số lượng lớn. Vậy UBND tỉnh có chính sách gì hỗ trợ cho HTX? Bên cạnh đó, các ngành cần mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân không chỉ về khoa học - kỹ thuật sản xuất mà còn cả cách thức tổ chức sản xuất.
Trả lời:
- Để hỗ trợ HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2020 phê duyệt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 291/QĐ-UBND, ngày 22/01/2020 về việc triển khai Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh. Sở NN&PTNT đã tổng hợp đề xuất nhu cầu kinh phí năm 2020 của các địa phương gửi Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, báo cáo UBND tỉnh. Đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT/Kinh tế và các phòng, ban, hội, đoàn thể có liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp xây dựng dự án/kế hoạch liên kết để hưởng cơ chế hỗ trợ từ nhà nước.
- Về mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho nông dân: Hằng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện đều tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân; tập huấn công tác quản lý HTX, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn cho cán bộ HTX nông nghiệp… Các cấp hội địa phương có nhu cầu tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đăng ký với Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện để được hướng dẫn tập huấn theo từng lĩnh vực, các cơ quan ở tỉnh sẽ trợ giúp và tư vấn hướng dẫn.
8. Về giải quyết thủ tục hành chính
Câu hỏi số 41. Vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong Nhân dân hiện nay khó khăn trong việc làm giấy chứng nhận như sang tên đổi chủ, thừa kế… thủ tục tại cơ quan tham mưu tại hành chính công chưa nhiệt tình hướng dẫn khi người dân vào nộp, cán bộ nhận không kiểm tra chỉ hẹn 07 ngày sau đến nhận hồ sơ, sau 07 ngày công dân đến nhận hồ sơ thông báo thiếu hoặc sai kéo dài làm dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân, trong khi đó, dịch vụ tư đến làm thì rất dễ dàng, hồ sơ giải quyết nhanh. Đề nghị các cấp lãnh đạo nghiên cứu về thủ tục hành chính công trong lĩnh vực đất đai. Ví dụ như trích lục đo hiện nay huyện quá tải nên chuyển cho bộ phận công chức địa chính xã làm…
Trả lời:
Tiếp thu ý kiến phản ảnh của Nhân dân, Sở TN&MT sẽ chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận và thực hiện thủ tục cấp giấy CNQSD đất theo đúng quy định, tránh gây khó khăn cho người dân trong việc xin cấp giấy CNQSD. 
Câu hỏi số 42. Trong thời gian qua, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, giảm bớt phiền hà trong Nhân dân nhưng vẫn còn một số lĩnh vực Nhân dân phải đi lại nhiều lần, nhất là trên lĩnh vực đất đai (thủ tục đo đạc, cấp giấy CNQSD), đề nghị cấp có thầm quyền xem xét.
Trả lời:
Tiếp thu ý kiến phản ảnh của Nhân dân, Sở TN&MT sẽ chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận và thực hiện việc đo đạc, chỉnh lý biến động và cấp CNQSD đất theo đúng quy định.
9. Về xây dựng nông thôn mới
Câu hỏi số 43. Xây dựng nông thôn mới nhiều địa phương đặt nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng, ít chú trọng đến chỉ tiêu phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Kính đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết vấn đề này.
Trả lời:
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Vì vậy, trong triển khai thực hiện Chương trình NTM thì các nhóm tiêu chí đều quan trọng, trong đó, nhóm tiêu chí hạ tầng (gồm 08 tiêu chí) nếu được đầu tư đồng bộ sẽ tạo thuận lợi trong phát triển kinh KT-XH của địa phương, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang hơn nên không thể phủ nhận những hiệu quả mang lại của việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là ở các xã đã đạt chuẩn NTM, hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất, văn hóa, thông tin truyền thông… và đã có một số hạ tầng được nâng cấp theo hướng hiện đại, văn minh, có xu thế gắn kết với phát triển đô thị văn minh, nhất là ở những xã có lộ trình lên đô thị. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chỉ đạo phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập cũng được tỉnh chú trọng, trong 05 năm qua (2016 - 2020), nhiều cơ chế chính sách trong lĩnh vực này đã được ban hành như: Cơ chế chính sách về phát triển cây dược liệu; hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây Quế Trà My; cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh; cơ chế hỗ trợ HTX; cơ chế khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; cơ chế hỗ trợ thủy sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm... với tổng kinh phí bố trí trên 101.112 triệu đồng; riêng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ngành nghề nông thôn trong Chương trình NTM, trong 05 năm qua, đã bố trí hơn 260.000 triệu đồng, nhờ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn, đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 36,6 triệu đồng/người/năm (tăng 15,492 triệu đồng/người so với năm 2015). Đến nay, có 121 xã đạt tiêu chí thu nhập, chiếm 59,31% (tăng 38 xã so với năm 2015).
Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn đặt nặng về đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đến phát triển sản xuất là do nhu cầu đầu tư hạ tầng của địa phương rất lớn, nhất là ở những xã chưa đạt chuẩn NTM, xã miền núi. Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành và các địa phương quan tâm hơn trong lĩnh vực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, là nhân tố quyết định sự thành công trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung chỉ đạo rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 đủ mạnh để hỗ trợ thực hiện, trong đó, ưu tiên các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong khu vực nông thôn, phát triển nông nghiệp 4.0, chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản (sản xuất theo hướng xanh sạch, truy xuất nguồn gốc), Chương trình OCOP, chính sách thúc đẩy liên kết giữa các loại hình kinh tế ở nông thôn, duy trì dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có như vậy xây dựng NTM mới được bền vững.
Câu hỏi số 44. Hiện nay, các tiêu chí xây dựng NTM triển khai, vận động mạnh, các công trình hạ tầng cơ sở vật chất cần nguồn kinh phí rất lớn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đạt chỉ tiêu theo đúng thời gian đề ra nhưng nguồn kinh phí cấp để xây dựng các tiêu chí rất nhỏ giọt. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm giải quyết vấn đề này.
Trả lời:
Trong thời gian qua, ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh rất quan tâm trong Chương trình NTM, với tổng kinh phí đã bố trí giai đoạn 2016 - 2020 là 3.878.618 triệu đồng, gồm: Ngân sách Trung ương: 1.837.400 triệu đồng; ngân sách tỉnh: 2.041.218 triệu đồng, tuy ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh có tăng hơn so với giai đoạn 2011 - 2015([1]) nhưng vẫn chưa bảo đảm theo nhu cầu([2]) của các địa phương vì địa bàn nông thôn rộng lớn, nhu cầu đầu tư còn rất nhiều, nhất là vùng miền núi. Việc bố trí nguồn vốn nhỏ giọt chủ yếu là vốn từ ngân sách Trung ương, nguyên nhân do kế hoạch phân bổ vốn ngân sách Trung ương hằng năm cho Chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2020 chưa phù hợp, giai đoạn đầu 2016 - 2018 vốn phân bổ từ ngân sách Trung ương thấp (trong khi đó, giai đoạn này cần tập trung vốn thực hiện để đạt mục tiêu đề ra), Trung ương tập trung phân bổ trong năm 2019 - 2020 (nhiều nhất là năm 2020) nên gây áp lực giải ngân rất lớn đối với cấp xã trong năm 2020 (giai đoạn 2016 - 2018, ngân sách Trung ương phân bổ 709.520 triệu đồng/1.837.400 triệu đồng, đạt tỷ lệ 38,6% nên phần vốn còn lại dồn vốn rất lớn cho giai đoạn 2019 - 2020). Ghi nhận ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân các cấp, thời gian đến, UBND tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực để bổ sung thêm cho Chương trình NTM, chỉ đạo các ngành và địa phương ưu tiên lồng ghép từ các nguồn cho Chương trình NTM để đạt mục tiêu đề ra, trong đó, ưu tiên cho các xã, huyện nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 và các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
10. Về xây dựng thương hiệu sản phẩm
Câu hỏi số 45. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc đã thành lập HTX sản xuất rau hữu cơ Đại Lộc Phát, tuy nhiên, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành hướng dẫn về các chứng chỉ an toàn sản phẩm như tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Trả lời:
1. Đối với loại hình HTX sản xuất rau, để đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau hiện nay, phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau:
- Thực hiện ký Bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT, ngày 31/10/2018 của Bộ NN&PTNT (Đối với trường hợp HTX có số lao động dưới 10 lao động). Bản cam kết sản xuất an toàn này có UBND cấp xã ký xác nhận.
- Hoàn thiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, ngày 25/12/2018 của Bộ NN&PTNT (Đối với trường hợp HTX có số lao động trên 10 lao động). Phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế các địa phương là cơ quan cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các cơ sở do cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam về Nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ do tổ chức chứng nhận độc lập cấp không cần cấp giấy Chứng nhận ATTP (Quy định tại Điều 12, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 02/20/2018 của Chính phủ). Tuy nhiên, các cơ sở này phải tuân thủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tương ứng với loại hình sản xuất kinh doanh.
2. Về liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo chuỗi: Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã ký Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Trên cơ sở đó, một số chuỗi cung ứng thực phẩm của tỉnh Quảng Nam đã mở các cửa hàng tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng (như chuỗi thịt lợn, chuỗi nước mắm,...) và Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT để bàn việc tiêu thụ sản phẩm an toàn cho nông dân tỉnh Quảng Nam. Đây là đơn vị tiêu thụ cần nhu cầu sản phẩm có số lượng lớn và đa dạng chủng loại sản phẩm an toàn. Do vậy, để có cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, HTX cần phải:
- Tổ chức sản xuất sản phẩm phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm và sản phẩm phải được chứng nhận theo quy định; phải xây dựng tem, nhãn để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và truy xuất nguồn gốc khi cần thiết; phải tạo ra sản phẩm đủ lớn về số lượng, đa dạng và đồng đều về chất lượng.
- Đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và lựa chọn; đồng thời, tiếp cận các cơ sở có bếp ăn tập thể lớn như: Trường học bán trú, các công ty, nhà hàng, khách sạn để giới thiệu sản phẩm và thông qua đó mời các đơn vị tiêu thụ tham quan cơ sở sản xuất của HTX để tận mắt thấy được sản phẩm làm ra là an toàn theo quy định.
- HTX phải nắm bắt tín hiệu của thị trường để sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; cơ quan quản lý nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP hoặc hữu cơ lần đầu cho cơ sở, đồng thời, tạo kết nối cung cầu thông qua các buổi hội chợ, hội thảo nhằm tạo sự giao lưu, gặp gỡ giữa người sản xuất và người tiêu dùng để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, việc tiêu thụ sản phẩm được nhiều hay ít là phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo, tổ chức của HTX trong chỉ đạo sản xuất, quảng bá, tiếp thị và liên kết với doanh nghiệp để làm đầu mối trong thu mua sản phẩm.
- Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4129/QĐ-UBND, ngày 18/12/2019 Quy định nội dung, mức chi hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020.
Câu hỏi số 46. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục đầu tư mạnh để phát triển ngành nông nghiệp phù hợp với thời kỳ công nghệ 4.0, qua đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ gì để phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương trong thời gian đến?
Trả lời:
Vấn đề này được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 2259/UBND-KTN, ngày 23/4/2020 về việc tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân và tăng cường các mối liên kết, hợp tác tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm và thủy sản; trong đó, có giao nhiệm vụ cho Sở KH&CN như sau:
- Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh về Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này đến các cơ sở; cung cấp thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất với các nhà khoa học, các viện, trường nghiên cứu, hỗ trợ các cơ sở xây dựng hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Chú trọng các dự án ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, dự án đổi mới công nghệ, sản xuất thử nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Tiếp tục triển khai xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và áp dụng quy chế quản lý quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đã được bảo hộ, hỗ trợ cho hàng hóa nông sản có đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng tại các hệ thống siêu thị, kênh phân phối lớn; đồng thời, tăng sức cạnh tranh hàng hóa nông sản của tỉnh theo Kế hoạch số 5308/KH-UBND, ngày 26/10/2016 của UBND tỉnh về việc tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020.
11. Về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Câu hỏi số 47. Hiện nay, đối với các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế. Đề nghị tỉnh nên có biện pháp, giải pháp, cụ thể hiệu quả hơn.
 
Trả lời:
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như sau: Nghị định số 65/2017/NĐ-CP, ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND, ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 331/QĐ-UBND, ngày 30/01/2019 của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND; Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 17/12/2019 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 291/QĐ-UBND, ngày 22/01/2020 triển khai Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút được 78 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có 29 dự án đầu tư tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (gồm 07 dự án thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và 22 dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác).
- Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của các nhà đầu tư: Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn như: Thời tiết, thổ nhưỡng, thị trường,... Tuy nhiên, 02 khó khăn lớn nhất nhà đầu tư gặp phải là:
+ Trình tự thủ tục đầu tư: Hiện nay, trình tự thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 3352/QĐ-UBND, ngày 22/10/2019 của UBND tỉnh về ban hành quy định hướng dẫn và quản lý hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được thực hiện theo trình tự thủ tục liên thông và rút gọn được quy định tại Điều 16, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, các nhà đầu tư được phép thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường và xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đang lúng túng trong việc thực hiện quy định này. Do đó, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư.
+ Công tác giải phóng mặt bằng: Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh phải do nhà đầu tư tự thoả thuận với người dân thực hiện (trừ các dự án nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp). Tuy nhiên, diện tích đất cần thiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, do đó, sẽ ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Vì vậy, việc nhà đầu tư tự thoả thuận với quá nhiều hộ dân để thực hiện giải phóng mặt bằng để đầu tư dự án là không khả thi, có nhiều dự án đã bỏ dỡ vì không thực hiện được bước này.
- Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn thời gian đến:
+ Thực hiện tốt công tác quy hoạch nông thôn, đặc biệt là quy hoạch nông thôn mới; trong đó, quy hoạch cụ thể các khu sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư.
+ Xây dựng các HTX nông nghiệp đủ năng lực để thực hiện việc liên kết sản xuất và làm cầu nối giữa người dân với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
+ Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trong đó, thống nhất đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh (huyện cần thành lập Tổ xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn).
+ Trên cơ sở nhu cầu của các địa phương và doanh nghiệp, UBND tỉnh tổ chức giải phóng mặt bằng một số khu vực để kêu gọi, xúc tiến nhà đầu tư giống như thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Câu hỏi số 48. Hiện nay, trên địa bàn các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và Quế Sơn diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tình trạng nông dân bỏ ruộng không sản xuất chuyển qua ngành nghề khác có chiều hướng gia tăng. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đến công tác tập trung tích tụ ruộng đất để mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.  
Trả lời:
Do chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh những năm qua theo hướng tích cực tức là giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp, dịch vụ nên lao động cũng có xu thế chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực phi nông nghiệp; đồng thời, diện tích đất bình quân đầu người thấp, hiệu quả sản xuất không cao nên người dân có xu thế bỏ ruộng ngày càng tăng, nhất là khu vực ven đô. Việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa hoặc mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là nhu cầu thực tế nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp và tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, còn nhiều trở ngại về pháp lý nên việc tích tụ ruộng đất mới chỉ thực hiện nhỏ lẻ và mang tính chất thí điểm tại một số địa phương. Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh thời gian qua đã có chủ trương giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu để thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất. Sở NN&PTNT cũng đã nghiên cứu và học tập kinh nghiệm từ một số địa phương trong nước để tham mưu cơ chế tích tụ đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dự kiến sẽ trình UBND, HĐND tỉnh trong giai đoạn từ cuối năm nay đến nửa đầu năm 2021. Đề nghị Sở TN&MT có trách nhiệm hướng dẫn về trình tự, thủ tục liên quan về chính sách đất đai để thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện và không bị vướng mắc trong quá trình triển khai việc tích tụ đất đai liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
12. Về vấn đề môi trường
Câu hỏi số 49. Công ty chăn nuôi Thái Việt được UBND tỉnh cấp phép xây dựng nhiều năm trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải chưa đảm bảo, gây bốc mùi hôi thối xung quanh các khu vực và ô nhiễm nguồn nước giếng sinh hoạt của Nhân dân. Sở TN&MT, UBND huyện Núi Thành đã xử phạt trên 150 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng có hướng giải quyết.
Trả lời:
Dự án Trang trại chăn nuôi Lợn nái sinh sản siêu nạc của Công ty TNHH Thái Việt Swine Line (địa chỉ: Thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 1053/QĐ-UBND, ngày 03/4/2014.
Năm 2016, Thanh tra Sở TN&MT tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, theo đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 5082/UBND-KTN, ngày 17/10/2016 về việc thống nhất Kết luận thanh tra, yêu cầu Công ty: Báo cáo UBND tỉnh, Sở TN&MT về những nội dung thay đổi so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; đấu nối nước thải từ hầm tự hoại đưa về hồ sinh học để tiếp tục xử lý đảm bảo trước khi thải ra môi trường.
Đến năm 2017, Sở TN&MT tiếp tục kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Trang trại theo đề nghị của Phòng TN&MT huyện Núi Thành tại Công văn số 07/TNMT, ngày 17/01/2017. Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy Công ty còn một số tồn tại về công tác bảo vệ môi trường và đã xử lý vi phạm hành chính với số tiền 70.000.000 đồng với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Quyết định số 02/QĐ-XPHC, ngày 28/02/2017). Trên cơ sở đó, Công ty đã lập hồ sơ điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án và được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4130/QĐ-UBND, ngày 23/11/2017.
Năm 2018, Công an huyện Núi Thành đã kiểm tra, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính với hành vi xả nước thải khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng với số tiền 60.000.000 đồng (theo thông báo kết quả kiểm tra ngày 21/02/2018 của Công an huyện Núi Thành).
Theo báo cáo tình hình bảo vệ môi trường tại trại chăn nuôi Núi Thành số 3006/2020/BC-TVSL, ngày 30/6/2020 của Công ty Thái Việt Swine Line: Tháng 7/2019, Công ty đã xin tạm dừng hoạt động tại trang trại heo ở huyện Núi Thành để cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhằm đảm bảo nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường phải đạt theo Cột B, QCVN 62-MT:2016/BTNMT cũng như cải tạo cơ sở vật chất trang trại, đảm bảo an toàn sinh học phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Công ty đã ký hợp đồng với Công ty TNHH E.U.C để cải tạo hệ thống xử lý nước thải, lập hồ sơ xin giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Vì do dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra và dịch tả lợn Châu Phi còn diễn biến phức tạp nên dự án bị chậm tiến độ so với thực tế. Hiện tại, đơn vị thi công hạng mục xử lý nước thải đang nạo vét, vệ sinh hồ điều hòa trước khi lắp đặt hệ thống đường ống phân phối khí dưới đáy bể, đường ống thu gom bùn thải. Dự kiến thời gian hoàn thành công trình cải tạo là đến ngày 30/9/2020.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Núi Thành thường xuyên theo dõi quá trình cải tạo hệ thống xử lý nước thải để hướng dẫn Công ty thực hiện đảm bảo an toàn môi trường, không để ảnh hưởng đến Nhân dân trong khu vực, đồng thời, báo cáo kết quả về UBND tỉnh, Sở TN&MT để theo dõi.
Câu hỏi số 50. Hiện nay, trên địa bàn xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành một số nhà máy, xí nghiệp, công ty như: Trạm than Chu Lai, Bê tông Hòa Cầm, Gạch Tuynen, Mỏ đá Chu Lai đã gây ô nhiễm môi trường trong cộng đồng khu dân cư thôn Hòa Mỹ. Đề nghị lãnh đạo tỉnh có biện pháp giải quyết để người dân an tâm.
Trả lời:
Ngày 30/7/2018, Sở TN&MT chủ trì phối hợp các ngành, địa phương khảo sát thực tế. Qua khảo sát cho thấy, 03 nhà máy (Nhà máy gạch tuynen Chu Lai, Nhà máy bê tông Chu Lai, Trạm than Chu Lai) đều nằm trong khu dân cư (10 hộ dân ở phía Đông Bắc đã xây dựng trước khi có 03 Nhà máy và 05 hộ mới đến làm nhà từ năm 2016 do UBND huyện Núi Thành khai thác quỹ đất nằm sát nhà máy); các hộ dân đều nằm dọc theo tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm đi tiêu thụ của các nhà máy (tuyến đường do 03 Công ty chung tiền để xây dựng); khu vực không có hệ thống thoát nước mặt nên thường bị ngập trong những trận mưa lớn; 03 Nhà máy có thực hiện một số biện pháp bảo vệ môi trường tại cơ sở nhưng chưa bảo đảm. Theo báo cáo của huyện Núi Thành, khu đất phía Bắc của 03 Nhà máy đã khai thác quỹ đất nằm sát các nhà máy, thời gian đến người dân tiếp tục xây dựng nhà ở.
Kết quả khảo sát thực tế cho thấy nội dung phản ánh của Nhân dân về ô nhiễm môi trường của các cơ sở (Nhà máy gạch tuynen Chu Lai, Nhà máy bê tông Chu Lai, Trạm than Chu Lai) và tình trạng nứt nhà dân là đúng thực tế. Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở Công Thương, kết quả kiểm tra, giám sát đo đạc rung chấn định kỳ của Sở Công Thương thì độ rung chấn nằm trong giới hạn cho phép theo quy định, do đó, chưa có cơ sở để xác định chính xác nguyên nhân nứt nhà dân.
Trên cơ sở đó, Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra và UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4511/UBND-KTN, ngày 14/8/2018 về khắc phục ô nhiễm môi trường của các cơ sở gây ra. Theo đó, đã yêu cầu các chủ cơ sở thực hiện các giải pháp đảm bảo môi trường và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện theo đúng quy định.
Ngày 12/9/2019, Sở TN&MT đã chủ trì mời các sở, ngành: Công Thương, Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND huyện Núi Thành, UBND xã Tam Nghĩa họp về kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4511/UBND-KTN, ngày 14/8/2018. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh tại Báo cáo số 668/BC-STNMT, ngày 18/9/2019. Theo đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 5794/UBND-KTN, ngày 30/9/2019 yêu cầu các công ty thực hiện đảm bảo an toàn môi trường, chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện đúng chức năng được giao; chỉ đạo UBND huyện Núi Thành khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng CCN Nam Chu Lai giai đoạn 2, để bố trí đất cho Công ty TNHH MTV Tâm Thu, Công ty cổ phần Than miền Trung, Công ty cổ phần Bê tông Hòa Cầm. Trong thời gian chờ di dời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; đặc biệt, công tác hậu kiểm các yêu cầu theo chỉ đạo của UBND tỉnh và ý kiến của Nhân dân; giải quyết các kiến nghị của Nhân dân về hoạt động của các cơ sở sản xuất; chỉ đạo UBND xã Tam Nghĩa chủ trì cùng với Nhân dân giám sát hoạt động nổ mìn của Công ty cổ phần đá Chu Lai; đồng thời, tăng cường công tác dân vận tại địa phương để giải thích các thắc mắc của Nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3105/UBND-TD, ngày 08/6/2020 về việc kiểm tra, trả lời đơn các hộ dân thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa liên quan đến các cơ sở sản xuất trên. Ngày 17/6/2020, Sở TN&MT có Công văn số 1194/STNMT-BVMT, theo đó:
+ Đối với Mỏ đá Chu Lai của Công ty Cổ phần đá Chu Lai: Theo nội dung đơn kiến nghị, Nhân dân phản ánh “Trong thời gian vừa qua, tuy có sự giám sát của Nhân dân nhưng khi nổ mìn vẫn còn rung chấn rất mạnh, đề nghị tiếp tục giảm lượng thuốc nổ”. Nội dung kiến nghị này thuộc chức năng quản lý của ngành công thương và đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể tại Công văn số 5794/UBND-KTN, ngày 30/9/2019.
+ Đối với các cơ sở sản xuất Gạch - Bê tông - Than đá của 03 doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Tâm Thu, Công ty Cổ phần Than miền Trung và Công ty Cổ phần Bê tông Hòa Cầm): Để có đầy đủ thông tin làm cơ sở xây dựng kế hoạch giải quyết tiếp theo, Sở TN&MT kính đề nghị Công an tỉnh, UBND huyện Núi Thành cung cấp kết quả thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5794/UBND-KTN, ngày 30/9/2019. Thông tin bằng văn bản gửi về Sở TN&MT trước ngày 20/6/2020 để tổng hợp.
Ngày 19/6/2020, UBND huyện Núi Thành có Báo cáo số 156/BC-UBND về kết quả thực hiện. Theo đó, huyện đã có Công văn số 1639/UBND-TNMT, ngày 31/12/2019 chỉ đạo 03 nhà máy lập phương án di dời vào CCN Nam Chu Lai. Đến nay, có 02 Công ty (Công ty Tâm Thu và Công ty Bê tông Hòa Cầm) đã có văn bản đăng ký với huyện về việc di dời. Hiện nay, huyện đang đẩy nhanh tiến độ để giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng đối với CCN Nam Chu Lai.
Ngày 15/6/2020, Phòng TN&MT huyện Núi Thành chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND xã Tam Nghĩa kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 02 nhà máy. Theo đó, Công ty Tâm Thu hoạt động bình thường (có lấy mẫu khí thải tại ống khói lò nung) và kết quả kiểm tra thì đạt quy chuẩn quy định; còn Công ty Bê tông Hòa Cầm đang ngừng hoạt động. Riêng Trạm than Chu Lai, Đoàn kiểm tra Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra ngày 26/6/2020.
Sau khi có kết quả kiểm tra, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Núi Thành tổ chức họp dân, thông báo kết quả giải quyết cho Nhân dân được biết để cùng theo dõi, giám sát.
 
13. Về thủy lợi
Câu hỏi số 51. Hiện nay, hoạt động của các trạm bơm thuộc Công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam thực hiện theo định mức quy định khoán KW tiêu hao điện năng/ha. Do vậy, công tác phục vụ nước tưới đôi lúc không đảm bảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm. Đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo có giải pháp khắc phục hoạt động này.
Trả lời:
Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam (Công ty) đang thực hiện tưới theo điều kiện thực tế khu tưới (theo đặc điểm và lịch gieo sạ) và áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức lao động trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2751/QĐ-UBND, ngày 19/8/2009 và Quyết định số 2536/QĐ-UBND, ngày 12/8/2011 của UBND tỉnh về điều chỉnh định mức lao động trên đơn vị sản phẩm và bổ sung định mức sử dụng nước tưới tại mặt ruộng.
Các năm trước đây, do nguồn nước ổn định Công ty thực hiện bơm tưới đảm bảo lượng nước, đúng theo thời gian sinh trưởng; tuy nhiên, trong vòng 02 năm trở lại đây do lượng mưa hàng năm thiếu hụt lớn, nắng nóng liên tục kéo dài, nguồn nước các sông, các hồ thủy lợi, các hồ thủy điện phía thượng nguồn thiếu hụt trầm trọng, hạn hán liên tục xảy ra. Việc ngập mặn ngày càng xâm nhập sâu vào hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn với nồng độ cao, cùng với thiếu hụt nguồn nước và nhiều đoạn sông bị hút sâu chưa được trả hiện trạng lòng sông (do không có lũ). Do đó, để đảm bảo nước tưới ổn định gần 4.000ha đất sản xuất hệ Vu Gia - Thu Bồn, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Công ty sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp để chống hạn, mặn, trong đó, liên tục bơm lách triều, thời gian phụ thuộc triều lên xuống và nguồn nước ở thượng nguồn về nên có một số thời điểm sớm hoặc chậm hơn so với lịch tưới.
Ngoài ra, để phù hợp với sự biến động về giá cả, vật tư, nhân công và có cơ sở để xây dựng giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi trong những năm đến; hiện nay, Công ty đang triển khai xây dựng, điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, định mức lao động trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo quy định.
Câu hỏi số 52. Tình trạng kênh mương loại III do cụm thủy nông quản lý không được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên dẫn đến xuống cấp, không đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất; vấn đề này đã được chính quyền cấp xã kiến nghị nhiều lần nhưng không được khắc phục. Đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành có hướng giải quyết kịp thời cho nông dân.
Trả lời:
Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam (Công ty) đang quản lý 17 hồ chứa nước, 28 trạm bơm điện, 03 đập dâng kiên cố, 27 đập dâng bán kiên cố thời vụ và 821,21 km kênh mương các loại (trong đó, đã kiên cố hóa 669,71 km). Đa phần các công trình thủy lợi do Công ty quản lý được xây dựng sau ngày quê hương giải phóng, qua thời gian sử dụng (trên 30 năm) đến nay đều xuống cấp, hư hỏng, nhất là hệ thống kênh mương; mặc dù đã cứng hóa đạt 81,6%, nhưng chủ yếu bằng bê tông tấm lát, qua nhiều năm sử dụng đang xuống cấp trầm trọng, nhất là các kênh đi qua địa hình vùng Đông Quảng Nam có địa chất chủ yếu cát pha dễ gây sạt lở và thấm mất nước rất nhiều. Những tuyến kênh này phải tải nước thường xuyên, liên tục để vừa làm nhiệm vụ cấp nước tưới, vừa thau chua, rửa mặn cải tạo đất nên rất khó khăn trong công tác quản lý vận hành và chi phí bảo dưỡng công trình hằng năm khá tốn kém.
Việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp kênh mương bằng các nguồn chi phí hằng năm của Công ty và ngân sách nhà nước; tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế đủ để đầu tư một số công trình trọng tâm, xuống cấp nghiêm trọng và xung yếu đơn lẻ, nên chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu của các địa phương và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2019 đến nay, Công ty đã được HĐND tỉnh thống nhất vào đối tượng áp dụng của Nghị quyết số 205/2016/NQ-HĐND, ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh về cơ chế đầu tư kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, kế hoạch năm 2020, Công ty đã được HĐND, UBND tỉnh thống nhất phân bổ kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa cho 07 tuyến kênh mương tại Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 08 tỷ đồng và hiện nay, Công ty đang triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cấp nước đảm bảo cho các khu tưới ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, đề nghị các địa phương củng cố hoạt động các tổ chức Hợp tác dùng nước để phục vụ công tác dẫn nước vào ruộng đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả; huy động Nhân dân thực hiện công tác nạo vét kênh mương; quán triệt, phổ biến sử dụng giống và gieo sạ đúng lịch thời vụ của Sở NN&PTNT.
14. Về vấn đề liên kết 04 nhà
Câu hỏi số 53. Hiện nay, việc liên kết 04 nhà chưa thật sự chặt chẽ nên việc sản xuất không theo quy hoạch, không nắm vững thông tin thị trường, sản phẩm đầu ra không tiêu thụ được nên tình trạng được giá mất mùa liên tục đối với các mặt hàng nông sản. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu để giúp nông dân ổn định sản xuất.
Trả lời:
Vấn đề này được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 2259/UBND-KTN, ngày 23/4/2020 về việc tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân và tăng cường các mối liên kết, hợp tác tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm và thủy sản; trong đó, có giao nhiệm vụ như sau:
- Sở NN&PTNT:
+ Tổ chức rà soát, điều chỉnh, xây dựng các vùng tập trung sản xuất, chế biến ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cấp tỉnh; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, tạo sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó, chú trọng phát triển công nghệ chế biến sâu.
 + Tăng cường phối hợp với Sở Công Thương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phát triển thị trường sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản; kịp thời nắm bắt thông tin, dự báo thị trường nông sản để có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương tổ chức sản xuất phù hợp với từng điều kiện cụ thể, nhất là trong thời điểm dịch bệnh trên người, trên vật nuôi, cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp cho doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và nông dân trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, nông dân tiêu biểu để tháo gỡ khó khăn vào thời điểm thích hợp.
- Sở Công Thương:
+ Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường nông, lâm sản và thủy sản; tăng cường công tác hỗ trợ kết nối cung cầu; củng cố, phát triển các chợ truyền thống; phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ, hệ thống phân phối phù hợp; hỗ trợ liên kết, đưa hàng hóa nông, lâm sản và thủy sản vào hệ thống các siêu thị, trung tâm bán hàng hiện có trên địa bàn tỉnh.
+ Thiết lập hệ thống kết nối từ chính quyền (tỉnh, huyện, xã) đến các doanh nghiệp, HTX, nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản; có kế hoạch kết nối với thị trường các tỉnh lân cận, trong nước và chú trọng tìm kiếm thị trường xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh.
+ Tăng cường công tác quản lý, dự báo, thông tin chính xác, kịp thời về thị trường nông sản để hạn chế tình trạng được mùa mất giá; đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, trong đó, chú trọng phát triển công nghệ chế biến, bảo quản hàng hóa nông, lâm sản và thủy sản.
+ Kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại hàng hóa nông, lâm sản và thủy sản; hỗ trợ phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến liên quan.
15. Về quản lý, bảo vệ rừng
Câu hỏi số 54. Công tác quản lý, bảo vệ rừng của huyện Núi Thành nói chung, trên địa bàn xã Tam Sơn nói riêng còn nhiều vấn đề cần quan tâm, rừng đầu nguồn ngày càng bị lấn chiếm, diện tích rừng đã bị lấn chiếm có hồ sơ xử lý nhưng chưa có biện pháp phục hồi hữu hiệu. Đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Trả lời:
UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17/2015/CT-UBND, ngày 18/8/2015 về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại huyện Núi Thành, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam đã tham mưu UBND huyện Núi Thành phê duyệt Phương án xử lý diện tích rừng trồng keo trên diện tích đất, rừng phòng hộ bị lấn chiếm trái phép thuộc lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh trên địa bàn huyện Núi Thành (Quyết định số 5845/QĐ-UBND, ngày 07/9/2018). Trên cơ sở Phương án được duyệt, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam cũng đã xây dựng Phương án xử lý làm điểm tại xã Tam Sơn với mục đích nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng keo; xử lý và thu hồi lại diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, lập phương án giao khoán cho tổ chức, cá nhân có năng lực để trồng phục hồi lại rừng phòng hộ (nguồn vốn từ các chương trình, dự án Nhà nước, trồng rừng thay thế, hoặc do người dân bỏ vốn trồng rừng). Trên cơ sở đó, UBND xã Tam Sơn đã ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, không có đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, khi triển khai việc thu hồi đất, hủy bỏ cây keo để giao khoán trồng cây phòng hộ thì gặp rất nhiều khó khăn do người dân không chịu, gây khó khăn nên việc thực hiện điểm tại xã Tam Sơn đang tạm dừng.
Ngày 30/11/2018, UBND tỉnh có Thông báo số 467/TB-UBND về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp bàn quản lý sử dụng đất rừng, khai thác gỗ rừng trồng và xác lập quyền của các bên liên quan trên đất rừng phòng hộ, sản xuất trong lưu vực hồ Phú Ninh. Đã giao Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam làm việc với Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam và UBND các huyện Núi Thành, Phú Ninh về các trường hợp tranh chấp của Nhân dân đối với những diện tích đất đang tranh chấp, chưa có hồ sơ quản lý theo hướng:
- Trường hợp xác định diện tích đất do người dân lấn chiếm để trồng rừng là đất của Nhà nước: Đề nghị người dân trả lại đất, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và người dân thực hiện đồng quản lý rừng trên cơ sở xây dựng phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng với người dân để quản lý rừng, cho phép các hộ dân khai thác gỗ rừng trồng khi đến kỳ thu hoạch, ưu tiên theo hướng liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng gỗ lớn nhằm ổn định đời sống Nhân dân và đảm bảo mục đích quản lý rừng phòng hộ.
- Trường hợp xác định diện tích đất tranh chấp là đất vườn, nhà ở của người dân đã sử dụng trước khi quy hoạch rừng phòng hộ Phú Ninh: Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh phối hợp với các phòng chức năng của huyện, UBND xã kiểm tra, rà soát nếu đủ điều kiện và dân cư sống tập trung thì báo cáo UBND các huyện Núi Thành, Phú Ninh xử lý theo Luật Đất đai.
- Đối với diện tích xác định có rừng tự nhiên trước đây nhưng đã bị phá và hiện nay được người dân trồng keo thì xử lý theo Chỉ thị số 17/2015/CT-UBND, ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh.
Trên cơ sở Thông báo số 467/TB-UBND, ngày 30/11/2018, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam cũng đã giải quyết cho rất nhiều hộ dân (đã giải quyết 88/103 hộ dân đăng ký) có đơn xin cam kết trả đất và có nhu cầu trồng lại rừng theo quy chế rừng phòng hộ với tổng diện tích đã giải quyết 320,86 ha/340,54 ha đăng ký (gồm 03 xã thuộc huyện Phú Ninh: 175,17 ha và 06 xã thuộc huyện Núi Thành: 145,69 ha).
Câu hỏi số 55. Hiện nay, Nhân dân vùng Tây của xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành sống cận rừng nhưng hiện không có đất rừng sản xuất làm cho một số hộ dân bức xúc và đã có nhiều hộ dân lấn chiếm đất rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam. Đề nghị UBND tỉnh có chính sách giao khoán rừng cho Nhân dân sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người nông dân vùng Tây của xã.
Trả lời:
- Theo Quyết định số 145/QĐ-UBND, ngày 11/01/2018 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả lồng ghép số liệu kiểm kê rừng năm 2016 với số liệu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2011 - 2020 và thực hiện kiểm kê rừng bổ sung: Xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành có tổng diện tích tự nhiên: 2.742,71 ha (quy hoạch phòng hộ 114,77 ha, sản xuất 363,25 ha, ngoài 03 loại rừng 2.264,69 ha), trong đó, diện tích rừng trồng là 636,03 ha, gồm:
+ Diện tích do UBND tỉnh cho Công ty Cổ phần lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam quản lý) thuê là 391,8 ha tại Quyết định số 1781/QĐ-UBND, ngày 29/5/2009.
+ Diện tích quy hoạch rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam quản lý theo Quyết định số 120/QĐ-UBND, ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020: 111,86 ha.
+ Diện tích người dân đã trồng rừng nhưng chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 107,37 ha.
+ Diện tích đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân: 31 ha.
- Đối với diện tích Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam quản lý:
+ Diện tích không bị người dân lấn, chiếm thì Xí nghiệp tự tổ chức quản lý, bảo vệ rừng (không thực hiện giao khoán).
+ Diện tích bị người dân lấn, chiếm để trồng keo: Theo Kết luận thanh tra số 1873/KL-STNMT, ngày 15/11/2018 của Sở TN&MT về việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với Công ty Cổ phần lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam thì Công ty phải xử lý dứt điểm để đưa vào sử dụng theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 46, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ; diện tích đất chồng lấn với đất người dân sản xuất lúa và các tổ chức khác sử dụng, Công ty phối hợp với địa phương rà soát, giao lại cho địa phương và các tổ chức liên quan quản lý, sử dụng.
- Đối với diện tích rừng trồng do Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam quản lý, gồm:
+ Diện tích rừng trồng của các chương trình, dự án hiện đang ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với người dân địa phương theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, ngày 27/12/2016 của Chính phủ thì tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng.
+ Diện tích đất ở, đất sản xuất ổn định của người dân được quy hoạch rừng phòng hộ: Hiện nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Phương án khung về giải quyết quyền lợi người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Phương án khung được phê duyệt, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam sẽ xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm giải quyết tình trạng này.
+ Đối với diện tích xác định có rừng tự nhiên trước đây nhưng đã bị phá và hiện nay được người dân trồng keo thì xử lý theo Chỉ thị số 17/2015/CT-UBND, ngày 18/8/2015.
- Diện tích người dân đã trồng rừng nhưng chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Đề nghị xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
- Diện tích đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân: Người dân tiếp tục sản xuất.
Câu hỏi số 56. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành đánh giá lại các dự án 661, 327 và đề nghị Trung ương xóa các dự án 661, 327 để cấp lại đất cho người dân phát triển sản xuất. Đồng thời, triển khai thực hiện việc cắm mốc ranh giới của ba loại rừng và cấp sổ đỏ, để người dân yên tâm đầu tư trồng rừng gỗ lớn.
Trả lời:
1. Đánh giá các dự án 661, 327
Theo Thông tư số 24/2009/TT-BNNPTNT, ngày 05/5/2009 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quy hoạch sang rừng sản xuất và ngược lại từ rừng sản xuất được quy hoạch thành rừng phòng hộ, đặc dụng sau rà soát quy hoạch lại 03 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg, ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Khoản 1, Điều 2. Nguyên tắc quản lý trong quá trình chuyển đổi rừng quy định:
- Tất cả diện tích rừng chuyển đổi nêu trên phải có chủ rừng quản lý cụ thể. Rừng chuyển đổi mục đích sử dụng (trong 03 loại rừng) có thể có hoặc không thay đổi chủ rừng.
- Các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chuyển đổi, nếu không có yêu cầu giao lại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thì tiếp tục quản lý diện tích rừng đó theo quy chế quản lý rừng tương ứng.
- Các ban quản lý dự án 661 đang quản lý diện tích rừng chuyển đổi phải giao lại rừng cho các tổ chức quản lý rừng, các hộ gia đình, cá nhân trên cơ sở đề án giao rừng cụ thể của UBND cấp tỉnh và phương án giao rừng cụ thể của UBND cấp huyện và xã; các đề án, phương án giao rừng phải được công khai, ưu tiên cho các cộng đồng, các hộ gia đình đang sinh sống tại địa phương, các hộ gia đình đã được giao hoặc có các hợp đồng nhận khoán (trồng và bảo vệ rừng) trên diện tích rừng chuyển đổi.
Trên địa bàn tỉnh, từ khi Dự án 327 kết thúc năm 1997 và chuyển sang Dự án 661, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ rà soát lại Dự án 327 theo chỉ đạo của Trung ương và mỗi huyện lập 01 Dự án 661, chủ dự án là Ban Quản lý trồng rừng cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện làm Giám đốc ban điều hành dự án (đối với phần diện tích do huyện quản lý). Riêng phần diện tích thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (chủ rừng), các Giám đốc BQL là Phó Giám đốc và là thành viên Dự án 661 của huyện. Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt nhiều đề án tổ chức sắp xếp lại các lâm trường thành các Ban quản lý rừng phòng hộ (năm 2005) để quản lý diện tích rừng phòng hộ, diện tích rừng sản xuất giao lại cho địa phương.
Đến năm 2013, tỉnh Quảng Nam tiếp tục rà soát lại lâm phận của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (quản lý rừng phòng hộ thủy điện và các khu rừng tự nhiên đặc dụng như Voi, Ngọc Linh). Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 03 ban quản lý rừng đặc dụng, 07 ban quản lý rừng phòng hộ (01 ban quản lý trực thuộc Sở NN&PTNT và 06 ban quản lý trực thuộc các huyện).
Qua nhiều lần rà soát, lâm phận các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng chủ yếu là rừng đặc dụng, phòng hộ; theo đó, những diện tích rừng trồng thuộc các dự án 327, 661 là rừng sản xuất hoặc phòng hộ ít xung yếu được giao lại các địa phương quản lý để tổ chức giao các hộ gia đình, cá nhân theo Thông tư số 24/2009/TT-BNNPTNT, ngày 05/5/2009 của Bộ NN&PTNT. Vì vậy, đề nghị UBND các huyện tổ chức giao đất, giao rừng theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Luật lâm nghiệp (trong đó, ưu tiên cho các đối tượng phù hợp quy định pháp luật và đã nhận khoán trước đây).
- Về chính sách hưởng lợi từ rừng sản xuất:
Theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp. Tại Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng (gọi tắt là chủ rừng) khi trồng rừng sản xuất:
a) Quyền lợi: Được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng, khi khai thác sản phẩm được tự do lưu thông và được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế và tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
b) Chủ rừng sử dụng tối đa 30% diện tích đất đã được giao, được thuê nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó, diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy) tối đa là 20%.
c) Nghĩa vụ: Khi khai thác sản phẩm rừng trồng, chủ rừng phải nộp cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của xã và Quỹ bảo vệ phát triển rừng thôn, bản, số tiền tương đương với 80 kg thóc/ha/chu kỳ rừng trồng, trong đó, trích nộp cho mỗi quỹ là 50%.
Diện tích rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng nhận khoán của các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ hoặc doanh nghiệp quốc doanh (gọi tắt là bên giao khoán) thì chủ rừng (bên nhận khoán) nộp số tiền trên cho bên giao khoán. Ngoài ra, chủ rừng không phải nộp thêm bất cứ khoản gì cho bên giao khoán.
Sau khi khai thác rừng trồng, trong vòng 12 tháng, chủ rừng phải tự tổ chức trồng lại rừng theo quy định.
Chủ rừng đã nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước để trồng rừng, nếu sau 05 năm mà rừng không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước thì chủ rừng phải tự bỏ vốn để trồng lại rừng hoặc phải hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước số tiền đã nhận hỗ trợ cộng với lãi suất thương mại tại thời điểm thu hồi.
Trường hợp mất rừng do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, sâu bệnh không phải hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ.
d) Đối với diện tích rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã được trồng bằng nguồn vốn của Chương trình 327 trước đây và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thuộc Dự án 661 (trồng mới 05 triệu ha rừng), nay quy hoạch là rừng sản xuất thì quyền và nghĩa vụ của chủ rừng được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 8 của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.  
Theo quy định trên, đối với diện tích rừng đã trồng theo các dự án 327, 661 hoặc rừng đã khai thác và trồng lại thuộc quy hoạch rừng sản xuất thì áp dụng theo Điều 8 của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với những diện tích quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc lâm phận quản lý của ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (chủ rừng), các ban quản lý thực hiện việc giao khoán cho các hộ dân để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định. Quyền lợi và nghĩa vụ của hộ nhận khoán thực hiện theo quy chế quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan và Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và công ty TNHH Một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước.
2. Về thực hiện cắm mốc ranh giới rừng
Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt 09 Báo cáo kinh tế kỹ thuật cắm mốc ranh giới lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (các ban quản lý rừng làm chủ đầu tư): A Vương, Sông Kôn, Đắk Mi, Sông Tranh, Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, Phú Ninh, Sông Thanh, Sao La với tổng số mốc, bảng cần đóng là 2.893 mốc, bảng (gồm: 2.722 mốc, 47 bảng bê tông và 124 bảng tôn). Các ban quản lý rừng đã hoàn thành cắm mốc ranh giới ngoài thực địa theo các quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm và các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đang lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán chi phí cắm mốc ranh giới diện tích rừng theo Công văn số 6659/UBND-KTN, ngày 07/11/2019 của UBND tỉnh và theo Thông tư số 31/2018/TT-BNN&PTNT, ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về phân định ranh giới rừng, theo đó: Phân chia hoạt động cắm mốc ranh giới diện tích rừng trên địa bàn tỉnh thành 13 dự án (cắm tăng dày mốc cho các ban quản lý rừng đã được cắm mốc năm 2016; cắm mốc ranh giới mới cho các ban quản lý rừng mới được thành lập (Ngọc Linh, Voi) và rừng tự nhiên do địa phương quản lý), với tổng số lượng mốc, bảng cần cắm là 3.843, gồm: 3.835 mốc và 08 bảng bê tông cốt thép; kinh phí thực hiện: 22 tỷ đồng. Hiện nay, hồ sơ đang trình Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh xin chủ trương bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2020 - 2021.
         3. Về cấp sổ đỏ để người dân đầu tư trồng rừng gỗ lớn
Kế hoạch trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 14/QĐ-UBND, ngày 03/01/2019. Theo đó: Năm 2019 - 2020, thực hiện trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích là 10.000ha (tổ chức là 2.896ha; hộ gia đình là 7.104ha) và diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững: 9.320ha.
Để người dân thực hiện trồng rừng ổn định, không tranh chấp, đảm bảo theo quy định về trồng rừng gỗ lớn, đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương, ngành TN&MT, trên cơ sở diện tích người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn, thực hiện giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Câu hỏi số 57. Vì sao Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ rừng và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 đã được Nhà nước cho phép người dân canh tác làm nương rẫy mà hiện nay Nhà nước lại thu hồi, cắm cột mốc cấm người dân canh tác? Trong khi người dân có nhu cầu đất sản xuất rất lớn?
Trả lời:
1. Về triển khai Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày ngày 09/9/2015 của Chính phủ: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1630/QĐ-UBND, ngày 11/5/2017 về phê duyệt Đề án triển khai Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh; theo đó:
- Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên với đơn giá 400.000 đồng/ha/năm.
- Hỗ trợ trồng rừng sản xuất với đơn giá 10 triệu đồng/ha; đối tượng đất trồng rừng là đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ.
- Áp dụng đối với: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo và cộng đồng dân cư thôn đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ thực hiện hạng mục khoán bảo vệ rừng tự nhiên với diện tích 72.085,7ha. Về trồng rừng sản xuất: Do đa số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo ở khu vực II và III chưa được giao đất của cấp thẩm quyền nên hạng mục này không triển khai được.
Vì vậy, kính đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương, ngành TN&MT thực hiện giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để có cơ sở trồng rừng đảm bảo theo quy định.
2. Về cắm mốc ranh giới
Các năm 2016, 2017, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (gồm: A Vương, Sông Kôn, Đắk Mi, Sông Tranh, Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, Phú Ninh, Sông Thanh, Sao La) đã thực hiện cắm mốc ranh giới lâm phận Ban quản lý theo ranh giới giao đất và quy hoạch 03 loại rừng của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trong diện tích đất được giao có diện tích đất sản xuất của người dân đang canh tác.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Phương án khung về giải quyết quyền lợi người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Phương án khung được phê duyệt, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng sẽ xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm giải quyết tình trạng này.
16. Về các nội dung khác
Câu hỏi số 58. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa được giải quyết (đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, các mỏ lấy đất chưa được khắc phục gây ảnh hưởng môi trường, cuộc sống của người dân như mỏ đất Núi Chùa thôn Trường Mỹ, Tam Thái; đường dân sinh chưa được khắc phục; hệ thống thoát nước chưa thực hiện...).
Trả lời:
Liên quan đến các mỏ đất tại huyện Phú Ninh phục vụ cho Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ngày 31/8/2018, Sở TN&MT đã có Báo cáo số 623/BC-STNMT về việc tham mưu giải quyết đề nghị của UBND huyện Phú Ninh xin chủ trương cho phép lập hồ sơ đóng cửa mỏ và sử dụng kinh phí đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường để thực hiện việc đóng cửa mỏ và cải tạo phục hồi môi trường trên địa bàn huyện Phú Ninh. Trên cơ sở báo cáo của Sở TN&MT và Tờ trình số 89/TTr-UBND, ngày 19/6/2018 của UBND huyện Phú Ninh, UBND tỉnh đã có Công văn số 5060/UBND-KTN, ngày 11/9/2018. Theo đó, yêu cầu các công ty thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và lập hồ sơ đóng cửa mỏ nộp Sở TN&MT trước ngày 30/9/2018 để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản làm cơ sở thực hiện. Nếu sau thời hạn, các công ty vẫn không thực hiện, UBND tỉnh thống nhất cho phép UBND huyện Phú Ninh sử dụng kinh phí từ tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của các công ty để lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo đúng quy định. Hiện nay, UBND huyện Phú Ninh đang thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Câu hỏi số 59. Hiện nay, nông dân đang phát triển các loại cây trồng nhất là cây ăn quả có nguồn gốc từ miền Nam. Nhưng công tác quản lý giống cây trồng, định hướng phát triển vùng như thế nào? Các xe đi bán cây giống lưu động được quản lý như thế nào? Vấn đề này gây khó khăn cho người dân trong việc lựa chọn giống cây trồng? Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết khó khăn cho nông dân.
Trả lời:
Thời gian qua, hiện tượng các xe chở các giống cây lưu động (chủ yếu là giống cây ăn quả) được các tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng mua từ các tỉnh phía Nam về bán nhiều ở các địa phương. Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 15; Điều 16; Điều 17 Luật Trồng trọt năm 2018 (có hiệu lực 01/01/2020). Khi các giống cây trồng hội đủ các điều kiện như: Có tên giống, có kết quả khảo nghiệm bảo đảm tính khác biệt, tính đồng nhất; có bản công bố thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn… được cơ quan có thẩm quyền cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với thông tin đã công bố, thì được lưu hành trên thị trường. Do vậy, việc xử lý các xe chở các giống lưu động bán cho Nhân dân hiện nay chưa có chế tài xử lý.
 Để hạn chế rủi ro cho nông dân, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn cho nông dân kỹ thuật chọn giống, sử dụng giống các loại cây trồng nói chung, giống cây ăn quả nói riêng. Đặc biệt, đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các địa phương phát triển cây ăn quả, cây lâu năm bản địa của địa phương.
Thời gian đến, để hạn chế việc nông dân mua cây giống không đảm bảo chất lượng từ các xe chở cây giống lưu động, đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, phổ biến cho người dân khi sử dụng cây giống phải theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; sử dụng giống rõ nguồn gốc, xuất xứ…; hướng dẫn, phổ biến Luật Trồng trọt cho Nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ thủ tục, chất lượng giống… của các xe lưu hành buôn bán giống cây trồng trên địa bàn. Khi phát hiện sai phạm, báo cáo cơ quan chuyên môn theo thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.
Câu hỏi số 60. Dự án sông Cổ Cò ở phường Điện Dương chuẩn bị thi công, nếu đào sông để thực hiện dự án thì nguồn nước tưới phục vụ 90ha đất sản xuất còn lại của phường sẽ nhiễm mặn. Đề nghị lãnh đạo tỉnh có hướng giải quyết phù hợp để tiếp tục hoạt động sản xuất đảm bảo cân bằng cơ cấu kinh tế.
Trả lời:
Nội dung này cũng đã được Sở NN&PTNT góp ý về kế hoạch tháo dỡ đập ngăn mặn Hà My - thị xã Điện Bàn ảnh hưởng đến 227,7 ha/năm diện tích tưới lúa, màu ở các phường Điện Dương, Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn tại Công văn số 625/SNN&PTNT-CCTL, ngày 04/5/2019. Trong đó, đã đề nghị Ban quản lý dự án ĐTXD các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư) phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn và 02 Phường Điện Dương và Điện Ngọc, có chính sách hỗ trợ đối với 227,7 ha/năm diện tích sản xuất nông nghiệp ở khu vực ảnh hưởng của dự án cho phù hợp, đây là diện tích đã được phê duyệt trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi năm 2019 của UBND tỉnh tại Quyết định số 902/QĐ-UBND, ngày 25/3/2019 và Thông báo số 35/TB-SNN&PTNT, ngày 02/4/2019 của Sở NN&PTNT; đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền cho Nhân dân vùng dự án biết để phối hợp thực hiện.
Ngoài ra, hiện nay UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương bổ sung công tác đánh giá xâm nhập mặn dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, thành phố Hội An tại Công văn số 3000/UBND-KTN, ngày 03/6/2020. Trong đó, giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư) chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực để thực hiện, mời các nhà khoa học chuyên ngành cùng tham gia; thu thập thông tin, số liệu, nghiên cứu xây dựng các mô hình tính toán, đánh giá đầy đủ, có cơ sở khoa học các tác động ảnh hưởng xâm nhập mặn đến các hoạt động sử dụng nước ngầm, nước mặt phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của Nhân dân hai bên sông và ảnh hưởng đến Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) trước và sau khi tháo dỡ đập Hà My theo các kịch bản và đề xuất giải pháp cho phù hợp, đảm bảo mục tiêu của dự án; hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Câu hỏi số 61. Hiện nay, tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn có trên 30 trang trại chăn nuôi liên kết hợp đồng với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, hoạt động này phát triển rất tốt, đảm bảo đầu vào và đầu ra của sản phẩm, hầu hết các hộ có trang trại đều là hộ khá, giàu. Tuy nhiên, sắp đến, phần lớn các trang trại này đều nằm trong vùng giải tỏa thực hiện dự án, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và hoạt động của nông dân. Do vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh có hướng thế nào để người dân tiếp tục chăn nuôi phát triển kinh tế, nhất là chăn nuôi tập trung theo trang trại lạnh không gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời:
Trong những năm qua, chăn nuôi quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển. Đến cuối tháng 6/2020, toàn tỉnh có 191 trang trại chăn nuôi (gồm: 04 trang trại chăn nuôi bò, 86 trang trại chăn nuôi lợn và 101 trang trại chăn nuôi gia cầm), trong đó, số trang trại chăn nuôi lợn tập trung nhiều nhất tại thị xã Điện Bàn (27 trang trại, chiếm hơn 31% tổng số trang trại chăn nuôi lợn toàn tỉnh).
Chăn nuôi trang trại phát triển đã góp phần nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Là một trong những ngành nghề được UBND tỉnh quan tâm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, trong đó, khuyến khích phát triển theo hướng liên kết với các doanh nghiệp dưới hình thức chăn nuôi gia công. Tuy nhiên, chăn nuôi phải đảm bảo theo quy định của Luật Chăn nuôi như sau:
- Nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường (Khoản 1, Điều 12 Luật Chăn nuôi).
- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT, ngày 30/11/2019 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.
- Chăn nuôi quy mô trang trại (lớn, vừa, nhỏ) phải đảm bảo quy định khoảng cách an toàn tại Điều 5 Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT, ngày 30/11/2019 của Bộ NN&PTNT (hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi; sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 06/QĐ-BNN-CN, ngày 02/01/2020 của Bộ NN&PTNT) như sau:
+ Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 100 mét; trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu là 150 mét;
+ Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô vừa đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 200 mét; trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu là 300 mét;
+ Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 400 mét; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 500 mét;
+ Khoảng cách giữa 02 trang trại chăn nuôi của 02 chủ thể khác nhau tối thiểu là 50 mét.
- Khu vực không được phép chăn nuôi: Căn cứ Điểm h, Khoản 1, Điều 80 Luật Chăn nuôi: h) Trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Cuối năm 2019, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đăng ký dự thảo Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đã được UBND tỉnh xây dựng chương trình công tác năm 2020. Hiện nay, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng dự thảo Nghị quyết, dự kiến trình kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa IX (tháng 12/2020).
Trường hợp các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại (lớn, vừa, nhỏ) của địa phương nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi và không đảm bảo khoảng cách theo quy định nêu trên phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến các khu chăn nuôi tập trung nằm trong quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh (theo Quyết định số 58/QĐ-UBND, ngày 05/01/2017) hoặc các khu chăn nuôi theo quy hoạch nông thôn mới được UBND thị xã phê duyệt.
II. Câu hỏi phát sinh tại Hội nghị đối thoại
Câu hỏi số 1. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp giải quyết khó khăn của ngư dân đang thực hiện Dự án tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay Duy Xuyên có 07 tàu không hoạt động được cập bến, người dân không có khả năng trả nợ, tài sản ngày càng xuống cấp.
Trả lời:
Thực hiện chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định phê duyệt danh sách 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá và 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (đạt 100% chỉ tiêu phân bổ từ Trung ương), trong đó:
+ Về ngành nghề: Gồm 83 tàu khai thác và 09 tàu dịch vụ hậu cần;
+ Về vật liệu vỏ tàu: Gồm 60 tàu vỏ thép, 02 tàu composite và 30 tàu vỏ gỗ.
Công tác tổ chức, triển khai thực hiện chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo nguyên tắc:
+ Các cấp chính quyền là cầu nối, tạo điều kiện cho ngư dân và các ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá; ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp lãi vay (đối với tàu vỏ thép, ngân sách hỗ trợ lãi vay với mức 6%/năm/vốn vay, chủ tàu chỉ trả lãi vay 1%/năm/vốn vay), hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tàu; thực hiện một số chính sách ưu đãi thuế,… Ngoài ra, theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg nếu tàu cá có tham gia hoạt động tại vùng biển xa, được hỗ trợ chi phí nhiên liệu 400 triệu đồng/04 chuyến biển/năm.
+ Ngư dân hoàn toàn được quyết định tham gia hay không tham gia chính sách, quyết định phương án vay vốn, sản xuất của mình; được lựa chọn mẫu tàu và quy mô (vật liệu và kích thước vỏ, loại và công suất máy tàu, ngành nghề hoạt động,..), được lựa chọn ngân hàng vay vốn, được lựa chọn cơ sở đóng tàu hoặc nâng cấp tàu cá,…
+ Các ngân hàng tham gia được quyền chọn lựa chủ tàu để ký hợp đồng tín dụng, chủ động xác định giá trị đầu tư làm cơ sở mức vốn cho vay.
Tính đến ngày 31/12/2017, các ngân hàng thương mại tại địa phương đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và cho vay đóng mới 63 tàu cá (gồm 24 tàu vỏ gỗ, 02 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép), đạt 68,5% số tàu cá được phê duyệt và 02 tàu nâng cấp máy chính với tổng giá trị cam kết đầu tư cho vay là 729,58 tỷ đồng, đã giải ngân được 719,42 tỉ đồng/65 tàu cá; 65 tàu đã hoàn thành thi công, được cấp đăng ký và cấp phép hoạt động.
Thời gian qua, nhìn chung, tình hình sản xuất của các tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh có nhiều yếu tố không thuận lợi về ngư trường, lao động, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả sản xuất. Nhưng với tinh thần vượt khó, nhiều chủ tàu ở Núi Thành năng động cải hoán nghề khai thác, tìm hiểu kỹ ngư trường, thời tiết để tiếp tục tổ chức sản xuất, đạt hiệu quả tương đối, cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách nên vẫn thực hiện được việc trả nợ ngân hàng theo cam kết. Tuy nhiên, một số chủ tàu tại địa phương khác vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho các ngân hàng thương mại. Trước thực trạng các khoản vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP phần lớn đã chuyển sang nợ quá hạn hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, UBND tỉnh Quảng Nam đã kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp để hỗ trợ ngân hàng trong công tác thu hồi nợ vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, cụ thể:
- Để giảm bớt khó khăn cho chủ tàu, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6150/UBND-KTTH, ngày 09/11/2017 về việc hỗ trợ chi phí thiết kế cho các chủ tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; theo đó, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ chi phí thiết kế cho 56 chủ tàu với tổng số tiền là 1,19 tỷ đồng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước: UBND các huyện có chủ tàu vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp xã tuyên truyền, vận động các chủ tàu có vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thực hiện nghiêm việc trả nợ, lãi vay và có trách nhiệm bảo quản tài sản bảo đảm món vay (tàu cá hình thành từ vốn vay) cho các ngân hàng thương mại theo đúng Hợp đồng tín dụng đã ký kết. 
- Thành lập các Tổ công tác hỗ trợ các ngân hàng thương mại thu hồi nợ (Tổ công tác) theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 212/TB-UBND, ngày 20/6/2018. Tổ công tác tích cực nắm bắt thông tin cụ thể về tình hình khai thác của các chủ tàu theo từng chuyến biển (sản lượng, doanh thu, chi phí,...) để có giải pháp thu hồi nợ hiệu quả. Theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, Tổ công tác đã tích cực phối hợp với ngân hàng trong việc đôn đốc thu hồi nợ của ngư dân có vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thông qua các đợt tổ chức làm việc giữa ngân hàng thương mại với ngư dân. Tuy nhiên, sau buổi làm việc, nhiều chủ tàu vẫn giữ thái độ chây ỳ trong việc trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.
- Đối với các trường hợp chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động khai thác, có nhu cầu chuyển nhượng lại tàu: Ban Chỉ đạo 67 tỉnh phối hợp với các ngân hàng thương mại, các ngành liên quan và các địa phương ven biển rà soát, thông báo cho ngư dân tại địa phương, giới thiệu cho các ngư dân có nhu cầu nhận tàu, nhận nợ theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP liên hệ với các ngân hàng thương mại để thỏa thuận nhận chuyển nhượng tàu cá. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có trường hợp nhận chuyển nhượng lại tàu cá. Lý do: Với quy định hiện nay, chủ tàu mới nhận bàn giao lại tàu phải nhận toàn bộ khoản nợ vay và lãi từ chủ tàu cũ trong khi giá trị tài sản tại thời điểm chuyển đổi thấp hơn nhiều so với khoản nợ.
Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi quy định, ban hành cơ chế mới cho phép các ngân hàng thương mại định giá lại tàu cá và thực hiện bán tàu cá. Chủ tàu mới mua lại các tàu cá này chỉ nhận khoản nợ tương ứng với giá trị thực tế con tàu, được thực hiện vay vốn và hỗ trợ lãi suất như tàu cá thực hiện mới chính sách thủy sản trong thời gian còn lại. Phần nợ còn lại, do ngân hàng thương mại và chủ tàu cũ thương lượng, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Câu hỏi số 2. Tình hình xả nước của thủy điện Đắc Mi 4 trên địa bàn xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, do lâu ngày nước thấm trong đất, mùa lũ gây sạc lở 2 bên bờ sông trường, dọc trục đường 14E, sát nhà dân, dự đoán khoảng 2 - 3 năm nữa 1 số điểm dân cư trên địa bàn sẽ bị sạt lở. Trước tình hình trên, đề nghị lãnh đạo tỉnh có hướng chỉ đạo ngành có liên quan khắc phục kịp thời.
Trả lời:
- Đoạn sông Trường qua địa phận xã Phước Hòa và Phước Hiệp huyện Phước Sơn (dọc tuyến Quốc lộ 14E) đã được đưa vào Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg, ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tại Quyết định số 2458/QĐ-UBND, ngày 07/9/2020. Đồng thời, danh mục công trình chống sạt lở bờ sông Trường đoạn qua địa phận xã Phước Hòa và Phước Hiệp, huyện Phước Sơn là một trong các danh mục công trình đã được UBND tỉnh đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ đầu tư tại Báo cáo số 224/BC-UBND, ngày 09/12/2020.
- Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát đề xuất UBND tỉnh xem xét danh mục công trình phòng, chống sạt lở bờ sông tại những vị trí đã có hiện tượng bị sạt lở nghiêm trọng để lập dự án, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 -2025 và những năm tiếp theo theo Quyết định số 2458/QĐ-UBND, ngày 07/9/2020 của UBND tỉnh.
Câu hỏi số 3. Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Nam Giang nói riêng liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lũ. Đặc biệt là các thủy điện xả lũ gây nhiều thiệt hại rất nặng nề, nhiều nhà cửa, tài sản của người dân, trường học, cơ sở y tế bị trôi và hư hại nhiều, nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt, hoạt động sản xuất, đời sống của người dân và học tập của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh, đề nghị lãnh đạo tỉnh có biện pháp, giải pháp gì để hỗ trợ người dân một cách sớm nhất và thỏa đáng nhất.
Trả lời:
- Để tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 15/12/2020; trong đó, có nội dung giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng ngân sách địa phương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi, chưa có mặt bằng ổn định; sửa chữa, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông trong khu dân cư, thủy lợi,… đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường; tổ chức tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau thiên tai; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, không có chỗ ở trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định: số 2853/QĐ-UBND, ngày 16/10/2020; số 3127/QĐ-UBND, ngày 10/11/2020; số 3304/QĐ-UBND, ngày 25/11/2020; Quyết định số 3380/QĐ-UBND, ngày 01/12/2020; Quyết định số 3941/QĐ-UBND, ngày 31/12/2020 cấp kinh phí cho địa phương, đơn vị để khắc phục thiệt hại do các đợt bão, lũ gây ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh; trong đó, đối với huyện Nam Giang đã được hỗ trợ gần 40 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do các đợt bão, lũ gây ra trong thời gian qua trên địa bàn.
- Để khắc phục hậu quả do bão Molave (bão số 9) gây
ra tại huyện Nam Giang; UBND tỉnh đã giao Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi phối hợp với UBND huyện Nam Giang kiểm tra, thống kê, đánh giá tình
hình thiệt hại tài sản của người dân hạ du đập do việc vận hành điều tiết lũ của
hồ thủy điện Đak Mi 4 trong ngày 28/10/2020; đồng thời, nghiên cứu, hỗ trợ
kinh phí khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân bị
ảnh hưởng tại Công văn số 6562/UBND-KTN, ngày 07/11/2020. Hiện nay, Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi đang phối hợp với UBND huyện Nam Giang để triển khai thực hiện.
Câu hỏi số 4. Xây dựng NTM là chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh ở các địa phương trong tỉnh, đó là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; trong đó, huyện Nam Giang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn 02 xã thực hiện thí điểm về xây dựng NTM (xã Tà Bhing và xã La Dê), lộ trình về đích giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng có nhiều yếu tố tác động nên chưa đạt được và kéo dài đến năm 2020 vẫn chưa đạt. Chương trình này được xem là “bà đỡ” để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà người dân rất mong đợi, đề nghị lãnh đạo tỉnh có những giải pháp gì để giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng NTM trên địa bàn huyện Nam Giang.
Trả lời:
Chủ trương xây dựng NTM từ lâu đã được Đảng ta quan tâm chú trọng trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Việc xây dựng NTM được triển khai mạnh, đồng bộ kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 tại Hội nghị lần thứ 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là cột mốc có ý nghĩa rất lớn, lần đầu tiên chúng ta có đường lối phát triển toàn diện, rõ ràng, cụ thể về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong mối quan hệ tổng thể và mật thiết. Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng NTM “có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”. Nhận thấy được tầm quan trọng của xây dựng NTM, đây vừa là chiến lược phát triển, vừa là cuộc vận động xã hội, là phong trào thi đua rộng lớn và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện, đã đưa mục tiêu Chương trình NTM vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 để tập trung chỉ đạo thực hiện. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/9/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM; Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 24/4/2013 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng NTM; Kết luận số 24/KL-TU, ngày 27/4/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ sáu khóa XX về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng NTM; Chỉ thị số 41-CT/TU, ngày 24/7/2019 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Những chủ trương này của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã định hướng một cách rõ nét về bước đi, cách làm sao cho phù hợp theo từng thời điểm, trong từng giai đoạn, để các cấp, các ngành cùng với toàn dân tích cực tham gia, hưởng ứng; dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, liên tục, để cùng chung tay xây dựng NTM.
Riêng đối với huyện Nam Giang, trong giai đoạn 2011 - 2015, đã chọn 02 xã Tà Bhing và xã La Dê vào danh sách xã điểm để chỉ đạo, hỗ trợ nhưng đến cuối năm 2015, 02 xã này chưa thể đạt chuẩn NTM nên tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ; tổng kinh phí ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho 02 xã này từ Chương trình NTM lên trên 20 tỷ đồng/xã, nhờ nguồn lực này, đến nay, xã La Dê đã đạt được 13 tiêu chí/xã và xã Tà Bhing đã đạt được 16 tiêu chí/xã, là 02 xã dẫn đầu tiêu chí NTM trên địa bàn huyện Nam Giang. Tuy nhiên, khó khăn trong xây dựng NTM đối với các huyện miền núi cao nói chung và huyện Nam Giang nói riêng là việc thực hiện tiêu chí thu nhập[3] (tiêu chí số 10) và tiêu chí hộ nghèo[4] (tiêu chí số 11) nên đến cuối năm 2020, 02 xã này vẫn chưa thể đạt chuẩn NTM. Hạn chế nhất trong xây dựng NTM ở huyện Nam Giang là hệ thống chính trị vào cuộc chưa đồng bộ, người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí một số người dân thích được “nghèo bền vững” để được hưởng các chính sách an sinh xã hội Trung ương quy định.
Nhận thấy được những khó khăn của khu vực miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện Chương trình NTM nói riêng, ngoài việc chỉ đạo các huyện này tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề để phát triển miền núi, gồm: Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với thực hiện các dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND, ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; nhờ đó, đã có thêm nguồn lực để các huyện miền núi triển khai phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình NTM, với tổng vốn ngân sách tỉnh dự kiến để thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU là trên 1.000 tỷ đồng và thực hiện Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND là 430 tỷ đồng, đến nay vốn cho 02 Nghị quyết này đã bố trí trên 900 tỷ đồng. Đối với Chương trình NTM, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn lực cho tất cả các xã, riêng các xã miền núi được phân bổ hệ số cao hơn, qua 10 năm (2010 - 2020) đã phân bổ cho các địa phương miền núi trên 1.577 tỷ đồng và yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu đến năm 2020 không còn xã dưới 08 tiêu chí; đồng thời, thực hiện Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg, ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các xã miền núi cao (ngoài phạm vi Đề án) chọn 01 thôn thuận lợi nhất để triển khai điểm tiêu chí thôn NTM và nhân rộng thời gian đến. Với việc lựa chọn tiêu chí thôn NTM để thực hiện nhằm giúp cho các xã đặc biệt khó khăn giảm bớt quy mô đầu tư dàn trải; qua đó, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa khu vực miền núi và khu vực đồng bằng trong thực hiện Chương trình NTM, tạo tiền đề để xã miền núi cao phấn đấu đạt chuẩn NTM sau năm 2020.
Để tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ triển khai thực hiện tốt Chương trình NTM trên địa bàn các huyện miền núi nói chung và trên địa bàn huyện Nam Giang nói riêng trong thời gian đến, cần tập trung một số giải pháp trọng tâm:
- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo các cấp, Ban Quản lý xã và Ban Phát triển thôn; đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền, vận động và công tác thi đua xây dựng NTM; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khu vực miền núi; cần phát huy dân chủ ở nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của già làng, người có uy tín nhằm tuyên truyền, vận động người dân “Chung sức xây dựng NTM”. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới theo phương châm 3 không: Không chấp nhận đói, nghèo; không trông chờ ỷ lại; không tự ti, thoả mãn (bằng lòng, chấp nhận cuộc sống hiện tại).
- Tập trung rà soát lại quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp với từng thôn, bản, điểm dân cư để thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đạt chuẩn các tiêu chí NTM; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho miền núi như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, dự án giảm nghèo Tây Nguyên, chương trình giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương,...
- Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND, ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND, ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh về Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017 - 2021 (các chính sách này dự kiến kéo dài thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025).
Lồng ghép thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 với Chương trình NTM; qua đó, góp phần nâng cao các tiêu chí NTM ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục phát động Phong trào“Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025.
- Trong phát triển sản xuất cần đa dạng hoá cây, con cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể; chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt các biện pháp thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, hợp tác xã phù hợp với yêu cầu, trình độ sản xuất của nông dân, trình độ quản lý của cán bộ nhằm tổ chức hợp tác, liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Tập trung xây dựng một số dự án trọng điểm, như: Phát triển trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng sản xuất; dự án phát triển sâm Ngọc Linh và trồng dược liệu dưới tán rừng; dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc; trong đó, lựa chọn chăn nuôi bò thịt là mũi nhọn; dự án phát triển du lịch miền núi, với các loại hình du lịch: văn hoá, lịch sử cộng đồng, sinh thái, các sản phẩm làng nghề, ngành nghề ở nông thôn và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Tập trung ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình NTM, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và kinh phí sự nghiệp kinh tế để thực hiện Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; triển khai có hiệu quả Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam”.
- Tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất; giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 09/9/2015 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS tại chỗ phát triển sinh kế và thoát nghèo bền vững bằng nghề rừng; tăng cường bảo vệ chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản; tổ chức truy quét, xử lý nghiêm tình trạng đào đãi vàng, khai thác tài nguyên trái phép làm hủy hoại môi trường sống và sản xuất.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 -2025; chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung, gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC).
- Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ 02 xã Tà Bhing và xã LaDê để đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025; các xã còn lại tập trung thực hiện các tiêu chí thôn NTM, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của người dân trên địa bàn, làm tiền đề để xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong thời gian thích hợp. Tổ chức cho các hộ dân tham quan các xã đã đạt chuẩn NTM để học tập những kinh nghiệm tốt, cách làm hay của các xã đi trước để về vận dụng tại địa phương.
- Tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về văn hoá - xã hội và môi trường ở nông thôn miền núi; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; gắn sinh hoạt văn hoá với các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, các hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; gắn văn hoá với phát triển sản xuất, văn hoá phải tạo động lực cho phát triển sản xuất. Phát động phong trào xây dựng gia đình văn hoá, thôn, bản văn hoá, xây dựng nhà Gươl; xoá bỏ các tập tục có hại cho đời sống và sản xuất; vận động, tuyên truyền thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình,... từng thôn, bản tạo ra những điểm sáng về văn hoá để nhân ra diện rộng. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng y tế, phục vụ sức khoẻ nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tăng cường vai trò của các hội, tổ chức đoàn thể quần chúng,... trong việc vận động đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp để tham gia xây dựng NTM. Đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM; chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những nhân tố mới, gương điển hình tiêu biểu tiên tiến.
____________
 
 
 
 

([1]) Giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn ngân sách đã bố trí trực tiếp cho Chương trình NTM là 762.831 triệu đồng, gồm: Ngân sách trung ương: 462.717 triệu đồng; ngân sách tỉnh: 300.114 triệu đồng.
([2]) Nhu cầu vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh để thực hiện đạt chuẩn xã NTM ở giai đoạn 2016-2020, bình quân khoảng từ 25-30 tỷ đồng/xã; tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, xã hệ số 01 được giao ngân sách Trung ương khoảng 03 tỷ đồng/5 năm (bình quân chỉ được 600 triệu đồng/xã/năm); các xã ưu tiên theo hệ số 3, được giao gần 08 tỷ/5 năm (bình quân mỗi năm chỉ được khoảng 1,6 tỷ đồng). Riêng các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 được bố trí bình quân ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh khoảng 18-20 tỷ đồng/5 năm (tùy thuộc vào vùng đồng bằng hoặc miền núi).
[3] Bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2020 trên địa bàn các huyện miền núi cao khoảng 20 triệu đồng/người/năm; trong khi đó, để đạt chuẩn NTM năm 2020 thì thu nhập yêu cầu đạt khoảng 36 triệu đồng.
[4] Bình quân tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi cao khoảng 32%; tuy nhiên, để đạt chuẩn NTM thì tỷ lệ hộ nghèo nhỏ hơn 12%.

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 33282

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2212750

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15320353