Dấu ấn thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam: Hoàn thành 30/33 chỉ tiêu và 5 bài học (Bài 4)

Thứ ba - 14/11/2023 01:13
Dự thảo báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII cho thấy, trong nhiệm kỳ vừa qua, bằng sự nỗ lực, cố gắng, đã có 30/33 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội VII được hoàn thành. Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đã được rút ra sau nhiệm kỳ 5 năm qua.
rung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tôn vinh 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 và Biểu dương 63 hợp tác xã tiêu biểu ngày 13/10/2023. Ảnh: Lê Hiếu

rung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tôn vinh 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 và Biểu dương 63 hợp tác xã tiêu biểu ngày 13/10/2023. Ảnh: Lê Hiếu

Chỉ tiêu đạt và vượt chiếm 91%

Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2018- 2023) đã đề ra tới 33 chỉ tiêu quan trọng và đã có tới 30 chỉ tiêu thành phần thực hiện đạt và vượt. Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; tổ chức tốt các phong trào nông dân mang lại hiệu quả thiết thực.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng được đẩy mạnh, thực hiện sâu rộng, kịp thời; tổ chức bộ máy, cán bộ Hội được củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động; chất lượng hội viên được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật được chú trọng, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới. Vai trò nòng cốt của Hội trong xây dựng giai cấp nông dân ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trình độ, kỹ năng sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Các phong trào thi đua do Hội phát động được lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề, phát triển các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân. Vai trò của Hội là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân ngày càng được thể hiện rõ nét.

Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII ngày 30/10/2023. Ảnh: Đức Quảng

Hoạt động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần khẳng định vị trí Hội Nông dân Việt Nam trong hệ thống chính trị và nâng cao uy tín, vị thế của Hội với bạn bè, đối tác quốc tế.

Theo đánh giá tổng kết nhiệm kỳ Đại hội: Đạt được những kết quả trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: có sự quan tâm lãnh đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở trung ương, địa phương; những thuận lợi, cơ hội của bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước đã tạo luồng sinh khí mới, điều kiện thuận lợi cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Hội và Hội Nông dân các cấp; sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân.

Phó Chủ tịch TT BCH Trung ương Hội nông dân Việt Nam kiểm tra công tác hội và phong trào nông dân tại Thái Nguyên - Ảnh 1.

Ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác đến thăm HTX sản xuất và chế biến chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên tháng 11/2022 (Ảnh: Hà Thanh)

5 bài học kinh nghiệm

Tổng kết những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn, đó là:

Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền và các cơ quan nhà nước với Hội Nông dân cùng cấp là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân.

Hai là, sự đoàn kết, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức Hội các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ là nhân tố cơ bản, quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội và chất lượng phong trào nông dân.

Ba là, chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là người đứng đầu có năng lực, phẩm chất, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, trưởng thành qua thực tiễn, gắn bó với nông dân, sâu sát cơ sở là yếu tố quan trọng để phát triển tổ chức Hội; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo nâng cao đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, tổ chức tốt các phong trào mang lại hiệu quả thiết thực là động lực thu hút nông dân tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội sát với điều kiện thực tế, phù hợp với đặc thù của từng địa phương và định hướng phát triển của nền kinh tế, xu thế hội nhập với nhiều chính sách mới là cơ sở thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào của nông dân.

Năm là, phát huy dân chủ trong đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội các cấp với hội viên, nông dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội sẽ phát huy sức mạnh tinh thần đoàn kết, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của nông dân, củng cố niềm tin, gắn bó nông dân với Đảng, Nhà nước.

Phó Chủ tịch Hội NDVN Đinh Khắc Đính gợi mở nhiều vấn đề tại Đại hội Đại biểu Hội ND tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính phát biểu chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028 ngày 11/8/2023 và đề nghị Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cần tăng cườn giám sát, phản biện xã hội. Ảnh: Công Xuân.

Một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

Mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng, cũng như rút ra được một số bài học, kinh nghiệm quý báu. Song BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII cũng thẳng thắn nhìn nhận và rút ra một số những hạn chế, yếu kém và các nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

Những hạn chế, yếu kém:

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn hình thức; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và các vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; một số cấp Hội chưa chú trọng tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hội viên, nông dân để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết quả thực hiện chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII và Điều lệ Hội đến hội viên ở một số nơi chưa kịp thời, đầy đủ. Một số chỉ tiêu đề ra còn chung chung, khó định lượng (chỉ tiêu 7, 9), chưa sát với thực tế, tình hình công tác Hội và phong trào nông dân (chỉ tiêu về báo nông thôn ngày nay).

Tổ chức bộ máy của một số tỉnh, thành Hội chậm hoàn thiện, thiếu thống nhất, khó khăn về điều kiện làm việc, bố trí cán bộ Hội chưa thực sự hợp lý(64); trình độ, năng lực một số cán bộ Hội các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cấp chi Hội; khả năng làm việc với đối tác quốc tế còn hạn chế.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội ở một số địa phương chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng; một số cơ sở Hội chưa làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai nhiệm vụ của Hội.

Chất lượng hoạt động Hội ở một số địa phương chưa cao, chưa sâu sát cơ sở; chế độ sinh hoạt định kỳ của Ban Chấp hành cơ sở Hội, chi Hội, tổ Hội có lúc, có nơi chưa duy trì thường xuyên, nội dung sinh hoạt thiếu hấp dẫn; phát triển hội viên mới còn chạy theo số lượng, cập nhật chưa thường xuyên.

Phong trào nông dân và hoạt động Hội phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, các địa phương, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; có nơi chưa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào, thiếu chủ động phối hợp trong huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển phong trào; phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến để đẩy mạnh phong trào thi đua hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế tập thể có nơi còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương.

Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân ở một số nơi còn yếu, quy mô nhỏ, chưa mở rộng đa dạng các loại hình dịch vụ; thiếu chủ động, còn trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước; việc khai thác cơ sở vật chất của Trung tâm Hỗ trợ nông dân ở một số nơi hiệu quả chưa cao.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở một số cấp Hội địa phương còn hình thức, chất lượng và hiệu quả chưa cao, nhất là ở cấp huyện, cấp cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi chưa thường xuyên, hoạt động ở cấp cơ sở Hội chưa hiệu quả như mong muốn.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém:

Nguyên nhân khách quan

Khủng hoảng kinh tế thế giới do xung đột cục bộ, đại dịch Covid-19 cùng với những khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh, việc làm, thu nhập của hội viên, nông dân, hạn chế đến hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân.

Một số chủ trương của Đảng chưa được thực hiện nghiêm túc ở một số địa phương, một số chính sách của Nhà nước chưa được quan tâm thực thi đầy đủ, còn vướng mắc(65). Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Hội, một số nơi chưa quan tâm đến công tác cán bộ, bố trí cơ sở vật chất cho hoạt động Hội; một số cơ quan chính quyền chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp trong thực hiện nhiệm vụ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cơ chế phân phối tài chính, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động Hội chưa thật sự hợp lý.

Nông dân làm nông nghiệp có xu hướng giảm về số lượng và già hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, phong trào nông dân và phát triển hội viên. Việc dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị làm việc theo ca, kíp dẫn đến hạn chế thời gian tham gia hoạt động Hội của hội viên nông dân, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt Hội ở cơ sở.

Chế độ phụ cấp cho cán bộ Hội không chuyên trách ở cơ sở còn thấp, không thống nhất giữa các địa phương, có nơi chưa quan tâm bố trí phụ cấp nên chưa động viên, khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ chi Hội.

Nguyên nhân chủ quan

Một số cấp Hội chưa chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, của Hội Nông dân cấp trên để xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm hằng năm phù hợp với thực tiễn. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cấp Hội chậm đổi mới, chưa quyết liệt, còn hình thức, chưa sát thực tế. Việc lập Ủy ban kiểm tra cấp cơ sở chưa phù hợp với điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy và cán bộ Hội ở cơ sở.

Công tác dự báo, đề xuất một số chỉ tiêu phấn đấu chưa sát với điều kiện thực tế ở cơ sở; nhận thức của một số cán bộ Hội về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những vấn đề lớn đặt ra đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân ở một số nơi còn hạn chế; cán bộ Hội ở một số địa phương còn thiếu và yếu về trình độ, năng lực, một bộ phận chưa tích cực học tập nâng cao trình độ, chưa nhiệt tình tâm huyết, sâu sát cơ sở.

Sự phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp với các cơ quan, tổ chức cùng cấp có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, mang tính hình thức, một số nội dung chưa sát thực tế, thiếu trọng tâm, trọng điểm, triển khai chưa quyết liệt; chưa phát huy tốt vai trò thường trực trong thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm đánh giá cao mô hình cây ăn quả trên địa bàn Quảng Bình - Ảnh 4.

Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao mô hình nông nghiệp tuần hoàn trồng cây mít ruột đỏ của anh Nguyễn Qúy Phương tháng 8/2023. Ảnh: Trần Anh

Những con số đáng chú ý trong nhiệm kỳ 5 năm (2018- 2023)

Dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cho thấy, trong 5 năm qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đó là:

8.689 sản phẩm OCOP: Hết năm 2022, cả nước có 8.689 sản phẩm OCOP; sản phẩm chủ lực gồm lúa gạo (Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long), cà phê, cao su, hồ tiêu (Tây Nguyên, Đông Nam bộ), điều (Đông Nam bộ), rau quả, cá tra, tôm (Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung)...

53,22 tỷ USD: Năm 2022 xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay với 10 ngành có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như lúa gạo, tôm, cá tra, đồ gỗ, cà phê, cao su, rau quả...

2ha: Quy mô sản xuất của các hộ nông dân chỉ đạt 0,18 ha/thửa và 2,5 thửa đất/hộ, diện tích đất nông nghiệp trung bình 0,45 ha/hộ, trên 70% hộ nông dân có quy mô sử dụng đất dưới 2ha; kinh tế hộ chiếm 53,9% trong tổng số hộ ở nông thôn; năng suất lao động nông nghiệp chỉ bằng 44,52% năng suất lao động toàn xã hội.

16,61 triệu hộ: Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 dân số Việt Nam là 98,51 triệu người, trong đó tổng số hộ dân cư khu vực nông thôn là 16,61 triệu hộ (quy mô 3,73 người/hộ); số hộ phi nông lâm thủy sản ở nông thôn là 8,45 triệu hộ (chiếm 50,89% tổng số hộ nông thôn); do đó số hộ nông lâm thủy sản ở nông thôn là 8,16 triệu hộ (16,61 – 8,45 = 8,16). 

18.945 trang trại: Cả nước hiện có 18.945 trang trại, giá trị sản xuất bình quân của trang trại đạt 3.513 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân lao động thường xuyên làm việc trong trang trại đạt 4,9 triệu đồng/ người/ tháng; có 29.021 hợp tác xã (trong đó có 19.384 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 68,8%), thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên với 2,6 triệu lao động, doanh thu bình quân hợp tác xã đạt gần 3,6 tỷ đồng, tăng 35% , lãi bình quân của 1 hợp tác xã là 366 triệu đồng, tăng khoảng 71%, thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 56 triệu đồng/người, tăng khoảng 8% so với năm 2021.

41,7 triệu đồng: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,87 lần so với 2015, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,69% xuống còn 4,2%.

89,97%: Là số lượng lao động chưa qua đào tạo trong tổng số lao động nông lâm thủy sản trong độ tuổi lao động (12,57 triệu người) và có tới 28,42% là lao động tự sản tự tiêu (3,97 triệu lao động).

7,1% hộ nghèo: Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn là 7,1%, cao gấp 6,45 lần thành thị (1,1%).

Trong giai đoạn 2011-2020, số cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn tăng bình quân 9-10%/năm, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp theo cơ cấu thu nhập hộ/tháng ở nông thôn giảm từ 39% năm 2008 xuống còn 18,5% năm 2020, tỷ trọng lao động làm công việc giản đơn năm 2020 giảm 7,1 điểm phần trăm so với năm 2010.

6.009 xã nông thôn mới: Đến hết năm 2022, cả nước có 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc TW được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có 6.009/8.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 73,05%), trong đó có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

 Năm 2020, tỷ lệ lao động nông lâm thủy sản từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm chiếm 54,7% tổng số lao động thiếu việc làm cả nước. Năm 2022 ở khu vực nông thôn tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,03%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) là 6,68%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%.

48.717 "Tổ Covid-19 cộng đồng": Trong đợt dịch Covid-10, các cấp Hội đã cử cán bộ Hội, vận động hội viên, nông dân tự nguyện tham gia thành lập và duy trì hoạt động 48.717 "Tổ Covid-19 cộng đồng", 16.764 tổ nhân dân tự quản "Giữ chặt vùng xanh", 3.479 "Tổ hỗ trợ nông vụ", 2.724 "Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân"…; tham gia giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, các chốt trực và cung ứng thực phẩm, nấu ăn tại các khu vực phong tỏa, điểm cách ly ở địa phương.

3.000 tấn nông sản: Trong đại dịch Covid-19, các cấp Hội đã vận động được trên 13.000 tấn nông sản; tiền mặt và các loại hàng hóa thiết yếu trị giá gần 210 tỷ đồng. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của nông dân như: "Tổ hỗ trợ nông vụ"; mô hình "Chuyến xe 0 đồng", "Gian hàng 0 đồng", "Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân"; "Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân", "Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân"…

7.001/9.907 cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cấp xã: Trong nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 7.001/9.907 cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cấp xã tham gia cấp ủy cơ sở (chiếm 70,6%); 561/674 cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cấp huyện tham gia cấp ủy cấp huyện (chiếm 83%); 55/63 cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cấp tỉnh tham gia cấp ủy cấp tỉnh (chiếm 87%). 

Có 77.067 chi Hội xây dựng được Quỹ hoạt động của Hội, bình quân quỹ hoạt động Hội là 75.000 đồng/hội viên.

Dấu ấn thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam: Hoàn thành 30/33 chỉ tiêu và 5 bài học (Bài 4) - Ảnh 6.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định tham quan sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, OCOP TP.HCM ngày 7/10/2022. Ảnh: Quang Sung.

Đã thành lập mới được 2.507 Chi hội Nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số Chi hội Nông dân nghề nghiệp cả nước lên 3.165 Chi hội, với trên 72.673 hội viên; 13.754 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số Tổ hội Nông dân nghề nghiệp cả nước lên 26.419 Tổ hội, với 381.758 hội viên.

Đã kết nạp được 1544.234 hội viên mới.

Tuyên dương 90 Chi Hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc gắn với kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Lựa chọn cử 71 đại biểu tiêu biểu xuất sắc đại diện cho Hội Nông dân Việt Nam tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Tổ chức tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" qua các năm; biểu dương "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", Giải thưởng "Sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông", tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông", Tôn vinh "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu"..

Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân Việt Nam được tặng thưởng 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 01 Huân chương Độc lập hạng Ba, 51 Huân chương Lao động các hạng; Chính phủ tặng 07 Cờ thi đua cho các tập thể; Thủ tướng Chính phủ tặng 94 Bằng khen cho tập thể, cá nhân. Ban Chấp hành Trung ương Hội tặng 60 Cờ thi đua cho các tập thể, 6.964 Bằng khen, 15.719 Kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam" cho các tập thể và cá nhân. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố xét tặng hàng nghìn Bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận và biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân các cấp ở địa phương.

Các cấp Hội tổ chức được trên 1.524 lớp tập huấn về dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức triển khai xây dựng 346 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano trong trồng trọt và chăn nuôi cho nông dân.

Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương đạt 748,57 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương đạt 4.078,43 tỷ đồng.

90.370 tỷ đồng: Tính đến 30/6/2023 tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội qua Hội Nông dân Việt Nam đạt 90.370 tỷ đồng, tăng 33.087 tỷ đồng so với cuối năm 2018 với 2.018.942 thành viên thuộc 51.282 Tổ tiết kiệm và vay vốn; nợ quá hạn 147 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,16%; của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 79.702 tỷ đồng, tăng 25.857 tỷ đồng so với cuối năm 2018 với 560.642 thành viên thuộc 25.122 Tổ vay vốn; một số ngân hàng khác khoảng 1.000 tỷ đồng.

 5,3 triệu hộ: Đến nay có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn); 5,8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; tổng số sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử hơn 78 nghìn sản phẩm.

726 cửa hàng nông sản an toàn: Các cấp Hội đã xây dựng và duy trì 726 cửa hàng nông sản an toàn để trưng bày, giới thiệu, quảng bá và cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm nông sản có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; các cửa hàng liên kết với nhiều địa phương trong cả nước để giới thiệu những mặt hàng nông sản đặc trưng của các vùng miền, tiêu biểu là Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Lâm Đồng, thành phố Hà Nội…

Trung ương Hội phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức thành công Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam gắn với Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 với quy mô hơn 400 gian hàng trực tiếp, 65 gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của 63 tỉnh, thành phố của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

36.000 cán bộ: Trong nhiệm kỳ, đã tổ chức đào tạo tập huấn cho trên 36.000 cán bộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và hội viên nông dân.

9 triệu hộ: Hằng năm, các cấp Hội đã vận động trên 9 triệu hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá".

Có 9.766.309 hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế, đạt 103,15% chỉ tiêu Đại hội VII đề ra.

1 tỷ cây xanh: Các cấp Hội đã tổ chức phong trào "Tết trồng cây", hưởng ứng phong trào "trồng mới 1 tỷ cây xanh"; hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày đại dương thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

Nguồn tin: Báo Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 23630

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2249740

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15357343