Dấu ấn thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam: Những kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới (Bài 5)

Thứ ba - 14/11/2023 01:17
"Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia chuyển đổi số"- là 3 khâu đột phá mà Hội Nông dân Việt Nam dự kiến đề ra trong thời gian tới.
Xuất khẩu thủy sản hiện đang gặp nhiều khó khăn do tình hình biến động trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu thủy sản hiện đang gặp nhiều khó khăn do tình hình biến động trên thị trường thế giới.

DỰ BÁO TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

Theo đánh giá, dự báo tình hình thế giới và trong nước thời gian tới có những diễn biến, tác động sau:

Thế giới: Dự báo 5 năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến khó lường, cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, tranh chấp thương mại tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu, nhưng hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo. 

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, kinh tế số tác động toàn diện, sâu sắc đến tất cả các quốc gia. An ninh phi truyền thống ngày càng bất định và khó dự báo. Đảm bảo an ninh lương thực và nguồn nước là thách thức lớn đối với nhân loại.

Các cam kết, hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... tạo ra nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh về giá trị, nhưng cũng là thách thức về thương mại nông sản với đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp.

Trong nước: Ở trong nước, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ (nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư), chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. 

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh; các chính sách mới tạo áp lực và động lực thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, thông minh, chính xác, nông nghiệp đô thị, cận đô thị là xu hướng tất yếu diễn ra mạnh mẽ; khoa học, công nghệ, hợp tác, liên kết, cơ giới hóa và tự động hóa là động lực dẫn dắt xu thế phát triển nông nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp trong và người nước.

Đến năm 2028, dân số nước ta dự báo đạt mức 102,3 triệu người, trong đó dân số nông thôn ở mức 58 triệu người. Lao động nông nghiệp chiếm dưới 20% trong tổng lao động xã hội. Thời kỳ dân số vàng sẽ ngắn lại do lao động có xu hướng già hóa. 

Một bộ phận lao động tay nghề thấp dư thừa ở các đô thị, khu công nghiệp sẽ di chuyển về nông thôn tìm sinh kế từ nông nghiệp; phân tầng về mức độ thu nhập, sinh kế và cơ hội phát triển giữa các tầng lớp trong nội bộ giai cấp nông dân và giữa các giai tầng xã hội nông thôn; tình trạng thiếu việc làm; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường; tác động tiêu cực từ không gian mạng đang và sẽ tiếp tục tác động lớn đến nông dân và xã hội nông thôn.

Tình hình trên sẽ tạo ra cả những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giai cấp nông dân và tổ chức Hội trong thời gian tới, đòi hỏi Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII diễn ra ngày 30/10/2023. Ảnh: Đức Quảng

5 MỤC TIÊU, 16 CHỈ TIÊU, 3 KHÂU ĐỘT PHÁ

Trên cơ sở đó, Hội Nông dân Việt Nam dự kiến đề ra 5 mục tiêu, 16 chỉ tiêu, 3 khâu đột phá để lấy ý kiến góp ý, cụ thể như sau:

5 mục tiêu tổng quát

1. Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân, tận tụy phục vụ nông dân; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng và củng cố cơ sở Hội vững mạnh.

2. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, nâng cao năng lực làm chủ của nông dân.

3. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn.

4. Xây dựng người nông dân văn minh, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, năng lực đổi mới sáng tạo, ý thức trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và nếp sống văn minh cho nông dân; khơi dậy ý chí, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

5. Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại nhân dân, thu hút các nguồn lực góp phần nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân Thừa Thiên Huế thăm mô hình của các chi, tổ hội nghề nghiệp - Ảnh 3.

Mô hình của Tổ hội nông dân nghề nghiệp vườn mẫu xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế. Ảnh: B.X.D.H.

16 chỉ tiêu

1. Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Hội.

2. Phấn đấu 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và Chi hội trưởng được trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nghiệp vụ công tác Hội.

3. Kết nạp từ 1,0 triệu hội viên mới trở lên.

4. Thành lập mới 15.000 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, 3.000 chi Hội Nông dân nghề nghiệp.

5. Có ít nhất 97% cơ sở Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

6. Có 100% chi Hội đảm bảo quỹ hoạt động Hội.

7. Trực tiếp, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 1,2 triệu hội viên trở lên.

8. Hỗ trợ ít nhất 500.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

9. Có trên 97% hội viên tham gia bảo hiểm y tế.

10. Vận động từ 300.000 hội viên trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

11. Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

12. Có từ 30% số hội viên trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.

13. Hỗ trợ thành lập mới 5.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 1.000 hợp tác xã nông nghiệp.

14. Có 100% hộ hội viên sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

15. Tăng trưởng quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách.

16. Có 100% cơ sở Hội xây dựng được mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậuclose

3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá:

(1) Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân.

(2) Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

(3) Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia chuyển đổi số.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ 2028- 2023. Ảnh: Lê Hiếu

CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN BỘ MÁY HỘI NÔNG DÂN CÁC CẤP

Để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trên, Hội Nông dân Việt Nam dự kiến đề ra phương hướng, chương trình hành động trọng tâm, đó là "Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh" dựa trên các giải pháp cụ thể sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng

Tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ quyền biển, đảo, biên giới của quốc gia; các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của nông dân và các nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, hội viên nông dân nghiên cứu, học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc"; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống, lịch sử của Hội cho hội viên, nông dân.

Đa dạng hóa và nâng cao tính hấp dẫn, thuyết phục trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị gắn với các hoạt động thiết thực của Hội. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ của nông dân, các hội thi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, sử dụng có hiệu quả những ứng dụng của internet, mạng xã hội, nền tảng công nghệ thương mại điện tử để tương tác trực tiếp, nhanh chóng giữa Trung ương và địa phương, giữa Hội Nông dân và hội viên, nông dân. Từng bước phát triển hệ thống báo chí, thông tin tuyên truyền của Hội ngang tầm khu vực và bắt kịp xu thế thế giới; xây dựng hệ thống thông tin, truyền thông đa dạng dựa trên nền tảng công nghệ, tích hợp công nghệ mới, áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng chuyển đổi số.

Tập trung tuyên truyền các nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; chú trọng các nội dung tuyên truyền có tác động mạnh, nhanh, sức lan tỏa rộng; các phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gương nông dân giỏi điển hình, mô hình hợp tác, liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu biểu. Hình thành các nhóm hội viên nòng cốt tham gia các diễn đàn mạng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và truyền tải thông điệp tích cực đến đông đảo hội viên, nông dân.

Tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân thấy được lợi ích, tích cực tham gia đọc báo Nông thôn ngày nay, báo điện tử Dân Việt, tạp chí Nông thôn mới in và điện tử để nâng cao hiểu biết, học tập kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn.

Các cấp Hội chủ động phối hợp với các đoàn thể khác cùng cấp xây dựng chương trình phối hợp hành động chung về tuyên truyền, giáo dục để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Hội ND Sóc Trăng tập trung các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân - Ảnh 1.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra ngày 9/9/2023. Ảnh: Hồng Cẩm

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên

Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Quy định 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội, đảm bảo hoạt động hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo, đa dạng, phù hợp với điều kiện đặc điểm của từng vùng miền, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các khu vực đặc thù (đô thị, ven đô thị, ven biển, hải đảo).

Nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ của Hội Nông dân các cấp tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp, từng địa phương. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động; kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trong hệ thống Hội, nhất là Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cấp Hội chủ động phối hợp với các trường chính trị cấp tỉnh, cấp huyện gắn bồi dưỡng lý luận chính trị với nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ làm công tác Hội ở địa phương.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo số lượng, chất lượng, nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội; chăm lo xây dựng đội ngũ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp có đủ năng lực, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp; chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, tập huấn cho cán bộ Hội chuyên trách và Chi hội trưởng chi Hội Nông dân các kiến thức cơ bản về nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, chuyển đổi số, kinh tế số; về quản trị, quản lý kinh tế nông nghiệp; về dân chủ, thực hành dân chủ; các kỹ năng, phương pháp vận động, tập hợp nông dân, kỹ năng tổ chức và hoạt động xã hội; đào tạo, hướng dẫn sử dụng nền tảng thương mại điện tử cho cán bộ chi Hội trở lên, tập trung vào Chi hội trưởng chi Hội Nông dân nghề nghiệp.

Các cấp Hội chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp quan tâm đến công tác cán bộ, ưu tiên bố trí đủ cán bộ biên chế sự nghiệp cho các Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc các tỉnh, thành Hội còn thiếu; bố trí cán bộ là cấp ủy viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn bó, tâm huyết với công tác phong trào, có kinh nghiệm thực tiễn vận động quần chúng để giữ vị trí người đứng đầu Hội Nông dân các cấp, giới thiệu tham gia các cơ quan dân cử cùng cấp; tạo điều kiện cho cán bộ Hội được trưởng thành ở các môi trường công tác Đảng, chính quyền; hạn chế luân chuyển cán bộ có năng lực yếu kém, uy tín thấp về công tác tại các cấp Hội.

Chú trọng thu hút cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, từ phong trào quần chúng, cán bộ có kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn về làm việc tại Hội Nông dân. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đánh giá cán bộ Hội các cấp; xây dựng lộ trình và thực hiện công tác luân chuyển cán bộ thuộc diện quy hoạch trong tổ chức Hội để nâng cao trình độ, kinh nghiệm thực tiễn.

Tập trung phát triển mạnh hệ thống chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân. Đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả để thu hút các thành phần trí thức trẻ, nhà khoa học, doanh nhân, giám đốc các hợp tác xã; khuyến khích, ưu tiên cán bộ trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp tham gia sinh hoạt tại các chi hội, tổ Hội Nông dân. Tăng cường quản lý, cập nhật thường xuyên biến động hội viên trên nền tảng áp dụng công nghệ số, tích hợp đồng bộ từ cơ sở lên Trung ương Hội. Vận động hội viên tích cực tham gia đóng góp quỹ hoạt động Hội.

Các cấp Hội tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ cơ sở Hội, chi Hội phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho các cấp Hội đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong các hoạt động chuyển đổi số, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ, ưu tiên quan tâm bố trí cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân ở các địa phương chưa có trụ sở, diện tích làm việc.

Ba Vì (Hà Nội): Đường hoa tường vi đẹp như phim, nhiều người đến đây checkin, chụp ảnh cưới - Ảnh 2.

Con đường hoa tường vi dài 300 m thu hút nhiều khách thăm quan đến chụp ảnh, check-in ở xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Ảnh: Hội LHPN xã Thụy An. Ảnh: Minh Ngọc.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp, hướng mạnh về cơ sở

Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, người đứng đầu các cấp Hội trong chỉ đạo, tổ chức hoạt động Hội phù hợp với thực tiễn phong trào nông dân ở từng địa phương; làm tốt vai trò Hội Nông dân là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước trong thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn gắn với công tác tuyên truyền, vận động, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân; đẩy nhanh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Hội.

Đổi mới, sáng tạo, đa dạng các loại hình tập hợp, vận động nông dân thông qua hoạt động chi, tổ Hội Nông dân, câu lạc bộ của nông dân theo nhu cầu nghề nghiệp, địa bàn dân cư; gắn công tác vận động với giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân. Phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tạo đột phá đổi mới phương thức tập hợp, vận động, thu hút nông dân tham gia, tạo tiền đề phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Thực hiện tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân gắn với giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc, vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội của nông dân. Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân trong sản xuất, kinh doanh, hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Thí điểm, tổng kết và nhân rộng hoạt động tổ chức cho hội viên, nông dân đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp thông qua các chỉ số đánh giá của hội viên, nông dân; khuyến cáo đối với nông dân trong quá trình sử dụng; cung cấp thông tin, kết quả đánh giá đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có những định hướng giải pháp phù hợp.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; tích cực tham gia thực hiện các phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh", "Nông dân khởi nghiệp"; phát động phong trào "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể"; tổ chức tốt chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam và tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc", các hoạt động "Nhà nông sáng tạo", "Nhà nông đua tài" để khuyến khích, động viên, thu hút hội viên, nông dân tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các cấp Hội về vị trí, vai trò, nhiệm vụ và mục đích công tác kiểm tra, giám sát của Hội. Củng cố, kiện toàn hệ thống đơn vị tham mưu và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện, hoạt động công tác Hội của từng cấp; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thiếu sót, ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiên quyết xử lý sai phạm; chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên đề, việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội và Hội Nông dân các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở Hội. Phát huy vai trò của các cấp Hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, hội viên, nông dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội và từng địa phương, đơn vị; kịp thời phát hiện, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới.

Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định. Chú trọng khen thưởng đối với cơ sở, những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động, cán bộ chi Hội, tổ Hội, hội viên nông dân tiêu biểu xuất sắc.

Các cấp Hội tổ chức thực hiện tốt kế hoạch, giao ước thi đua theo cụm, khối, hội nghị điển hình tiên tiến các cấp và Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V, tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.

Hiện nay, Hội Nông dân Việt Nam đượ tổ chức thành 4 cấp chính thức là: Cơ quan Trung ương Hội NDVN; Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Nông dân cấp huyện và tương dương; Hội Nông dân cấp xã và tương đương. Đặc biệt, hệ thống tổ chức của Hội Nông dân đã được tổ chức đến cấp chi, tổ hội (tức ở cấp thôn và tương đương) trên địa bàn cả nước, làm nòng cốt và chủ thể thực hiện các phong trào, chương trình lớn của Hội Nông dân Việt Nam.

Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp Nông dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam diễn ra 5 năm/lần. Tại Đại hội, các đại biểu sẽ bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới (gồm 119 đông chí) để đại diện cho giai cấp Nông dân Việt Nam thực hiện các phong trào, chương trình lớn của Hội.


Nguồn tin: Báo Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 24415

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2250525

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15358128