HỘI NÔNG DÂN TỈNH QUẢNG NAM – NHÌN LẠI NHIỆM KỲ “ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN”

Chủ nhật - 27/08/2023 01:51
Năm năm qua cùng với những thuận lợi, thời cơ cũng còn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến hoạt động công tác Hội, phong trào nông dân, ảnh hưởng đến đời sống của nông dân. Song các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
HỘI NÔNG DÂN TỈNH QUẢNG NAM – NHÌN LẠI NHIỆM KỲ “ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN”

HỘI NÔNG DÂN TỈNH QUẢNG NAM – NHÌN LẠI NHIỆM KỲ “ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN”

Từ công tác xây dựng tổ chức Hội
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả, dần khắc phục tình trạng hành chính, hình thức trong các hoạt động. Kịp thời tuyên truyền chuyển tải các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đến với nông dân bằng nhiều hình thức như: thông qua sinh hoạt Chi, tổ Hội định kỳ; sinh hoạt chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, trên các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook…), các kênh truyền thông của Hội (Chương trình truyền hình Diễn đàn các cấp Hội Nông dân, phát thanh nông dân); các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao: Game show Quê mình xứ Quảng, Bóng chuyền “Bông lúa vàng”…. Vận động thuyết phục nông dân chấp hành tốt quy định của Nhà nước, hưởng ứng, đồng thuận trong việc giải phóng, bàn giao mặt bằng, triển khai các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy Hội vững mạnh. Qua xếp loại hằng năm có 98% cơ sở vững mạnh, không có đơn vị trung bình, yếu; phát triển hội viên chú trọng chất lượng, với phương châm “ít nhưng mà mạnh”; tập huấn, bồi dưỡng và khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ các cấp Hội tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hiện nay, 100% cán bộ chủ chốt (cấp cơ sở, huyện, tỉnh) đảm bảo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị theo quy định. Tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ ngày càng cao, có 201 đ.c cán bộ chủ chốt Hội tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, 276 đ.c tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước. Phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; tổ chức diễn đàn đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên nông dân, giải quyết tháo gỡ được nhiều khó khăn, bức xúc, đề xuất kiến nghị của nông dân liên quan đến nông nghiệp, đất đai, chế độ chính sách.
Đến các phong trào nông dân
Một trong những phong trào đem lại hiệu quả nhất đó là: nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào này phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn và trở thành phong trào hành động cách mạng ở nông thôn. Thông qua những hộ SX-KDG này, Hội đã vận động thành lập 460 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, 705 tổ và 61 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 436 tổ hợp tác, 81 hợp tác xã. Vận động nông dân đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cả tỉnh hiện có 321.940 lượt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, thu nhập từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với những việc làm thiết thực, hiệu quả như: Trao sinh kế, hỗ trợ vốn, cây, con giống, kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giúp cho nông dân nghèo biết cách làm ăn,  vươn lên thoát nghèo, trong nhiệm kỳ đã có 2.271 hộ được các cơ sở Hội nhận giúp đỡ thoát nghèo với tổng số tiền 12,648 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh còn 6,63%.
Cùng với đó, phong trào nông dân tham gia xây dựng Nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Nhiệm kỳ qua các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động và tham gia thực hiện nhiều nội dung đem lại hiệu quả thiết thực, thể hiện trách nhiệm của tổ chức Hội và vai trò “chủ thể” của nông dân trong xây dựng Nông thôn mới như chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, khu vực chăn nuôi; xây dựng cải tạo, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; di dời vật kiến trúc, cây cối hoa màu, hiến 611.701m2 đất, 146.334 ngày công lao động duy tu, sửa chữa, làm mới 18.868 km đường giao thông nông thôn, 6.284 km kênh mương nội đồng, sửa chữa 668 cầu cống, đập bổi, đảm bảo phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp… Theo đó, nhiều mô hình cụm dân cư nông thôn mới, ngày thứ sáu trong dân; nông dân tham gia bảo vệ môi trường, ngư dân tham gia xử lý rác thải và bảo vệ môi trường đại dương; phòng chống rác thải nhựa và phân loại rác thải tại hộ gia đình; tuyến đường nông dân tự quản, sáng - xanh - sạch - đẹp, mô hình vườn cây nông dân; mỗi cơ sở Hội một công trình cây xanh được nhiều cơ sở Hội triển khai thực hiện đem lại hiệu quả cao và được nhân rộng.
Tuyên truyền vận động nông dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, phòng chống tệ nạn xã hội; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo sân chơi bổ ích, giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền, cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống đoàn kết dân tộc. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 123 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 63,4%, trong đó có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 211 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư (thôn) nông thôn mới kiểu mẫu; có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 02 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ nông dân
Cùng với các phong trào, dịch vụ hỗ trợ nông dân được đẩy mạnh thực hiện, trong 5 năm qua Hội đã tín chấp cho gần 60 ngàn lượt hộ vay 2.860 tỷ đồng (gồm Quỹ HTND; vốn tín chấp Ngân hàng CS-XH, NN&PTNT, Bưu điện Liên Việt) để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các nguồn vốn được ưu đãi về lãi suất, nông dân sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, người dân yên tâm hơn khi có vốn để đầu tư, hạn chế tình trạng vay tín dụng đen. Cung ứng 25.830 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm, trị giá 325,4 tỷ đồng, tránh việc nông dân mua phải phân bón giả, kém chất lượng; cung ứng hơn 60 nghìn cây giống ăn quả và hàng chục ngàn cây lâm nghiệp các loại trị giá hơn 3,372 tỷ đồng. Đồng thời, tập huấn kiến thức kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây cho nông dân.
Các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, xúc tiến hoạt động liên kết với các doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhiều phiên chợ, Hội chợ do Hội Nông dân trực tiếp tổ chức từ đồng bằng đến miền núi đem lại hiệu quả thiết thực. Riêng Hội Nông dân tỉnh tổ chức 4 Hội chợ với trên 400 gian hàng, hơn 1500 sản phẩm, hàng hoá các loại doanh số mỗi Hội chợ đạt trên 3 tỷ đồng.
Các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện được thực hiện tốt, trong 5 năm các cấp Hội đã thăm hỏi, tặng quà, trao sinh kế cho nông dân nghèo, khó khăn với gần 10 ngàn suất quà trị giá 7,5 tỷ đồng; xây dựng 99 nhà tình thương với số tiền 5,27 tỷ đồng. Riêng Hội Nông dân tỉnh trao tặng 06 nhà, 54 con bò giống, 13.000 cây giống các loại, 3.463 suất quà tết với tổng số tiền 3,678 tỷ đồng; huy động hàng trăm tấn rau, củ quả và thực phẩm các loại tặng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid - 19.
Những vấn đề các cấp Hội còn trăn trở
Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt, phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của nông dân có lúc, có nơi chưa sâu sát, kịp thời; việc tham mưu, kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân còn hạn chế, nhất là ở những địa phương có nhiều công trình, dự án.
Chất lượng hoạt động của một số cơ sở Hội còn thấp, chưa đi vào chiều sâu; nội dung, hình thức chậm đổi mới. Phong trào phát triển chưa đồng đều ở các địa phương, vùng miền; vai trò của tổ chức Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới ở một số địa phương còn mờ nhạt; công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đôi lúc, đôi nơi chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Giải pháp thúc đẩy hiệu quả công tác Hội, phong trào nông dân trong nhiệm kỳ đến.
Dự báo tình hình 5 năm đến bên cạnh những thuận lợi thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội gia tăng, giá đầu vào các nguyên, vật liệu nông nghiệp tăng, tỷ lệ lao động nông thôn thiếu việc làm gia tăng; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, tuần hoàn, xanh; việc tinh giản biên chế, cắt giảm, tiết kiệm kinh phí hoạt động…sẽ tạo ra cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn đối với tổ chức Hội và giai cấp nông dân tỉnh nhà, đòi hỏi các cấp Hội phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nông dân
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy hiệu quả các kênh tuyên truyền của Hội; vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền cơ sở trong việc chuyển tải thông tin cũng như theo dõi, nắm bắt, phản ảnh tình hình dư luận trong nông dân, khuyến cáo nông dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chọn lọc thông tin và phản bác các nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Thứ hai, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, chất lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp, nhất là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đảm bảo hoạt động hiệu quả cao. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; phấn đấu tăng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, tỷ lệ cán bộ chủ chốt của Hội tham gia cấp ủy, HĐND cao hơn nhiệm kỳ trước. Xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý hội viên. Đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt ở cơ sở, thu hút, tập hợp nông dân tham gia vào Hội.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của cấp trên liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư và Chỉ thị 37-CT/TU ngày 18/01/2023 của Tỉnh uỷ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra. Hội trực tiếp chủ trì và phối hợp giám sát, phản biện những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh toàn diện theo Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ tư, đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào, xem đây là một phong trào nòng cốt của Hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân. Tăng số lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhất là cấp tỉnh và Trung ương; khuyến khích, động viên nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, con vật nuôi phù hợp, chuyển những diện tích sản xuất hiệu quả thấp sang nuôi trồng các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao hơn; sản xuất theo quy hoạch, định hướng của địa phương; khai thác tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương để phát triển kinh tế. Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, sang sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, chuyên canh, quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho từng sản phẩm; mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, linh hoạt nhạy bén năng động với thị trường. Xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp làm ăn hiệu quả cao gắn với phát triển mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Huy động các nguồn lực, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong việc giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tập trung cho nông dân các huyện miền núi cao, đối tượng nghèo bảo trợ xã hội; tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm khoảng cách giàu - nghèo ở các vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, phát huy trách nhiệm của tổ chức Hội và vai trò “chủ thể” của nông dân trong xây dựng Nông thôn mới.
Vận động nông dân tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định 516-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; vận động nông dân nêu cao trách nhiệm, phát huy vai trò “chủ thể” trong xây dựng Nông thôn mới là cho nông dân và vì nông dân, xây dựng Nông thôn mới có điểm khởi đầu, chứ không có điểm kết thúc. Hội chủ động đảm nhận những công trình, phần việc phù hợp, thiết thực, nhất là những tiêu chí mềm nhằm giữ và nâng cao chất lượng các tiêu chí, góp phần nâng cao chất lượng xã, thôn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thúc đẩy chương trình mỗi xã một sản phẩm (Ocop), tạo thành sản phẩm chủ lực của địa phương đủ sức cạnh tranh, cung ứng thị trường. Phát động xây dựng và nhân rộng các mô hình “Cụm dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu”, “Ngày thứ 6 trong dân”, “Đường làng sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Vườn - tường - đường đẹp’, “Nông dân với công tác bảo vệ môi trường”…; phát huy vai trò của nông dân trong sử dụng các thiết chế văn hóa ở nông thôn, thực hiện tốt nếp sống văn minh, lành mạnh, kết nối cộng đồng, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc ở các địa phương.
6. Nâng cao chất lượng và mở rộng các dịch vụ hỗ trợ nông dân; quảng bá, liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân
Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng vốn, phân bón trả chậm, giống cây trồng, máy móc nông cụ cho nông dân; thường xuyên tổ chức Hội chợ, phiên chợ, liên kết giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, nhất là OCOP; phối hợp xây dựng “Cửa hàng nông sản sạch”, trung tâm OCOP, từng bước mở rộng mạng lưới, phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng, điểm giới thiệu và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch HND tỉnh

Nguồn tin: Hội Nông dân tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 17355

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2243465

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15351068