Vai trò của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam (Bài 1): Hỗ trợ hội viên, nông dân biết làm ăn, thoát nghèo, làm giàu

Thứ sáu - 12/05/2023 04:18
LTS: Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã hỗ trợ người dân, hội viên nông dân về sinh kế (cây - con giống); đào tạo nghề; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.... Nhờ đó, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Cùng với đó, hoạt động công tác Hội, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã phát triển vượt bậc, các nhiệm vụ, chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền. Qua đó, Hội Nông dân tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng 1 cờ thi đua; Trung ương Hội tặng 3 cờ thi đua; các cấp Hội được UBND tỉnh tặng 10 cờ thi đua xuất sắc…

Nhiệm kỳ 2023 – 2028, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Quảng Nam vững mạnh toàn diện. Nhất là nâng cao vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; hướng đến nền nông nghiệp bền vững, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh xây dựng quê hương Quảng Nam, vững về chính trị, giàu về kinh tế - xã hội, mạnh về quốc phòng - an ninh.

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo triển khai tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, thu hút đông đảo các hội viên tham gia. Đặc biệt, Hội ngày càng khẳng định vai trò "bà đỡ" hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng thiết thực và hiệu quả, nhờ đó đã giúp cho hàng nghìn nông dân thoát nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

"Trao cần câu" cho nông dân

Bà Lê Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết: Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã luôn đồng hành trong công tác giảm nghèo của địa phương, với quan điểm là "trao cần câu" để hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững.

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 2.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ cho hàng nghìn nông dân trên địa bàn xây dựng được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.H.

Vì vậy, trong những năm qua, các cấp Hội đã khảo sát, tổ chức đối thoại với người nghèo xác định nguyên nhân nghèo và có hướng hỗ trợ phù hợp với từng vùng, từng hộ bằng các hình thức khác nhau như: vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; hỗ trợ cây – con giống; xây dựng mô hình kinh tế hộ thí điểm; hỗ trợ thiết bị, máy móc và vật tư; đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Nhờ đó, trong 5 năm qua đã có 2.271 hộ được các cơ sở Hội nhận giúp đỡ thoát nghèo, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo chung của tỉnh Quảng Nam.

Trong số hàng nghìn hộ được Hội giúp đỡ phải kể đến hộ ông Nguyễn Dũng ở phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Dũng không may bị liệt 2 chân, sau một cơn sốt năm lên 9 tuổi. Được sự yêu thương, giúp đỡ từ gia đình và các cấp Hội Nông dân, ông đã vươn lên số phận để phát triển kinh tế với mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng (VAC).

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 3.

Nhờ tham gia các lớp học, tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức mà ông Nguyễn Dũng ở phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được trang trại kinh tế tổng hợp. Ảnh: T.H.

Năm 1999, ông Dũng lập gia đình và hạnh phúc chào đón 2 người con đủ nếp, đủ tẻ. Với tinh thần tự lực tự cường, lão nông Nguyễn Dũng chủ động tìm tòi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình. Ông quan niệm rằng, không biết thì phải học, học để ứng dụng vào thực tiễn, học để phục vụ nhu cầu của bản thân.

"Tuy khó khăn trong việc đi lại, nhưng các lớp học, tập huấn, đào tạo nghề được Hội Nông dân các cấp tổ chức, tôi rất hăng hái tham gia. Các kiến thức từ chăn nuôi, trồng trọt, đến chăm sóc thú y, đan mây tre, làm hàng mã, trồng hoa, cây cảnh… tôi đều thuộc nằm lòng", ông Dũng cho hay.

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 4.

Mỗi năm, ông Dũng nuôi 200 con gà đẻ trứng. Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 5.

Ông Dũng xuất bán khoảng 200 con gà thịt/năm. Ảnh: T.H.

Sau khi được đào tạo nghề cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân, ông Dũng đã triển khai xây dựng mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng: trồng hoa cây cảnh, cây ăn trái, nuôi cá, vịt, gà, heo, bò trên diện tích hơn 1.000m2. Vợ chồng ông còn canh tác 1,2ha diện tích lúa, lấy phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, ông tận dụng hơn 5 sào đất bỏ hoang để trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò.

"Với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, sau khi trừ hết mọi chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm, nhờ đó mà vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học tử tế...", ông Dũng phấn khởi chia sẻ.

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 6.

Sau khi trừ hết mọi chi phí, ông Dũng thu lãi gần 200 triệu đồng/năm, nhờ đó mà thoát nghèo bền vững, xây dựng nhà cửa khang trang…. Ảnh: T.H.

Năm 2019, gia đình ông Dũng đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Đây chính là niềm vui và là niềm tự hào của ông sau nhiều năm nỗ lực vượt lên số phận, thoát nghèo và làm giàu bền vững.

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 7.

Ông Dũng không chỉ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mà còn là tấm gương điển hình có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống với nhiều giấy khen và bằng khen các cấp. Ảnh: T.H.

Đối với người dân khối phố Ngọc Liên, phường Điện An "ông Dũng xe lăn" không chỉ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mà còn là tấm gương điển hình vượt qua bất hạnh, vươn lên làm giàu tiêu biểu của địa phương.

Hàng nghìn hộ dân được Hội giúp đỡ thoát nghèo

Tương tự, tại huyện miền núi Hiệp Đức, anh Nguyễn Đức Thanh (33 tuổi, trú thôn Trà Hân, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) là người đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong sinh ra trong một gia đình còn nhiều khó khăn.

Năm 2015, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương có cơ chế chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, anh Thanh đã nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế. Anh mạnh dạn vay vốn để mua những mảnh vườn keo non, rồi khai hoang thêm đất để trồng keo nguyên liệu, nuôi bò, nuôi thêm heo đen bản địa...

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 8.

Anh Nguyễn Đức Thanh ở xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam là người đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong làm kinh tế giỏi khiến ai cũng ngưỡng mộ. Ảnh: T.H.

Nhờ sự cần cù và siêng năng, lại chủ động tìm tòi, học hỏi kiến thức mới, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại, các mô hình kinh tế của gia đình anh dần phát triển ổn định và gia đình có thêm thu nhập.

Với cách làm hiệu quả, cùng sự hỗ trợ của các cấp Hội, từ đó, gia đình anh Thanh khấm khá hơn, thoát khỏi hộ nghèo và anh có mức thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 9.

Được tham gia lớp đào tạo nghề do Hội Nông dân tổ chức, anh Thanh đã làm thêm nghề đan chổi đót để nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: T.H.

Vừa qua, anh Thanh là 1 trong số 35 học viên tham gia lớp dạy nghề đan chổi đót do Hội Nông dân xã Phước Trà phối hợp với Trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hiệp Đức tổ chức cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Hội Nông dân xã Phước Trà đã thành lập Chi hội nghề nghiệp đan chổi đót với hơn 20 thành viên tham gia. Trong đó, anh Thanh giữ vai trò làm chi hội trưởng.

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 10.

Hiện anh Thanh giữ vai trò làm Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp đan chổi đót. Ảnh: T.H.

Theo anh Thanh, tuy chi hội mới hoạt động, nhưng anh đã vận động các thành viên trong mô hình tham gia làm ra hơn 100 chiếc chổi đót mỗi ngày. Chổi làm ra được các thương lái thu mua với giá dao động từ 30.000-35.000 đồng/chiếc. Hoạt động từ Chi hội đan chổi đót giúp tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động trên địa bàn xã, người dân có nguồn thu nhập khá để cải thiện đời sống.

Quảng Nam: Hội làm “bà đỡ” giúp hội viên nông dân thoát nghèo - Ảnh 11.

Mô hình kinh tế trang trại đã giúp anh Thanh thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình anh đã thoát nghèo bền vững. Ảnh: T.H.

Bà Lê Thị Minh Tâm cho biết thêm, năm 1997 khi mới tách tỉnh, Quảng Nam được xem là tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao ở miền Trung. Tuy nhiên, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh còn 29.146 hộ nghèo, tỷ lệ 6,63%; giảm 3.981 hộ.

 

"Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã có 2.271 hộ được các cơ sở Hội nhận giúp đỡ thoát nghèo (đạt 181,68%) với tổng số tiền hỗ trợ là 12,648 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh Quảng Nam hiện nay xuống còn 6,63%...", bà Tâm phấn khởi nói.

Tác giả bài viết: Trần Hậu - Đoàn Hồng

Nguồn tin: Báo Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 100475

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1645649

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 14753252