Lão nông làm kinh tế giỏi

Thứ ba - 26/09/2023 03:38
Những năm qua, trang trại nông lâm nghiệp tổng hợp của vợ chồng ông Trần Tiến (thôn Bích Trung, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) là địa chỉ để nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi. Ở tuổi 80, ông Tiến cùng vợ vẫn hăng say lao động và tận hưởng những quả ngọt...
Ông Trần Tiến bên trại nuôi ốc bươu đen. Ảnh: H.LIÊN

Ông Trần Tiến bên trại nuôi ốc bươu đen. Ảnh: H.LIÊN

Năm 1995, gia đình ông Trần Tiến được cấp 5,5ha đất rừng tại núi Trà Quân, xã Tam Xuân 1. Nơi đây trước kia là đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt, ông cùng gia đình đã san lấp hố bom và chỉnh trang khoảng 2ha để làm vườn ươm cây giống các loại.

Từ việc ươm những loại cây sao đen, lim xanh, giổi, xà cừ… để bán cho các dự án trồng phục hồi rừng do ảnh hưởng của thủy điện, gia đình ông đã có của ăn của để, mỗi năm lãi ròng cả tỷ đồng.

Ông Trần Tiến liên tục được tặng danh hiệu “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2013 - 2018 và giai đoạn 2018 - 2023. Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua người cao tuổi làm kinh tế giỏi tỉnh Quảng Nam lần thứ IV (2018 - 2023), ông Tiến được UBND tỉnh tặng Bằng khen và là đại diện của tỉnh Quảng Nam được chọn cử đi dự Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc năm 2023, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 tới tại Hà Nội.

Ông còn liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức lao động hướng dẫn kỹ thuật, làm dịch vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho các dự án nhà nước với 500ha của xã Trà Bui; 300ha rừng bảo vệ tại huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Phú Ninh. Nhiều diện tích được theo dõi, chăm sóc, trồng bổ sung chờ đến ngày bàn giao.

Ông mở rộng diện tích vườn ươm để ươm các loại cây cảnh, cau, dừa, quế, sưa… cung ứng cho các dự án phát triển du lịch vùng đông của tỉnh và các tỉnh lân cận.

Vườn ươm trồng 2 loại cây chính là cau và quế Trà My, cung ứng cho các dự án du lịch và cung cấp cho các dự án trồng quế Trà My. Bình quân mỗi năm, ông xuất vườn 300 - 350 nghìn cây giống các loại.

Ông Tiến còn cải tạo đất vườn đồi rồi ra Huế mua hạt giống mai đem về ươn trồng, phát triển được hàng nghìn cây giống. Đây là giống mai có hoa thơm, cánh đẹp, được nhiều người ưa chuộng.

Từ 3 khoảnh vườn đồi, ông đã trồng được tổng cộng 3.500 cây mai hương, trong đó có nhiều cây đã 6 - 7 năm tuổi, số còn lại 3 - 4 năm tuổi. Nhiều cây có giá bán 3 - 5 triệu đồng, song ông quyết giữ lại vườn mai và chỉ khai thác khi mai đạt 10 năm tuổi...

Từ năm 2018 đến nay, ông Tiến còn trồng gần 1ha các loại cây ăn quả như dừa xiêm, mít và đến nay khu vườn đã cho quả ngọt đầu mùa.

Song, nguồn thu nhập chủ lực của trang trại ông vẫn là từ chăn nuôi heo rừng lai, ốc bươu đen, trùn quế, sản xuất phân vi sinh… và việc cho thuê 0,7ha đất còn lại để sản xuất pin năng lượng mặt trời, mỗi năm thu nhập 150 triệu đồng...

Không chỉ phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, ông Tiến còn có một xưởng mộc dân dụng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

“Tuổi cao, tôi tự nhủ cần tranh thủ thời gian còn lại của mình nên làm những gì có ích cho xã hội. Già thì lao động bằng trí tuệ, có lao động thì con người mới minh mẫn hoạt bát. Mặt khác, lao động chân tay theo sức tuổi già để tăng cường sức khỏe, không nên lãng phí thời gian còn lại” - ông Tiến chia sẻ.

Tác giả bài viết: Hoàng Liên

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 18436

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2244546

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15352149