Nuôi vịt trời ở Sông Đầm

Thứ hai - 19/03/2018 02:38
Sau gần một năm rưỡi triển khai, đến nay mô hình nuôi vịt trời tại Sông Đầm (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) của ông Nguyễn Hòa (64 tuổi, ở tổ 1, khối phố An Hà Đông, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) đã khẳng định được hiệu quả kinh tế…
Ông Nguyễn Hòa bên lò ấp trứng vịt trời. Ảnh: C.N

Ông Nguyễn Hòa bên lò ấp trứng vịt trời. Ảnh: C.N

Tháng 9.2016, ông Nguyễn Hòa được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP.Tam Kỳ chuyển giao kỹ thuật nuôi vịt trời. Đến nay, ngoài số vịt giống ban đầu (600 con) tổng đàn vịt của ông Hòa còn có hơn 2 nghìn vịt nuôi lấy thịt và hàng trăm quả trứng đang trong giai đoạn ấp.

Vịt trời bắt đầu đẻ trứng sau hơn 4 tháng rưỡi chăm nuôi và đẻ đều từ tháng thứ 6 trở đi. Để giảm công lao động, hạ giá bán sản phẩm, ông Hòa đầu tư 1 máy băm thức ăn. Ngoài ra, ông cũng bỏ ra 28 triệu đồng để mua máy ấp trứng. Nhờ ứng dụng kỹ thuật chăm nuôi thích hợp, tỷ lệ nở trứng của lò ấp ông Hòa đạt khá cao, hơn 80% sau 28 ngày ấp. Với vịt nuôi lấy thịt, ông Hòa xuất bán sau khi nuôi 3 tháng. Lúc này trọng lượng vịt trời đạt 1,2 - 1,5kg/con; có khi đạt 1,7kg/con, giá bán khoảng 160 nghìn đồng/con. Trứng vịt trời có giá khoảng 40 nghìn đồng/chục. Thời gian qua, ông Hòa đã bán ra thị trường hơn 20 nghìn quả trứng, hơn 2 nghìn vịt con và gần 1 nghìn con vịt thương phẩm, thu về vài trăm triệu đồng. Thịt và trứng vịt trời có giá bán nhỉnh hơn vịt thường một chút, do trứng béo, thịt thơm ngon, giàu dưỡng chất nên dễ tiêu thụ. Ngoài khách hàng ở địa phương, ông Hòa còn bán sản phẩm ra Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và một số  tỉnh lân cận. Nhiều khách hàng yêu cầu ông giết mổ tại chỗ và đóng gói gửi đi. Vì vậy, ông Hòa mong muốn được thành phố hỗ trợ nhà giết mổ gia cầm và đầu tư máy hút chân không để sản phẩm an toàn hơn trong khâu tiêu thụ.

Trên cơ sở mô hình nuôi vịt trời của ông Hòa, cuối tháng 1 vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP.Tam Kỳ và UBND xã Tam Thăng đã chủ trì hội thảo về mô hình chăn nuôi vịt trời sinh sản và thương phẩm tại Sông Đầm của ông. Hội thảo đánh giá đây là mô hình chăn nuôi có hiệu quả. UBND xã Tam Thăng cũng mong muốn sản phẩm trứng và thịt vịt trời thương phẩm tại cơ sở của ông Hòa được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn để mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Có nhiều năm kinh nghiệm nuôi vịt thịt với các giống vịt truyền thống, từ khi chuyển sang nuôi vịt trời, ông Hòa nhận thấy đây là giống vịt dễ nuôi và sức đề kháng mạnh, nên hầu như không bị bệnh. Vịt trời tự tìm thức ăn trong tự nhiên, và ông bổ sung thêm rau, cám, bắp, bèo, chuối,... nên ít tốn chi phí. Vịt trời thích hợp với sông nước, tuy nhiên, vẫn có thể nuôi trên cạn với số lượng ít, quy mô nhỏ. “Dễ như nuôi vịt trời” - ông Hòa nói và chia sẻ thêm, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc  cũng như cung cấp giống để nhiều nông dân nhân rộng mô hình, có thêm thu nhập. Bà con nông dân có nhu cầu tìm hiểu về mô hình nuôi vịt trời, liên hệ ông Nguyễn Hòa, số điện thoại: 01658.227.945.

CHÂU NỮ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 62428

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1706076

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 14813679