Trồng “vàng đen” trên đất khô cằn, một nông dân ở Quảng Nam bất ngờ đổi đời

Thứ hai - 22/05/2023 08:08
Tại thôn Xuân Quê, xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, ông Phan Văn Huệ (62 tuổi) không chỉ nổi tiếng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mà còn được biết đến là người tiên phong trong phương pháp trồng hồ tiêu hữu cơ bền vững đem lại thu nhập cao.
Để phát triển kinh tế, ông Phan Văn Huệ (xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đầu tư trồng cây hồ tiêu từ năm 2015. Ảnh: T.N.

Để phát triển kinh tế, ông Phan Văn Huệ (xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đầu tư trồng cây hồ tiêu từ năm 2015. Ảnh: T.N.

Dám nghĩ dám làm

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn tiêu hơn 8 năm tuổi, ông Huệ tâm sự: "Khu vườn này ngày xưa tôi trồng mía, sắn, điều, dưa hấu, thu nhập cũng đủ để trang trải cuộc sống chứ hiệu quả kinh tế không cao.

Đến khoảng năm 2015, khi mà người trồng bán 1 tấn tiêu thì mua được 7kg vàng, tạo nên cơn sốt trồng tiêu ở nhiều tỉnh thành, thì tôi biết đến cây tiêu và nhận thấy nó phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, mà giá trị kinh tế lại cao nên mạnh dạn trồng thử".

Ban đầu, ông đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo một phần đất vườn khô cằn của gia đình, mua máy cắt cỏ, máy bơm nước, hệ thống tưới nước tự động, đúc trụ xi măng để trồng 500 cây tiêu giống Vĩnh Linh.

Để vườn tiêu phát triển tốt, ông Huệ tích cực học hỏi, tìm tòi kiến thức và quy trình chăm sóc tiêu qua sách báo, mạng internet, áp dụng kỹ thuật trồng tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trồng tiêu ở Tây Nguyên.

Trồng “vàng đen” trên đất khô cằn, U60 xứ Quảng bất ngờ đổi đời - Ảnh 2.

Từ 500 trụ tiêu ban đầu, đến nay, vườn tiêu ông Huệ tăng lên 2.000 trụ/ha. Ảnh: T.N.

Trồng “vàng đen” trên đất khô cằn, U60 xứ Quảng bất ngờ đổi đời - Ảnh 3.

Trung bình mỗi năm, ông Huệ thu hoạch 5 tấn tiêu khô/ha. Ảnh: T.H.

Với sự quyết tâm và dày công chăm sóc, vườn tiêu ban đầu của ông phát triển xanh tốt và được nhân rộng diện tích qua từng năm. Đến nay, ông trồng 2.000 trụ tiêu trên diện tích 1ha.

Ông Huệ cho biết, khi trồng tiêu phải đặc biệt chú ý cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và lượng nước vừa đủ, không được dư thừa. Bởi cây tiêu rất nhạy cảm, nếu trời nắng hạn khoảng 2 tháng thì cây vẫn phát triển bình thường, nhưng nếu trời mưa liên tiếp 3 ngày thì khả năng cây tiêu bị úng rễ và chết rất cao.

Vì thế, ông Huệ đầu tư hệ thống tưới nước tự động để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây tiêu và tiết kiệm nước trong mùa khô hạn.

Theo ông Huệ, bệnh nguy hiểm nhất trên cây tiêu là bệnh tuyến trùng. Vào mùa mưa bão, bộ rễ cây tiêu yếu và lung lay, dễ bị tuyến trùng tấn công gây ra các vết thương, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn khác xâm nhập gây bệnh khiến cây chết chậm và sau đó lây lan nhanh ra cả vườn.

Trồng “vàng đen” trên đất khô cằn, U60 xứ Quảng bất ngờ đổi đời - Ảnh 4.

Sản phẩm tiêu hạt của gia đình ông Huệ luôn được khách hàng tin dùng, có giá bán dao động từ 150.000-200.000 đồng/kg. Ảnh: T.N.

"Đợt mưa lớn kéo dài cuối năm 2022 khiến nước trong vườn không tiêu thoát kịp, gây úng gốc và thối rễ. Cùng với đó, tuyến trùng xâm nhập gây hại khiến cây giảm sức khỏe, không hấp thụ được dinh dưỡng và nước dẫn đến héo cây, vàng lá và chết. Chỉ 3 ngày sau là bệnh tuyến trùng lây lan mạnh, khiến 500 trụ tiêu của tôi chết khô đồng loạt, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng", ông Huệ bùi ngùi nói.

Trồng “vàng đen” trên đất khô cằn, U60 xứ Quảng bất ngờ đổi đời - Ảnh 6.

Để lấy ngắn nuôi dài, ông Huệ trồng xen canh các loại cây ăn quả như: mít, bưởi, ổi, vú sữa, mãng cầu…. Ảnh: T.N.

Dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, thời tiết bất thường, nhưng ông Huệ vẫn kiên trì vượt qua, chú trọng khâu phòng bệnh hơn chữa bệnh nhằm giúp vườn tiêu luôn khoẻ mạnh, cho năng suất cao.

Trồng tiêu xen canh cây ăn quả

Cây tiêu trồng sau 3 năm là bắt đầu cho hạt, đến năm thứ 5 thì cho năng suất đều đặn hằng năm. Nếu như người trồng tiêu ở nhiều nơi thường lo ngại tiêu mất giá, thì tiêu của gia đình ông luôn có mức giá ổn định.

Bởi ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông sản sạch, dùng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ để chăm bón cho cây tiêu. Từ đó, đảm bảo sức khỏe cho người trồng và vườn cây, ít bệnh mà tiêu lại được giá cao.

Trồng “vàng đen” trên đất khô cằn, U60 xứ Quảng bất ngờ đổi đời - Ảnh 7.

Ông Huệ trồng tiêu theo phương pháp hữu cơ bền vững, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ cây và đất lâu dài. Ảnh: T.N.

Để có hạt tiêu sạch đúng chuẩn, gia đình ông không dùng thuốc diệt cỏ mà chỉ làm cỏ thủ công. Ông Huệ chia sẻ: "Mỗi năm, tôi mua 3 tấn phân gà về ủ với men vi sinh khoảng 3 tháng, rồi dùng làm phân hữu cơ bón cho cây tiêu vào đầu mùa mưa và khi cây ra hạt.

Ngoài ra, tôi còn dùng phân trâu, bò, bánh dầu để ủ. Việc sử dụng phân hữu cơ không chỉ có giá thành rẻ, giảm chi phí sản xuất, mà còn giúp tái tạo dinh dưỡng trong đất, thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật có khả năng chống lại bệnh hại. Tôi cũng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là dùng các chế phẩm sinh học để đảm bảo an toàn sản xuất".

Trồng “vàng đen” trên đất khô cằn, U60 xứ Quảng bất ngờ đổi đời - Ảnh 8.

Sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ giúp vườn hồ tiêu và cây ăn quả của ông Huệ luôn tươi tốt, cho năng suất cao.

Vào tháng 6, khi hạt tiêu đã chín khoảng 95% thì ông thuê 5-7 người thu hoạch từ từ trong 2 tháng. Sau khi tiêu được hái về, ông dùng máy tuốt hạt để loại bỏ các tạp chất như lá, cành rồi ủ qua một đêm để hạt tiêu chín đều hơn. Tiếp tục phơi khoảng 3 nắng là hạt tiêu khô hoàn toàn, ông Huệ dùng quạt để làm sạch bụi và tạp chất rồi đóng gói.

Hạt tiêu được bảo quản vào bao có hai lớp, lớp trong là bao ni lông để chống ẩm, lớp ngoài là bao PP hoặc bao bố. Cất giữ trong kho nơi thông thoáng, không quá nóng hoặc quá ẩm.

Trồng “vàng đen” trên đất khô cằn, U60 xứ Quảng bất ngờ đổi đời - Ảnh 9.

Ông Huệ là gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của địa phương. Ảnh: T.N.

Năm 2020, ông Huệ thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Hồ Tiêu Quế Sơn, xây dựng nhãn mác rõ ràng, mẫu mã bắt mắt, dán mã QR code. Với chất lượng hạt tiêu sạch, thơm ngon, cay nồng, sản phẩm Tiêu Đất Quế của gia đình ông luôn được khách hàng tin dùng, có giá bán dao động từ 150.000-200.000 đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, ông thu lãi 200 triệu đồng/năm.

Hồ tiêu là cây công nghiệp lâu năm, chu kỳ kinh doanh lâu dài. Vì thế, để lấy ngắn nuôi dài, ông Huệ trồng vườn cây ăn quả rộng 2ha như: mít, ổi, bưởi, mãng cầu, chanh, vú sữa…. Với giá bán từ 15.000-50.000 đồng/kg (tuỳ loại), vườn cây ăn quả xen canh đem lại cho gia đình ông Huệ nguồn thu nhập khá.

Từ sự chăm chỉ, cần cù và mạnh dạn đổi mới trong sản xuất, ông Huệ đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, trở thành tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của địa phương.

Tác giả bài viết: Trần Hậu - Tuyết Nhung

Nguồn tin: Báo Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 75261

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1542129

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12395754