Cần sự kết nối để phát triển nông nghiệp công nghệ cao miền Trung

Chủ nhật - 17/12/2017 17:50
Chỉ trong vòng một ngày (15.12), tại TP.Đà Nẵng diễn ra hai sự kiện: Hội thảo thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vào Đà Nẵng và Diễn đàn kết nối cung cầu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã chứng tỏ mối quan tâm lớn đến NNCNC của các địa phương trong vùng.
Diễn đàn kết nối cung cầu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP.Đà Nẵng với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vừa tổ chức tại Đà Nẵng.

Diễn đàn kết nối cung cầu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP.Đà Nẵng với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vừa tổ chức tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng rộng cửa đón đầu tư

Với đặc điểm quỹ đất phát triển nông nghiệp vốn đã ít lại càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung sớm xác định phải phát triển NNCNC. Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng thông tin: "Hiện nay thành phố đã quy hoạch và phát triển được 7 vùng NNCNC và 1 khu NNCNC chủ yếu nằm ở các xã của huyện Hòa Vang. Đà Nẵng cũng đã thực hiện ký kết hợp tác, cung ứng nông sản với 5 địa phương gồm: Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Lâm Đồng, Tiền Giang". 

Với việc tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, Đà Nẵng đang bước đầu đạt được những khởi sắc trong việc phát triển NNCNC theo hướng căn cơ với khoảng 440ha sản xuất NNCNC gồm các mô hình như: rau an toàn, nuôi trồng thủy sản nước lợ, cây dược liệu... Tuy cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2% giá trị sản xuất của thành phố nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng nông sản an toàn để góp phần phát triển hoạt động du lịch - dịch vụ.

Để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư quan tâm về NNCNC đến với Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã ban hành những chính sách hỗ trợ thiết thực như: hỗ trợ 50% chi phí (tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án) để đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống tưới tự động, đầu tư thiết bị sản xuất; hỗ trợ thuê tổ chức đánh giá, cấp chứng nhận (không quá 100 triệu đồng/dự án) với điều kiện dự án phải từ 5ha trở lên (riêng nhà màng, nhà kính phải từ 2ha trở lên) hoặc đối với dự án sản xuất giống phải đạt tối thiểu 1 triệu cây/năm... cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác với các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây dược liệu...

Kinh nghiệm từ Lâm Đồng   

Là địa phương điển hình trên toàn quốc về phát triển NNCNC, Lâm Đồng đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng tại Diễn đàn kết nối cung cầu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP.Đà Nẵng với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tại Lâm Đồng, trung bình một héc ta sản xuất NNCNC có thể mang lại 300 triệu đồng, có những mô hình cho doanh thu 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, thậm chí cá biệt có mô hình mang lại 8 - 24 tỷ đồng/ha. Hiện nay, trên toàn tỉnh Lâm Đồng có tới hơn 50 nghìn héc ta diện tích đất canh tác NNCNC.

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng rất phát triển. Ảnh: Q.T
Hiện nay tỉnh Lâm Đồng có hơn 50 nghìn héc ta diện tích sản xuất ứng dụng NNCNC. Ảnh: Q.T

Bà Nguyễn Thị Quý Tú - Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, ngoài việc sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi thì Lâm Đồng rất quan tâm đến các chính sách phát triển NNCNC khi từ năm 2003 đã chú trọng và triển khai vào sản xuất. Toàn tỉnh hiện có tới 68 chuỗi an toàn thực phẩm với 1.144 hộ liên kết, 100% sản phẩm nằm trong chuỗi được tiêu thụ thông qua hợp đồng. Trong đó có tới 80% cung cấp cho các siêu thị, trung tâm thương mại nên tạo ra nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho nông dân.

Hàng loạt công nghệ mới ở nước ngoài được áp dụng trong sản xuất NNCNC tại Lâm Đồng từ khâu giống, ghép giống, ươm gieo giống... đến phân loại, bảo quản sản phẩm. Vì vậy sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng rất được ưa chuộng trên toàn quốc và xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài khó tính như: Mỹ, Nhật, châu Âu...

Miền Trung cần chọn lọc để phát triển NNCNC

Nhiều đại biểu tham dự diễn đàn và hội thảo về NNCNC đã đồng tình rằng việc phát triển NNCNC tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung là không hề dễ dàng bởi vấp phải nhiều lực cản, nhất là điều kiện khí hậu và nguồn nhân lực. Tuy vậy theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT), việc phát triển NNCNC là xu hướng tất yếu trước bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng và để thích ứng trước biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ. Do đó, khu vực cần khắc phục những hạn chế và chọn lọc thế mạnh để phát triển NNCNC một cách phù hợp.

Chỉ mới có một vài mô hình nhỏ sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Nam. Ảnh: Q.T
Chỉ mới có một vài mô hình nhỏ sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Nam. Ảnh: Q.T

Theo đánh giá của Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định là các địa phương đang thực hiện tương đối tốt việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tùy theo lợi thế của địa phương mình. Với Quảng Nam, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây dược liệu (sâm, ba kích, quế...) và lúa giống đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, hiện tỉnh đang dự kiến khảo sát 11 khu vực ở 13 địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm nghiên cứu hình thành các khu NNCNC.

Hiện nay, mối hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung để sản xuất, cung ứng, tiêu thụ NNCNC vẫn còn sơ sài. Hiện mới chỉ có Quảng Nam và Bình Định thiết lập hợp tác với Đà Nẵng để tạo đầu ra cho sản phẩm NNCNC. Tại diễn đàn, đại diện Sở NN&PTNT Gia Lai cho rằng, Đà Nẵng nên tập trung vào lợi thế công nghiệp chế biến của mình để trở thành đầu ra cho các sản phẩm NNCNC của các địa phương trong vùng thay vì phát triển quá nhiều sản phẩm NNCNC bởi quỹ đất hạn hẹp.

Trong khi đó, với Quảng Nam, nhiều quyết định hỗ trợ đầu tư, sản xuất NNCNC cũng đã được ban hành trong thời gian qua như: hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ sản xuất sâm Ngọc Linh, quế và dược liệu... Thời gian gần đây, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ cao với quy mô nhỏ cũng đang bước đầu hình thành tại một số địa phương như: Phú Ninh, Điện Bàn, Đại Lộc... được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để NNCNC tiếp tục phát triển tại địa phương trong thời gian đến.

QUỐC TUẤN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 27300

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2086758

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15194361