Có mặt dọc bờ biển Tam Tiến, huyện Núi Thành ra đến biển Tĩnh Thủy, TP Tam Kỳ, Quảng Nam những ngày này, đi đến đâu cũng thấy cảnh tấp nập người dân ngồi dọc bờ biển để phân loại sứa bán cho đầu nậu.
Theo các ngư dân, việc đánh bắt sứa biển trở thành thông lệ như chuyện đánh bắt cá, tôm. Nhưng con sứa biển có đặc thù chỉ xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm.
Một con sứa biển khủng có trọng lượng cả tạ được ngư dân bắt được đưa lên bờ chờ phân thành đoạn bán cho đầu nậu.
“Việc khai thác sứa biển rất đơn giản, không phải đầu tư gì lớn mà chỉ cần dùng thuyền nhỏ cùng dụng cụ như vợt, lưới đánh bắt. Đồng thời, cách đánh bắt cũng đơn giản nên không tốn kém nhiều về chi phí. Mỗi thuyền đi một ngày có thể cho thu nhập từ 1-2 triệu đồng, vì giá sứa đầu mùa rất cao. Mỗi kg sứa biển được làm sạch sẽ có thể bán giá từ 15.000- 20.000 đồng…” - ngư dân Lê Duy Bình (trú tại xã biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ) chia sẻ.
Tràn ngập sứa biển được ngư dân đưa lên bờ phân loại.
Theo các ngư dân, sứa biển còn gọi là hải triết, thạch kính, thủy mẫu. Trước đây, sứa biển ít được ngư dân quan tâm đánh bắt vì hiệu quả kinh tế không cao, thị trường tiêu thụ không có. Tuy nhiên, những năm gần đây, tại Quảng Nam sứa biển là mặt hàng được bán khá chạy nhằm mục đích chế biến đông lạnh để phục vụ xuất khẩu và nhập cho các đại lý để bán trong nhà hàng lớn và các siêu thị trên toàn quốc. Nhờ các cơ sở này, sứa biển đã trở thành mặt hàng đem lại nguồn thu không nhỏ, góp phần tăng thêm thu nhập cho ngư dân vùng ven biển Quảng Nam.
Ngư dân đang phân loại sứa biển.
Một lão ngư cười tít mắt khi vớ được những con sứa khủng.
Sau khi sứa được phân loại sạch sẽ, ngư dân chuyển sứa lên bờ để bán cho đầu nậu.