“Cây thiêng” ở vùng cao Quảng Nam huyền thoại của sự phát triển thịnh vượng

Thứ hai - 23/10/2023 02:10
SKV - Quế được đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông tại các huyện vùng cao Quảng Nam rất quý trọng, xem đó như một loại “cây thiêng” giữa đại ngàn Trường Sơn.
Đồng bào vùng cao Quảng Nam xem cây quế là tài sản lớn của gia đình

Đồng bào vùng cao Quảng Nam xem cây quế là tài sản lớn của gia đình

“Tài sản quý” trong tiềm thức và đời sống nhân dân

Quế Trà My từ lâu đã bén rễ, đâm chồi trên những ngọn núi cao trải dọc các sườn đồi của dòng sông Tranh ở huyện Bắc Trà My. Đặc biệt, vườn quế còn được coi như một tài sản lớn trong gia đình của đồng bào dân tộc miền núi Bắc Trà My.

Quế Trà My được biết đến với cái tên “Cao sơn Ngọc quế”, là loại quế được thế giới ưa chuộng nên có giá trị cao so với các loại quế khác. Không chỉ là sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, quế Trà My còn là biểu tượng của cuộc sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao của tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Bắc Trà My nói riêng.

Già Đinh Văn Nở, ở thôn 1, xã Trà Giác cả cuộc đời gắn bó với cây quế Trà My. Hơn 5.000 gốc quế trong vườn, có cây ngót đã 30 đến 35 tuổi đời. Để bảo tồn cây quế, già Nở chỉ nhặt hạt đem bán, còn những cây quế trong vườn thì cây nào già, dầu đã đượm lắm ông mới khai thác. Những người trồng quế, gắn bó với quế như già Nở đã trở thành tấm gương để khuyến khích đồng bào học tập kinh nghiệm, khôi phục vùng “Cao sơn ngọc quế”.

Già Nở chia sẻ: “Càng ngày quế càng lên giá, vừa rồi già bán một cây bình quân 1kg là 75.000 đồng. Mỗi cây lâu niên cho thu nhập hơn chục triệu đồng. Mỗi khi gia đình có việc gì trọng đại như con cái lấy vợ, gả chồng hoặc làm nhà thì già mới bán cho thương lái. Mình vẫn giữ nhiều cây quế giống để bán hạt, chừng đó là đủ trang trải cuộc sống”.

“Cây thiêng” với những lợi ích về sức khỏe và kinh tế

Theo y học cổ truyền quế có vị cay ngọt, tính đại nhiệt, hơi có độc, vào hai kinh can và thận. Quế còn gọi là quế quỳ, quế thanh, nhục quế, quế tâm. Bộ phận dùng chủ yếu là vỏ. Vỏ quế có chứa nhiều tinh dầu, tinh bột, tanin có công dụng bổ hoả, hồi dương, ấm thận, tỳ, tán hàn hoạt huyết, chữa thũng, đại tiện lỏng, kinh bế do hàn, lưng gối đau, tê, tiểu tiện không thông…

Ngày nay, dựa vào kinh nghiệm quý báu của cha ông bao đời, nhiều sản phẩm giá trị từ nguyên liệu quế đã ra đời phục vụ hữu hiệu đời sống con người. Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, cây quế còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước.

Thời gian gần đây, thị trường quế đang sôi động trở lại, giá bán các sản phẩm từ quế đã dần có sự cải thiện, nhờ vậy mà người trồng quế có thể sống được từ cây quế. Sản phẩm của cây quế không những cung cấp cho nhu cầu trong nước mà còn là mặt hàng xuất khẩu được thị trường thế giới ưa chuộng.

“Cây thiêng” ở vùng cao Quảng Nam huyền thoại của sự phát triển thịnh vượng
Quế vỏ Trà My được thương nhân mua về chế biến thành nhiều sản phẩm phục vụ sức khỏe và xuất khẩu

Ông Đinh Văn Linh – Chủ tịch UBND xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My cho hay: “Tôi nghĩ giá 75.000 đồng/1kg không phải là giá cuối cùng mà thời gian tới cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ dân để sản xuất thêm nhiều sản phẩm giá trị đưa ra thị trường. Thì tôi tin cây quế sẽ còn nhiều giá trị, là cây trồng mang lại thu nhập cho đồng bào”.

Theo thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, ngoài diện tích quế cho sản lượng khai thác đạt hơn 400 tấn/năm, huyện còn còn đang có 4 HTX, 10 hộ kinh doanh quy mô lớn đang tham gia sản xuất và đưa ra thị trường hơn 70 sản phẩm từ quế ra thị trường trong và ngoài nước.

Trong đó có 1 sản phẩm OCOP từ quế đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao… Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết thêm: “Huyện Bắc Trà My định hướng các mô hình sản xuất xung quanh cây quế Trà My là định hướng mà huyện đang hướng đến. Thông qua đó Bắc Trà My đã xây dựng các đề án để bảo tồn cây quế và lễ hội về quế Trà My để từng bước giúp người dân thoát nghèo bền vững”.

“Cây thiêng” ở vùng cao Quảng Nam huyền thoại của sự phát triển thịnh vượng
Các sản phẩm chiết xuất từ quế đem lại hiệu quả kinh tế cao
“Cây thiêng” ở vùng cao Quảng Nam huyền thoại của sự phát triển thịnh vượng
Quế Trà My giúp cho nhân dân thoát nghèo bền vững

Được biết, toàn huyện Bắc Trà My có khoảng 1.500 ha quế, hiện địa phương đang mở rộng thêm nhiều diện tích tại các địa phương có thổ nhưỡng phù hợp. Mới đây, Huyện Bắc Trà My cũng thông qua Nghị quyết điều chỉnh bảo tồn phát triển cây quế bản địa, hình thành rừng giống tại các xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka, Trà Bui.

Các ngành chuyên môn tổ chức chuyển giao kỹ thuật ươm giống cho nhân dân Ở quy mô nhóm hộ; hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân trong sản xuất giống, hình thành các vùng trồng và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ ở khu vực miền núi Trà My. Nhằm quản lý phát triển, mở rộng vùng chuyên canh quế, tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi về vốn vay và thuế cho các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển quế Trà My. Khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng như cây keo hiệu quả kinh tế thấp sang trồng quế. Từ đó, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, đưa cây quế thành cây xóa nghèo bền vững tại các huyện miền núi Quảng Nam.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tín

Nguồn tin: Tạp chí Sức khỏe Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 17674

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2243784

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15351387