Chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Cơ hội của sản phẩm nông nghiệp
Thứ hai - 20/05/2024 03:01
(QNO) - Chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Quang cảnh diễn đàn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức chiều 17/5. Ảnh: PHAN VINH
Chiều 17/5, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tổ chức diễn đàn "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Quảng Nam tham gia chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm". Sự kiện thuộc khuôn khổ Tuần lễ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam lần thứ 5 - TechFest Quang Nam 2024.
Hơn 200 hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự diễn đàn.
Những mô hình tiêu biểu
Từ món sữa chua ăn vặt quen thuộc giàu dinh dưỡng, chị Trần Thị Minh Thúy (thôn Tam Mỹ, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ sấy thăng hoa, đưa sữa chua dạng lỏng thành dạng khô, tiện lợi trong sử dụng, bảo quản và di chuyển. Dự án này vừa đoạt giải Nhất cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam" năm 2024.
Tham dự diễn đàn lần này, chị Thúy chia sẻ, trên thị trường hiện nay có khá nhiều dòng sữa chua dạng nước, dạng sệt và cả sữa chua sấy lạnh,… Lợi thế cạnh tranh sản phẩm của chị nằm ở công nghệ sấy thăng hoa. Đây là công nghệ tiên tiến giúp tách được tới 90% phân tử nước ở nhiệt độ -40 độ C tạo ra sản phẩm có độ giòn lý tưởng và dễ dàng trả về dạng tươi ngon như ban đầu.
[VIDEO] - Chị Trần Thị Minh Thúy chia sẻ về ứng dụng CĐS trong kinh doanh:
"Chúng tôi hướng tới thị trường nước ngoài nên rất quan tâm việc số hóa quy trình sản xuất và marketing sản phẩm. Tất cả tài liệu về giấy phép kinh doanh, chứng nhận sản phẩm, chứng nhận chất lượng, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm,... chúng tôi lưu trữ trên "đám mây dữ liệu" để dễ dàng chia sẻ cho đối tác mà không bị hạn chế bởi vị trí địa lý" - chị Thúy chia sẻ.
Cũng tham gia giới thiệu mô hình tại diễn đàn, bà Phạm Thị Tường Vy - chủ Cơ sở sản xuất và kinh doanh tinh dầu thiên nhiên Anh Kiệt (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ sinh hóa sản xuất nước rửa chén sinh học Thuận An.
Sản phẩm sử dụng phương pháp lên men IMO vi sinh truyền thống với nguồn nguyên liệu khai thác từ rác hữu cơ như vỏ thơm, vỏ bưởi và xà phòng trung tính từ thiên nhiên là quả bồ kết hoặc bồ hòn.
Bà Vy nói: "Tôi quan tâm ứng dụng CĐS ở khâu thương mại sản phẩm, tập trung khai thác các sàn thương mại điện tử, đặc biệt đối với sản phẩm hàng tiêu dùng như nước rửa chén của chúng tôi. Đối tượng khách hàng phụ nữ dành nhiều thời gian trên internet nên đây là phạm vi tiếp thị sản phẩm của chúng tôi".
Hiểu rõ về CĐS
Ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - truyền thông (Sở Thông tin - truyền thông) cho rằng, CĐS trong phát triển nông nghiệp của người nông dân thực ra là một vấn đề rất gần và mang tính thực tế cao chứ không phải xa vời, lý thuyết.
Đơn cử như việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp thực chất là sử dụng các thiết bị thông minh, cảm biến thông qua internet để phục vụ quá trình sản xuất từ trồng trọt đến chăn nuôi của người nông dân.
"Từ những thiết bị tự động đó, IoT phiên bản cao cấp hơn sẽ lưu trữ dữ liệu, đánh giá hiệu quả mô hình kinh doanh để giúp người nông dân đưa ra quyết định một cách đúng đắn, dựa trên số liệu cụ thể.
Quan niệm về canh tác nông nghiệp truyền thống hiện nay đã không còn phù hợp. Quan trọng nhất khi vận hành mô hình sản xuất phải nắm được dữ liệu, phân tích và kịp thời chỉnh sửa cho phù hợp" - ông Bình cho biết.
[VIDEO] - Ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - truyền thông chia sẻ kiến thức về IoT trong nông nghiệp:
Bà Lê Thị Kim Chung - Trưởng phòng Nghiệp vụ Bưu điện tỉnh Quảng Nam chia sẻ, sàn thương mại điện tử buudien.vn là một công cụ CĐS giúp đưa sản phẩm của nông dân ra thị trường không biên giới. Buudien.vn ra mắt vào năm 2021 nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu sản phẩm cho các nhà cung cấp trên sàn.
Buudien.vn cung cấp miễn phí toàn bộ phần mềm quản lý kho hàng, quản lý sản phẩm, quản lý đơn hàng... cho nhà cung cấp khi tham gia bán hàng trên sàn. Đối tượng bán hàng trên buudien.vn là doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân tại địa phương có sản phẩm với chất lượng được kiểm định.
Thay đổi tư duy
Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, những năm qua nhiều mô hình trên địa bàn tỉnh bắt đầu ứng dụng hiệu quả CĐS vào canh tác, chăn nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Các cấp hội nông dân và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi vẫn còn lúng túng, chưa hiểu hết nội hàm của CĐS trong sản xuất nông nghiệp; việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm còn khá khiêm tốn; đa số nông dân chưa nắm rõ quy trình đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Đối với sản phẩm OCOP của tỉnh, mặc dù đã được đầu tư về dây chuyền, cơ sở chế biến nhưng phần lớn còn mang tính thủ công nên mẫu mã, hình thức chưa được đẹp, bắt mắt. Việc liên kết, tiêu thụ và để sản phẩm đi vào các thị trường lớn như siêu thị, trung tâm thương mại, hay giao dịch trên sàn thương mại điện tử chưa phát huy được hiệu quả.
[VIDEO] - Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ tại diễn đàn:
Thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay diễn ra rất nhanh, thay đổi từng ngày, từng giờ trên các lĩnh vực; tuy nhiên việc tiếp cận, ứng dụng của nông dân vào sản xuất kinh doanh vẫn chưa bắt kịp xu thế chung của thế giới.
"Vì vậy, các cấp hội, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phải là lực lượng tiên phong trong việc thay đổi tư duy, nhìn nhận đúng về CĐS trong sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong thời gian tới" - bà Tâm nói.
Tại diễn đàn, Hội Nông dân tỉnh tổng kết hội thi "Nông dân với ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" năm 2024 và trao giải cho 10 dự án khởi nghiệp xuất sắc trong tổng số 55 dự án tham dự.