Giữ gìn đặc sản lúa can

Chủ nhật - 05/11/2023 23:42
Ở thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong, Đại Lộc), người dân quê hiện vẫn còn lưu giữ giống lúa can bản địa cho gạo thơm ngon, có màu tím than đặc trưng. Thời gian tới cần có giải pháp bảo tồn, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP cho đặc sản lúa can…
Sản phẩm gạo lúa can (thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong) được trưng bày tại hội chợ nông sản của huyện Đại Lộc. Ảnh: H.LIÊN

Sản phẩm gạo lúa can (thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong) được trưng bày tại hội chợ nông sản của huyện Đại Lộc. Ảnh: H.LIÊN

Cứ vào tiết thu đông (từ tháng 7 tới tháng 10 dương lịch), tại những bãi biền ven sông Vu Gia đi qua thôn Mỹ Hảo, người dân lại tranh thủ thời gian đất nghỉ để gieo lúa can.

Điều rất lạ là trong khi nhiều giống lúa ở địa phương chỉ gieo sạ vào vụ đông xuân, hè thu và ruộng đồng bị bỏ hoang vào mùa mưa lụt thì ngược lại, lúa can lại được gieo trồng trong tiết thu đông.

Năm nào cứ mưa lụt nhiều kéo theo lượng phù sa đổ về lớn thì cây lúa can càng trĩu bông. Do đây là giống lúa có kinh tế và năng suất thấp nên người dân không mặn mà trong việc nhân rộng diện tích trồng. Giống gieo sạ là giống kế mí, tức mùa trước để lại cho mùa sau, nên cũng không có đại lý bán lúa giống.

Với người con Đại Phong xa quê, đi đâu cũng nhớ hình ảnh bữa cơm gia đình được nấu bằng gạo lúa can cho bát cơm có màu tím than, hương vị không lẫn vào đâu được. Rồi cả kỷ niệm về tô mỳ Quảng thơm lừng do các bà, các mẹ tráng bằng gạo lúa can.

Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, người con của xã Đại Phong (hiện sống ở Đà Nẵng) chia sẻ: “Dù xa quê đã lâu nhưng mỗi lần về giỗ chạp, tôi và nhiều người trong tộc họ cố gắng vận động bà con, người quen nấu cho được bữa mỳ Quảng từ hạt gạo lúa can để ai cũng được thưởng thức hương vị quê nhà. Đó cũng là dịp nhắc nhớ con cháu về tình yêu làng quê, yêu hương vị đặc trưng của món ăn truyền thống, một loại đặc sản riêng có của Đại Phong”.

Ông Nguyễn Thành Tuyến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Phong chia sẻ, thôn Mỹ Hảo hiện có khoảng 200 hộ trồng lúa can với tổng diện tích đất màu làm lúa hơn 18,5ha.

Cứ đến mùa lụt, bà con lại gieo lúa can, còn các vụ khác chỉ gieo hoa màu. Đây là giống lúa cho sản lượng từ 130 - 140kg/ sào. Vì không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không làm cỏ, không bón các loại phân, lại dễ chăm sóc nên người dân trong vùng cũng gọi đây là lúa “3 không”.

Hạt lúa can cũng to hơn các loại lúa thường như BC15, lúa thơm… và có màu tím than. Ngoài việc được sử dụng để nấu cơm, làm mỳ lúa can, gạo lúa can còn được dùng để tráng bánh, làm trà gạo lúa can có tác dụng uống mát gan, làm bột ngũ cốc cho trẻ em…

Ông Phạm Sau - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Phong cho biết, lúa can được gieo sạ như hạt lúa nước trời, cứ có lụt vào thì lúa trúng và ngược lại. Giống lúa này bị ngâm lụt không chết, ngược lại càng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao nhờ phù sa bồi đắp. Sau mỗi đợt thu hoạch, người dân giữ lại một ít giống để gieo trồng cho vụ sau.

“Đây là giống lúa bản địa cần được bảo tồn, gìn giữ, phục tráng, chọn lọc tạo giống chuẩn. Xã cũng muốn xây dựng đặc sản này trở thành sản phẩm OCOP nhưng vì diện tích trồng còn manh mún, sản lượng ít, tiêu thụ tại chỗ, chưa thể xây dựng được chuỗi giá trị liên kết. Người dân sản xuất ra bán mua, trao đổi hàng hóa trong vùng với mỗi ký gạo lúa can bán tại chỗ có giá 40 - 50 nghìn đồng, không đủ sản lượng bán ra nơi khác dù giá cao đi nữa” - ông Sau nói.

Tác giả bài viết: Triệu Nhan

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 19170

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2279564

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15387167