Ngư dân, chủ thể nghề cá có trách nhiệm

Thứ tư - 29/11/2023 20:16
Chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá trách nhiệm là cấp thiết vì mục tiêu khai thác hải sản bền vững. Hơn lúc nào hết, ngư dân cần đặt ở vai trò trung tâm trong mối quan hệ với ngư nghiệp và ngư trường.
Nghề cá trách nhiệm bắt đầu từ mỗi ngư dân tuân thủ các quy định đánh bắt hải sản hợp pháp. Ảnh: Q.VIỆT

Nghề cá trách nhiệm bắt đầu từ mỗi ngư dân tuân thủ các quy định đánh bắt hải sản hợp pháp. Ảnh: Q.VIỆT

uân thủ quy định

Mùa biển động, ngư dân Quảng Nam vẫn nhộn nhịp ra khơi đánh bắt hải sản. Ngư dân Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-90315 hành nghề lưới vây là thành viên của tổ đoàn kết khai thác hải sản số 1 xã Tam Quang.

Trong tổ còn nhiều thành viên khác cùng thôn như Phạm Xuân Anh, Lê Văn Năm, Huỳnh Văn Song, Huỳnh Văn Diệp… cùng nghề lưới vây đánh bắt hải sản ở quần đảo Hoàng Sa. Khi ra khơi, các thành viên thường xuyên hỗ trợ nhau về tọa độ ngư trường, chia sẻ thông tin về đàn cá lớn để cùng đánh bắt đạt sản lượng. Khi không may gặp sự cố chết máy, hỏng máy… thì đoàn kết tương trợ.

Khi đánh bắt hải sản trên biển, các thành viên thường xuyên nhắc nhở nhau phải tuân thủ các quy định về khai thác hải sản, không vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.

“Bình quân mỗi năm, một tàu cá của tổ đoàn kết vươn khơi 12 chuyến biển, mỗi chuyến ít nhất 20 ngày. Nhờ sự đoàn kết gắn bó nên từ khi thành lập đến nay, tất cả thành viên của tổ đều hoạt động an toàn, hiệu quả” - ông Lệ nói.

Sở NN&PTNT đang tập trung chuyển đổi các nghề cá ven bờ sang nghề dịch vụ khai thác hải sản, nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản, nuôi hải sản trên biển. Đối với nhóm tàu cá vùng khơi đang hoạt động, tuyên truyền ngư dân không xâm hại môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi hải sản. Quảng Nam khuyến khích, hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi hải sản gồm khai thác - thu mua - bảo quản - chế biến - tiêu thụ hải sản.

Theo ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, ngư dân ngày càng khẳng định vai trò chủ thể của nghề cá có trách nhiệm.

Ngoài các tàu không ra khơi hoặc đang xả bản, các tàu đang sản xuất có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt xong và vận hành thiết bị giám sát hành trình ở mỗi chuyến biển. Ngư dân sản xuất xa bờ đều ghi nhật ký khai thác hải sản bằng thủ công hoặc điện tử đúng quy định để truy xuất nguồn gốc hải sản sau khai thác.

Đến nay, tín hiệu đáng mừng là các khuyến cáo về chống IUU của Ủy ban châu Âu được các ngư dân thực hiện tốt, khắc phục đánh bắt hải sản trái quy định, không báo cáo và không được quản lý.

Trong năm 2021, ngư dân trên địa bàn tỉnh có khai thác hải sản ở các vùng biển nước bạn. Từ năm 2022 đến nay, tình trạng đó đã được chấn chỉnh nhờ vào tuyên truyền của ngành chức năng và tự chuyển biến ý thức của ngư dân. Việc ngư dân thực thi tốt các quy định của Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019 cho thấy khả thi trong lộ trình phát triển nghề cá bền vững của tỉnh.

Khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi

Nghề cá nhân dân bấy lâu nay được hiểu theo nghĩa biển là của mọi nhà, ai cũng được khai thác, diễn ra với quy mô nhỏ, mạnh ai nấy làm nên phát sinh hệ lụy ô nhiễm môi trường biển, suy giảm sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi suy kiệt.

Mặt trái đó của nghề cá nhân dân trở thành nỗi bức bối, vấn nạn của chính ngư dân khi trữ lượng hải sản không đáp ứng được sản lượng đánh bắt ở mỗi chuyến biển. Ngư dân cần thay đổi hành vi; trách nhiệm với nghề cá biểu hiện ở chỗ bảo vệ nguồn lợi để khai thác hiệu quả, lâu dài.

Cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản triển ở xã đảo Tân Hiệp (Hội An) và Tam Tiến (Núi Thành) đã cho thấy sự thiết thực.

Ngư dân Phạm Phú Hòa (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) chia sẻ, tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi hải sản rạn Bà Đậu (thôn Hà Lộc) hoạt động 1 năm qua đã giảm hẳn tình trạng đánh bắt hải sản bằng các phương tiện hủy diệt.

Hằng ngày, những ngư dân vừa khai thác hải sản vừa theo dõi, phát hiện những tàu cá giã cào, tàu sử dụng mắt lưới nhỏ để nhắc nhở, vận động sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi.

Điều cốt lõi nhất của đồng quản lý nghề cá là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản.

Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, Núi Thành cho biết, tuy mới đi vào hoạt động được 1 năm nhưng mô hình đồng quản lý nghề cá đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Bà con ngư dân được nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên về không sử dụng chất nổ, xung điện, mắt lưới cỡ nhỏ, nhất là không khai thác các loài hải sản chưa đạt kích thước hoặc trong thời kỳ mang trứng như tôm, ghẹ...

Ông Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, đồng quản lý nguồn lợi hải sản ở các khu vực biển Cù Lao Chàm phát huy hiệu quả. Nhận thức, ý thức của bà con về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng cao. Các hành vi vi phạm Luật Thủy sản đã không còn, nguồn lợi hải sản phục hồi, phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, ở các vùng biển chưa có đồng quản lý nghề cá, nguồn lợi, sinh thái biển bị suy giảm mạnh, nên cần nhân rộng mô hình đồng quản lý ra toàn tỉnh để lan tỏa hiệu quả, phát huy vai trò chủ thể của ngư dân trong hài hòa khai thác và bảo vệ nguồn lợi.

 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Quang

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 34284

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2266831

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15374434