(QNO) – Nhiều loại hoa màu cho vụ tết hư hại do thời tiết diễn biến bất lợi khiến nhà nông dân lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Tiên – ở thôn Phú Phước, xã Đại An chăm giàn khổ qua vụ tết. Ảnh: Q.L
Rau quả năng suất thấp
Những ngày này, hàng trăm hộ dân canh tác trên cánh đồng Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) bắt đầu gieo giống, chăm sóc rau màu vụ tết. Công việc cứ liên tục gián đoạn do những cơn mưa bất chợt. Trên gương mặt nhiều người toát lên sự lo lắng và phiền muộn.
Đang cho hàng khổ qua leo giàn, ông Nguyễn Văn Tiên – ở thôn Phú Phước, xã Đại An nói, mưa lạnh mấy tuần trước khiến rau màu bị thiệt hại vô số. Khổ qua thì thân cành úa vàng, thối quả. Đậu ve thì không đạt năng xuất. Sâu bệnh, chuột phá hoại diện rộng.
“Vụ tết này, gia đình tôi trồng 1 sào khổ qua, đậu ve. Đậu tây khả năng kịp tết, còn khổ qua chắc ra Giêng. Do thời điểm mới nứt được mấy lá, gặp thời tiết thất thường nên khổ qua phát sinh bệnh cháy lá. Tôi phải chăm bón, phun thuốc mấy đợt mới dập được bệnh. Tín hiệu tích cực là cây đã phát triển trở lại” – ông Tiên cho biết.
Thu hoạch đậu ve ở ruộng kế bên, vợ chồng bà Tăng Thị Thu cũng ở thôn Phú Phước cho biết, năm nay năng suất rau màu đều giảm do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh. Riêng bà trồng 2 sào đậu ve, đang thu hoạch 1 sào. Đáng lo nhất, 1 sào bán dịp tết có nhiều cây bị thối rễ, vàng gốc.
“Làm nông chỉ chờ vụ tết là chính. Giờ chỉ mong từ nay tới tết thời tiết diễn biến thuận lợi để cây trồng phát triển tốt, nông dân được mùa” – bà Thu nói.
Bấp bênh hoa vụ tết
Không biết từ nguyên nhân nào, hoa cúc lại mắc bệnh thối thân, nhánh, búp khiến hàng trăm hộ trồng hoa tết ở phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn) đang rất âu lo. Nhiều hộ, số cúc mắc bệnh chiếm diện tích trồng đến nửa vườn và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Gia đình ông Ngô Ký - ở khối phố Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung trồng 50.000 cây cúc lê nhưng số lượng cây chết không đếm xuể. Ông Ký nói, phương pháp trồng tương tự mọi năm và cây phát triển rất tốt trong giai đoạn đầu. Song khi bắt đầu đẻ nhánh và cho búp thì cây xuất hiện bệnh. Dù ông đã tích cực chăm sóc, phun thuốc nhưng không khả quan.
Tương tự, ở hộ ông Đinh Nam (khối phố Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung), trồng 30.000 cây cúc vụ tết nhưng đã chết hơn 50%, chủ yếu là giống cúc lê. Ông Nam cho biết, khoảng 1.000 cây cúc giống có giá 300 nghìn đồng, cộng thêm chi phí phân, thuốc đã hơn 30 triệu đồng. Với mức độ thiệt hại như vậy, năm nay gia đình chỉ mong hòa vốn.
“Ngày nào cũng ra vườn nhổ bỏ cây chết mà nóng ruột. Bỏ công chăm bón kỹ càng rồi nhưng không ăn thua. Cúc trồng thành hàng mà giờ thưa thớt dần. Có lẽ thời tiết xấu nên cúc bị ảnh hưởng” – ông Nam cho biết.
Cũng theo ông Nam, người trồng hoa ở Điện Nam Trung giờ chỉ trông chờ hết vào cúc đại đóa trồng chậu. Loại hoa này không bị sâu bệnh, nở kịp tết và phần lớn đã có khách hàng đặt mua. Nếu giá cả ổn định thì một số nhà vườn có thể bù lại khoảng vốn bỏ ra ở những diện tích cúc mắc bệnh.