"TAM NÔNG" Ở VÙNG ĐẤT PHÙ SA - Bài 3: Mơ ra biển lớn
Thứ năm - 29/06/2023 22:04
(QNO) - Điện Bàn, từ 420 năm trước đã là vùng đất trù phú của xứ Đàng Trong, sản xuất nông nghiệp tạo nên nhiều sản phẩm có tiếng tăm. Giờ đây Điện Bàn đang hướng đến nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bắt đầu với các sản phẩm mang thương hiệu địa phương nhưng ấp ủ giấc mơ ra biển lớn thị trường hàng hóa.
Điện Bàn cần liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất
Kết nối chuỗi giá trị
“Tam nông” ở vùng đất phù sa Điện Bàn như thế “kiềng ba chân” có quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời nhau. Trong hành trình đổi mới, dưới ánh sáng của các nghị quyết, chính sách đúng đắn, người nông dân vươn lên làm chủ quá trình sản xuất, đưa nông nghiệp phát triển, làm trụ đỡ cho nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc quê hương.
Tuy nhiên qua nhiều năm phát triển, trên tổng thể kinh tế nông nghiệp Điện Bàn vẫn cần lên kết chuỗi giá trị mới tạo nên sức bật, đột phá. Mơ ra biển lớn thị trường nhưng quy mô hàng hóa nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị thì sẽ khó đáp ứng được từ phía người sản xuất đến tiêu dùng. Bởi sản phẩm nông nghiệp ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa còn hướng tới xuất khẩu, do đó nông dân hoặc hợp tác xã (HTX) nhỏ lẻ khó có thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu mà phải liên kết giữa các nông hộ dưới tổ chức HTX, và sau đó liên kết, kết nối với các doanh nghiệp lớn thì mới có thể đủ năng lực đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Quảng Nam cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản xuất theo các hình thức liên kết đạt từ 20% giá trị sản phẩm các loại cây trồng, và đến năm 2030 tỷ lệ này là 50%.
Mô hình liên kết mới nhất của Điện Bàn có thể kể là tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ HTX Nông nghiệp Điện Hồng 1 triển khai dự án liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa theo chuỗi giá trị trong vụ đông xuân 2022 – 2023. Theo đó, HTX Nông nghiệp Điện Hồng 1 liên kết với Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng tổ chức cho nông dân địa phương sản xuất 20ha hạt giống lúa lai Việt Lai 20 và TH 3-4 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa lai giữa HTX Nông nghiệp Điện Hồng 1 và Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng khá hiệu quả, với năng suất lúa giống bình quân đạt hơn 60 tạ/ha, tổng giá trị đạt gần 160 triệu đồng/ha/vụ, nông dân thu lãi 80 - 100 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 4 lần so với làm lúa thương phẩm.
Phát triển sản phẩm OCOP
Hằng năm, cứ vào tháng 5, 6 âm lịch, chị Lê Thị Hương (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn), chủ cơ sở sản xuất ngũ cốc Hương Bột cùng với 5 nhân công lặn lội lên vùng Gò Nổi thu mua các loại đậu để chế biến bột ngũ cốc.
Chị Hương cho biết, cơ sở chị hiện có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, đó là Ngũ cốc và Trà đậu rang mộc. Từ khi được xếp hạng OCOP, sản phẩm của Hương Bột được người tiêu dùng biết và sử dụng nhiều hơn, trung bình mỗi tháng chị bán ra ra thị trường từ 300kg đến 400kg, đặc biệt là dịp tết Nguyên Đán, các cơ quan đơn vị đặt hàng làm quà tặng nên số lượng sản phẩm sản xuất tăng gấp đôi, đem lại doanh thu mỗi năm cả tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thời vụ.
Sự hòa quyện từ mùi thơm của nếp, vị ngọt ngào của đường mía, vị béo thơm của mè rang, vị cay cay nồng ấm của gừng, khi thưởng thức nghe âm thanh giòn xốp của gạo đã làm nên một hương vị tinh khiết, mộc mạc, hoàn toàn từ thiên nhiên, không dùng bất kỳ chất hoá học bảo quản nào đã thổi hồn cho bánh Khô mè Bà Ly (phường Điện Phương, Điện Bàn) trở thành sản phẩm OCOP năm 2020.
Hiện cơ sở bánh Khô mè Bà Ly có hệ thống máy móc và dây chuyền hiện đại, đầu tư gần 600 triệu đồng, tuân thủ quy trình sản xuất và được chứng nhận hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chị Hương và chị Ly chủ hai cơ sở này có chung một mơ ước đó là làm thế nào để sản phẩm của mình được tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc.
Điện Bàn hiện có 24 sản phẩm của 17 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP, là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh. Tuy vậy số lượng sản phẩm được thị trường cả nước tiêu thụ còn khiêm tốn mặc dầu đã được quảng bá thông qua nhiều hình thức.
Liên kết từ sản xuất cây trồng, đến liên kết trong khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP, đều cần đặt dưới thước đo chuỗi giá trị hàng hóa và thị trường. Đó là con đường để nông nghiệp Điện Bàn vươn ra biển lớn.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho rằng để tạo “cú hích” đưa sản phẩm OCOP Điện Bàn ra thị trường lớn, ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước, về phía thị xã cần hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục để đưa sản phẩm quảng bá trên trang thông tin điện tử, tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ lớn trong nước nhằm xúc tiến thương mại.
Đối với các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần phối hợp với thị xã và các ngành chức năng của tỉnh, cung ứng sản phẩm tham gia các hội chợ, đồng thời tổ chức một mạng lưới tiêu thụ bắt đầu từ việc hình thành trung tâm thương mại, cửa hàng OCOP ở các cửa ngõ giao thương.
Phù sa châu thổ Thu Bồn vẫn đang dưỡng nuôi đứa con Điện Bàn trên hành trình hiện đại hóa “tam nông”!