TRUNG ƯƠNG HỘI Hội thảo khoa học “Cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp”

Thứ ba - 25/06/2024 20:39
Sáng nay (25/6), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp”.
Đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN; Nguyễn Hoàng Hiệp- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương Hội NDVN cùng đại diện lãnh đạo Hội Nông dân của 22 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho biết: Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; theo đó, nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, được xác định là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của nông dân.

 

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, thời gian qua, các cấp Hội trong cả nước đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số vào trong các hoạt động của Hội. Đặc biệt, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp, Khoa học và công nghệ, tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, các cấp Hội cũng đã tăng cường hoạt động phối hợp với ngành chức năng liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào hoạt động quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

 

Thông qua việc xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao tại nhiều địa phương, các cấp Hội còn phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn giúp hội viên, nông dân nâng cao trình độ về công nghệ thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng số; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kỹ năng livestream, xây dựng các video; giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử…

 

Nhờ đó, đã góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Đến nay, theo thống kê đã có hàng vạn sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử; trong đó, nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang được chào bán trên các sàn thương mại điện tử có uy tín và đạt doanh số bán hàng khá cao.

 

“Đặc biệt, ngày càng có nhiều nông dân trên cả nước, nhất là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào các khâu quản lý, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… cho thấy đang mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác đã được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước, phân bón… để dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại. Từ đó, giúp tạo ra nhiều cơ hội gia tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào các điều kiện môi trường, thời tiết và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn”- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.

 

Anh-tin-bai

Toàn cảnh Hội thảo khoa học do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức

 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số ở nước ta nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng vẫn đang còn nhiều hạn chế, gặp phải không ít vướng mắc, khó khăn như: Về thể chế; sự phối hợp tổ chức thực hiện; hạ tầng số trong nông nghiệp còn lạc hậu, không đồng bộ, thiếu kết nối chia sẻ thông tin của tất cả các khâu (từ sản xuất, quản lý, logicstic, thương mại nông sản…).

 

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cũng đã chỉ ra 4 vấn đề về những khó khăn, hạn chế, thách thức liên quan tới người nông dân khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp như sau: Một là, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của chuyển đổi số còn hạn chế nên người nông dân chưa chủ động học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số.

 

Hai là, để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, người nông dân cần có kiến thức, kỹ năng về công nghệ và quản lý dữ liệu. Trong khi đó, trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của nông dân còn thấp.

 

Ba là, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa phù hợp, chưa kịp thời, chưa quan tâm việc hỗ trợ cho các Hợp tác xã và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, chi phí ban đầu có thể là một thách thức đối với nhiều nông dân, đặc biệt là ở các khu vực nông nghiệp nhỏ và cơ sở hạ tầng kém phát triển nên chưa khích lệ, thúc đẩy nông dân, hợp tác xã thực hiện.

 

Bốn là, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo phương pháp truyền thống và phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân, trình độ khoa học kỹ thuật của nông dân còn hạn chế. Vì thế, sự chuyển đổi thái độ, chấp nhận và thích nghi với các công nghệ mới có thể là một thách thức.

 

Anh-tin-bai

Đồng chí Bùi Bá Chính- Phó Giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo 

 

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận sôi nổi và đánh giá rất khách quan về thực trạng, cơ hội và những thách thức đối với người nông dân trong chuyển đổi số và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình thực tiễn; nêu đề xuất các giải pháp về số hóa trong nông nghiệp nhằm chuyển đổi nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đáp ứng dần các yêu cầu mới đặt ra của thị trường hiện nay.

 

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp”

 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Duy Hiển đánh giá: Hiện nay, công tác truy xuất nguồn gốc nông sản của chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen.

 

Bên cạnh những chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và một số thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam ngày càng được cải thiện; các tổ chức, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu ngày càng cao trong ứng dụng truy xuất nguồn gốc thông tin sản phẩm; yêu cầu về công khai, minh bạch hàng hóa, nông sản từ các nước nhập khẩu cũng đang hối thúc các nhà sản xuất trong nước phải nghiêm túc thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản...

 

Thực tế cho thấy, hoạt động truy xuất nguồn gốc hiện còn đang rất phân tán, chưa đồng bộ. Việc kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Đáng chú ý, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, sai phạm về truy xuất nguồn gốc (chẳng hạn như vấn đề gian lận mã số vùng trồng). Việc sản xuất ở nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn nhất định khi áp dụng công nghệ hiện đại. Tình trạng thiếu nhân lực khiến công tác kiểm tra thông tin, dữ liệu đầu vào cập nhật trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản chỉ dừng lại ở công đoạn hậu kiểm; thói quen sản xuất, canh tác, chăn nuôi theo đặc thù vùng miền, không có quy trình rõ ràng, khó áp dụng truy xuất nguồn gốc... 

 

“Có 3 hoạt động đề xuất với Hội Nông dân cần thực hiện, đó là: Khai thác dữ liệu từ hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn; hỗ trợ các hội viên, nông dân công cụ truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là các Hợp tác xã; tập huấn, đào tạo, hướng dẫn triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc với hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

 

Đối với người nông dân, có 5 hoạt động cần thực hiện, gồm: Thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc; công dân số; tham gia các Hợp tác xã, tổ sản xuất, nông hộ để liên kết sản xuất, hưởng lợi chính sách thông qua tổ chức cơ sở; tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; tham gia hệ thống khuyến nông phục vụ sản xuất”- Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Đặng Duy Hiển đề xuất.

 

Anh-tin-bai

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ một số kinh nghiệm của nông nghiệp số tại Hà Lan

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế- Trung ương Hội NDVN Nguyễn Thị Việt Hà cũng chia sẻ một số kinh nghiệm và bài học thu được từ chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN, do Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm làm trưởng đoàn tại Hà Lan vừa mới đây.

 

Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ: Hà Lan là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 trên thế giới; giá trị nông sản xuất khẩu đạt 100 tỷ EUR/năm. Hiện nay, 100% nông dân ở Hà Lan đều tiến hành việc ghi chép và lưu giữ hồ sơ về các hoạt động sản xuất; 100% vật nuôi được đăng ký kỹ thuật số (định danh). Nông nghiệp số ở Hà Lan canh tác chính xác thông qua hệ thống cảm biến; máy bay không người lái; ghi chép nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc; công nghệ phân tích đất trong trồng trọt, thức ăn chăn nuôi…

 

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hải- Giám đốc Hợp tác xã hữu cơ Bình Minh, tỉnh Bắc Giang cũng đã chia sẻ về những vấn đề thực tế đang diễn ra của Hợp tác xã khi mạnh dạn ứng dụng việc chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp. Hiện nay, Hợp tác xã hữu cơ Bình Minh đang có 4 trang trại với tổng diện tích chăn nuôi khoảng 4,5 ha; quy mô trang trại đang duy trì nuôi 1.000 con lợn nái, 10.000 con lợn thương phẩm. Đáng chú ý, Hợp tác xã đã áp dụng chuyển đổi số từ khâu chế biến rồi quay ngược trở lại khâu chăn nuôi.

 

Cụ thể, việc quản lý sản xuất các sản phẩm chế biến như: Thịt lợn, giò lụa, chả lụa, xúc xích heo thảo dược... đã được gắn 34 mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thông qua đó, người tiêu dùng sẽ nắm được các thông tin chi tiết của từng sản phẩm, giúp tạo ra tính minh bạch của sản phẩm cũng như góp phần củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số. Các sản phẩm của Hợp tác xã đang được tiêu thụ tại nhiều chuỗi thực phẩm sạch lớn và có uy tín ở thành phố Hà Nội; Hợp tác xã tìm kiếm và dần mở rộng hệ thống phân phối để sản phẩm tiếp tục được lan tỏa tới nhiều khách hàng hơn.

 

Nhờ tích cực ứng dụng chuyển đổi số, Hợp tác xã chăn nuôi ngày càng hiệu quả. Theo thống kê, doanh thu mảng giết mổ, chế biến thịt năm 2023 đạt khoảng 41 tỷ đồng. Hợp tác xã cũng đang tạo việc làm cho 11 lao động chính thức và 31 công nhân thời vụ với mức lương bình quân đạt khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

 

Anh-tin-bai

Chuyên gia Nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy- Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chuyển đổi số

 

Theo chuyên gia Nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy- Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp một phần bắt nguồn từ những hạn chế về kiến thức, kỹ năng công nghệ của hội viên, nông dân; ngoài ra, hạ tầng công nghệ ở nhiều khu vực, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập. Một số cán bộ Hội còn khá mơ hồ, chưa hiểu rõ về chuyển đổi số, thậm chí có cán bộ lớn tuổi còn chưa sử dụng thành thạo thiết bị di động thông minh. 

 

Cùng với đó, chi phí cao cho việc đầu tư ban đầu để thực hiện chuyển đổi số cũng là “bài toán” nan giải lớn khiến cho người nông dân không mặn mà do không đủ nguồn lực. Tại một số địa phương, trong quá trình sản xuất, nông dân vẫn còn phải ghi số liệu nhật ký sản xuất bằng tay rồi mới nhập thủ công lên máy tính, việc này đang tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, chưa kể trường hợp sai lệch…

 

Anh-tin-bai

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì và điều hành tại buổi Hội thảo

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời nhấn mạnh: Trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo rất quyết liệt và đầu tư chuyển đổi số nông nghiệp ở cấp tỉnh trước rồi sẽ tiếp tục nhân rộng. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số tại tỉnh Đồng Tháp cho thấy nhiều kết quả rất tốt.

 

Thực tế, cơ hội về ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp của nông dân là rất lớn. Trong đó, cơ hội về nhu cầu của người dùng và người sản xuất về truy xuất nguồn gốc hiện nay còn rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chúng ta cũng cần nhìn ra những thách thức, khó khăn hiện hữu, đó là sản xuất còn đang manh mún (Việt Nam có 9,6 triệu hộ gia đình, nhưng có đến 24 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ). Mặt khác, tư duy và thói quen trong sản xuất nông nghiệp của nông dân và khả năng ứng dụng công nghệ còn đang rất thấp; chi phí ứng dụng cho chuyển đổi số cao nhưng lợi ích lại không rõ ràng…

 

“Chúng ta phải xác định chuyển đổi số khác với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề đặt ra là quy trình và cách làm. Làm thế nào để trong một quy trình khai báo về truy xuất nguồn gốc thì người nông dân phải khai báo ít nhất. Để làm được điều này rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Nông dân Việt Nam”- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

 

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho rằng: “Muốn chuyển đổi số trong nông nghiệp thì cần phải có người nông dân số”

 

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm bày tỏ lời cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo khoa học. Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp. Các cấp Hội cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân trong liên kết sản xuất.

 

“Muốn chuyển đổi số trong nông nghiệp thì cần phải có người nông dân số”- Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm khẳng định.

 

Tác giả bài viết: Thanh Duy

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Hội Nông dân Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 22


Hôm nayHôm nay : 14529

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 714505

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 16623409