QUẢNG NAM - Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Nguyễn Thị Phượng về quê mở trang trại nuôi dúi, bị bố mẹ mắng "cho ăn học chẳng khác nào đốt tiền".
Chị Nguyễn Thị Phượng đam mê nuôi dúi, dù từng bị bố mẹ phản đối. Ảnh: Đắc Thành
Sáng ngày cuối tháng 6, chị Phượng, 36 tuổi, thức dậy sớm ra ruộng mía gần nhà chặt bó lớn mang về trang trại. Từng cây mía dài hơn 1,5 m được chị chặt nhỏ cho vào chuồng để dúi ăn.
Trang trại phân ra hai khu riêng biệt, một khu phía sau nhà rộng hơn 100 m2 nuôi gần 200 con từ dúi nhỏ đến dúi bố mẹ để trưng bày và giới thiệu khi khách đến tham quan, học hỏi mô hình. Một khu rộng hơn 200 m2, cách nhà khoảng 300 m, nuôi hơn 200 con dúi sinh sản. Sinh ra trong gia đình nông dân có ba người con, năm 2007 chị Phượng thi đậu chuyên ngành Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Yêu động vật, chị thường xuyên tìm hiểu, làm quen nhiều người chăn nuôi. Một người đã cho Phượng mượn khu đất để thử nghiệm nuôi dúi.
Là loài gặm nhấm, dúi trưởng thành nặng từ 0,7 đến 2 kg, thịt thơm ngon. Do đặc tính ăn đêm ngủ ngày, dúi không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn là thân cây, củ các loại. Tuy nhiên, muốn nuôi dúi, người dân cần xin phép kiểm lâm, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật.
Năm 2008, chị Phượng dành 15 triệu đồng bố mẹ cho để mua máy tính ra Thái Nguyên mua 10 cặp dúi. Với một sinh viên, đó là số tiền khá lớn. Do vận chuyển bằng xe khách, về đến nơi dúi chết mất 9 cặp, còn một cặp. Không nản chí, ngày lên giảng đường học bài, đêm chị Phượng lên mạng tìm hiểu, mua thêm giống về nuôi với mơ ước mở trang trại.
Năm 2011, Phượng tốt nghiệp đại học nhưng không chọn hướng đi giống bạn bè tìm việc làm ở lại thành phố mà về quê thuê đất mở trang trại nuôi dúi. Tam Lãnh là xã miền núi, nguồn thức ăn cho dúi phong phú, dễ trồng.
Nghe con gái nêu ý tưởng, bố mẹ Phượng phản đối. Bố chị nói cho con ăn học để kiếm được việc nhàn hạ, làm thoát khỏi cảnh làm nông, hỗ trợ nuôi hai em ăn học, đằng này quay về quê nuôi dúi, chẳng khác nào "đốt tiền" của ông bà.