Dấu ấn nông dân xứ Quảng: Nỗ lực phát triển kinh tế

Thứ ba - 29/08/2023 20:28
Trong hai ngày 28 & 29/8, tại TP.Tam Kỳ, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023 - 2028). Trong 5 năm qua, mặc dù đối diện với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, thiên tai gây hại, biến động của kinh tế toàn cầu…, cán bộ và hội viên nông dân toàn tỉnh vẫn tạo được những dấu ấn đậm nét trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho nông dân. Ảnh: PV

Tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho nông dân. Ảnh: PV

Từ năm 2018 đến nay, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư phát triển mạnh kinh tế hộ nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Đáng ghi nhận, 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi phát triển mạnh trên toàn tỉnh.

Hỗ trợ vốn vay

Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh cho biết, trước thực trạng phần lớn hội viên thiếu vốn đầu tư mở rộng, phát triển các mô hình kinh tế, thời gian qua các cấp HND xác định hỗ trợ nguồn vốn cho nhà nông có điều kiện sản xuất - kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần đặc biệt chú trọng.

Từ năm 2018 - 2023, vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh tăng trưởng hằng năm hơn 10 tỷ đồng (đạt 200%), nâng tổng nguồn quỹ của tỉnh lên 75 tỷ đồng và đã cho 3.700 lượt hộ vay. Cùng với đó, nguồn quỹ của cấp huyện và cấp xã hơn 54 tỷ đồng, cho hơn 1.300 hộ vay.

Các cấp HND trên địa bàn Quảng Nam cũng thực hiện tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng khác trong việc giúp nông dân vay vốn phát triển kinh tế.

Trong đó, có 45.028 hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ gần 2.004 tỷ đồng, 8.573 hộ vay vốn của Ngân hàng NN&PTNT với dư nợ hơn 687,5 tỷ đồng và 1.828 hộ vay vốn của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt với dư nợ 100 tỷ đồng…

Tiếp sức nhà nông

Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, giai đoạn 2018 - 2023, HND tỉnh trực tiếp mở 499 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 15.464 lao động. Số lao động học các nghề phi nông nghiệp theo mô hình vừa học lý thuyết, vừa thực hành tại các cơ sở sản xuất và đã có hơn 90% có việc làm ổn định sau đào tạo.

Những năm qua, Hội Nông dân các cấp tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân quảng bá và tiêu thụ những mặt hàng nông sản chủ lực. Ảnh: PV
Những năm qua, Hội Nông dân các cấp tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân quảng bá và tiêu thụ những mặt hàng nông sản chủ lực. Ảnh: PV

HND tỉnh còn liên kết với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất - Quảng Ngãi mở lớp cao đẳng nghề vận hành thiết bị chế biến dầu khí cho 30 học viên. Số học viên này đã ra trường và được bố trí việc làm ổn định, có thu nhập cao.

Đáng ghi nhận, 5 năm qua, bình quân hằng năm HND các cấp chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho 300 nghìn lượt hộ nông dân. Từ đó, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho nhà nông áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Thận - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho hay, những năm qua chương trình dịch vụ cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp được triển khai mở rộng, đáp ứng nhu cầu của nông dân.

Từ năm 2018 - 2023, HND các cấp đã cung ứng 25.830 tấn phân bón các loại có chất lượng tốt (tổng trị giá 325,4 tỷ đồng) theo hình thức trả chậm. Qua đó, giúp hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân thiếu vốn chủ động được nguồn phân bón chất lượng đầu tư sản xuất.

Đặc biệt, chương trình đã khắc phục được tình trạng nông dân mua phải phân bón giả, kém chất lượng. HND các cấp cũng cung ứng cho nông dân hơn 60 nghìn cây ăn quả, hàng chục nghìn cây lâm nghiệp các loại trị giá gần 3,4 tỷ đồng và 18 máy nông cụ trị giá 300 triệu đồng…

Thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

Năm 2014, gia đình ông Đặng Ngọc Trung ở thôn An Phú (Quế Mỹ, Quế Sơn) đầu tư 2,1 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi heo thịt quy mô lớn. Tổng diện tích chuồng trại là 1.000m2 với 20 ô chuồng có máng ăn, nước uống tự động, giàn lạnh làm mát heo và có nhà kho chứa thức ăn, hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Chăn nuôi bò lai theo phương thức hàng hóa và an toàn dịch bệnh là hướng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở nhiều địa phương. Ảnh: PV
Chăn nuôi bò lai theo phương thức hàng hóa và an toàn dịch bệnh là hướng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở nhiều địa phương. Ảnh: PV

Theo ông Trung, ngoài việc hỗ trợ về hồ sơ thủ tục, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, Hội Nông dân xã Quế Mỹ còn tạo điều kiện cho ông vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh.

Cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành liên quan cũng xét hỗ trợ ông 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước theo cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Hơn 8 năm qua, ông Đặng Ngọc Trung liên kết với doanh nghiệp nuôi gia công mỗi năm ít nhất 2 lứa heo thịt tại trang trại, bình quân mỗi lứa khoảng 800 - 900 con. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi lứa ông Trung lãi ròng 200 triệu đồng.

Ngoài ra, ông đầu tư 200 triệu đồng xây dựng thêm gia trại nuôi 10 con heo nái, 50 con heo thịt và heo rừng lai. Trừ chi phí, hằng năm gia trại này cho lợi nhuận 100 triệu đồng...

Đáng chú ý, các hoạt động sản xuất - kinh doanh của ông Trung giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động và việc làm thời vụ cho 25 lao động với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lương Văn Ánh - Phó Chủ tịch HND huyện Quế Sơn cho biết, nhờ nông dân tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi, đặc biệt là linh hoạt và nhạy bén trong phát triển sản xuất - kinh doanh nên 5 năm qua trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho giá trị cao. Tính đến cuối năm 2022, Quế Sơn có 4.950 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, tăng 125 hộ so với đầu năm 2018.

Mô hình trồng rừng nguyên liệu giúp rất nhiều hộ nông dân ở huyện miền núi Hiệp Đức vươn lên làm giàu. Ảnh: PV
Mô hình trồng rừng nguyên liệu giúp rất nhiều hộ nông dân ở huyện miền núi Hiệp Đức vươn lên làm giàu. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Út nhìn nhận, trong nhiệm kỳ qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thu hút sự tham gia đông đảo của hội viên, nông dân.

Toàn tỉnh hiện có 321.940 lượt hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Số hộ này đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 6,5 triệu lượt lao động, trong đó có hơn 2 triệu lượt lao động có việc làm thường xuyên. Cạnh đó, giúp đỡ vốn, cây - con giống và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 7 triệu lượt hộ nông dân…

Từ năm 2018 - 2023, các cấp HND của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Trong nhiệm kỳ qua, có 2.271 hộ được các cơ sở hội nhận giúp đỡ thoát nghèo (đạt 181,68%) với tổng số tiền gần 12,7 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện nay xuống còn 6,63%.

Đáng chú ý, HND tỉnh đã tổ chức 4 lần hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp với hơn 300 gian hàng, hơn 1.500 sản phẩm hàng hóa các loại và doanh số bán hàng của mỗi hội chợ đạt hơn 3 tỷ đồng.

Đặc biệt, HND tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, có 1.625 hộ có sản phẩm được HND các cấp hướng dẫn đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart...


Tác giả bài viết: Nguyễn Sự - Vinh Anh

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 34063

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2260173

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15367776