Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội Nông dân đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Thứ hai - 05/06/2023 22:15
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội” (gọi tắt là Kết luận), hoạt động của Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung, phương thức được đổi mới theo hướng linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn cơ sở “sát dân, gần hộ”, lấy hội viên nông dân làm nòng cốt, đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Bàn giao “Mái ấm nông dân” cho nông dân Trần Mậu Toại có hoàn cảnh khó khăn  về nhà ở tại thôn Phú Phong (xã Đại Tân). Ảnh: T.C.T

Bàn giao “Mái ấm nông dân” cho nông dân Trần Mậu Toại có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại thôn Phú Phong (xã Đại Tân). Ảnh: T.C.T

  Những kết quả đạt được
        Nhận thức việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, là xu thế tất yếu quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức Hội, cũng như khẳng định vai trò, “chỗ đứng” của mình trong hệ thống chính trị. Các cấp Hội đã chủ động, quyết liệt đổi mới trên mọi hoạt động từ công tác xây dựng tổ chức Hội đến các phong trào. Trước hết là công tác tuyên truyền không đơn thuần là tuyên truyền “chay” thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền cơ sở mà lồng ghép nhiều cách để phát huy hiệu quả thực sự, nhất là thông qua các mô hình, dự án kinh tế, qua các hoạt động sân khấu hóa: hội thi, hội diễn. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh thực hiện chuyên mục truyền hình “Diễn đàn các cấp Hội Nông dân”, Chương trình “Phát thanh nông dân” được phát sóng hằng tuần trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh Truyền hình huyện của các địa phương; Chương trình Game Show Quê mình xứ Quảng, mỗi năm chọn 6 - 8 huyện để thực hiện. Đây là sân chơi thiết thực nhằm tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò nông dân trong phát triển nông nghiệp, đóng góp xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân gian ở các địa phương, gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm. Hầu hết các cấp Hội linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội, thành lập các nhóm Zalo, Facebook, fanfage… để điều hành, thông tin, báo cáo hoạt động kịp thời.


Hội Nông dân tỉnh tặng quà cho hội viên nông dân các xã biên giới huyện Nam Giang

            Đổi mới nội dung sinh hoạt ở các Chi, tổ Hội, theo đó phân công cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp tham gia sinh hoạt với nông dân hằng tháng, quý. Qua sinh hoạt nhằm thông tin những chủ trương, chính sách mới để người dân biết, thực hiện, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị của nông dân; định hướng dư luận trong nhân dân. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được các cấp Hội thực hiện khá tốt, tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nông dân. Riêng đối với Hội Nông dân tỉnh, hằng năm đều tham mưu tổ chức đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ hội viên nông dân, qua đối thoại giải quyết, tháo gỡ được rất nhiều vấn đề vướng mắc, hạn chế, bức xúc trong nông dân, được nông dân đồng tình hưởng ứng; Đối với cấp cơ sở tổ chức nhiều diễn đàn lắng nghe ý kiến của nông dân đóng góp cho công chức chuyên trách ở địa phương trên các lĩnh vực khó, nhạy cảm như: công an, địa chính, tư pháp, lao động thương binh, xã hội…
          Cùng với những hoạt động đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững là phong trào chủ lực, có sức lan tỏa lớn của Hội. Phong trào này đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn và đã đạt những kết quả to lớn, tạo động lực khích lệ động viên hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu. Hằng năm có gần 300 ngàn lượt hộ đạt nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (SX-KDG) các cấp, chiếm tỷ lệ 40% so với tổng số hộ nông dân, nhiều mô hình, gương nông dân SX-KDG tiêu biểu được tuyên dương, nhân rộng, đóng góp tích cực ở địa phương trong công tác an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện.
         Việc giúp nông dân thoát nghèo có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, với quan điểm “Trao cần câu, chứ không trao con cá”, “hỗ trợ cái nông dân cần chứ không hỗ trợ cái mình có”, các cấp Hội tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với hộ nông dân nghèo, vận động kinh phí từ các tổ chức, cá nhân để trao sinh kế cho hộ nghèo. Với cách làm như vậy, hằng năm Hội trực tiếp giúp 250 hộ thoát nghèo bền vững, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
       Hội Nông dân các cấp phát huy được trách nhiệm của mình cũng như vai trò “chủ thể’ của nông dân trong xây dựng Nông thôn mới, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”. Qua hơn 10 năm, đã có gần 5.000 hộ dân hiến gần 255.000m2 đất, tháo dỡ hàng ngàn công trình, vật kiến trúc, cây cối để làm đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi; thực hiện chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, di dời chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; Duy tu bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với HND tỉnh giao chỉ tiêu mỗi tổ chức Hội phải đảm nhận một phần việc, một công trình ý nghĩa thể hiện được cái riêng, cụ thể của HND, tránh trường hợp “một con gà nhiều đoàn thể báo cáo”. Qua đó nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng như: Cụm dân cư kiểu mẫu, Mô hình ngày thứ sáu trong dân, Tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp”, Tuyến phố an toàn, văn minh… Góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
          Một trong những hoạt động đổi mới hiệu quả, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của nông dân, thể hiện được trách nhiệm chăm lo bảo vệ cho nông dân, đó là dịch vụ hỗ trợ nông dân. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Hội Nông dân trong giai đoạn hiện nay, các cấp Hội không ngừng vận động tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) đến nay 110 tỷ đồng; vốn ủy thác Ngân hàng CHXH: gần 2.000 tỷ đồng giúp cho 42.325 lượt hộ vay; vốn liên tịch với Ngân hàng NN&PTNT 787 tỷ đồng cho 8.473 lượt hộ vay; vốn liên tịch với Ngân hàng Liên Việt 105 tỷ đồng giúp cho 1.152 hộ vay. Các nguồn vốn này đều phát huy hiệu quả, giúp nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, hạn chế vay tín dụng đen. Dịch vụ cung ứng phân bón với hình thức trả chậm (đầu vụ cung ứng, đến cuối vụ nông dân mới trả tiền) mỗi năm cung ứng gần 10 ngàn tấn phân bón cho nông dân; 12 ngàn cây giống ăn quả các loại. Các sản phẩm, đặc biệt là phân bón được Hội Nông dân tỉnh ký kết hợp đồng với các công ty đặt hàng riêng mang thương hiệu của Hội Nông dân đảm bảo chất lượng, giá ổn định so với thị trường, tránh được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Đặc biệt năm 2022, giá phân bón tăng đột biến, nhưng giá phân bón do Hội Nông dân tỉnh cung ứng vẫn ổn định, giúp cho nông dân lợi hàng chục tỷ đồng.
          Công tác đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn có chuyển biến rõ nét, đem lại hiệu quả thiết thực. Khảo sát để đào tạo theo nhu cầu của nông dân, phục vụ cho việc sản xuất, chăn nuôi của lao động nông thôn. Hằng năm trực tiếp đào tạo cho hơn 3.000 lao động; phối hợp đào tạo cho gần 5.000 lao động, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo gần 90%. Các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông sản, Hội chợ, phiên chợ... được thường xuyên tổ chức ở các địa phương, thu hút đông đảo nông dân, các chủ thể tham gia. Đặc biệt, các năm gần đây Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội chợ Trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp, mỗi hội chợ thu hút gần 200 gian hàng với 500 mặt hàng sản phẩm nông nghiệp, Ocop, công nghiệp, nông thôn tiêu biểu, doanh thu gần 3 tỷ đồng/Hội chợ. Điều quan trọng qua mỗi Hội chợ không chỉ giúp nông dân bán sản phẩm mà còn giới thiệu, quảng bá, liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

     Đổi mới, song vẫn còn hạn chế
      Công tác tuyên truyền, vận động nông dân mặc dù đổi mới cả nội dung, hình thức nhưng kết quả vẫn còn hạn chế, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước chưa đến được với nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
 Một bộ phận cán bộ Hội còn thụ động trong công việc, nhất là tìm kiếm cái mới, nổi bật, sáng tạo cho hoạt động phong trào. Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở một số địa phương vẫn còn e dè, ngại va chạm, chưa thể hiện được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh toàn diện. 
 Các phong trào nông dân, nhất là nông dân thi đua SX-KDG, chất lượng ở một số nơi còn thấp, thiếu tính bền vững; các mô hình, gương tiêu biểu trong làm kinh tế giỏi được nhân rộng chưa nhiều, số lượng, tỷ lệ nông dân SX-KDG cấp TW tỷ lệ còn khá khiêm tốn. Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong tham gia xây dựng NTM ở địa phương có nơi còn mờ nhạt; “chủ thể’ của người dân chưa được phát huy triệt để, tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân.
Liên kết, kết nối, hỗ trợ, tư vấn giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở một số nơi chưa được thực hiện tốt, tình trạng “nông dân tự tìm kiếm, tự bơi trong biển lớn thị trường” vẫn còn xảy ra. Vai trò liên kết giữa 4 nhà (Nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) trong hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp còn mờ nhạt. Do vậy người nông dân thiếu kiến thức về kỹ thuật cũng như thiếu định hướng thị trường, sản phẩm đầu ra không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn còn xảy ra.

     Giải pháp thời gian đến
     Một là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng tuyên truyền, bám sát thực tiễn, tăng cường tham mưu tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền, các ngành với nông dân; tuyên truyền, vận động nông dân bằng nhiều hình thức: sinh hoạt chi, tổ Hội; hoạt động của các câu lạc bộ “Nông dân SX-KDG”; Chi, tổ Hội nghề nghiệp… gắn việc sinh hoạt với hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật; hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình bảo vệ môi trường, hạn chế tuyên truyền vận động “chay”; phát huy hiệu quả các kênh tuyên truyền của Hội, ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền và đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên ở cơ sở.
        Hai là, kiện toàn, củng cố tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội năng động, sáng tạo, bám sát cơ sở, gần gũi với dân, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc theo phương châm “Óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm”. Kiến nghị, đề xuất cấp ủy lựa chọn con người để phân công công tác tại Hội Nông dân, tăng cường cán bộ trẻ, cán bộ nữ, hạn chế tình trạng bố trí cán bộ lớn tuổi sắp nghỉ hưu hoặc cán bộ “có vấn đề” làm công tác Hội.
         Ba là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và đổi mới công tác kiểm tra theo hướng cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nghiệp vụ đối với cơ sở, kịp thời phát hiện, uốn nắn, ngăn ngừa sai phạm. Phát huy trách nhiệm của tổ chức Hội trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường kiểm tra, giám sát lại việc thực hiện Kết luận đã giám sát. Đề xuất, tham mưu tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nông dân, giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của nông dân. Đặc biệt, đối với cấp tỉnh duy trì việc đối thoại hằng năm giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân. 
          Bốn là, đổi mới cách thức triển khai tổ chức thực hiện phong trào nông dân SX-KDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức cho nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang công nghệ cao, từ coi trọng sản lượng sang giá trị sản phẩm, sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm; loại bỏ tư duy “Lợn hai chuồng, rau hai luống” “Sản xuất để bán khác sản xuất để ăn”. Phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực vốn có của nông dân với tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, ý chí vươn lên của từng hộ gia đình trong làm giàu, vươn lên thoát nghèo. Xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi phù hợp; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, giúp nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Khảo sát hộ nghèo, nhất là các huyện miền núi, thường xuyên tổ chức đối thoại với người nghèo, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hộ nghèo, nhằm giúp đỡ về vốn, kiến thức kỹ thuật, đào tạo nghề… hỗ trợ mọi điều kiện giúp thoát nghèo bền vững.
         Năm là, nâng cao chất lượng và mở rộng các loại hình dịch vụ hỗ trợ nông dân như: Cung ứng giống cây trồng, con vật nuôi, máy nông cụ, phân bón, thức ăn chăn nuôi phục vụ cho nông dân sản xuất theo phương thức trả chậm; Tổ chức đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu người học, thị trường gắn với việc tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi được đào tạo; đào tạo với phương châm “cầm tay chỉ việc”; đào tạo lý thuyết gắn với thực hành. 
          Sáu là, phối hợp với các ngành tư vấn, định hướng cho người dân hạn chế bỏ đất hoang, tập trung, tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất lớn hoặc cho doanh nghiệp thuê; có giải pháp hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm địa phương phù hợp với đặc điểm tình hình từng vùng, miền, sản phẩm Ocop; mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo mô hình nhóm liên kết Tổ hợp tác, HTX, trang trại, gia trại. Thường xuyên tổ chức các Hội chợ để trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm, liên kết, kết nối thị trường tiêu thụ; Xây dựng các cửa hàng, Trung tâm Ocop, các trang Web để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; Hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh trên cả thị trường truyền thống và thị trường hiện đại (các sàn giao dịch); kinh doanh online.
          Bảy là, các cấp Hội cần phải đổi mới và đa dạng nội dung, cách thức tuyên truyền vận động để nông dân nhận thức và ý thức được trách nhiệm chủ thể của mình trong xây dựng NTM, đô thị văn minh, nông dân chính là người trực tiếp xây dựng NTM và được thụ hưởng thành quả NTM do chính mình làm ra; xây dựng NTM “có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc”; NTM có bền vững, có “luôn luôn mới” hay không là do người dân quyết định. Tiếp tục nhân rộng các mô hình khu, cụm dân cư NTM; Xây dựng, duy trì hoạt động các CLB văn hóa, văn nghệ thể dục, thể thao ở thôn, xóm; vận động nông dân thực hiện nếp sống mới, văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; Phối hợp triển khai các mô hình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi, góp phần xây dựng NTM ở Quảng Nam ngày càng hiện đại, văn minh./.
                                                                                                                         
                                                                                                            
Lê Thị Minh Tâm
                                                                 Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh 

 

Tác giả bài viết: Lê Thị Minh Tâm - TUV, Chủ tịch HND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 96875

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2188570

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15296173