Đồng hành hỗ trợ nông dân thoát nghèo

Thứ hai - 11/09/2023 18:56
Thời gian qua, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Phước Sơn đã phát huy hiệu quả giúp đỡ hội viên nông dân khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Mô hình nuôi heo rừng lai và heo đen bản địa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Thảo (xã Phước Đức). Ảnh: VĂN TOÀN

Mô hình nuôi heo rừng lai và heo đen bản địa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Thảo (xã Phước Đức). Ảnh: VĂN TOÀN

Cách đây 3 năm, chị Triệu Thị Thảo (dân tộc Nùng, ở thôn 5, xã Phước Đức) được Hội Nông dân huyện Phước Sơn hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng chăn nuôi. Với mô hình chăn nuôi heo rừng lai và heo đen bản địa, gia đình chị Thảo mở rộng trang trại cả héc ta để nhân rộng. Đến nay, tổng đàn heo rừng lai và heo đen của mô hình đã hơn 100 con.

Chị Thảo cho biết, nhờ có sự trợ giúp vốn kịp thời từ Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện nên gia định chị đã tìm được cho mình hướng đi ổn định để phát triển kinh tế.

“Hằng năm, gia đình tôi xuất bán khoảng 500 con heo thương phẩm và heo giống. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mỗi năm đạt hơn 200 triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình có điều kiện trang trải cuộc sống và cho con cái ăn học” - chị Thảo cho hay.

Hội Nông dân huyện Phước Sơn cho biết, đến nay tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện đang quản lý đạt hơn 700 triệu đồng, huy động từ nguồn ngân sách và nguồn đóng góp xã hội.

Theo đó đã có hơn 30 hộ nông dân khó khăn “khát vốn” làm ăn được quỹ hỗ trợ để phát triển kinh tế. Sau khi có nguồn thu nhập ổn định, hằng tháng các hộ mượn quỹ sẽ trả 1 phần vốn và chi phí quản lý cho Hội Nông dân.

Định kỳ các cấp hội nông dân cũng sẽ tổ chức kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở các hộ được mượn vốn chú tâm làm ăn, tích lũy để phát huy mục đích của Quỹ hỗ trợ nông dân.

Theo ông Vũ Đình Cuối - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Sơn, thời gian tới, Hội tiếp tục tăng cường công tác kêu gọi vận động để tăng nguồn quỹ. Cạnh đó sẽ mở rộng đối tượng được tiếp cận quỹ để nhanh chóng thoát nghèo.

Trong đó ưu tiên hỗ trợ những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có ý chí làm ăn, quyết tâm thoát nghèo nhưng đang cần vốn đầu tư phát triển kinh tế. Qua đây sẽ phát huy được ý nghĩa của Quỹ hỗ trợ nông dân trong hành trình giảm nghèo tại địa phương.

 Ông Vũ Đình Cuối cho biết, trước thực trạng vẫn còn hội viên nông dân người dân tộc thiểu số có tâm lý trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, vào cuối tháng 6/2023, Hội Nông dân huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Phước Sơn năm 2023.

Theo đó, mỗi xã, thị trấn phấn đấu có từ 20% trở lên hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tập quán lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng thời biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất.

“Chúng tôi đang triển khai tuyên truyền xuống cơ sở. Nội dung là phải sát và bằng mô hình cụ thể; có phương án hỗ trợ đối với hội viên quyết chí làm ăn chứ không làm tràn lan. Đồng thời sẽ tổ chức tham quan các mô hình hiệu quả thực tế để bà con biết, hiểu và áp dụng” - ông Vũ Đình Cuối nói.

Tác giả bài viết: Hoàng Thọ - Văn Toàn

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 19540

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2245650

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15353253