HND xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc vận động hội viên, nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Chủ nhật - 04/06/2023 20:11
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành nông nghiệp có nhiều điều kiện để phát triển, song trong quá trình sản xuất, người nông dân quá lạm dụng hóa chất, dẫn đến sản phẩm làm ra không an toàn đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đất đai bạc màu, sâu bệnh ngày càng tiến hóa để thích ứng. Cho nên, Hội Nông dân xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc xác định vận động hội viên nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp hữu cơ là việc cần thiết.
Cánh đồng sản xuất đậu phộng để chế biến ra dầu phộng an toàn Đại Thắng

Cánh đồng sản xuất đậu phộng để chế biến ra dầu phộng an toàn Đại Thắng

Hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức hội viên; phối hợp tổ chức quán triệt Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Luật an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định 109/2018/NĐ-CP, ngày 28/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ,… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tạo cho người nông dân thói quen sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược cho nông nghiệp...
Tiếp theo, Hội Nông dân xã nỗ lực liên kết để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Hội liên kết với Công ty thực phẩm NOOM đóng tại Thăng Bình để sản xuất đậu phộng, mè không sử dụng hóa chất. Thờ gian đầu triển khai gặp nhiều khó khăn, nông dân còn chần chừ do dự, không tham gia, bởi nông dân đã quen sử dụng thuốc cỏ, thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV), phân hóa học.
Năm đầu tiên 2017, Hội nông dân xã cùng với Công ty thuê 2 ha đất 5% của UBND xã tại thôn Phú Xuân Nam (cũ) để sản xuất thử nghiệm. Hội Nông dân xã chịu trách nhiệm vận động nhóm hộ nông dân sản xuất và trực tiếp theo dõi giám sát. Công ty chịu trách nhiệm hướng dẫn qui trình kỹ thuật gieo tỉa, chăm sóc. Kết quả, sau khi trừ chi phí lãi mỗi ha 82 triệu đồng, gấp 1,2 lần so với sản xuất thông thường. Ban đầu đã tạo được niềm tin cho nông dân.
Sang vụ Đông xuân 2018, nông dân đăng ký sản xuất thêm 3 ha, nâng tổng diện tích lên 5 ha. Nhưng do một số hộ còn sử dụng hóa chất, thuốc BVTV nên sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Các diện tích còn lại sản xuất đúng quy trình kỹ thuật vẫn tiếp tục cho thu nhập cao gấp 1,5 lần.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã vận động thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với hơn 20 hộ nông dân tham gia, diện tích đã tăng lên 10 ha. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, trong đó phát huy vai trò nông dân tự giám sát, tự quản với nhau, theo nguyên tắc “5 tự; 5 cùng” khi phát hiện có trường hợp sử dụng thuốc BVTV thì điện báo ngay cho tổ trưởng tổ hội và sẽ được thông báo trên cụm truyền thanh khu vực đó; Công ty cũng đã tăng cường kiểm định đất, nên toàn bộ sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, được Công ty bao tiêu thu mua 100%. Số diện tích và số hộ tham gia sản xuất đậu phộng, mè hữu cơ tăng lên hằng năm.
Hiện nay, tổng diện tích sản xuất đậu phộng, mè là: 28 ha, với 65 hộ tham gia. Mức thu nhập sau khi trừ chi phí là 94,4 triệu đồng /ha, tăng gấp 1,6 lần so với sản xuất các loại nông sản thông thường.
Đến nay công tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đi vào nề nếp, hội viên, nông dân rất phấn khởi, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân. Từ sản phẩm đậu phộng, mè sạch này, HTX Nông nghiệp Đại Thắng đã chế biến ra dầu phộng an toàn Đại Thắng, đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn 3 sao, đây cũng là sản phẩm OCOP của xã.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã đã mạnh dạn liên kết với Công ty giống Thái Bình (ThaiBinh Seed) để sản xuất lúa giống và ngô giống. Hằng năm, vận động nông dân sản xuất từ 150- 180 ha lúa giống, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 lần so với sản xuất lúa thông thường. Đặc biệt trong năm 2022, Hội Nông dân xã đã phối hợp với HTX nông nghiệp vận động nông dân sản xuất thử nghiệm thành công hơn 03 ha hạt giống ngô nếp TBM18 mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2,5 lần so với sản xuất ngô thông thường. Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng đã trực tiếp tham gia dự án, sản xuất 200 mét vuông, có thu nhập 4 triệu đồng, tương đương 10 triệu đồng/sào (500 mét vuông), làm điển hình cho hội viên tin tưởng làm theo.
Theo ông Hồ Văn Chín - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Thắng: “Vấn đề “được mùa - mất giá”, “được giá - mất mùa”, là vấn đề thường xuyên của nhà nông. Vì vậy, vai trò của tổ chức Hội Nông dân, của HTX nông nghiệp là rất quan trọng. Do đó, để đảm bảo cho sự liên kết ổn định, bền vững giữa nhà nông và doanh nghiệp, trong thời gian đến Hội Nông dân sẽ xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp với UBND xã và HTX nông nghiệp tổ chức triển khai thực hiện, đề ra những giải pháp đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích trong liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và nhà nông trên nguyên tắc cả hai bên cùng có lợi; thực hiện tốt hơn nữa công tác liên kết sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp hữu cơ; làm nên nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cho hội viên nông dân”.  

Tác giả bài viết: Hoài Thảo

Nguồn tin: Hội Nông dân tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 46642

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2239174

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15346777